Trần Ngọc Hòa - Trần Thu Hà - Phan Trung Thành - Phan Văn Chương - Lò Duy Bưu
TRẦN NGỌC HÒA
Mình cho em xin được sẻ chia
Phim tư liệu đã kết thúc rồi
Trường Sơn tuyến hậu cần huyền thoại
Mắt vẫn nhìn màn hình rưng rưng mãi
Mình ơi…
Mình nhớ đồng đội phải không?
Tiếng khóc vỡ òa bay trong thinh không
Bay về nơi những linh hồn có nhà mà chưa về được
Nơi có nỗi nhớ đong đưa trên từng chiếc lá rừng xanh mướt
Nơi lúc nào cũng sụt sùi một điều ước
Về bên mẹ bên cha.
Em nghe mình nhắc nhiều về những chuyến xe qua
Trường Sơn không có đêm
Chỉ có bom dội ầm ì, pháo sáng cào màn đêm rách xước
Sốt rét, bị thương, đói cơm... đoàn quân vẫn tiến về phía trước
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” là đây.
Mình hãy cứ khóc đi
Khóc cho bỏ nỗi tức tưởi bao ngày
Khóc người ăn búng báng thay cơm, sốt... chết
Khóc người chở lương khô chi viện chiến trường mà đói xanh xao vàng bệt
Khóc cô thanh niên xung phong tắt thở xẻng vẫn cầm tay.
Mốc hòa bình chỉ còn tính bằng mét/ bằng sải tay
Đoàn xe tiến vào Sài Gòn rầm rầm rộ rộ
Sợ bắn trúng dân - quen rừng - lạ phố
“Sắp được gặp mẹ rồi!”
Anh lính xe tăng nụ cười chưa kịp nở đã hy sinh.
Khóc đi
Dựa vào vai em đây này và hãy cứ khóc đi mình
Vết thương chiến tranh còn chạy lòng vòng trong cơ thể
Đồng đội/ nghĩa tình/ nỗi đau/ dâu bể
Mình cho em xin được sẻ chia...
TRẦN THU HÀ
Người đàn bà đi qua chiến tranh
Tiếng súng đã ngưng
Người đàn bà đi qua chiến tranh
Ngực căng, mắt cóng
Mòn tiếng ru - lưu đày giấc mơ làm mẹ - khứa vào lòng cay xé
Người đàn bà đi qua chiến tranh
Náu mình đếm niềm vui chờ tiếng kêu gọi mẹ
Những đứa bé…
Như giọt mưa axit lăn vào khóe mắt, chị nuốt đêm thoi thóp
Đời người vỡ giấc chiêm bao!
Người đàn bà đi qua chiến tranh
Tháng năm chị giặt là tấm áo nhân duyên chưa kịp mặc
Thời gian phừng phừng lửa cháy
Người đàn bà khỏa trăng tiếng rơi không chạm đáy
Đêm đêm tự vỗ sóng lòng
Người đàn bà đi qua chiến tranh
Rùng mình
Tẩy chay ngàn ngàn con ngươi lân tinh
Tự pha cho mình ly nước.
Đêm nay
Nhìn mảnh trăng treo làm trĩu ngực cánh đồng thiếu phụ
Chị cố nhớ khu rừng có nhiều hoa dại
Khi
Bóng tối đè lên
Ướt cả tiếng chim…
PHAN TRUNG THÀNH
Viết trước mùa Đông
Trở về
Sông vẫn sông xưa...
Mẹ mang áo ấm
Lên chùa tụng kinh
Đêm hôm làng xóm yên bình
Bố ngồi vót đũa
Truyền hình coi chơi
Tính xem mấy chục năm rồi
Mình đi đâu hỡi
Mình ngồi nơi đâu
Trở về không dám về lâu
Có ai đợi trước chờ sau
Không mình?
Bến đò Ca Cút còn linh
Cầu liền nhịp, sóng gọi tình đêm đêm
Bươi trăng lên động cát mềm
May ra gặp dấu chân em thuở nào...
PHAN VĂN CHƯƠNG
Còng gió và anh
Ngày lại ngày còng gió và anh
đo chiều dài của biển
chấm thuyền nâu khơi xa vàng lưới bạc gần bờ
cấp số cộng bàn chân gió bước
cộng ngày cộng tháng cộng năm
ngày lại ngày còng gió và anh
đo chiều rộng của biển
sóng trắng quá trải mình trắng quá
cấp số nhân thăm thẳm hoàng hôn
nhân ngày nhân tháng nhân năm
ngày lại ngày còng gió và anh
đo nông sâu của biển
triều ngập ngừng từng nhịp triều đi
váy chiều đăm đắm
bình phương ngày bình phương tháng bình phương năm
đo bây giờ đo tận mai sau
trong hơi thở nóng bừng trong eo lưng mặn nước
trong ánh nhìn biếc xanh trong rong rêu tóc xõa
lập phương trời
lập phương gió
lập phương mây
biển căng tròn sau mỗi vòng tay.
LÒ DUY BƯU
Từ ô cửa nhìn ra…
Khi màn đêm buông xuống
núi buồn bã, bóng đèn đong đưa chấp chới
hắt hiu từng giọt
lộp độp rơi xuống vườn khuya sóng sánh
từ ô cửa nhìn ra
là bao la bát ngát mây trời, với triệu vì sao lấp lánh
em nhớ anh chỉ mảnh trăng tình đơn côi mới hiểu
vụng về để lạc mất anh và rụng mất trăng
gió lao xao, lá xào xạc, anh ở đâu?
em mạo muội rời núi
ngây ngô kiếm tìm ở thành phố lạ
vắng anh, thiếu trăng mà đầy rẫy tòa nhà cao ốc
núi hoang dại, phố hiện đại, cô gái Đam Ri là em
ung dung dệt thổ cẩm bên ô cửa… nhưng
hoảng hốt nhìn ra tháng bảy đầy… mưa ngâu
từng hạt… ngân ngấn… giọt ngắn… giọt dài…
tháng bảy…
em…
mất anh & trăng… tự bao giờ?
(TCSH382/12-2020)