Thơ dịch
Chùm thơ Nga Iosif Brodsky
15:54 | 07/05/2010
Ngày 22 tháng 10 năm 1987 Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố tên người được tặng giải thưởng Nôben văn học - nhà thơ Nga sống ở Mỹ Iosif Brodsky. I.Brodsky là nhà văn Nga thứ năm được nhận giải thưởng cao quý này. Sau I.Bunhin (1933), B.Pastemnac (1958), M. Solokhov (1965), A.Xongienhixun (1970).
Chùm thơ Nga Iosif Brodsky
Thi hào Nga Iosif Brodsky - wikipedia.org

I.Brodsky (sinh năm 1946) là một trong những người trẻ tuổi nhất được tặng giải thưởng Nôbel văn học. Những sáng tác của ông trong hơn hai chục năm qua đã nổi tiếng khắp thế giới ông được công nhận không chỉ là của người dẫn đầu của các nhà thơ viết bằng tiếng Nga mà còn là một trong những nhân vật sáng giá nhất của nền thi ca hiện đại trên toàn thế giới.
Trong sáng tác của I.Brodsky chúng ta tìm thấy sự liên kết nghịch lý của sự thử nghiệm và tính truyền thống. Phần nhiều sự liên kết có diễn ra trái với những xu hướng chủ yếu trong thi ca Nga và Châu Âu nhưng cho đến bây giờ nó không hề dẫn đến ngõ cụt, ngược lại sự phối hợp giữa âm luật và từ vựng không theo qui tắc với tính ẩn dụ sâu sắc và sự xây dựng niêm luật, loại thơ đó ngày càng tìm được nhiều người đồng cảm và ủng hộ.
Ở Mỹ đã xuất bản những tác phẩm của Brodsky:
“Thơ và trường ca” (1965), “Bến đỗ trong sa mạc” (1970), “Kết thúc một thời tuyệt đẹp” (1977), “Một phần tiếng nói” (1977), “Bi khúc Rôma” (1982), “Uranhia” (1987), “Nhỏ hơn đơn vị”…




IOSIF BRODSKY


Một phần tiếng nói


Tôi sinh ra và lớn lên trong những đầm lầy Ban Tích
Ngay bên sóng từng đôi ùa lên cát
tôi tìm ra những âm vận từ đây
và cũng từ đây giọng nói tôi nhàn nhạt
giọng nói như mớ tóc xoăn đẫm ướt
phất phơ giữa những con sóng màu chì
Trong tiếng sóng, ngồi chóng tay lắng nghe
không phân biệt tiếng rì rào trong tiếng màn vải lanh phần phật
tiếng vỗ những bàn tay. Tiếng ấm trà sôi trên bếp
thỉnh thoảng chỉ nghe rõ tiếng hải âu…

Ở xứ sở bằng phẳng này không thể trốn đi đâu
ta nhìn được xa hơn và giữ tim mình khỏi những điều dối trá
không gian đầy nhiễu âm thanh
nhưng không vì thiếu tiếng vang
mà con mắt người than thở.



Không đề


Chiều thu, thị trấn khiêm nhường
vẫn tự hào có tên trên bản đồ hành chính
Không gian ở đây tính tình đỏng đảnh
mỏi mệt do vẻ hùng vĩ của chính mình
trút nỗi nhọc nhằn, tự đóng khung trong đường diềm mái phố
của thời gian với cái nhìn ớn lạnh
lướt trên những tủ kính bày hàng
có đủ thứ thế gian này làm được
từ kim băng đến kính thiên văn
Ở đây có rạp chiếu phim và xa lông
sau góc phố tiệm cà phê màn buông rủ
nhà băng màu gạch non, vẽ đôi cánh đại bàng
nếu không nằm cạnh bên nhà bưu điện
nhà thờ từ lâu không ai nhớ nữa
và nếu không có những đứa bé ra đời
người ta phải làm lễ rửa tội cho những chiếc xe riêng
Ở đây lũ cào cào bay vụt lên từ lặng yên
sáu giờ chiều, như sau chiến tranh hạt nhân, đã chẳng gặp ai nữa
Trăng lặng trôi
trong bóng chiều tà sáng lên vài khung cửa
họa hoằn có chiếc xe sang trọng về đâu đó
quét đèn lên tượng Người lính vô danh
Ở đây bạn nằm mơ không gặp người đẹp trong tranh
mơ gặp trên bì thư địa chỉ của mình
Ở đây, một sáng thấy bình sữa thiu chua
người bán sữa nhận ra bạn đã không còn
Ở đây có thể sống không cần đến lịch
không ra khỏi nhà
soi mình vào gương, như những ngọn đèn
soi vào vũng nước đang dần khô kiệt.


Nghiêm Huyền Vũ
(Giới thiệu và tuyển dịch)


(137-07-00)


 

Các bài mới
Trang thơ Nabokov (14/06/2024)
Trang thơ Hy Lạp (28/08/2023)
Các bài đã đăng
Tuổi tôi (13/04/2010)
Đêm Trắng (29/12/2009)