Nhịp sống thơ
Thơ Sông Hương 6-85
09:25 | 10/05/2011
Minh Huệ - Xuân Quỳnh - Phương Thúy - Trần Thị Hiền - Trần Hải Sâm - Trần Khắc Tám - Hà Linh Chi - Mai Văn Hoan - Văn Tăng - Thiệp Đáng - Nguyễn Thành Phong - Hà Nhật
Thơ Sông Hương 6-85
Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bên ao sen ở Hà Tĩnh - Ảnh Tư liệu










MINH HUỆ


Muôn thuở anh đội viên


Chắt ơi, cậu ở đâu
Bây giờ đâu, ơi Chắt
Cứ nghe lùa gió bấc
Lại nhớ cậu lạ lùng.
Nhớ cái đêm mưa phùn
Cậu ghé mình chốc lát
Mà bừng lên tia chớp
Rực cháy cả lòng mình
Khi giọng cậu mông mênh
Chuyện Bác Hồ ra trận.

Hai đứa chung tổ Đảng
Cùng lúc đi chiến trường,
Cậu lên Cao Bắc Lạng
Mình vào Bình Trị Thiên
Vào chính ngay quê cậu.
Hai năm xa cách liền,
Mà cậu không kịp hỏi
Làng cậu giờ ra sao
Cậu chỉ còn kịp kể
Gặp bác giữa chiến trường,
Bác thức suốt hành quân
Lửa hồng Bác soi tỏa

Lán nhỏ tụ tình thương.
Từng lời cậu xốn xang
Mình uống sao cho thỏa
“Đêm nay Bác không ngủ,
Ôi Đêm nay… Đêm nay!...”
Tên Bác vang trống trận
Gọi bút mình xông lên
Cũng những giờ chiến thắng
Cháy ruột mong Bác vào…
Càng viết càng ấm ran
Bút mình tràn mạch suối
Ôi, đầu bút cháy mãi
Một cảm giác rưng rưng
Bác mình sao ấm thế.
Mình thầm kêu! Bác ơi!
Mà ngỡ như gọi mẹ.
Một ánh lửa ngời ngời
Đưa mình hòa vào Chắt…
Một đêm thức bên Bác
Một đêm hóa một đời
Một đời thành vĩnh viễn.

Bài thơ ra tiền tuyến
Đêm nay Chắt ở đâu?
Cao Bắc Lạng, Tây Bắc
Hòa Bình đến Điện Biên…
Hành quân trong lòng Bác
Muôn thuở anh đội viên




XUÂN QUỲNH


Cố đô

Tặng các bạn tôi ở Huế

Với vết chân của bầy dã thú
In trên nền gạch cũ trước lăng vua

Với dòng sông như không chảy bao giờ
Vẫn mờ ảo ngàn năm màu sương khói
Tà áo trắng bay về đâu vời vợi
Con thuyền khuya trăng gọi phía nguồn xa
Màu nắng in trong mắt tự ngàn xưa
Căn nhà cũ, mảnh vườn hương ngày cũ
Dẫu hiện tại mà như quá khứ
Là quê hương dù không phải quê hương.

Dường như đây, tôi đã có nỗi buồn

Có hạnh phúc, có một thời thơ bé
Có khát vọng những năm còn rất trẻ
Tôi thuộc từ ngọn cỏ đến nhành cây
Tôi thương về vời vợi những trời mây
Nhịp tim đập, tiếng chuông ngày nắng xế.

Đường xa ngái cho lòng da diết thế

Con nước nào ra bể chiều nay
Đến nao lòng là giờ phút chia tay
Con sông cũ mảnh vườn xưa cũ
Như vĩnh biệt tuổi thơ và quá khứ
Bạn bè ơi dẫu tôi sẽ quay về
Nhưng chắc rằng tất cả chẳng như xưa
Tôi sẽ khác, cố đô rồi cũng khác.
                       
Huế, 11-1984



PHƯƠNG THÚY


Những trang sách tiếng Nga

1

Những trang sách bằng tiếng của Lê-nin
Đến với chúng tôi
Như bàn tay của người yêu dấu
Xiết chặt nhau trên đường đời
Khi anh yêu em; tay tìm nắm lại
Khi em tin anh; tay sẽ để yên
Những bàn tay làm mình hiểu nhau thêm
Không cần lời nói
Những bàn tay bày đường chỉ lối
Những bàn tay chị ngã em nâng
Những bàn tay chân tình

2

Những trang sách bằng tiếng của Lê-nin
Đến với chúng tôi như đàn cò trắng
Đàn cò bay trong nắng
Chở dân ca và hy vọng tốt lành
Chở những bầu trời chỉ có mầu xanh
Đi kiếm đất hiền mà đậu
Anh lính biên phòng hay người vợ trẻ
Ai không mang tâm sự cánh cò!
Mong một ngày nắng đẹp nắng to
Để đời thôi lặn lội

3

Những cánh cò hình những bàn tay
Những bàn tay vẫy những cánh cò
Như những trang sách tiếng Nga.




TRẦN THỊ HIỀN


Với loài đá tai mèo


Gió thì xuống, mà em thì lên
Lưng chừng đồi, lưng chừng tiếng hát
Chân giầy vải quen trèo từng đá vách
Để mà thương các loài đá tai mèo

Anh ở xa nên anh cứ dặn dò
Đá tai mèo để cắt chân ứa máu
Đường lên rừng nào đâu có lối
Đá tai mèo em lần bậc đổ lên,

Tiếng hát gọi nhau chân nối chân
Trong sương sớm đá lạnh băng kỳ lạ
Màu áo xanh đi trong màu lá
Một khúc cao lao xao tiếng thợ rừng

Em cũng đi như vậy, từng bâng khuâng
Chọn từng thỏi đá tai mèo lắm sắc
Để mà nghĩ kỷ niệm nào cũng đẹp
Đã yêu rừng và yêu cả mùa đông

Em ở đây chỉ nhận biết mùa xuân
Khi núi rừng bắt đầu xanh lá mới
Khi loài đá tai mèo chợt bắt đầu ấm lại
Trong bàn tay áp lên đá tình cờ

Em có khi như loài đá ngu ngơ
Giữa rừng xanh muốn giữ mùa xuân mãi
Đá thì nâng niu từng bước chân giầy vải,
Em thì nâng niu từng giọt nắng đầu mùa




TRẦN HẢI SÂM


Nơi có hai mùa


Anh ở đây chỉ có hai mùa
Mỗi cánh rừng dấu bao điều lạ lẫm
Mới chớm nắng đã mưa - mưa hoài mưa hẩm
Mái rừng lá dột, cây đứng vặn mình…

Những con đường không giữ dấu chân
Vết hổ đi, vết nai rừng bước lạc
Ai từng đi giữa âm thầm cơn sốt
Vết dao còn để dấu trên cây…

Vết sẹo còn để dấu trên tay
Ở với rừng cả thời tuổi trẻ
Đường gỗ lao vết nhăn trán thợ
Gió rừng ru câu hát xưa
… “Trời mưa trong rú mưa ra”…

Anh ở đây chỉ có hai mùa
Cơn nắng đến và cơn mưa chợt đến
Gỗ như trâu đàn đằm mình dưới bến
Áo ướt rồi lại khô
Chọn đá mài rìu, chọn giũa mài cưa
Cán rựa, cán rìu thấm mồ hôi nhẵn bóng
Cưa đã sắc, lưỡi rìu đã bén
Rừng cây đổ vỡ - Rừng cây say…

Tuổi hai mươi, ba mươi… mấy thế hệ nơi này
Hai mùa đi qua rách sờn vai áo
Lắm bữa rau rừng, lắm hôm nhạt muối
Nhìn vào mắt nhau cho thẳng đường cưa
Chọn thế đứng nào đắn gỗ cho bưa …

Nắng của thợ già, mưa dành thợ trẻ
Hửng nắng rừng lim, đã mưa rừng dẻ
Cánh thợ rừng soi mặt cho nhau
Chuyện giận, chuyện buồn chẳng giữ được lâu

Bởi đã dầm mình giữa dòng thác trắng
Gỗ kết thành bè, nứa tre thành mảng
Ghìm dây neo khi vượt đá ngầm
Chắc tay sào gạt nỗi niềm riêng…

Anh ở đây chỉ có hai mùa
Em sẽ nhận ra mùa xuân trong từng thớ gỗ
Và tình rừng có trong mắt tre, mắt nứa
Hiểu thêm người trăn trở với rừng sâu…

                                   
Ba Rền 1984



TRẦN KHẮC TÁM


Viết ở quê hương sau cơn bão


Cơn bão tràn qua đất quê mình
Tôi sững sờ đọc dòng tin trên báo
Tôi sững sờ đứng ngoài cơn bão
Một góc trời gió giật cuồng điên

Cơn bão dữ dằn tràn qua mảnh đất nghèo
Cả nước thương cả nước phập phồng thấp thỏm
Những ngôi nhà mọc lên những ngôi nhà nằm xuống
Bao nhiêu người phơi áo trong mưa
***
Cơn bão quét đi bao thứ trên đời
Những vẫn còn nguyên ánh sáng
Cháy ngời lên từ những trái tim
Để giờ đây tôi đứng sững sờ nhìn
Những ngôi nhà. Khói chiều. Em đãi gạo
Chuyến đò ngang bao màu áo sang sông
***
Tôi chợt nhận ra và yêu đến vô cùng
Cái chồi non mọc trên cành cây gẫy!




HÀ LINH CHI


Những căn nhà không bao giờ khép cửa

Tặng các chiến sĩ D 840

Tôi trở về với bè bạn anh em
Nơi những tên làng nghe lần đầu lạ hoắc
Fi-xơ-run, Liêng-hung, Rốt-rờ-cát
Đường Rờ-mây vắt bâu kín bàn chân

Cứ ngây người trước vùng rừng xa xăm
Lau lách và le ken dày bến nước
Trưa yên tĩnh nên tiếng chim lãnh lót
Những căn nhà đầy ắp gió cao nguyên,

Lon thuốc rê để ngỏ trên bàn
Xếp báo cũ và ngọn đèn hạt đỗ
Những khẩu súng lặng im trên giá
Mùa hanh khô nghe tiếng suối như đàn

Chốc chốc bay lên những trận cười dòn
Lính không ngủ đi tìm rau bắt cá
Vườn - chuối - thanh - niên lào xào ngọn gió
Gió xa nhà nên gió đổi mênh mang

Như chẳng hề qua giây phút băn khoăn
Trước những ruồi vàng, vắt xanh, muỗi xám
Một chén trà chuyền tay bè bạn
Mẫu thuốc tàn ngọn khói vòng quanh

Tiếng kẻng trực ban lay động lá rừng
Nhịp hai, nhịp hai bước chân rậm rịch
Tên đoàn quân nghe như khúc hát
Tiểu - đoàn - rừng - trúc, chiến - sĩ - đồi - thông…

Những mùa mưa bê bết lầy bùn
Những mùa khô nồng khê giọt nước
Giày há mõm băng rừng lùng địch
Hái nắm rau rừng hòa chung bát canh

Khi đêm về mơ giọng hát trẻ em
Ánh lửa nhỏ soi thư nhà rạo rực
Lắng tiếng xe nơi cửa rừng bất chợt
Tiếng cười bay lên từng gương mặt chờ mong

Với những căn nhà không khép cửa quanh năm
Bao tấm lòng trong veo nguồn suối
Tôi nhận ra mình nhiều phút giây mệt mỏi
Để tan trôi nơi dòng nước đầu nguồn.

                                   
Đà Lạt 10-11-1984



MAI VĂN HOAN


Ga Thuận Lý

Tặng anh X.H.

Có một cái tên nghe rất dễ thương
Nhưng đã lâu rồi ít người nhắc nhở
Đó là tên một nhà ga không có tàu đổ nữa
Thuận Lý thành kỷ niệm xa xôi…

Mái tóc anh điểm những sợi bạc rồi
Bao bề bộn cuộc đời từng làm anh trăn trở
Nhật ký anh có trang ghi về một nhà ga nhỏ
Anh bồi hồi khi nhắc đến lên ga,

Anh nhớ về cỏ xanh bên đường - chỗ mẹ thường tiễn anh đi xa
Nơi góc sân có tán bàng - anh vẫn đứng một mình xem người đưa đón
Một xao xuyến bất ngờ… anh biết mình đã lớn
Khi tàu rời ga, bạn gái đứng trông theo.

Cùng với nỗi cách chia của đất nước thân yêu
Ga vắng bóng con tàu thời thơ trẻ
Tên ga quê trong lòng nhắc khẽ
Như tên một người thương xa cách lâu ngày.

Mỗi việc anh làm hóa những đoạn đường ray
Hóa viên đá rải đường nho nhỏ
Hóa nhịp cầu bắc qua niềm mong nhớ.
Để con tàu trở lại với nhà ga.

… Rồi tháng năm bom đạn đi qua
Con tàu mới đưa anh về ga cũ
Nơi có những kỷ niệm tuổi thơ anh hằng ấp ủ
Anh lâng lâng như gặp lại người thương cái thuở ban đầu.

Thuận Lý đây rồi!
Anh đứng lặng hồi lâu
Sân ga mới vừa san, nhà ga vừa dựng tạm
Chừng ấy thôi đủ cho anh rung cảm
Đủ cho những sợi bạc trên tóc anh xanh lại tuổi thiếu thời.

                                               
Đồng Hới 1977



VĂN TĂNG


Gió


Gió không biết làm duyên
Bởi có đâu hình dáng
Qua biển ngọn gió rộng
Quê sông ngọn gió dài
Lên núi gió cao vời
Qua đồng gió lượn sóng

Gió không có hình dáng
Nên chẳng biết làm duyên
Cuộc đời gió không thể
Một giây nào đứng yên.




THIỆP ĐÁNG


Thuộc về mùa xuân


Những con bò vàng mang guốc
Đi về phía cỏ non
Những con chào mào trống mái sóng sánh bộ lông màu nâu trắng,
Nom như những ly cà-phê sữa…

Em bắt đầu soạn ra những hạt giống mùa màng,
Giữa căn nhà ban mai có tiếng đàn ghi-ta bập bùng hợp âm son thứ.
Những hạt giống - Những nốt tròn trong lòng tay em mở ra nồng nàn ô nhạc
Tôi nhìn vào
            xướng âm khúc - hát - gieo - vãi.

Và bầu trời xanh căng mặt trống.
Những điệu nhảy chân trần
            từng chùm chim sâu.
Và mặt trời - chiếc máy ghi âm,
Đang thu hút qua làn - sóng - ngực - tôi cái ngôn - ngữ - yêu - đương,
            cái ngôn ngữ khát vọng của lứa TUỔI HAI MƯƠI vừa đến!

Những con bò vàng mang guốc
Đi về phía cỏ non.
- Sau lắm hồi mưa mưa rung lục lạc,
            Huế vô cùng phát tiết phải không em: chất nhựa tinh của cây
            vị sinh tố của trái:
Ta cũng đi về phía
            cỏ non

                       
1-1-1985



NGUYỄN THÀNH PHONG


Mạ ơi!

Tặng N.Q.L.

Nhà mạ mình ở trên động cát
nắng rộp ngọn phi lao trưa lặng gió nồm
tuổi mạ mình đường cát cũ mòn gót chân
khu vườn cũ thân cây xiêu vì bão
trưa ngày mình về lại
mạ lom khom đội nắng không đúng phiên chợ Đồn
mạ thương mình tay mạ lựa
bát canh quá ngọt lành, vị cá bã trầu ơi!

Mấy đứa tụi con đã biển đã trời
giờ về cúi trước nếp nhà của mạ
về thơ dại trong mắt nhìn của mạ
xòa bàn tay giãi bày
tròn một tiếng: mạ ơi!
bàn tay vịn cây rừng bao núi
chỉ đầy vết chai thôi.

Mạ đã nuôi bạn hai mươi năm mong đợi
thêm mười năm mạ ngóng từng ngày
buổi sáng bạn đi xa
những cây ổi cây dừa mạ đem ươm xuống cát
mạ chỉ ước trong nếp nhà vắng nghèo của mạ
đứa con dâu cho mạ thỏa thuê nhìn
cho mạ thương thay mình tuổi mạ làm dâu…
ba mươi tuổi bạn đưa tôi về lại
chỉ ba lô mòn quai ngực đầy chuyện các ngả đường

Bây giờ tôi rưng rưng
tôi biết nói làm sao
khi đi xa nhìn về phía mạ
mạ đứng như cây trên cát trắng mùa hè
mùa hè có bao nhiêu là bão
mà mái nhà mạ mình chỉ mỗi rừng dương che
bạn ơi!...

                       
Ba Đồn 6-1984



HÀ NHẬT


Tình yêu của người làm muối


Tình anh như muối kia
Mặn mòi và lặng lẽ
Muối trăm đời vẫn thế
Tình anh không có màu

Sóng vỗ suốt nghìn chiều
Biển trải qua nghìn đau
Biển một chiều thành muối
Bây giờ em thấy đâu.

Bão sớm và mưa trưa
Nỗi buồn và tiếng hát
Nghìn âm vang đã tắt
Trong hạt muối bây giờ

Những bờ xa bến sâu
Phố hồng và đảo lạ
Đã soi vào biển cả
Bây giờ em thấy đâu.

Tình anh như muối kia
Không màu và lặng lẽ
Em như làn gió nhẹ
Thổi trong vườn cây chiều.


(13/6-85)




Các bài mới
Chùm thơ Lê Nhi (11/11/2024)
Các bài đã đăng
Khúc ca quy ẩn (04/05/2011)