L.T.S: Cùng với Blok, Mai-a-cốp-xki, Ê-xê-nhin, Pa-xter-nak... Ma-ri-na Xvê-ta-ê-va (Marina Tsvetaeva 1892 - 1941) là một trong những nhà thơ Nga - Xô Viết lớn nhất của thế kỷ XX. Đường đời của bà là con đường đầy gian truân của một trí thức phải khắc phục nhiều lầm lỗi để đến với chân lý cách mạng. Một trái tim nồng cháy tình yêu Tổ quốc, dân tộc, nhưng Xvê-ta-ê-va mất gần 20 năm sau Cách mạng Tháng Mười sống lưu vong ở nước ngoài và trở về đất nước không được bao lâu thì mất.
Từ những năm 60, sáng tác của Xvê-ta-ê-va (thơ, văn xuôi, kịch) được xuất bản rộng rãi ở Liên Xô được bạn đọc rất yêu mến và giới phê bình nghiên cứu đánh giá cao.
Thơ Xvê-ta-ê-va có một phong cách riêng không thể nhầm lẫn với người khác, ở bà, mọi suy cảm đều mãnh liệt đến cực độ, ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo, táo bạo. Nhiều bài thơ viết hơn nửa thế kỷ trước đây nay đọc vẫn thấy rất mới, hiện đại.
Xin giới thiệu với bạn đọc một chùm thơ nhớ nước của M. Xvê-ta-ê-va sáng tác trong những năm 1931-1933.
TSVETAEVA
Không đề
Nhớ Tổ quốc! Thật là điều vô nghĩa
Đã từ lâu thiên hạ biết hết rồi
Tôi dửng dưng: sống ở đâu chẳng được
Sống nơi nào chẳng trơ trọi, đơn côi?
Những nẻo đường nào lê gót nặng
Lép kẹp túi đeo từ chợ về nhà
Nhà lạnh lẽo khác gì bệnh viện
Hay trại lính đồn, đâu phải nhà ta
Tôi dửng dưng: trước mặt người nào cũng thế
Hợm oai dựng bờm như sư tử trong lồng
Bị ly gián, gạt ra đánh bật
Khỏi mọi giới giao lưu, mọi cộng đồng
Về với cái riêng mình xúc động
Con gấu cực bắc không một mảnh băng
Đâu yên sống (chẳng mảy may hy vọng)
Đâu lụy phiền - sao tôi không dửng dưng
Không quyến rũ lòng tôi ngay cả tiếng mẹ đẻ
Với lời gọi thiêng liêng máu mủ ân tình
Tôi dửng dưng: nói tiếng nào cũng vậy
Người xung quanh đâu hiểu cho mình
(Họ nuốt tươi hàng tấn báo chí
Vắt uống vạn ngàn điều đơm đặt hàng ngày…)
Họ là người của thế kỷ hai mươi
Còn tôi - tôi sinh ra trước mọi thế kỷ!
Sững sờ như khúc gỗ còn sót lại
Nơi hàng cây xanh biếc thuở xưa
Tôi dửng dưng với mọi miền , mọi chốn
Và có lẽ hơn cả tôi thờ ơ
Với những gì xưa kia thân thuộc nhất
Mọi dấu hiệu kỷ niệm trong tôi
Dường như đã bị bàn tay nào xóa sạch
Một linh hồn vô thừa nhận giữa đời
Quê hương chẳng ràng buộc tôi đến nỗi
Nếu cho ngay một thám tử tinh tường
Soi tìm khắp hồn tôi ngang dọc
Cũng không còn một vết tích thân thương
Với tôi, mọi tổ ấm ghẻ lạnh, mọi thánh đường trống rỗng
Tôi dửng dưng tất cả, với tất cả tôi vô tình
Nhưng bất chợt nếu hiện ra bên đường
Một bụi cây. Một bụi bạch dương… (*)
Tổ quốc
Sao cái lưỡi không cất nên lời
Tôi cứ ngỡ giản đơn thôi
Người mu-gích trước tôi đã bao lần ca hát
Nước Nga, Tổ quốc của ta ơi!
Nhưng từ miền quê, mỏm đồi Ca-lu-ga xưa
Đã chan chứa hồn tôi cái khoảng xa vô biên ấy
Thăm thẳm nơi cùng trời cuối đất
Ngoại bang, Tổ quốc của ta ơi!
Cái vô biên bẩm sinh như cái đau
Thân thương và định mệnh đến nỗi
Lưu lạc qua bao nhiêu miền đất khách
Tôi vẫn mang không suy suyển trong mình
Cái vô biên cách ly tôi với những gì gần sát
Gọi tôi bức thiết: "Hãy về đi"
Từ khắp chốn - tới tinh cầu vòi vọi
Thôi thúc tôi quay gót trở về
Đâu phải ngẫu nhiên, xanh hơn nước biển
Tôi vỗ vô biên vào trán muôn người
Mẹ! Dẫu phải mất cánh tay
Dù mất cả hai! Con vẫn ký bằng môi
Lên đoạn đầu đài: mảnh đất giành giật của tôi
Tổ quốc, niềm kiêu hãnh của tôi ơi!
Thư gửi con trai
Không lên thành thị, không xuống nông thôn
Con trai của mẹ, về nước đi con
Về đất nước trái ngược mọi đất nước
Quay về đó là xông lên phía trước
Nhất là con từ thuở lọt lòng
Đã bao giờ thấy xứ sở quê hương
Đâu phải của mẹ, con là của non sông
Cái hiện tại tẩy nhòa dần dĩ vãng
Nắm đất đã hóa thành bụi cát
Lẽ nào đôi bàn tay run rẩy
Lại rắc trên nôi trẻ thơ:
"Nước Nga đó - cát bụi! Hãy phụng thờ!"
Đời non trẻ chưa hề biết mất mát
Lên đường đi con! Hãy hướng mắt
Về nơi mắt mọi miền đất nước
mắt cả trái đất nhìn
Cặp mắt con xanh biếc mẹ âu yếm nhìn
Cặp mắt con trông về đất Nga thân thiết
Cha mẹ quê hương chẳng bao giờ gọi
Quay về đi con - tức là xông tới
Về xứ sở mình, về thời đại mình
Về nước Nga của con nước Nga của muôn dân
Về đất nước hiện tại, đất nước hôm nay
Đất nước - lên - sao Hỏa! Đất nước cha mẹ không hay
PHẠM VĨNH CƯ dịch
(SH24/4-87)
-------------------
(*) Trong nguyên tác: Riabina, loại cây rừng tiêu biểu cho thiên nhiên Nga cũng như bạch dương.