NGUYỄN TRỌNG TẠO
Trở lại Huế
Trở lại Huế mưa vẫn mưa như cũ Màu trời buồn như thuở ra đi Bạn làm thơ giờ viết báo nuôi thơ Tổng biên tập Sông Hương mặt rầu như đá xám Những đứa em hiệp sĩ với chính mình Chợ Bến Ngự thêm vài ba người lạ Đêm ca Huế những nụ cười trượt giá Áo vẫn dài nón vẫn trắng mắt vẫn đen...
Trở lại Huế dăm hè đường lát đá Tiếng lá rơi ngõ vắng cũng giật mình Cô bán hàng là con cô bán hàng ngày trước Rượu vẫn là rượu Hiếu dốc Phú Cam Góc sân chùa ngày ấy tôi hôn em Giờ trai gái cũng hôn nhau ở đấy Cổng uỷ ban hình như vừa sơn lại Cửa Tam Toà thấp thoáng áo chùng thâm...
Đêm lang thang cùng Thanh Tú đượm buồn Chuông điện thoại thở dài Văn Cầm Hải Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn viết văn bằng miệng Ngô Minh gửi bài lách tách nhấn i-meo Gallery nhiều bức tranh nữ tính Công viên trưng bày những tượng đá mô-đen Cầu Trường Tiền mưa phủ ướt hồn em Thành quách cũ niêm phong dần trí nhớ...
Trở lại Huế bước chân sầu vạn cổ Ngồi chuyện trò cùng ký ức lưu kho Ngày trở về mà cứ ngỡ ra đi Lời chào chia tay hay lời chào gặp lại Thôi tạm biệt Huế ơi tím tái dòng sông chảy Ngôi biệt thự ngăn đôi hai cánh cổng màu ghi Lâu lâu đón tôi về lâu lâu tiễn tôi đi... Huế, 9.11.2002
DIỆP MINH LUYỆN
Khúc ca về cây dương liễu
Trên doi đất như mũi tên chọc ra biển Trơ lại một cây dương liễu xanh não nề
Những mai hồng mơn man ngọn nồm ve vuốt Dương liễu hát bài ca trữ tình du dương Du khách bảo trên đời chẳng ai yêu đời hơn nó
Những đêm tối âm u bão giông xô quật Dương liễu rũ lá âm thầm Mặc sóng gào, gió giật Mặc tất Liễu vẫn đứng bền gan Không một du khách nào hay biết
Cứ sau mỗi cuộc chiến Dương liễu lại hồi sinh Cành lá nhắm trời xanh vươn đến Vi vút hát những bài ca không lời Những bài ca không dành cho ai Và chẳng ai hiểu những bài ca nó hát Vì chỉ nó, một mình nó biết Hát là để bắt đầu những mầm xanh tiếp theo...
NGUYỄN VIỆT TƯ
Bốn mươi chiếc lá
Em chẳng phóng sinh tôi Em giam cầm tôi mãi Trí tưởng tượng không còn tồn tại Để đêm đêm thế giới bóng em đè Nửa hành tinh đang lăn vào khuya Hương mất ngủ trong mui trời trăn trở Gió đi đâu? Khi cánh hồng đang mở Đợi một giọt sương rơi Bà chúa đăng quang Hoàng hậu lên ngôi Giữa vương quốc kẻ tội đồ lăn lóc Cống phẩm cạn Nô tì bị ghét Ướt nửa đời Lênh láng mộng mong manh Không phế truất được em! Để mở cửa giấc mơ chinh phạt
Ai dâng tha thiết? Cho tôi khoả trắng tâm hồn Tách vỏ hạt yêu Hy vọng mọc mầm Con chữ thôi câm - Bập bẹ Mắt mùa đông lướt trên gót trẻ Khúc xuân hoa dù nở muộn lời yêu Viễn du em Chếnh choáng chiều chiều Giữ chặt trong tay Bốn mươi chiếc lá.
LÊ VIẾT XUÂN
Chợ quê
Một mình đi chợ cuối năm Tôi như lạc giữa hương thầm sắc quê Râm ran mua bán bốn bề Hồn nhiên chào hỏi lời quê mặn nồng Chạm vào nỗi nhớ tê lòng Những ngày giáp tết ngóng trông mẹ về Con gà đất gáy te te Mồ hôi áo mẹ ướt nhoè mắt con Bây giờ gà đất chẳng còn Đồ chơi bằng nhựa vô hồn trẻ thơ... Chợ quê hay chính hồn quê Mà khôn nguôi gọi ta về, người ơi!
TRẦN LAN VINH
Sang sợi
Một ngày Rồi lại Một ngày Gió ngồi Gỡ nút Chỉ may Rối chiều
Hai ngày Rồi lại Hai ngày
Xâu sợi Đêm gầy Qua lỗ Trôn kim
Trời nắng Thả ngải Đi tìm
Trời mưa Giăng cái Nỗi niềm Chung chiêng
Lần xem Chân nhện Xe duyên
Mũi thương Mũi nhớ Như ghim Nặng lòng
Chờ ngày Sang sợi Qua sông... Huế, 1/2003
MAI VĂN PHẤN
Biến tấu con quạ
* Tử khí kéo ngọn bấc tới đỉnh trời Con quạ rực sáng * Khai sinh Sau tiếng quạ kêu Ra đi không cưỡng lại Gói bọc được mở ra Sự băng hoại không thể cất giấu Thầy lang đốt sách cuối vườn Tân dược trong kho đều quá hạn sử dụng Những phù thuỷ chịu hình phạt miệng bị đóng bởi những móc sắt
Khai sinh Khi quả chuông rơi xuống bất ngờ Chụp lên đầu người bõ già Con cá nhảy vào đám mây tự vẫn Buông ngang trời ngàn vạn lưỡi câu
Khai sinh Mực đổ dưới chân và máu vón cục ở yết hầu, phế quản Viết một nét lên trang đầu thấm suốt cả ngàn trang sách. * Bổ nhào từ đỉnh cao Bằng đôi cánh sắc Lấy tâm điểm xác chết Chém toác bầu không Gió hấp tấp không kịp băng bó. * Móc từ hốc mắt những nhãn quan Di ảnh là vật chứng Mổ vào lưỡi và kéo dài Phơi dưới trời bài học khẩu ngữ
Bóc từng mảng thịt Tháo rời tứ chi Sổ tung lục phủ ngũ tạng
Hộp sọ vừa được dựng lên Rêu đã phủ đầy Không viết nổi những dòng bi ký. * Con quạ mơ Mọi cái chết đều được sắp đặt
Sau tiếng quạ kêu Ai đã tự nguyện nằm xuống. * Con quạ bay vào phòng Một ngón tay yếu ớt giơ lên Ý nói: Đây là họng súng Là lưỡi mác Thậm chí cuốc thuổng Thậm chí chính ngón tay rất cứng Đúng hơn là đông cứng Rồi băng đá Rồi rữa tan. * Đừng đến gần bóng râm Chúng là con quạ Xoã cánh lúc hoàng hôn, rạng đông
Nanh vuốt bám gió Xay nghiền là khô Bẻ những cành vượt
Nhà thơ trú trong bóng râm Những con chữ bị khoét mất mắt. * Trông Sự vật Trừng trừng Bởi chớp mắt Bóng quạ Ập tới.
Bóng mình Không cất tiếng Sợ biến thành gà con. * Một số người trỗi dậy từ đám đông, khoác áo đen, mang mặt nạ đen. Vừa chạy, họ vừa đập cánh tay vào hai bên sườn. Đầu cố ngước lên. Bóng đen bay là là mặt đất. * Đậu trên chạc cây trong trạng thái bội thực và ngủ gật, con quạ mơ mỗi mẩu thức ăn đang nén chặt trong diều biến thành quả trứng. Đàn quạ lũ lượt chui khỏi ngũ quan, lập tức sà xuống săn mồi theo bản năng của loài ăn thịt. * Những đau khổ tột cùng ngoái nhìn đời sống tưởng chừng đã chết. Chiếc áo khoác kêu thất thanh khi đi qua bàn tủ. Máy điện thoại im lìm ngủ. Chiếc kẹp ghim mở miệng cố giấu đi móng vuốt. Chiếc chổi móc vào tay người lao công, kéo chị ta về bên hố rác. Chiếc mũ trên đầu kêu thảng thốt, rồi cúi xuống rỉa hết mặt nhân viên bảo vệ. Không ai mở cổng. Nhiều người vẫn tìm được lối đi vào. * Những linh hồn thoát xác tìm cách quay về chiến đấu với loài quạ dữ. Sau những loạt đạn không gây sát thương, khói hương căng thành bảng, viết con chữ đầu tiên của bài học mới. * Đây là dòng cuối cùng trong một bản di chúc "Bắt đền lễ Thiên táng lúc xuất hiện bóng quạ". * Bóng đêm chui dần vào bụng quạ.
Cả chúng ta nữa, đang cồn cào cùng dòng sông đói khát. Những giọt nước đục tìm cách lọt qua khe vải. Mặt nước khổng lồ ghìm nén xao động, mong giữ lại bóng cây. Bật que diêm rồi, vẫn nhớ ngọn bấc còn rất xa. Vung tay lên, nói to một mình trong bóng tối.
Con quạ khật khừ xuyên đêm Thảng thốt kêu
Lần đầu tiên tiếng động ra đi không vọng lại. Tháng 5 năm 2002
(171/05-03)
|