Nhịp sống thơ
Thơ Sông Hương 03-2011
11:12 | 22/04/2011
Đông Hà - Từ Nguyễn - Đông Triều - Quách Thành - Nguyễn Nhã Tiên - Nguyễn Trọng Văn - Quang Huy - Lê Văn Doãn - Trần Nhuận Minh.
Thơ Sông Hương 03-2011
"Con yêu bánh nậm" - Nguyễn Thượng Hỷ
ĐÔNG HÀ


Anh thương em bằng

chiều dài đất nước



Rơi xuống đi em cho bằng ngàn năm
Những vết tích đầy nỗi buồn nặng đầy sử sách
Anh sẽ đưa em qua những miền phế tích
Treo lên mắt mình nỗi triệu triệu đường vân

Máu chảy chưa em
Mà tim anh nồng men như buổi đưa mắt em
qua hàng cây lá đỏ
Thuở ấy thơ cũng sống
Bằng tiếng người yêu gọi nhau lật cả chuyến đò

Một trăm năm không em
Một ngàn năm không em
Tuổi nào kết mây tuổi nào cầm gió
Anh đưa em đi cong cả chữ S thân thương này

Chuyến tàu đêm chùng chình anh hôn em mỗi nhịp
đường ray oằn lên xóc nảy
Mai sau ai qua nơi ấy
Vệt khắc tình chi hồ dễ còn lưu
Mà trong em trong anh vệt máu không nhàu
Để bài thơ đất nước vẫn hồng hào duyên nợ

Rơi xuống đi em
Trăm năm không sâu ngàn năm không mỏi
Anh thương em bằng chiều dài đất nước
Đi hết đường rồi ta sống lại trẻ thơ...

Mai này về gặp lại chốn quê
Đơn giản thôi em nhìn mẹ mình đội nón
Đội nắng mưa chở tảo tần ngắn gọn
Cho lúa cho đồng trổ ngát hương hoa

Những ngày này đọc Vũ nghe gió bay
Giọt hình hài mang hình đất nước
Anh và em hai chiều đất khác
Chỗ này thức rồi nơi ấy mới ngủ yên
Sách đọc gấp rồi lại trở dậy với nhau
Nghe máu thắm màu cờ Tổ quốc
Em ơi đừng khóc
Nước mắt anh vẫn chạy quanh hồn

Trái tim già nua chưa em
Mà sao tiếng còi tàu nghe mỏi mệt
Anh đã delete hàng trăm chuyến bay
Như lời xưa hẹn ước

Như Vũ ngày xưa đã khóc
Giờ chúng mình gõ phím
Mà nghe mưa gió bàng hoàng.



TỪ NGUYỄN


Trả lời


Người đàn bà quỳ trước đấng thiêng liêng
xõa tóc cầu xin thứ tha những điều lầm lỗi
nước mắt nhòa vũng tối
mênh mông...

Người đàn bà ngang qua sông
nguyện lòng sám hối
nước dưới dòng sông thầm hỏi:
Thật không?

Người đàn bà ngồi giữa ăn năn
nghe giữa đêm đen, thánh thần kể tội
thời gian sẽ đi vời vợi
cho con thấm nỗi nhân tình

Người đàn bà quay về đếm nỗi đau đời mình
từng ngày
từng đêm
than van một mình
Muốn quên mà chẳng thể quên...




ĐÔNG TRIỀU


Điều còn lại trên cánh đồng


Có phải là con trâu trong bài vỡ lòng mở đất
Là nắm cơm khô trưa nắng xé đỉnh đầu
Là tiếng mùa vói vọng lại đêm sâu
Con nước lớn cá trườn vào ruộng hạn
Lạch nông nhỏ bất ngờ thành mương lớn
Mưa tràn về chới với một vầng trăng…

Có phải chiếc khăn rằn cổ tích cứ băn khoăn
Không cơn gió quày về lưng áo mẹ
Không cơn gió đẩy diều dâng mắt trẻ
Đàn chim bay đi lâu chưa thấy quay về
Lật đất cày nghe mặn rát con ngươi
Rơi xuống đó tháng năm dài. Rơi xuống đó…

Có phải ven đê là những nấm mồ xanh cỏ
Từ bao năm yên ả khuất ven rừng
Từ bao mùa quên lãng bước dân quân
Chen máu lửa cùng màu cờ xông tới…
Có khi đó cũng là mả mồ ngoại, nội
Người đang đi trong xiêm áo oai hùng!

Có phải nén hương về lẩn dưới hiên nhà
Giông sét phạt lả ngọn dừa canh đất
Lời nguyền yêu đương bỗng hóa thành sự thật
Đám rước dâu đi bộ mấy giang đò
Già với già nhắc chuyện sắp phôi pha
Ai khắc hết cuộc đời lên tảng đá?

Có phải bài vọng cổ còn về nương mái rạ
Lẻn vào hương lúa chín rộ cánh đồng
Mùa hoa tràm xõa trắng mặt dòng kênh
Nghe tan tác tiếng thở dài ray rứt
Đêm lá reo rặng trâm bầu thao thức
Đi giữa quê hương yêu trăm mối vô hình!

Những chuyến xe từ giã cánh đồng
Trên tháp phố nhìn dòng người lao tới
Trông đám phù vân huyền hư biến đổi
Đôi mắt bới lên lặng ngắt tia nhìn
Nơi- đây- còn- lại- cánh- đồng
Là ký ức dắt nhau đi truyền kiếp…



QUÁCH THÀNH


Đại Bàng hát và hát

                                                Tưởng niệm Y Moan

Như đại nạn thuở hồng hoang
buôn Dhă Prông chiều nay
lời Aray đẫm nước mắt
ngấm tắt bếp lửa nhà sàn
xót xa
lặng lẽ
thì thầm
dưới bóng cây K’nia, trên rẫy, bến nước, trong chòi
cầu thang, ngoài ngõ...
buôn làng truyền cho nhau điều mất mát
Cách Chim Đại Bàng đại ngàn Cao nguyên
ngừng vỗ cánh.
Y Moan!
Y Moan!
Đại Bàng hát
hát về nắng, về gió, bụi đỏ, núi đồi
hát về rừng, về rẫy, lửa, nước Cao nguyên
và hát về làng buôn bao đời lang thang như con thú hoang
trong rừng sâu tìm no, trốn đói...
Y Moan!
Y Moan!
Đại Bàng hát
hát cho gió đại ngàn thổi suốt bốn mùa xanh
hát cho hoang vu ấm lại tiếng người
cho tâm hồn mãi xanh như lá
hát và hát
cháy và cháy
đủ đậm, đủ đắng, đủ cay, bão tố, cuộc đời
hát mãi với làng buôn xưa.
Y Moan!
Y Moan!
buôn Dhă Prông chiều nay
lời Aray đẫm nước mắt
như hồng hoang đại nạn
đưa Cánh Chim Đại Bàng về với trời xanh
về
“nơi không còn cô đơn, không buồn, không vui...”
hơi thở dù tắt
trái tim ngừng đập
gió Đại ngàn vẫn ù ù mãi thổi
vang vọng rook rừng
âm thổ ngàn xưa.



NGUYỄN NHÃ TIÊN


Trước chiều quên


Không chiều này, lại chẳng chiều xưa
giờ đang ở với chiều nào, không biết
đâu phải mặt trời non đoài báo ngày đang hết
thời gian có là gì trước một chiều quên

Nắng vàng nỗi vàng áo xống màu mây
tóc xanh nỗi xanh biếc lời gió kể
em là vô biên
hay em ngoài dâu bể
giọt nắng đổ cành sương thân phận một lưu đày

Hái phù vân thi sĩ mỏi tay cầm
giờ theo em lên chùa thưa tội tình với Phật
chiều như dòng sông Cổ Cò ngủ quên trái đất
có mùa xuân sinh thành trên dòng nước vô ưu

Không chiều này cũng chẳng chiều xưa
em là em
giọt nắng kia đổ cành sương ta vọng thức
chiều vô thanh bỗng dưng tràn hương sắc
vắng người khua chuông mà động vọng mình!



NGUYỄN TRỌNG VĂN


Nhớ cá bống mú kho mùa lũ


Nhớ cá bống mú kho mùa lũ
ngày cha tôi lặn lội nước sông Bồ
ơi xứ Huế,
xa miềng
chừ
nhớ Huế
cá bống mú kho mùa lũ nhắc nhau về.

Bưng bát cơm chát lòng nơi đất khách
sông Bồ oằn lên trong nước nổi đôi dòng
tôi như thể lá gừng lá sắn
trôi lềnh bềnh theo bống mú bên sông.

Đám cá rủ tôi đạp bơi lên màu nước
đạp bơi lên cái đói cồn cào
tôi lớn dậy
hồng hào qua cơn lũ
xuôi sông Bồ bỏ xứ Huế mộng mơ.

Tôi đi khắp cùng trời cuối bãi
ngày phong lưu
đêm vỡ những trận cười
lúc đớn đau mới thấy mình vụng dại
thèm lưng cơm chấm cá bống mú sông Bồ.

Nhớ cá bống mú kho mùa nước lũ
ngày cha tôi lặn lội suốt sông Bồ.
                               Viết trong những ngày lũ, tháng10 -2010
 


QUANG HUY


Huế chiều


Sông Hương không chở thuyền đầy
Để cây núi Ngự uốn gầy gió đông

Trường Tiền nghiêng mảnh trời cong
Cánh chim trễ nải lượn vòng phố xa

Rượu suông đắng nỗi nhớ nhà
Ta ngồi uống với mình ta hững hờ

Đâu rồi bóng dáng ngày xưa
Hoàng cung rêu đã phủ mờ giấc sâu

Chiều rồi. Nón Huế về đâu
Áo em tím một tinh cầu hoàng hôn



LÊ VĂN DOÃN


Khúc nghiêng


Trời nghiêng bởi cánh cò bay
Biển nghiêng bởi sóng ngất ngây vỗ bờ
Đêm nghiêng bởi mảnh trăng mơ
Ngày nghiêng bởi có ai chờ đợi ai

Em nghiêng giữa cánh đồng ngoài
Tình nghiêng soi ánh trăng đầy... nghiêng em
Anh về bóng đổ bên thềm
Nghiêng nghiêng đôi lúm đồng tiền em trao.



TRẦN NHUẬN MINH


Đứng trên thành nhà Hồ

nhớ câu thơ “Phúc chu thủy tín dân

do thủy” của Ức Trai Nguyễn Trãi


Khi vương triều không còn hợp lòng dân
Thì thành đá cũng chỉ là bùn nhão
Ngai vàng đổ trong mùa không mưa bão
Mặt xâm lăng lố nhố khắp kinh thành

Dân là ai?...
              Tôi bỗng rùng mình
Nền cung điện, phân bò rơi rải rác
Núi Cầm Hồ(1)cỏ may bay xao xác
Mệnh trời ư? Nào biết có hay không...

Từng thúng ngón tay đổ ào ào xuống sông(2)
Nhà Hồ mất(3), làm sao mà cưỡng được
Lật thuyền mới biết dân như nước
Bóng Ức Trai đi, động gió bốn phương trời...

------------
(1) Nơi cha con Hồ Quý Ly bị bắt. Sử gia phong kiến cho đó là “Mệnh trời”.
(2) Xây thành đá, ngón tay của dân bị đá kẹp đứt, đổ từng thúng xuống sông.
(3) Nhà Hồ mất năm 1407.


(265/3-11)






Các bài mới
Các bài đã đăng