Thơ dịch
Trang thơ Carolyn Forché
09:48 | 16/07/2019


CAROLYN FORCHÉ

Trang thơ Carolyn Forché

Nhà thơ, giáo sư Carolyn Forché là một trong những nữ thi sĩ đương đại hàng đầu của Mỹ và là tác giả của 12 quyển sách. Chồng cũ của bà từng là một cựu binh tham chiến ở Việt Nam. Chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh qua những vết thương tâm lý và thể xác dai dẳng của chồng, bà đã tích cực tham gia phong trào phản chiến. Trong một cuộc biểu tình phản đối việc thả bom và mìn xuống cảng Hải Phòng, bà đã bị cảnh sát đánh dùi cui vào đầu và bị thương. Bà sáng tác bài thơ “Huế: từ quyển sổ tay” khi đến Việt Nam lần đầu tiên. Các tác phẩm thơ của giáo sư Carolyn Forché đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: giải thưởng thơ Lannan, giải thưởng John Simon Guggenheim, giải thưởng của Quỹ Phát triển nghệ thuật quốc gia, giải thưởng Robert Creeley, giải thưởng Windham-Campbell… Hiện bà là giáo sư của trường đại học Georgetown và là giám đốc trung tâm thơ ca Georgetown Lannan.

Nguyễn Phan Quế Mai giới thiệu và dịch




Huế: từ quyển sổ tay

Xuôi trên sông Hương trên chiếc thuyền rồng
Chúng tôi đến ngôi chùa với ba pho tượng Phật vàng trầm mặc
Hãy khẩn cầu ở đây - một cậu bé thầm thì - ông bà có thể xin Phật ban cho hạnh phúc
Chúng tôi thắp hương, thả những chiếc nến trong túi giấy xuống nước
Thân xác chúng tôi rời đi, hồn ở lại trên thuyền


Những người lính bên cạnh tôi đã từ bỏ chiến tranh từ nhiều thế kỷ
Tóc họ bạc màu, những mái tóc pha sương, vầng trăng mắc kẹt giữa bông hoa sứ
Nước mắt họ trôi cùng với sông Hương
Nước mắt họ chảy theo ánh nến chập chờn


Hàng nghìn ngọn nến trôi trên sông, một quyển sổ tay mở ra trong bóng tối
Bầu không khí yên lặng như sự im lặng trước khi mìn nổ tung


Một thời những người lính này đã bắn vào nhau
Bây giờ họ lặng lẽ bên nhau, những bông hoa sứ cạnh những bông hoa sứ
Chợt tiếng những cánh cò xao xác vụt lên, những sợi xích xe đạp lạch cạnh trên phố
Ở đây trên mười ngàn ngôi mộ những bông cúc nằm nghiêng


Chúng ta như những áng mây cứ trôi đi mê mải
Một cựu binh thở dài và nói
Sẽ thế nào khi chúng ta không giống những đám mây?
Chúng ta là những ống sáo trên cánh đồng nằm chờ hơi thở



Khu vườn Shukkei-en, Hiroshima

Bằng con đường của một chiếc cầu đã biến mất chúng tôi vượt qua con sông này như đám mây tuyết dâng trào lên núi
Bà đã luôn sợ hãi việc đến nơi này
Đó là con sông mà bà nhớ nhất, cả người sống và người chết đang khóc than cầu cứu
Một thế giới đã không cho phép những giọt nước mắt và cả sự than van


Những cây tùng vuốt tóc cho bà khi bà đi ngang bên dưới, và những sợi kẽm gai sáng chóe cũng thế
Nơi hiện có chiếc hồ, ở đó đã là một chiếc hồ, nơi những cây thông đen đang mọc, nơi đã mọc những cây thông đen


Nơi hiện không có quán trà, tôi thấy một quán trà bằng gỗ và thi thể của những con người đã ngủ bên trong
Bên kia bờ thành phố Ota, một cây liễu rủ khắc trí nhớ của nó về gương mặt họ thẳm sâu vào nước
Nơi ánh sáng chạm vào khuôn mặt, nét chữ của trái tim đang được viết lên
Bà chạm vào một thân cây cháy đen được rơm bao bọc, rồi nói:
Tôi đã kiệt sức và da của tôi lủng lẳng trên những đầu ngón tay như vải
Cô có nghĩ rằng trong một phút giây chúng tôi đã là con người đối với họ?


Bà đến chỗ tượng thiên thần bằng đá, những con hạc giấy trên tay
Không phải thiên thần, mà là người phụ nữ đã từng tồn tại, người đã đi qua khu vườn Shukkei-en
gọi cá chép nổi lên mặt nước bằng tiếng vỗ tay


Người Mỹ có nghĩ đến chúng tôi không?
Bà bắt đầu nói khi chúng tôi ngồi bệt xuống những bàn cầu:
nếu cô muốn, tôi sẽ kể cô nghe, nhưng tôi sẽ không bao giờ nói hết
Chúng tôi đã cố băng bó những vết bỏng của mình với dầu thực vật


Tóc bà là bọt cơm trắng dâng lên ấm đun nước, cũng như tâm trí của bà
Trong những năm sau chiến tranh bà đã trở trăn về việc sẽ sống thế nào


Lời chào thông thường dozo-yirosghku có nghĩa là làm ơn chăm sóc tôi
Tất cả nạn nhân bom nguyên tử còn sống tới giờ từng là những đứa trẻ
Một nghĩa trang nhìn thấy được từ trên không là thành phố của một đứa trẻ


Tôi không thích bông hoa đỏ này vì nó gợi tôi nhớ đến bộ não của một người phụ nữ bị nghiền nát dưới một mái nhà
Có lẽ ngôn ngữ của tôi chính xác quá, và vì thế khó hiểu?
Biết bao năm rồi, chúng tôi đã không cảm thấy điều mà cô gọi là hạnh phúc
Nhưng thỉnh thoảng, nếu gặp may, chúng tôi trải nghiệm một điều gần như thế
Như cuộc đời chúng tôi đại diện cuộc đời, và khu vườn này, khu vườn
Và trong sự yên lặng bao quanh những gì đã xảy ra với chúng tôi


tiếng chuông đánh thức Thánh thần là điều chúng tôi đã và đang nghe thấy
                                                                       
Hiroshima, 1983



Đại tá(*)

Những gì bạn đã nghe là sự thật. Tôi đã ở trong nhà ông ta. Vợ ông đã mang tới khay cà phê và đường. Con gái của ông ta đã dũa móng tay, con trai ông ra ngoài chơi đêm ấy. Ở đó có những tờ báo ngày, những con chó cưng, một khẩu súng trên chiếc nệm cạnh ông. Bên trên ngôi nhà, vầng trăng đung đưa xao xác trên sợi dây đen của nó. Chương trình truyền hình về cảnh sát đang phát trên tivi. Bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Những chiếc chai vỡ ẩn mình trong những bức tường bao quanh nhà để múc đi xương đầu gối trên đôi chân của một người hoặc cắt đôi tay của người ấy thành sợi. Trên cửa sổ những chiếc lưới sắt như lưới trong hàng rượu. Chúng tôi ăn tối, sườn cừu, rượu ngon, một chiếc chuông vàng đặt trên bàn để gọi cô người hầu. Cô người hầu đưa lên những quả xoài xanh, muối, một loại bánh mỳ. Tôi được hỏi tôi có thích đất nước này không. Có một quảng cáo ngắn bằng tiếng Tây Ban Nha. Vợ ông ta dọn đi tất cả. Rồi chúng tôi nói chuyện về việc cầm quyền hiện nay đã trở nên khó khăn đến thế. Con vẹt thốt lên câu chào trên hiên nhà. Đại tá bảo nó câm miệng, và đẩy bàn đứng lên. Bằng ánh mắt, bạn tôi bảo tôi: đừng nói gì cả. Đại tá quay lại bàn với chiếc túi dùng để mang hàng về nhà sau khi đi chợ. Ông đổ tràn ra bàn bao nhiêu những tai người. Chúng như những nửa quả đào khô. Không có cách nào khác để nói về chuyện này. Ông ta cầm một chiếc tai trên tay, lắc mạnh nó vào mặt chúng tôi, thả nó vào cốc nước. Ở đó chiếc tai sống lại. Tao mệt mỏi với việc lãng phí thời gian, ông ta nói. Về quyền con người của bất cứ đứa nào, hãy bảo với người dân của mày tao đéo thèm quan tâm đến họ. Bằng cánh tay ông ta gạt những chiếc tai xuống sàn nhà và nâng cao những giọt rượu cuối cùng lên không trung. Cái này dành cho thơ của cô, đúng không? Ông ta nói. Mảnh vụn giọng ông ta găm vào một số chiếc tai. Một số chiếc tai trên sàn bị dí sát xuống đất.

                                                San Salvador, tháng 5, 1978

............................................................
(*) Bài thơ “Đại tá” viết về nội chiến ở đất nước El Salvador nơi đó có hơn 100.000 thường dân trong tổng
dân số 5,5 triệu người đã bị giết hại. Hằng trăm ngàn người phải bỏ xứ sở ra đi và hàng trăm ngàn người khác
phải sống ở trại tị nạn trên chính đất nước họ.


(TCSH363/05-2019)




 

Các bài mới
Trang thơ Nabokov (14/06/2024)
Trang thơ Hy Lạp (28/08/2023)
Các bài đã đăng
Trang thơ Adonis (04/01/2018)
Thơ Jan Wagner (02/05/2017)