X Đá trong đá, con người, ngươi ở đâu? Không khí trong không khí, con người, ngươi ở đâu? Thời gian trong thời gian, con người, ngươi ở đâu? Phải chăng ngươi cũng chỉ là một mảnh nhỏ nhoi của con người bất tận, của con đại bàng trống không kẻ mà qua những nẻo phố hôm nay, qua những dấu chân, qua những cánh lá mùa thu chết đang vùi dập tâm hồn xuống đáy mồ sâu? Tội nghiệp bàn tay, tội nghiệp bàn chân, tội nghiệp cuộc đời… Tháng ngày ánh sáng tiêu tan trên ngươi, như mưa, trên cờ xí ngày lễ hội, chúng có ban cho cái miệng trống rỗng của ngươi từng cánh mỏng dưỡng chất hẩm hiu đen đúa? Cái đói, chỗ cạn khô héo hắt của người, cái đói, cỏ cây bí hiểm, gốc rễ của người thợ rừng, cái đói, phải chăng là những mép buồn của các anh vươn treo lên những tháp cao sụp đổ này? Ta van ngươi, hỡi muối mặn của những con đường đất, chỉ cho ta chiếc thìa, cho phép ta, hỡi nghệ thuật kiến trúc, được nhấm nháp từng mẫu nhỏ nhụy thơm của đá, được trèo lên tất cả những bậc thang không khí để đến tận cõi không, được dò tìm vào tận nội thế sâu kín cho đến khi chạm gặp con người Hỡi Machu Picchu, có phải người chất chồng đá lên đá, và dưới móng là manh áo tả tơi? Than chồng chất lên than, và dưới nền là những giòng nước mắt? Lửa trong vàng, và giữa lửa run run, Tia máu đỏ lớn lao tung tóe? Buông ra cho ta kẻ nô lệ ngươi đã vùi chôn! Hãy phun ra từ hồn ngươi mẩu bánh mì khô cứng của kẻ khốn cùng, hãy chỉ cho ta mảnh khố của người nông nô, và cửa sổ của họ. Hãy kể cho ta họ ngủ thế nào khi họ sống. Hãy kể cho ta, phải chăng giấc ngủ họ èo ọp chập chờn, như cái hóc đen điu lủng mòn trong bức thành mệt nhọc. Bức thành! phải chăng trên giấc ngủ của họ đè nặng từng lớp đá, và họ đã ngã xuống cùng giấc ngủ dưới đá tảng như dưới một vầng trăng! Hỡi châu Mỹ xa xưa, nàng dâu bị vùi dập, phải chăng những ngón tay của người, cũng mò mẫm dò tìm từ rừng sâu đến cõi không cao ngất của thần linh dưới cờ phướn hôn phối của ánh sáng và nghi lễ hòa lẫn với tiếng trống sấm sét và những mũi lao, phải chăng những ngón tay của ngươi, của chính người những ngón tay mà đóa hồng trừu tượng, đường thẳng lạnh lùng và khuôn ngực đẫm máu của hạt nhân mới đã mang đến tấm vải dệt rực rỡ, đến hang hóc lởm chởm góc gai phải chăng người - hỡi châu Mỹ bị vùi chôn, người cũng bị vây bủa trong chốn thấp hèn tăm tối nhất trong ruột gan cay đắng, như con đại bàng, người cũng bị đói khát đớn đau?
XI Ngang qua sự rực rỡ hỗn loạn, hãy để ta nhúng tay vào tận đêm đen đá tảng và hãy để trái tim xưa cũ của lãng quên lại phập phồng nức nở trong ta, tựa con chim đã nghìn năm bị giam giữ! Giờ đây hãy để ta quên niềm vui sướng này, niềm vui bao la hơn biển cả, vì con người rộng lớn hơn đại dương và những hải đảo mênh mông của nó, và người ta phải rơi vào chính mình như rơi vào giếng khơi để từ vực sâu trỗi dậy với tia nước huyền nhiệm với chân lý bị nhận chìm. Hãy để ta quên hỡi đá tảng bao la, quên những kích thước đồ sộ, quên sự đo lường vượt bậc, quên lớp lớp đá chất chồng như tổ ong, và giờ đây hãy để bàn tay ta từ đường thẳng góc lượn xuống đường dốc nghiêng máu đọng và áo lông tù tội. Khi con kên kên cuồng bạo đập mạnh vào màng tang ta trong vòng bay của nó, như những cái cựa đỏ nhọn hoắt, và khi cơn lốc tơ lông đẫm máu của nó quét sạch đi bụi bặm tối tăm từ bậc đá xuôi đổ, thì ta không còn thấy con vật linh lợi ấy nữa, không thấy cái vòng mù quáng của móng vuốt nó, ta chỉ thấy tính thể con người xa xưa, người nông nô, người ngủ gật trên những ruộng đồng, ta thấy thân thể, hàng ngàn thân thể, người đàn ông, ngàn người đàn bà dưới cơn lốc mù đen, đen vì mưa và vì đêm tối, vì đá tảng nặng nề của pho tượng trơ trơ: John-kẻ-đục-đá, con trai Wiracocha, John-kẻ-ăn-giá-băng, con trai vì sao xanh lá, John-kẻ-chân-trần, cháu nội thạch nham, hãy đứng lên cùng ta, hỡi người anh em, để được sinh ra. XII Hỡi người anh em, hãy đứng lên cùng ta để được sinh ra. Từ cõi miền thăm thẳm của dày vò ray rứt trải rộng mênh mông hãy trườn nắm tay ta, Bạn sẽ không bao giờ về lại với vực thẳm đá đen, Bạn sẽ không bao giờ về lại với thời gian vùi lấp. Tiếng nói bị bóp nghẹt của bạn sẽ không bao giờ trở lại. Đôi mắt bị đâm đui của bạn sẽ không bao giờ trở lại. hãy ngước nhìn ta từ những vực sâu trái đất, hỡi người nông dân, hỡi người thợ dệt, hỡi kẻ chăn cừu thầm lặng: hỡi người chăn dạy lạc đà: hỡi người thợ nề của đàn xây đầy thách thức: hỡi người gánh nước của những giòng lệ Andean: hỡi người thợ vàng của những ngón tay hang động: hỡi người thợ gieo run run trong hạt giống: hỡi người thợ gốm ngã vùi trong đất sét: hãy đem hết những âu lo thấp thỏm chôn sâu xưa cũ của các anh đến chiếc ly của cuộc sống mới này. hãy chỉ cho ta giòng máu và vết hằn của các bạn, hãy bảo ta: nơi đây tôi đau khổ vì ngọc ngà không chiếu sáng hay mặt đất không sản sinh đá tảng hoặc hạt mầm đúng hạn: hãy chỉ cho ta tảng đá nào bạn ngã xuống trụ gỗ nào bạn bị đóng đinh hãy thắp cho ta những hòn đá lửa thắp những ngọn đèn xa xưa, thắp những lằn roi hằn trong các vết thương qua bao thế kỷ và những chiếc rìu lóng lánh màu máu đọng. Ta tìm đến để nói qua cái miệng đã chết của các bạn. Từ bên kia thế giới hãy góp lại tất cả những làn môi rạn nứt lặng câm và từ vực sâu hãy trò chuyện cùng ta qua suốt đêm dài này như ta đã cùng các bạn từng buông neo nơi đó, hãy kể hết ta nghe, chuỗi này qua chuỗi nọ, khâu này nối khâu kia, bước này sang bước khác, hãy mài bén lưỡi dao bạn quen gìn giữ. đem đặt chúng lên ngực lên tay ta, như dòng sông lưỡi tầm sét vàng rực, như dòng sông hổ báo chôn vùi, và hãy để cho ta khóc, khóc từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm, từng thời đại mù lòa, từng thế kỷ đầy sao. Trao cho ta niềm câm lặng, dòng nước, nguồn hy vọng của các bạn. Trao cho ta sức đấu tranh, sắt thép, núi lửa của các bạn. Hãy kết chặt thân thể các bạn vào ta như đá nam châm. Hãy chia sẻ mạch máu và miệng của ta. Hãy nói bằng lời và máu của ta. TRẦN PHƯƠNG KỲ dịch Từ bản tiếng Anh của KATE FLORES trong Modern European Poetry - nxb BANTAM BOOK - 1970, tr. 575-586. (8/8-84) ------------------ (*) Machu Picchu là một thành phố cổ của đế quốc Inca ở Peru, cách Cuzco 50 dặm về phía Tây Bắc. Nó cao khoảng 12.000 bộ so với mặt biển, đặt trên một miền đá tảng trong ngọn đèo hẹp giữa hai đỉnh núi nhọn của rặng Andes, nhìn xuống dòng Urubamba, khoảng 2000 bộ phía dưới. Di tích này bị đổ nát nhiều, nhưng vẫn còn nguyên vết tích của những công trình kiến trúc đồ sộ. Theo truyền thuyết lịch sử, Machu Picchu có lẽ là quê hương của đế quốc Inca, trước khi họ định cư tại Cuzco, và nó cũng là thành lũy cuối cùng của họ sau khi bị thực dân Tây Ban Nha xâm lược. Thành phố Nam Mỹ cổ xưa này bị mất dạng nhiều thế kỷ, mãi đến năm 1912 mới được Hiram Bingham phát hiện, thăm dò và khai quật. (Chú thích của người dịch) |