Thơ dịch
Trang thơ WJC (William Joiner Center)
14:30 | 07/03/2012

Sam Hamill - Kevin Bowen - Martha Collins - Yusef Komunyakaa - Fred Marchant - Lady  Borton - Nguyễn Bá Chung - Bruc Weil - Carolyn Forché - Larry Heinemann - George Evans

Trang thơ WJC (William Joiner Center)
Từ trái sang: nhà thơ Matha Colling, Fred Marchant, Vĩnh Nguyên, Tô Diệu Linh, Võ Quê cùng du thuyền trên sông Hương đêm 13.1.1995 - Ảnh: TL

SAM HAMILL


Không đến được Hà Nội

Tắc ở sân bay Narita, tôi có hàng giờ
ngẫm nghĩ về một nhà thơ ở Việt Nam
người đã “bảo vệ nỗi buồn” cho ngôi làng của mình,
người mà nỗi đau trở lại giống như con dao
từ bài thơ này đến bài thơ khác.

Nhân viên đeo găng tay trắng
tại Narita lạnh lùng nói: “Ngài
không thể đi mà không có thị thực. Xin lỗi ngài, luật quy định
ngài phải có thị thực”.
Không có chút ánh sáng nào trong cặp mắt anh ta.

Khi Garcia Lorca trở lại Tây Ban Nha,
ông ấy cũng làm vậy để
bảo vệ nụ cười của mình. Nụ cười của Thiều,
mang đậm nỗi buồn và vẻ đẹp,
là nụ cười đáng để bảo vệ

Tôi lấy lại hộ chiếu
từ đôi bàn tay đeo găng trắng
và không nói gì cả. Liệu có thể nói gì
với một nhân viên bất động mà nụ cười
giống như một con ếch đang nuốt một con ruồi.

Tôi sẽ không đến Hà Nội
Tôi sẽ không nhìn thấy nụ cười mà tôi muốn nhìn,
ánh sáng sâu thẳm của đôi mắt
có rất ít niềm vui
nhưng lại nói lên rất nhiều điều.

Tôi nghe thấy tiếng ồn ã của phố phường bận rộn,
mùi khói của những xiên thịt nướng
được bán dọc bên đường. Nhưng tôi sẽ không phải
chịu đựng cái nóng ẩm ướt ngột ngạt.
Tôi có hàng giờ để chờ đợi

trước khi bay trở lại Mỹ.
Tôi thức dậy sau một giấc mơ
thấy mình ngồi trên một chiếc ghế sân bay,
lưng đau nhừ, chân tê cứng, khát khao
một thành phố tôi hiếm khi nhìn thấy.

Mệt mỏi, cảm thấy già cỗi như rác,
Tôi miễn cưỡng lên máy bay, và đón chào
bình minh từ độ cao 12.000 mét,
đọc những vần thơ Nguyễn Quang Thiều viết về bình minh
hít thở với hai lá phổi hồng,

một ở phía Tây, một ở phía Đông.

                                         Ngân Phương dịch



KEVIN BOWEN


Bài hát trong Ánh đèn Xanh

Tặng Hà Khánh Linh

Cô gái trẻ hát trong ánh đèn xanh,
Bài hát của những chiếc lá trên dòng sông
Cô cố gắng theo kịp nhịp của chàng trai
Đang chơi đàn
Toàn bộ sức lực của cô dồn vào bài hát
Vút cao giữa đám đông khán giả.

Những người đàn ông, đàn bà và trẻ em kéo đến
Trong chiếc áo sơ mi nhàu nhĩ và chiếc cà vạt, thầy giáo của cô
Đứng căng thẳng bên cánh gà. Cậu bé
Dưới chân ông thay đổi ánh đèn
Từ xanh sang đỏ, chiếu ánh sáng lên
Bức tường thạch cao nứt vỡ, những bức tranh vẽ của trẻ con. 
Những chiếc thuyền trôi giạt trên những dòng sông đen
Bài hát vẫn vang lên dù ai đó tin rằng
“Hy vọng là một cánh đồng không bao giờ được gặt hái”.


Ngân PhươngNông Ngọc Hân chuyển ngữ
Nguyễn Quyến dịch thơ



MARTHA COLLINS


Phòng trắng

Người đàn bà ngồi trong căn phòng trắng
Nhìn chong chong những bức tường trắng
vòm trần trắng,
bầu trời trắng ngoài kia.

Chiếc ghế chị ngồi màu trắng, chiếc áo dài màu trắng
Chị đã quay chiếc gương bạc
úp mặt vào tường.

Một người gọi điện.
Anh nói về một thế giới trắng,
mây trắng, khắp mọi nơi.

Trang giấy trắng, chị trả lời.
Sẽ không lật sang trang.

                        Ngô Tự Lập dịch



YUSEF KOMUNYAKAA


Con thuyền thơ

Con thuyền đã trét hắc ín với nhựa sơn cánh kiến hoàn toàn không thấm nước, xoay bông bênh trên dòng triều dạt, nhẹ nhõm như một người đàn bà đang yêu. Lại chống sào đẩy ra, rẽ lối qua bao sen nở, bùn lắng, nỗi hổ ngươi day dứt, bóng tối không buông tha. Với nửa bộ rễ hay nửa trái tim thì bất cứ thứ gì cũng có thể mọc lên trong cái đầm lớn này.

Có nhịp sào chống vào phía những thứ lẩn ánh ngày, toàn những thứ gây đau. Trong bình minh, bóng của người hái hoa trải ra trên nước, biên đạo cho một nhạc cụ chơi cho những thần những quái của vương quốc âm u phía dưới. Những bông hoa nở nghiêng vào bàn tay nhanh nhẹn của anh, như thể chúng lưng chừng tự bứt, tuân theo qui luật nào đó.

Chậm rãi, ánh sáng hùng biện cắt giữa đêm và ngày, giống như những người tắm trần truồng đang ghì ôm. Con thuyền đằm sâu hơn, cách dễ dàng như con bọ nước. Theo những cử động trôi chảy của anh, tôi biết, không còn nữa cái bóng kẻ ném bom nào trên mặt nước, lướt đi như một giấc mơ về cái chết. Bí ẩn mọc lên từ sự thối rữa của những vật chết - mỗi bông hoa nở một cái hôn từ cõi bất tri.

Tôi đứng trên những bậc thềm Nhà Khách Tây Hồ Hà Nội, cảm thấy mình bị dõi nhìn như tôi đang trân trối nhìn anh chàng chống thuyền kia, chẳng thể hành xử cứ như chỉ còn hai chúng ta trên cõi đời này. Anh vững vàng trên con thuyền Thần Mặt Trời của anh, ngoặt trái ngoặt phải, xuyên qua và vượt khỏi, như thể ngày là một người đàn bà anh sẽ kéo vào vòng tay.

                                                   Nguyễn Chí Hoan dịch



FRED MARCHANT


Huế, trong đêm

(Tại Đàn Nam Giao)

Đôi khi tôi nghĩ Huế là trung tâm của vũ trụ
hàng nghìn cặp mắt đang dõi theo chúng tôi ở đây
Cặp mắt kín đáo của vầng trăng giữa đám mây
Cặp mắt nóng rực của bó hương
đang cắm vào đá.
Cặp mắt phóng đại của khoảnh sân nơi vua đi dạo,
nơi những phiến đá vang lên hùng tráng.
Cặp mắt nghi ngờ của người đàn bà đang cầu nguyện bên thềm tối.
Cặp mắt mờ mịt của ánh đèn pha.
Và ánh lập lòe của những ngọn nến được thả trên sông.
Cặp mắt của những người không còn ở đây nữa.
Và cặp mắt sống động của những người là bạn tôi.

                                      Ngân Phương dịch



LADY  BORTON


Vầng trăng phiền toái

Vầng trăng thật phiền toái
Mọc lên từ phía sau dãy núi sống trâu
Đổ nhẹ xuống con dốc đầy tuyết phủ.
Giống một kẻ tấn công, những tia sáng của trăng ùa vào buồng tối
Làm hư hại bức ảnh đen trắng
Đang hiện dần lên trong khay rửa ảnh
Làm bức ảnh trở thành xám xịt.

Tôi ngừng rửa ảnh
Cất thuốc rửa ảnh khỏi cửa sổ
Và lấy một tờ giấy ảnh khác
Lướt đi lướt lại trong khay.
Tôi nhìn sát bức ảnh đang hiện ra
Thấy tôi đang đứng trên một chiếc cầu làm bằng cây cọ
ở Việt Nam

Người đàn bà đất Việt phía sau tôi trông như
cành cắm
ngón chân chị trải ra như những ngón tay
quắp lấy thân cây.
Tiềm ẩn thứ hai
một người từng chống chọi những chú lính Hoa Kỳ
giờ có vẻ hài lòng
đứng bên người Mỹ.

Tấm hình đã rửa và tôi nhìn chằm chằm
từ bếp ra ngoài cửa sổ.
Một con cáo bạc phóng đi dưới trăng.
Tôi tưởng tượng ra tiềm ẩn thứ hai diễn ra
trong gió buốt cắt thịt này.
Không rõ đến lượt mình chị ấy có hiểu cuộc
thử nghiệm này.

Tôi bấm máy chụp khi chị khoác vào người
một tấm áo len
Một đôi giầy ẩm lần đầu tiên chị xỏ.
Mỗi bước đi dưới ánh trăng lạnh lẽo
mùa đông đem đến
lời cảnh tỉnh ám ảnh rằng hành tinh có thể
trở thành trắng xóa.
Trong nhà kho, tiềm ẩn thứ hai nhô lên một
bàn tay chồi khỏi chiếc găng không ngón.
Một ả điệu đà vận áo lông,
những ánh nhũ trên thân hình lấp loáng
nằm trọn trong tiềm ẩn thứ hai của cây dừa
“Và hãy nhìn tôi” chị bảo, vuốt nhẹ
Tóc tôi chuồi ra ngoài diềm mũ

“Già hơn hai mươi tuổi”
Tôi cười, biết rằng hơi thở đã đông giá tóc
tôi bàng bạc.

Mặt trăng Ô-hai-ô có thể soi tỏ đường chúng
ta đến bên kho lúa còn non nớt vô cùng
nó thẩm thấu bóng tôi trong gian bếp. Lúc nửa đêm,
nó tỏ rạng như mặt trời giữa ngọ
và lúc đó
lốm đốm trên thân dừa bắc cầu ngang
ở Việt Nam.

ánh trăng lướt qua
một tấm hình mới rửa - hai người đàn bà
một thử nghiệm, còn người kia đảm bảo.
Mặt nguyệt sẽ chói sáng tâm tình
phân định đen và trắng
của mỗi người.

                                     Vương Trọng dịch



NGUYỄN BÁ CHUNG


Tuổi Ngàn Năm  

Tôi vẫn là người không tên không tuổi
Chiều ghé ngang rồi sáng lại bay đi
Cỏ mọc xanh xanh lối ngà đá sỏi
Bong bóng thời gian đắng mật dậy thì 

Tôi vẫn là người không thân không áo
Đường mộng sờn vai ngủ đợ bên làng
Cóng tiếng vọng một ngàn năm lạc chợ
Giữa đêm dài chết lạnh với sương đêm 

Tôi vẫn là người từ ngàn năm cũ
Tuổi ngàn năm đến từ buổi sơ sinh
Cây bật gốc nhựa vẫn tràn trong máu
Máu lửa tanh hôi ngày tháng im lìm 

Tôi đứng chết như cây trời chết đứng
Trả lại không gian mọi lá ưu phiền
Rễ gục xuống tận đáy cùng đất mục
Quấn lại nguồn nhung nhớ một chồi non.  




BRUC WEIL


Cửa ngõ

Trong ảo giác của chúng ta
những đứa trẻ đã được hướng dẫn cách tìm nơi trú ẩn
khi trận mưa bom của chúng ta
trút xuống những ngôi làng và trường học bé bỏng của chúng
Những đứa trẻ có thể nhận dạng được máy bay chúng ta
và những gì máy bay chúng ta có thể gây ra

Những đứa trẻ ngủ giấc ngủ của chiến binh mệt mỏi
bị vùi dập, bị bỏ mặc trong hư không trong những cái chết cô đơn
những cái chết đến thật chậm, rút trái tim chúng ta khô máu

Tôi đã quan sát người Mỹ tụ tập trên đường
biểu tình phản đối chiến tranh
Đó là cuộc chiến tranh chống lại chính chúng ta
chống lại những đứa trẻ đã biết rõ chúng ta
trước khi chúng bị nổ tan thành bụi.

                                                         Nguyễn Phan Quế Mai dịch



CAROLYN FORCHÉ


Ban mai trên đảo

Những ánh đèn xuyên qua nước là thành phố đang cựa mình thức giấc
Làn nước xôn xao với những con cá ảo. Xương xẩu
của những cây lá kim nằm không xa nơi đây
trôi dạt từ biển, gió chất đầy thành đống
Tôi đã dẫm lên chúng vào một vài buổi sáng
xương kề xương, trải tận tháp hải đăng
Một con bọ cánh cứng lạ lẫm đã ăn
         gần hết những vòm cây 
Có lẽ nó đến đây từ những chiếc tàu trên cảng đang dập dình nhạc
hoặc nó đã luôn ở đây, một viên ngọc có cánh
trong quá khứ được giữ yên tĩnh
bởi cái lạnh của một mùa đông không bao giờ còn đến đây được nữa
Đằng sau chúng tôi, một con cú sống trên những cây linh sam
có màu trắng, nó muốn được nhầm lẫn với tuyết đang cong vít trên cành 
Người ta nói rằng
đó là con cú duy nhất còn tồn tại. Tôi nghe tiếng nó gọi trong đêm
kiếm tìm tiếng của những con chuột cuối cùng và hỏi ai về không con cú nào nữa cả 

                                                       Nguyễn Phan Quế Mai dịch



LARRY HEINEMANN


Clementine I

Vào lúc hoàng hôn tôi ngồi trên gốc sồi trắng
trông đứa cháu gái
leo cành mai
giữa những hoa vàng mọng căng nở rộ
đôi bàn tay xinh nắm từng cành cây nhỏ.

Tôi nhìn lên cao và uống rượu vang
rót từ bình đông lạnh
chờ trăng lên
chờ thần nữ nụ cười.

Sau đây, mùi trẻ thơ
của tóc Clementine
sẽ ấm môi tôi
khi tôi hát những lời ru cháu.

Không còn trông xuống nữa, chiến hữu ơi,
trông xuống nơi chỉ toàn thịt nát xương rơi.

Không còn như thế nữa.

                                                  Nguyễn Chí Hoan dịch



GEORGE EVANS


Ở viện mồ côi

Các trẻ thơ ngắm mưa miên man lá cỏ và ngạc nhiên tự hỏi, phải chăng những cái chân nhện mọc ra từ những cái đầu, và khi gỡ bánh mỳ xuống bàn nó có cong không.

Những ai là người lái xe đến, trẻ mồ côi tự hỏi, xe ấy có đón mình không, hoặc người ta có bận tâm khi đôi chân trẻ con đi chơi bị ướt, và cái gì xảy ra với cánh chim dưới mưa, và nó sẽ bay ra sao trong lòng nước.

Trẻ con nghĩ những lính chiến làm việc siêng năng và tết đồ chơi cho trẻ con từ giấy lộn và rơm rạ và bởi thế trẻ con có người để kính phục

Ngoài song là mưa, mưa. Trẻ con nhìn những chiếc cầu cố níu những mỏ neo và thanh giằng và tin rằng tất cả những con đường trở lại thế giới này bị trôi đi mất.


(SH277/3-12)





 

Các bài mới
Trang thơ Nabokov (14/06/2024)
Trang thơ Hy Lạp (28/08/2023)
Các bài đã đăng
Tình ca mộng du (11/02/2012)
Nắng Ang co (18/04/2011)
Trang thơ Nam Tư (21/03/2011)