LTS: Huyền Thư, tên thật là Tăng Thị Huyền Anh sinh ngày 29/11/1997. Quê quán: Phú Lương - Đông Hưng - Thái Bình. Hiện Huyền Thư đang học tập tại: Wellington, New Zealand.
Cô gái tuổi 19 này mới bắt đầu viết từ 2015 nhưng đã có sách xuất bản (in chung) “Viết cho mùa gió trở”, và nhiều tác phẩm xuất hiện trên nhiều trang văn chương Việt.
Thơ Huyền Thư có cách nghĩ và diễn đạt rất trẻ:
- Cắt tóc bao lần cũng không biết sao để hồn mình trẻ lại;
- Hết lòng cho người ta... để cuộc hai mươi có thêm thứ để dành!...
Song cũng nặng những suy tư, trách nhiệm của người trẻ.
Sông Hương trân trọng giới thiệu chùm thơ mới của Huyền Thư, nhân ngày đầu xuân Bính Thân 2016
ĐỂ DÀNH CHO HAI MƯƠI
Em về để bắt đầu hai mươi
Mùa xuân từ căn nhà có cây lộc vừng hoa xoè bừng đỏ
Ngồi nhìn mưa phùn ướt đêm nằm trên lá ngủ
Lá ngả xanh xao như thể hai mươi sẽ phải mất rất nhiều
Về đội khăn tang lên đầu
Thắp nén nhang thơm cho giọt nước mắt còn nợ người thiên cổ
Mặc lại áo hồi lên năm, lên mười giờ cất vùi trong tủ
Để nhìn lại mình trước gương bằng cuộn phim đen đỏ ngày xưa
Gặp lại cậu bé hàng xóm lớn lên xa nhau, chỉ biết nói đùa:
" Đàn ông chúng mày một tay che trời, xa nào biết nhớ"
Nó cười:
" Ai bảo thế, cứ xa là khổ!
Mày cứ đi đi rồi biết không đâu đầy đủ như ở nhà."
Hai mươi hẹn lại một cuộc đi xa
Những chuyến bay một mình không có gì để dành ngoại trừ đơn độc
Mang đến chỗ người ta
làm đứa trẻ ngày xưa hay khóc
Giờ cố bao nhiêu cũng chỉ để đó... sụt sùi
Chẳng biết lấy gì mà vui
Cắt tóc bao lần cũng không biết sao để hồn mình trẻ lại
Mà khóc, mà cười, mà yêu thương như hết lòng cả khi ngây dại
Hết lòng cho người ta... để cuộc hai mươi có thêm thứ để dành!
TRƯỞNG THÀNH
Một ngày nhận ra trưởng thành là sự thoả hiệp xa rời những cánh đồng đất nâu
Đặt chân trần chênh vênh ra khoảng không và biến mình thành đứa trẻ dãi dầu, trầm mặc
Mắt mình nhoà đi nơi thế gian của lòng người phản trắc
Đôi lần thổn thức nhưng lại giật mình chẳng thể cảm thông
Rồi biết nhiều hơn về những khoảnh khắc ngóng trông
Mình ngóng người xa, mẹ trông mình về nhà làm một đứa trẻ
Giá trị của đớn đau dạy cho khát khao được trở về thơ bé
Về ngày còn tin rằng đâu đó vẫn nhiều những ngã rẽ bình yên
Ngày biết mình phải trưởng thành là lúc tóc mẹ bạc thêm
Vai cha bỉ bền giờ cũng mỏi mòn mỗi chiều mưa nhức nhối
Mình làm được gì và mình ở đâu lúc họ đau buồn sớm tối?
Hay giữa lối mòn đưa đẩy tới miền đất lạ xa
Nhiều lần mong ước được trở về nơi đã sinh ra
Nằm trước hiên nhà và học thứ tha cho những ngày lòng mình đầy bão
Nhìn thấy mẹ cười dẫu đất lầy lấm lem đôi bàn chân một dạo
Ngồi ngay trên khoảnh đất nhà mình để chắc rằng đã từng thuộc về đâu
Trưởng thành không giống như âm điệu mẹ từng hát đôi câu...
CON HỎI VỀ QUÊ HƯƠNG
Con từng hỏi nhiều về định nghĩa quê hương
Cha kể cho nghe từ những tháng ngày giờ thuộc về dĩ vãng:
"Giặc Tàu, giặc Tây, giặc Pháp
Ngày ấy các cụ khổ lắm con ơi!
Nếu có đi xa, chợt thấy rưng rưng nhớ phía chân trời
Con hãy nghĩ:
'Quê hương là đôi cánh bồ câu trong tiếng à ơi ngày tìm đường về tổ' "
Cha à,
con nhớ!
Những câu chuyện tận thuở cũ xa xưa...
Lũ bạn con thân hay tủm tỉm trêu đùa:
"Quê mày có gì đâu ngoài mùi đòng bông lúa"
Chúng đâu biết đấy là hơi thở,
là mùi mồ hôi cha đổ xuống đất bùn
Và trong con
đó là quê hương
là dấu chân biết khôn từ mấy điều giản dị
Mùa Thu năm nay về trễ
Nắng chín đậm màu trên những mái nhà ngói phủ rêu phong
Đôi tiếng kinh cầu vẳng qua ngõ hơi trầm
Đó! Tiếng quê hương bằng giọng tâm linh từ thời thiên cổ
Quê hương gọi con là đứa nhỏ
Khát tiếng mẹ ru với lúc sẻ nâu nháo nhác gọi bầy
Con gọi quê hương là hoàng hôn đỏ
Con nước sông chiều
lấp loáng tóc dài mẹ thả như mây
Hoá ra nỗi nhớ vơi đầy
Là quê hương đó, ở ngay tim mình!
(TCSH325/03-16)