Nhịp sống thơ
Chùm thơ Phan Duy Nhân
16:49 | 15/10/2010
LTS: Phan Duy nhân là bút hiệu của một nhà thơ quen biết với bạn đọc trẻ miền Nam từ đầu những năm 60. Tên thật là Phan Chánh Dinh sinh năm 1941 quê xã Triệu Thượng, huyện Triệu Hải, Bình Trị Thiên, trưởng thành trong phong trào đấu tranh yêu nước của sinh viên Huế. “Thư gửi các bạn sinh viên” của anh in ở tuần báo Sinh viên Huế năm 1964 có thể xem là bài thơ mở đầu cho dòng thơ ca tranh đấu của tuổi trẻ đô thị miền Nam trong tù (Côn Đảo 1968-1973) và sau ngày giải phóng Phan Duy Nhân vẫn tiếp tục sáng tác, dù ít xuất hiện trên báo chí.
Chùm thơ Phan Duy Nhân
Nhà thơ Phan Duy Nhân - Hải Bằng ký họa




PHAN DUY NHÂN



Thư nhà


Hồi anh vượt núi về Tiên Phước
Có nhận thư em ở dọc đường
Giấy đã nhàu hoen nhiều nước mắt
Anh nhìn nhòe nét chữ em run…

Em kể:

“Anh đi, nhà bị đuổi
Ngày sinh em nhớ thấy chiêm bao
Ôm con em cũng theo lên núi
Đi kiếm anh hoài mới gặp nhau
Có khổ nghèo chi em chẳng sợ
Cái chi anh dặn cũng vâng lời
Nhưng còn anh bảo đừng thương nhớ
Đừng khóc vì anh em chịu thôi
Đôi lần em cũng nguôi đi được
Nhưng mỗi lần nguôi lại giận mình:
Anh của em nằm trên mặt trận
Ở nhà yên ấm hóa em quên…”
Rừng cũng rưng rưng màu nắng nhạt
Người thương theo mỗi chữ thư em:
“Mơ màng nhớ tiếng tim anh đập
Có bữa bồng con thức suốt đêm
Anh ở xa hoài đâu biết được
Bữa nay em cũng khá hơn rồi
Nghe tin mỗi trận bên mình thắng
Em thấy gần thêm những nỗi vui
Anh đi đường sẽ bao nhiêu dặm
Em quyết dài theo một tấm lòng
Con biết bò rồi, gần đứng được
Mỗi ngày trông mỗi giống cha hơn”.
Lòng bay bay bổng theo em kể
Lấp lánh trong thư những tự hào:
“Anh ạ con cười theo tiếng hát
Biết vờn tay đón lá lao xao…
Cô chú vẫn thường hay ghé lại

Quà mua cho cháu, nhắc tin anh
Mấy bác trong tù còn nhắn dặn:
Có chồng kháng chiến, nhớ vui lên”
Em ơi, chiều đó dầm chân xuống
Dòng nước sông Tranh mát rợi người
Những nụ hôn thầm trong gió núi
Gửi về có tới được xa xôi...?
Trong anh một bóng cờ bay đỏ
Một biển yêu thương sóng dạt dào
Vẫn ngọt câu Kiều trong lửa đạn
Nằm hầm bí mật nhớ thương nhau
Anh qua nhiều lắm làng thiêu rụi
Khét khói bom trên xác mẹ già
Đất uất căm hờn người nổi giận
Lửa bừng trong mắt kẻ không cha!
Lũ giặc càng thua càng bạo ngược
Máu còn hừng hục núi sông ta
Chúng mình trước mắt còn gian khổ
Còn nén trong mơ một mái nhà…
Em hiểu nhiều rồi anh chỉ dặn:
Khổ buồn càng thấm nỗi đau chung
Anh tin con gái càng khôn lớn
Càng cháy trong tim ngọn lửa hồng
Anh ở ngoài này trong đội ngũ
Triệu người vươn tới sức đang tươi
Quyết làm cả nước thơm hoa đỏ
Cho những nơi con vẹn tiếng cười!
 
Trưa này trong khám nằm nghe biển
Ngoài gió mênh mông gợi nhớ nhà
Em chắc đang cùng con tập nói
Mỗi chiều thắc thỏm nhắc tên cha
Con ạ, chưa làm tròn nhiệm vụ
Ở tù ba cứ thấy băn khoăn
Bên ngoài các bác cùng cô chú
Chắc phải bù thêm những máu xương...
Nhớ bữa về thành nằm bí mật
Gan bào ruột xót nhớ thương con
Mấy lần ba nóng ran trong ngực
Đêm lạnh ngang nhà lặng bước luôn
Thôi thế phải còn mươi trận nữa
Sẽ về để nắm chặt tay nhau
Để nhìn đăm đắm vào trong mắt
Xem có ngời vui những ánh sao…
Anh nhớ điên cuồng yêu dữ dội
Xóm làng giữa ngực núi trong tim
Sáng hoài giữa cõi thiêng liêng ấy
Có bóng con cười cạnh dáng em.
           
Xà lim 20, trại giam T.B. Đà Nẵng
                Xuân 1968


Chia tay với Bet-tô-ven


Thật rồi em nhập vào tôi
Sáng trong là nhạc bồi hồi là thơ?
Không gian trần lắng mái nhà
Hồn tôi là ngực em là trái tim
Em còn với nhạc đi lên
Tôi về chắc Bet-tô-ven ngậm ngùi
Gần thôi hơn nửa chân trời
Xa thương đôi nhịp tim đời đập theo

Mười năm vượt suối băng đèo
Thiết tha về phố mang theo trăng rừng
Em như một dấu lặng tròn
Ngân trong giao hưởng trong ngần giọt mưa!

Tôi về nhưng đã về chưa
Mênh mông hồn nhạc người xưa chẳng về.

***
Đáy cốc nghiêng trăng cuộn thủy triều
Tôi về lưu luyến có về theo?
Bánh xe quay ngược mùa xuân đó
Em mắt như thuyền ngại nhổ neo…

***
Mang trái tim nhau dào dạt vây
Thương tay đâu nối được hai đời
Ngực căng buồm gió anh vươn tới
Thổi tự lòng em một hướng thôi?


(6/4-84)





Các bài mới
Chùm thơ Lê Nhi (11/11/2024)
Chùm thơ Lữ Mai (31/10/2024)
Các bài đã đăng
Hòa âm chim sẻ (16/09/2010)