Thơ dịch
Chùm thơ Langston Hughes
09:42 | 17/07/2008
LANGSTON HUGHESLGT: Langston Hughes (1902-1967) là một trong những cây viết chủ lực của  phong trào văn học nghệ thuật của người Mỹ gốc Phi - châu trong thập niên 1920, mệnh danh là phong trào Phục Hưng Harlem (Harlem Renaissance)- một nỗ lực nhằm cổ động lòng tự hào về màu da và văn hóa da đen.
Chùm thơ Langston Hughes

Thiên tài sáng tạo của Langston Hughes mang dấu ấn cuộc đời thường của khu Harlem, lúc bấy giờ là một khu phố nghèo nàn, xập xệ, cuả người da đen ở New York . Qua thi ca, tiểu thuyết, kịch, tiểu luận và cả sách thiếu nhi, Hughes kêu đòi bình đẳng xã hội, lên án chế độ kỳ thị chủng tộc và những hành vi chà đạp công lý, đồng thời ngợi ca những tình tự của người da đen.
Ông gần gũi và đưa vào tác phẩm mình những con người mặc dù rất tầm thường nhưng biết trân trọng cái đẹp nội tại trong cuộc đời.  Hughes yêu nhạc blues và jazz, những thể loại rất phù hợp với kinh nghiệm của người da đen khi diễn tả nỗi buồn thảm, cuộc sống lầm than, niềm hi vọng và sự quyết tâm.  Trong một bài viết về nhạc blues, ông cho “đây là một thể loại âm nhạc được hát bởi những cái cổ đen, tả tơi nhưng bất khuất (black, beaten but unbeatable throats).” Hughes đã từng cho thu băng thơ của mình theo nhạc đệm của điệu blues hay jazz do các nhạc sĩ như Charles Mingus soạn. Nhịp điệu của Jazz cũng ảnh hưởng rõ nét lên bài trường thi “Montage of a Dream Deferred”, một bài thơ có lẽ dài bằng truyện Kiều, mô tả đời sống da đen ở vùng ngoại ô - một kết hợp hài hòa giữa thơ, nhạc và lịch sử cuả người Mỹ gốc Phi-châu.
Langston Hughes không những là một khuôn mặt lớn trong văn học sử Mỹ, nhưng còn là một nhà văn hóa góp phần xứng đáng cho cuộc đấu tranh dành quyền làm người cho đồng bào ông.  Thơ của ông trĩu nặng tình tự và khát vọng của người da đen
TRẦN NGỌC CƯ giới thiệu và chuyển ngữ


Người da đen nói về những dòng sông



Tôi đã qua những dòng sông:
Tôi biết những dòng sông xưa như trái đất, xưa hơn dòng máu luân lưu trong huyết mạch loài người.
Tâm hồn tôi sâu thẳm những dòng sông.

Tôi tắm dòng Euphrates những buổi hừng đông.
Tôi dựng lều gần dòng Congo, nước ru tôi ngủ.
Tôi nhìn xuống sông Nile và xây kim tự tháp trên bờ.
Tôi nghe dòng Mississippi hò reo khi Abe Lincoln xuôi về phương Nam, và tôi thấy lồng ngực phù sa rực rỡ dưới trời chiều.

Tôi qua những dòng sông:
Những dòng sông âm u tiền sử.

Tâm hồn tôi sâu thẳm những dòng sông.




Harlem


Lắm khi, thi nhân là nhà tiên tri của thời đại mình đang sống. Bài thơ ngắn này, Hughes viết năm 1950, cơ hồ đã báo hiệu những cuộc nổi loạn đòi quyền sống của đồng bào ông trong những năm 1960 tại các thành phố Watts, Newark, Chicago. Harlem là tên một khu ghetto da đen ở New York.



Việc gì xảy ra
khi một ước mơ bị hoãn trì,
nay lần mai lữa?

Nó sẽ héo khô
như trái nho đem phơi?
Hay nhức nhối như ung nhọt –
Rồi máu mủ tứa ra?
Nó sẽ tanh hôi như là thịt rữa?
Hay với bột và đường phủ lên –
nó sẽ như bánh kẹo ngọt ngào?
Có lẽ nó chỉ xệ xìu
oằn xuống như là gánh nặng.

Hay nó sẽ như trái phá nổ tung?

Tôi cũng ngợi ca nước Mỹ

Nếu bảo rằng nhà thơ là kẻ có viễn kiến của một tiên tri, thì chính Langston Hughes đã thấy Colin Powell, Condoleezza  Rice, Barack Obama… ngồi chung bàn tiệc với người da trắng.

           
Tôi cũng ngợi ca nước Mỹ.

Tôi là người anh em nước da tối hơn.
Họ đưa tôi vào ăn trong bếp
Khi khách khứa tới nhà,
Nhưng tôi vẫn cười vui,
Vẫn ăn uống ngon lành,
Và lớn mạnh.

Mai sau,
Tôi sẽ ngồi vào bàn tiệc
Lúc khách khứa tới nhà.
Có ai dám bảo tôi,
khi đó,
“Mày vào trong bếp mà ăn.”

Ngoài ra,
Họ sẽ thấy tôi mỹ miều xinh đẹp
Mà lấy làm hổ thẹn trong lòng

Tôi cũng là, là Mỹ, như ai.

(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)

Các bài mới
Trang thơ Nabokov (14/06/2024)
Trang thơ Hy Lạp (28/08/2023)
Các bài đã đăng
Bố (26/03/2008)