[if gte mso 9]>
Normal
0
false
false
false
MicrosoftInternetExplorer4
TRẦN MẠNH HẢO
Nhớ Huế
Bây chừ chưa về Huế
Ngự Bình ngồi với ai?
Một tiếng gì rất khẽ
Níu áo tôi gọi hoài
Chợt biết là Vĩ Dạ
Có gì như hương cau
Một ráng chiều hội họa
Áo em tôi chuyển màu
Vừa chảy vừa tự đánh
Cây đàn hay sông Hương
Tràng Tiền như đòn gánh
Ngang ngang trời thương thương
Thảng hoặc mùi rêu cổ
Đâu đây hương tóc thề
Tiếng chuông chùa đi bộ
Tay ai còn vân vê
Chợt nốt ruồi trên má
Cũng có dáng sao chiều
Đám mây thời Thuận Hóa
Vẫn bay về phiêu phiêu
Chạm tay vào thành quách
Nghe đá thở nhiều hơn
Tiếng trống chầu óc ách
Đá nằm mơ chập chờn
Một nụ cười rất Huế
E ấp của em dành
Gió sợ thu về trễ
Lá đổ vàng lối anh
25-8-1983
LÝ TOÀN THẮNG
Xúc cảm ở nhà tù Sơn La
Tôi đã đọc đã nghe
Về nhà tù Sơn La về cây đào Tô Hiệu
Nhưng có cái gì vẫn thiếu
Khi tôi chưa tới đây…
Tôi chưa từng qua những cảnh tù đày
Đói rét ốm đau cực hình tra tấn
Nhưng tôi vẫn ước ao một giây thôi được sống
Giữa các Anh cuộc sống của các Anh.
Hay ít ra cho tôi làm ngọn gió mát lành
Thổi qua lỗ thông hơi vào xà lim chật hẹp
Hay cho tôi làm một dòng thơ giữa những dòng thơ thép
Trên tờ "Suối reo" vũ khí của các Anh…
Nhưng tôi vẫn muốn hơn, muốn hơn tất cả
Được sống như các Anh
Ở giữa các Anh
Giữa các Anh - cả người mất người còn
Cả những người tên chưa tìm được hết
Cây đào như ngọn lửa hồng thắp lên từ những trái tim bất diệt
Cháy trước Đài tưởng niệm các Anh…
1980-1985
TRẦN BÁ ĐẠI DƯƠNG
Mẹ Dương Hòa
Kính tặng các mẹ cơ sở ở D.H.
Tốc tốc tốc… tốc tốc
Hình như ai gõ cửa ngoài kia
Tiếng cửa tre - con thạch sùng tắc lưỡi
Đêm thì đen tóc mẹ bạc như trăng
Tốc tốc tốc… tốc tốc
Bước chân ai dội lồng ngực mẹ
Nơi xa xôi theo gió lần về
Đêm từng đêm mẹ già chờ đợi
Tay nhăn nheo nhen lửa vườn khuya
Tốc tốc tốc… tốc tốc
Gốc cau già rụng chiếc mo xanh
Nồi cơm mới vùi trong tro ấm
Sao không về con của mẹ ơi?
Thống nhất đã mười năm (những đứa con của mẹ -
đứa ở lại trên rừng, đứa chết trong tù giặc
đứa gánh hôm nay thay người đã khuất)
Mẹ treo ảnh con dưới ảnh cụ Hồ
Mẹ vun gốc cam, mẹ trĩa vồng đậu
Đêm từng đêm nhen lửa vườn xưa
Đêm từng đêm mẹ già chờ đợi
Những đứa con đi xa trông hướng núi tìm về.
1985
THÁI NGỌC SAN
Tưởng vọng trung du
Có một vầng trăng theo tôi đêm ấy
Đêm không biết đâu
Vầng trăng sáng như khuôn mặt em
Trong giấc mộng của tôi
Giấc mộng nơi ngã ba sông chia phôi
Nhà em nơi ngã ba chia phôi ấy
Biết theo ai ? sông Lô, sông Đuống hay sông Hồng?
Vầng trăng đã khuất nên con tàu không dừng lại
Tôi mất em rồi nên tưởng vọng xa xăm…
1985
TRÚC CHI
Như vườn đêm cổ tích
Tôi như đi lạc vào một thế giới
Màu thủy ngân vây bọc bốn chung quanh
Trên đầu chạm ngàn vạn xanh của lá
Mây trắng sau mưa xốp dưới chân mình
Bầu trời rộng mới vừa thu nhỏ lại
Sờ được từng tinh khiết những vì sao
Hương của trái đêm cứ như là khói
Trăng trên cao không rõ từ độ nào
Cây lẫn với người sông phà hơi thở
Chiếc bàn mặt nguyệt ấm hơi sương
Ngoài bến cơn mưa vào từng hột nhỏ
Tay tôi cầm tin cậy bàn tay thương
Xin đừng thắp một ngọn đèn nào sáng
Những bầy ong trai gái hát dưới cành
Mặt người lẫn mặt trăng non ảo ảnh
Phải không em, không thực nữa dòng Hương
Đêm ấy trong vườn như đêm cổ tích
Câu hát em trong hoa trái vô hình
Tay dìu qua một khoảng xanh rất thực
Còn em thì sương khói lung linh.
Xứ vườn 5-1985
PHẠM TẤN HẦU
Thơ để ngõ
Tặng ông Đ.
Có thể thêm một ít buồn đau, mất mát
Nhưng không bao giờ để mất đi trong máu
Một chút gì châu báu của niềm tin
Có thể trơ trụi hơn cái cây không tiếng kêu sum họp
Nhưng không bao giờ chịu đứng thấp hơn
trước dày vò
cơn bão
Như cái đẹp của mưa rơi của mùa thu xám lạnh
là vừng trăng vằng vặc
bên trong
Như có thể chết đi, bỗng nhiên; nhưng không bao giờ ngờ vực
điều chúng ta tồn tại với thơ ca.
NGÔ MINH
Trăng về làng La Chữ
Ấy là đêm trăng đã xui tôi
thành thi sĩ với làng La Chữ
cơm gạo mới câu mời dịu nhẹ
xa một đời hẳn nhớ mùi trăng
nghe nét cười ẩn hiện mái đình cong
đường lông ngỗng kết vòng xe đạp
em mờ ảo hay em có thật
mưa bóng mây hay trăng ướt qua vai ?
dây gàu dài trăng lên nặng tay
mát rượi thịt da nước làng La Chữ
đừng hát nữa trăng ơi, tôi sợ
lặng im trăng nào dễ riêng mình
câu hát buồn run ánh trăng thanh
chén rượu giấu nồng nàn chân thật
tôi uống cạn sao em khẽ nhấp
gió vô tình lay vỡ đường trăng
đêm về làng La Chữ trăng men
ngấm hồn tôi tình yêu vành vạnh
và bài thơ như là trăng chín
từ trời xanh La Chữ rụng vào tôi…
1985
VĂN TĂNG
Riêng tôi với thời gian
Cầm gương soi thấy tóc bạc nhiều
Nhưng một đời người đi qua không dễ
Vẫn bao ngày lo toan bao đêm không ngủ
Buồn là mây và nắng vô tư
Mới hôm nào ngộ nghĩnh tuổi học trò
Bao phung phí sức lực nào hay biết
Dẫu có lúc tự lòng mình khắc nghiệt
Với bạn bè để giận để hờn vui
Với mọi người và cả chính tôi
Lòng dễ dãi chảy tràn như nước nhạt
Để hôm nay thấy xuân về giật thột
Trước cây lúa ruộng đồng góp được mấy mồ hôi
Cũng trông nắng trông mưa trông buổi thuận trời
Đâu hiểu được người còng lưng ruộng khoán
Có hai bữa cơm ăn có đồng lương trả tháng
Tưởng nhiều khi không nhớ thứ nhớ ngày
Bao khi cầm hạt giống trên tay
Không biết gieo kịp thời đúng vụ
Trồng sắn ngược mầm trồng khoai thối củ
Hiểu ra lòng chỉ biết âm thầm
Tự sống với mình miệng bát vòng quanh
Sự tuần hoàn không kỳ không hạn
Vui chuốc chén nồng buồn kêu số phận
Bỏ lơ qua lẽ phải chân tình
Đứng trước mùa xuân tôi nhận rõ thêm mình
Nhận cay đắng nhận ngọt bùi hạnh phúc
Giọt mồ hôi có rơi trên mảnh đất
Mới có ngày hạt gạo trắng cầm tay
Trước mùa xuân tôi chỉ nhắc mình hay
Tóc đã bạc không thể nào xanh nữa
Nhưng dòng máu trong tim còn thắm đỏ
Dẫu bàng hoàng đừng bối rối trước ngày xuân.
Xuân, tháng 2-1985
NGUYỄN KHẮC THẠCH
Trước vườn xưa
Nép bên đường phố cũ
Đan thanh nét vườn xưa
Mỏng mềm sương khói phủ
Dịu dàng tiếng dạ, thưa
Với cuộc đời biến động
Người đi kẻ kế thừa
Sân phơi mùa lá rụng
Cổng khép ngày tiễn đưa
Quả chín oà cơn mưa
Hoa nở bừng khóm nắng
Vườn miên man tĩnh lặng
Rưng rưng mắt lá nhìn
Tôi sực nhớ ngày em
Rủ tôi về hái quả
Mẹ nhìn thương lặng lẽ
Vườn xanh ngỡ xanh hơn.
Ngày ấy không trở lại
Em và mẹ xa rồi
Trước vườn xưa đứng mãi
Tôi chẳng nhìn thấy tôi…
LÝ HOÀI XUÂN
Chiếc nôi
Chiếc nôi ấy có già đâu
Mà câu hát ấy ngỡ lâu lắm rồi!
Cánh cò nào đã che tôi
Có bay đến chỗ em ngồi ru con?
Chiếc nôi ấy - mảnh trời tròn
Hay là biển lặng của hòn - đảo - thơ?
Một thời sống giữa mộng mơ
Những ai qua đó, bây giờ là ai?
Gối nghìn năm với ngày mai
Chiếc nôi ấy bớt đêm dài, à ơi!...
TRẦN HẢI SÂM
Nhà thợ rừng
Chẳng có đường mòn, chẳng có cổng vào ra
Nhà thợ rừng vào lối nào cũng tiện
Vòm trời lá đan, vuông trời mái lán
Nhà thợ rừng đầy ắp tiếng chim…
Sạp nứa tre kết lại thành giường
Nhìn phía nào cũng thấy rừng trước mặt
Phía đầu giường là phía hay thao thức
Suối đổ dốc như xối vào lòng…
Áo móc sừng hươu ướt át bạc màu
Rìu rựa xếp trong tầm tay với
Dây chằng dây neo để nơi dễ thấy
Dày dép lấm bùn xoay hướng bước ra
Dăm bảy anh em mỗi đứa một quê
Lắm lúc ngỡ ngàng trước cây gỗ lạ
Thợ rừng gặp nhau cứ như rừng vỡ
Như thể xa nhau hàng mấy năm trời…
Cái giận cái buồn chỉ thoáng qua thôi
Khi xeo gỗ ai cũng dành phần gốc
Thương đồng đội dẫu chưa dứt cơn sốt
Choài người nắm chắc một đầu dây…
Nhà thợ rừng dễ lẫn vào cây
Dáng vóc thợ không bao giờ lẫn được.
Ba Rền, 1984.
(17/2-86)