Thơ dịch
Kỷ niệm 95 năm ngày sinh Maiacôpxki
14:23 | 12/11/2014

LTS: "Maiacôpxki là lá cờ đầu của thơ ca tháng Mười. Và làm thơ ca ngợi cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, ông luôn luôn đặt ra những câu hỏi lớn về viễn cảnh của cuộc cách mạng, về tương lai của nhân loại.

Kỷ niệm 95 năm ngày sinh Maiacôpxki

Trong một bài thơ gởi Trung ương Đảng viết năm 1922, ông xem quả đất chỉ là một chấm tròn và trên "chấm tròn - quả đất" ông nhìn thấy "lòng khòng" một dấu hỏi khổng lồ. Ngày nay "dấu hỏi khổng lồ" này đương trở thành ám ảnh của cả loài người". (Trích phát biểu của anh Hoàng Ngọc Hiến trong dịp nhận giải thưởng dịch thuật của Hội nhà văn Việt Nam, ngày 6-2-1988).

Thế nhưng, trong sáng tác của Maiacôpxki, thơ tình là một mảng quan trọng và phức tạp hơn thơ chính trị của ông nhiều. Bản trường ca "Tôi yêu" anh Hoàng Ngọc Hiến vừa gởi cho chúng tôi giới thiệu dưới đây, là bản dịch đầu tiên được giới thiệu ở Việt Nam, là một thí dụ.

"Tôi yêu" mang những nét tiểu sử của tác giả, đồng thời là lịch sử trái tim của nhà thơ. Đứa trẻ lớn lên, cao to như hộ pháp, nó vẫn không mang nổi trái tim đồ sộ của nó - TRÁI TIM CỦA TÌNH YÊU, THƠ CA VÀ CUỘC SỐNG. Trong bản trường ca, đề tài tình yêu có một vang hưởng sâu rộng, không nằm trong khuôn khổ chật hẹp của những chuyện yêu đương, tình ái đầy rẩy trong văn chương:

Trong thế giới cỏn con
buồng ấm
của chúng ta

lũ trữ tình tóc xoắn mọc lên để ngợi ca chăn gối

Tôi

tôi đã học yêu
trong ngục Butưrki

(Vì hoạt động cách mạng, Maiacôpxki, năm 17 tuổi bị tống giam vào ngục Butưrki, một nhà ngục ở Mạc Tư Khoa)
Dưới đây là 7 trong 10 tiểu đoạn của bản trường ca của ông.



Tôi yêu
           Trích


THƯỜNG TÌNH

Người ta sinh ra ai chẳng yêu
Nhưng lo làm ăn,
lo kiếm chác,
ngày một ngày hai.
tim khô cằn xơ xác.
Thân thể phủ trái tim,
áo sơ mi đắp lên thân thể.
Thế nhưng chưa đủ!
Một thằng ngu!
còn vẽ vời đeo đôi măng-sét (1)
còn trang lên ngực một lớp hồ
Tuổi già sộc đến mới sực nhớ
Bà vội xoa với trát
Ông xoay như cối theo sách Muy-ler (2)
Nhưng muộn rồi
Da giẻ răn reo
Tình ra hoa
tình nở hoa
và tình khô héo



TUỔI THIẾU NIÊN

Tuổi thiếu niên mê man bài vở.
Họ đem ngữ pháp dạy lũ trẻ ngu ngơ
Tôi
học lớp năm thì họ đuổi (3)
Tống cổ vào các ngục Mạc Tư Khoa.
Trong thế giới cỏn con
buồng ấm
của chúng ta,
lũ trữ tình tóc xoắn mọc lên để ngợi ca chăn gối.
Tìm được cái gì ở những chó bông thi sĩ ấy?! (4).
Tôi,
tôi đã học yêu
trong ngục Butưrki (5)
Tôi đâu biết nhớ nhung rừng đẹp Bu-lôn (6)
Tôi đâu biết thú thở dài ngắm nhìn cảnh biển?!
Tôi mê
"Cửa hàng cho thuê đồ mai táng"
qua lỗ nhòm xà-lim 103 (7)
Những kẻ hàng ngày thấy mặt trời
hay nói phách
"Những tia nắng này là cái thá gì?"
Bấy giờ, tôi ước
vệt nắng vàng
rung rinh trên vách,
sẵn sàng đánh đổi mọi thứ trên đời.



KHÔN LỚN

Người lớn biết xoay xở, làm ăn
Túi người lớn, bạc tiền rủng rỉnh
Muốn ái tình?
Thì đấy!
Trăm đồng rúp là bao
Tôi lớn lên,
Không nhà không cửa,
thọc hai tay
vào túi rách sờn
tôi đi lang thang, mở to đôi mắt
Đêm,
Các người lấy áo đẹp mặc vào
Thả hồn nghỉ ngơi, bên thê thiếp, bên người gái góa
Mạc Tư Khoa bóp nghẹt tôi trong vòng ôm
những đại lộ, Xađôvai chạy dài vô tận (8)
Nhân tình của các người đi về đều đặn.
tim các người đập và đồng hồ tích tắc

Làm quảng trường Khổ nạn, tôi nằm, tôi nắm bắt
Mạch đập man dại trái tim những thủ đô
Phanh áo ra
cơ hồ tim lộ cả ra ngoài
Tôi mở rộng lòng tôi với vũng nước, với cả mặt trời
Hãy vào đây với những niềm say đắm!
Chứa chan tình, nào hãy lại đây!
Từ nay tôi chịu, không làm chủ trái tim được nữa
Tim kẻ khác, nhà ở đâu tôi biết,
Tim nằm trong ngực, ai chả rõ điều này!
Nhưng ở tôi
giải phẫu học loạn rồi.
Cả người tôi là tim

Chỗ nào cũng réo
Ôi, bao mùa xuân,
hẵng chỉ tính mùa xuân,
Hai mươi năm nay lò lửa này thiêu ngốn!
Tình xuân chứa chất, chỉ mang thôi không nổi.
Quả không mang nổi.
Không nói thơ
mà nói thực tình.



TÔI KÊU GỌI

Tôi nâng trái tim lên làm như lực sĩ.
tay vác, tôi bước đi như người diễn võ
Như khu phố gọi cử tri đi họp mít-tinh,
như làng xóm
đổ ngủ liêu
gọi đi chữa cháy -
tôi kêu gọi:
"Ới, nó đây!
Xem đây!
Cầm lấy!"
Tướng hộ pháp này mà hết
hẳn các bà các cô
dù lấm bụi,
lội bùn,
đạp tuyết,
cũng chạy ù,
né tránh tôi, bắn tóe tựa pháo hoa
"Cánh ta cỡ nhỏ thôi,
món tăng-gô thì hợp"
Tôi không sao mang được -
mà tôi vẫn cứ mang
Tôi muốn vứt -
và tôi biết
tôi không nỡ vứt!
Ôm chẳng nổi bộ sườn cong doãi mất.
Sức ép căng, vỡ lòng ngực mất thôi



EM

Nàng đến
nàng sõi sàng,
nghe gầm, trong hình dáng,
nhác nhìn,
nàng đoán đây chỉ là đứa trẻ con
Nàng cầm
chiếm trái tim
cũng lấy chơi thôi -
giống như cô gái nhỏ ham chơi thích bóng.
Và các bà, các cô
mỗi người một tiếng
- Như thấy chuyện thần kỳ -
bàn tán xôn xao:
"Yêu một tay như vậy?
Khéo nó húc lộn nhào!
Hẳn cô ả làm nghề dạy thú.
Hẳn là dân "Bách thú chuyển ngành!"
Còn tôi, tôi hân hoan.
Ách nặng -
Không còn nữa!
Tôi nhảy tâng tâng,
quýnh quýt lên mừng rỡ,
như người da đỏ vui đám cưới nhẩy mừng
Vui đến là vui
lòng tôi nhẹ tênh tênh
.


TÔI CŨNG VẬY THÔI

Thuyền thì cũng xăm xăm về bến
Tầu thì cũng bon chạy về ga
Tôi cũng vậy thôi
- Tôi yêu cơ mà!
Càng háo hức càng mãi miết về em hơn nữa.
Lão kỵ sĩ keo kiệt của Puskin (9)
Xuống hầm sâu, lúi húi, ngắm bạc tiền
Tôi cũng trở về em, em yêu quý
Đấy trái tim tôi,
tôi ngắm của tôi.
Thiên hạ trở về nhà mừng rỡ
Tha hồ kỳ cọ, tắm rửa, cạo râu
tôi về em
vui mừng chẳng kém,
tôi về em
chẳng về nhà đó sao?!
Sống trên đất lại trở về lòng đất
Rồi chúng ta trở về đích cuối cùng.
Tôi cũng vậy, hướng về em, sức nào cưỡng được,
Vừa xa nhau
đã gặp lại nhìn nhau
.
                    (1922)

HOÀNG NGỌC HIẾN dịch
(SH31/06-88)

----------------------------
(1) Măng-sét – Cổ tay áo bằng vải cứng để đính vào ống tay áo.
(2) Ông xoay như cối theo sách Muyler - tập những bài thể dục theo cuốn sách của Muyler "Hệ thống của tôi"; cuốn này khá phổ cập ở Nga trong những năm đầu thế kỷ này.
(3) Tôi học lớp 5 thì họ đuổi: Tác giả đang học lớp bốn thì thôi học để hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, sau đó "bị can án" và không được thu nhận vào bất kỳ trường công nào.
(4) Tìm được cái gì ở những chó bông thi sĩ ấy?! - Tác giả muốn nói đến loại thi sĩ lãng mạn rẻ tiền say sưa làm thơ tình; thơ của họ cốt hợp với khẩu vị của các bà, các cô giới thượng lưu nhàn hạ nuôi "chó bông" để tiêu khiển; để làm ra vẻ là nghệ sĩ, họ để đầu tóc bù xù như lông những "con chó bông" ấy.
(5) Ngục Butưrki - Một nhà ngục ở Mạc Tư Khoa; cuối năm 1909, đầu năm 1910, Maiakôpxki bị giam ở đây khoảng nửa năm; bọn cai ngục cho Maiakôpxki là phần tử ngang bướng, nguy hiểm đem giam riêng trong buồng xà lim số 103.
(6) Rừng đẹp Bulôn - Một khu rừng - công viên rất đẹp ở ngoại ô Pa-ri.
(7) Qua Lỗ nhòm xà lim 103 – Xem chú thích (5)
(8) Những đại lộ Xađôvai chạy dài vô tận - Xađôvai là một đại lộ ở Mạc Tư Khoa, chạy bao quanh thành phố.
(9) Lão kỵ sĩ keo kiệt của Puskin - tác giả muốn nói đến nhân vật chính trong vở "Lão kỵ sĩ keo kiệt của Puskin"








 

Các bài mới
Trang thơ Nabokov (14/06/2024)
Trang thơ Hy Lạp (28/08/2023)
Các bài đã đăng
Mùa thu mù (22/01/2014)
Thơ Liana Margescu (30/08/2013)
Người mẹ (28/06/2013)