Phê bình toàn cảnh
Dấu ấn tư tưởng Nho giáo và Lão giáo trong Nghiên Cứu – Phê Bình Văn học ở Đô thị miền Nam 1954 - 1975
16:21 | 05/06/2014

1. Xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, nước ta chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa, trong đó có văn hóa Trung Hoa, thể hiển rõ nhất là ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo và Lão giáo.

Dấu ấn tư tưởng Nho giáo và Lão giáo trong Nghiên Cứu – Phê Bình Văn học ở Đô thị miền Nam 1954 - 1975
Khổng Tử tham vấn Lão Tử - Ảnh: internet

Sự chi phối của hệ tư tưởng này không chỉ tác động đến đời sống xã hội mà còn tác động đến đời sống văn học cả trong sáng tác và lý luận phê bình, trong đó dấu ấn của nó ở lĩnh vực phê bình, nghiên cứu văn học là khá sâu sắc.

Nhìn vào diễn trình sáng tác của văn học dân tộc, những tư tưởng như trung hiếu, tiết nghĩa; tam cương, ngũ thường, thiên mệnh của Nho giáo, hay tư tưởng vô vi, xuất thế hòa nhập với tự nhiên của Lão Trang thể hiện rất rõ trong các tác phẩm văn học. Tư tưởng này cũng được xem như một hệ qui chiếu để các nhà phê bình, nghiên cứu tìm hiểu, thẩm bình các hiện tượng văn học. Dấu ấn của khuynh hướng phê bình, nghiên cứu chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo và Lão giáo trong nghiên cứu - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 - 1975 cũng hình thành từ đó.

2. Khảo sát đời sống lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975, ta thấy có nhiều tác phẩm phê bình văn học, khảo luận văn học, nghiên cứu văn học vận dụng hệ tư tưởng Nho giáo, Lão giáo làm cơ sở mỹ học để nghiên cứu, phê bình các hiện tượng văn học như: “Nguyễn Khuyến thi sĩ của đồng quê nước Việt” của Nguyễn Văn Mùi (Sáng tạo 6/1957); “Khái luận về thi ca Việt Nam” của Hồ Nam (Sáng tạo số 2/1958), Quan điểm văn học và triết học của Nguyên Sa - Trần Bích Lan (Nam Sơn xb. SG, 1960), Giá trị triết học tôn giáo trong truyện Kiều của Thích Thiên Ân (Nxb. Đông phương, SG, 1960); Việt Nam văn học nghị luận của Nguyễn Sĩ Tế (Trường Sơn Xb. SG, 1962), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (tập 2)” của Phạm Thế Ngũ (Quốc học Tùng thư Xb. SG,1962); Khảo luận về Trần Tế Xương của Nguyễn Xuân Hiếu, Trần Mộng Du (Nam Sơn Xb. SG, 1960); Chinh phụ ngâm khúc giảng luận của Vũ Tiến Phúc, (Cẩm Sa Xb. SG, 1971); Việt Nam văn học giảng bình của Phạm Văn Diêu, (Hoành Sơn Xb. SG, 1970); Những khuynh hướng trong thi ca Việt Nam (1932 – 1962) của Minh Huy (Khai Trí Xb. SG. 1962), Văn học phân tích toàn thư của Thạch Trung Giả (Lá bối Xb. SG, 1973), Chân dung Hồ Biểu Chánh của Nguyễn Khuê (Lửa thiêng Xb. SG, 1974), Ý niệm bạc mệnh trong đời Thúy Kiều của Đàm Quang Thiện (Nam chi Tùng thư Xb. SG, 1965); “Đọc Rừng Phong của Vũ Hoàng Chương” của Bùi Giáng (Văn số 150 ra ngày 15/3/1970); “Hệ thống tam giáo trong Truyền kỳ mạn lục” của Thạch Trung Giả (Tư Tưởng số 3 tháng 5/1972); “Quách Tấn và buổi chiều vàng của Đông Phương” của Trần Hữu Cơ (Thời tập X+7/1974)… Ở những tác phẩm này, các nhà phê bình, nghiên cứu đều xuất phát từ điểm nhìn tư tưởng Nho giáo và Lão giáo để thẩm định giá trị nội dung và nghệ thuật của các hiện tượng văn học  mà họ quan tâm.

Thạch Trung Giả ở bài viết “Hệ thống tam giáo trong Truyền kỳ mạn lục” (Tư Tưởng số 3 tháng 5/1972) cho rằng 20 truyện ngắn tạo thành tác phẩm Truyền kỳ mạn lục đều chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo. Vì vậy, khi phê bình những tác phẩm đó, phải căn cứ vào tư tưởng của ba tôn giáo này thì mới hiểu được giá trị của chúng. Bởi lẽ, “Tính chất tam giáo đồng qui hoặc cộng tồn ấy thường thấy rõ trong văn học.” (1) Đây cũng là cơ sở Nguyễn Sỹ Tế dựa vào để lý giải tính chất phức cảm trong hồn thơ Nguyễn Khuyến, một hồn thơ thấm đẫm triết học phương Đông mà rõ nhất là ảnh hưởng của Nho giáo và Lão giáo. Nhưng để làm rõ đâu là ảnh hưởng Nho giáo, đâu là ảnh hưởng Lão giáo trong hồn thơ Nguyễn Khuyến là điều không đơn giản. Cho nên « Cái nhầm của nhiều nhà phê bình văn học là đã không phân định rõ ảnh hưởng của Nho và Lão nơi con người của Nguyễn Khuyến. Con người Nho giáo nơi ông là con người làm thơ đạo đức và thơ trào phúng dạy đời (…) Nhưng ở một mặt khác, Nguyễn Khuyến còn là một con người nghệ sĩ giàu rung cảm tế nhị sâu xa. Ở chỗ này ông mới chịu ảnh hưởng của Lão Trang. Và cũng chỗ này mới là khía cạnh thầm kín nhất, thân mật nhất của tâm hồn ông. Ông cũng có những tư tưởng tự do phóng khoáng, giải thoát coi nhẹ cuộc đời, coi thường thân thể. Chỉ đến lúc về với lòng mình về với thiên nhiên ông mới từ bỏ được trọn vẹn cái áo khoác của một ông quan, của một bậc thầy (2)

Hoặc khi phân tích về khuynh hướng giải thoát trong thơ Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Sỹ Tế cũng cho rằng: “Nguyễn Công Trứ là người có một cá tính mạnh mẽ đã viên mãn và dung hòa khôn khéo hai khuynh hướng muôn xưa trong nếp sống của người phương Đông, hai luồng tư tưởng kỳ cựu Nho và Lão.” (3)  

Trong tập tiểu luận Chân dung của Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Khuê cũng dựa trên qui chuẩn tư tưởng Nho giáo để phê bình tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Theo Nguyễn Khuê, hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh được xây dựng trên nền tảng tư tưởng Nho giáo đó là: trung, hiếu, tiết hạnh, trọng nghĩa khinh tài và tư tưởng thiên mệnh. Vì vậy, ở “tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, ông trời là một đấng tối cao định đoạt, điều khiển và phê phán mọi việc ở đời. Giàu hay nghèo là do trời.” (4). Khi suy ngẫm về những được mất trong cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Thế Ngũ cũng dựa trên cơ sở tư tưởng Nho giáo và Lão giáo, để phê bình thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, và khẳng định ở con người Nguyễn Bỉnh Khiêm, “người ta không hề thấy cái ý oán hận bâng khuâng hoặc xót xa như Nguyễn Trãi. Chỉ thấy tư tưởng lạc thiên an mệnh của bậc đại nho, đôi khi lòng rửng rưng của một đạo sĩ đã cắt đứt với thế tục” (5)

Và cũng xuất phát từ cơ sở triết mỹ của tư tưởng Nho giáo, trong Việt Nam văn học giảng bình, Phạm Văn Diêu đã lý giải tính chất nhà nho tài tử của Chu Mạnh Trinh. Theo ông “Con người Chu được tóm bằng hai chữ “Tài” và “Tình”. Chính cái “Tình” ấy đã giảm bớt những “nho tính” khiến cho ông thiên về tình cảm, một tình cảm đặc biệt không mãnh liệt say sưa, phát hiện một cách trang nhã, duyên dáng, nguyên nhân là vì con người nho sĩ tình cảm này còn có cái “tài” nữa ở bên cạnh, còn là một nghệ sĩ thuần túy. Phương Đông Nho giáo xưa đã dành cho những mẫu người đặc biệt này cái danh hiệu tài tử, và gọi văn chương của họ là văn chương tài tử. Nhà nho tài tử thường có cái tính tình phóng túng nhàn lạc, chịu ảnh hưởng đậm nét Lão Trang, đọc rộng sách ngoài, bởi sống cảm xúc, phản ứng theo cái đà tình cảm nên thường có quan niệm đạo đức, một cách bao dung, không chấp nệ, quen dùng những lời văn bóng bẩy, kiều mỵ giàu hình ảnh tinh tế, phù hoa. Trên những điểm ấy, Chu Mạnh Trinh có thể coi là một nhà nho tài tử hoàn toàn. Từ Hương Sơn phong cảnh, Hương Sơn hành trình... đến tập thơ Vịnh Kiều, phong cách tài tử ấy đã biểu lộ ra rất là rõ rệt” (6)

Còn đây là nhận định về dấu ấn của tư tưởng Khổng – Mạnh trong thơ Đoàn Thêm được Minh Huy luận giải: “Đại diện cho khuynh hướng lãng mạn có ý hướng đạo lý, chúng ta có thể kể Đoàn Thêm, nhà thơ chủ trương cái đẹp theo đạo lý Khổng – Mạnh, cái đẹp thiên nhiên có qui luật diệu huyền, khác với cái đẹp phóng túng, tình dục “làm đảo diện nghệ thuật" (7)   

Cùng với tư tưởng Nho giáo, dấu ấn của tư tưởng Lão Trang với cốt lõi là triết lý vô vi, xuất thế cũng được các nhà phê bình, nghiên cứu văn học ở đô thị miền Nam vận dụng làm cơ sở mỹ học để đánh giá các hiện tượng văn học. Nguyễn Văn Mùi trong bài viết “Nguyễn Khuyến thi sĩ của đồng quê nước Việt” (Sáng tạo, 6/1957) đã lý giải tình cảm đối với làng quê của Nguyễn Khuyến qua những bức tranh thu với những vẻ đẹp lặng lẽ, mơ màng “không phải chỉ có tác động của tuổi già mà còn có cả ảnh hưởng tư tưởng của Lão Trang nữa.” (8) Vì vậy: “theo khuynh hướng “Tự nhiên thi nhiên” ông đã sống một cách hồn nhiên giữa người bình dân, lo cái lo của họ, vui cái vui của họ. Ông buông thả tâm hồn với ngọn gió làn mây. Lắng nghe mùa thu hàng giờ trên con thuyền bé nhỏ hay say sưa với chén rượu rồi đùa cợt với thiên nhiên trong hơi men chếnh choáng. Đôi lúc, ông còn mong mỏi hóa thành con bướm. Dựa gối bên mành toan hóa bướm / Gió thu lạnh lẽo lá vàng rơi.” (9) Còn Phạm Thế Ngũ khi phê bình Bích Câu Kỳ Ngộ cũng cho rằng: “Bích Câu Kỳ Ngộ chính là giấc mộng giải thoát mà tư tưởng Lão Trang đem lại cho tác giả trong một hoàn cảnh xã hội thích hợp. Cảnh ngộ cá nhân chắc cũng dự phần song chúng ta không được hay biết. Chỉ thấy chứa chan cái khát vọng hưởng thụ và giải thoát là cái cốt yếu của chủ nghĩa Lão Trang.” (10) Ở đây, tư tưởng Lão Trang không những được Phạm Thế Ngũ vận dụng để phê bình nội dung tư tưởng mà còn làm căn cứ để lý giải hình thức nghệ thuật của tác phẩm, xem đó như một nhân tố ảnh hưởng đến thi pháp của nhà văn “Về hình thức truyện kết cấu đơn sơ. Không có một trường thi, một triều đình để người ta tranh giành danh vị mà vỗ ngực tự hào. Tất cả nhẹ nhàng thanh tú, đầy thi vị Lão Trang” (11)

Cũng nằm trong dòng chảy tâm thức của tư tưởng Lão Trang, Thạch Trung Giả khi phân tích hai câu thực trong bài thơ Thu Vịnh của Nguyễn Khuyến “Nước biếc trông như tầng khói phủ / Song thưa để mặc bóng trăng vào” cũng cho rằng điều ẩn chứa sâu xa trong đó là tinh thần Lão Trang, nhà thơ đã “mở rộng tâm hồn để đón lấy thiên nhiên, kết quả của thuyết “vô vi phóng nhiệm” vì đối với một thi sĩ Đông phương thì nhất cử nhất động đều thể hiện cái đạo” (12) Còn khi phê bình hai câu thơ Trăm năm là ngắn / một ngày dài ghê của Tản Đà, Thạch Trung Giả cho rằng: “Tuy hai nhưng đúc lại chỉ có một lẽ nhân sinh mộng ảo, ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang và Phật giáo” (13)

Tư tưởng Lão Trang không những được các nhà nghiên cứu - phê bình vận dụng để phân tích các tác phẩm văn học trung đại mà còn được vận dụng để phê bình tác phẩm văn học hiện đại. Nguyễn Mạnh Côn khi phê bình thơ Vũ Hoàng Chương trong bài “Nửa thế kỷ làm thơ Vũ Hoàng Chương” (Văn số 150 ra ngày 15/03/1970) cho rằng, một trong ba nguồn cảm hứng sáng tạo trong thơ của Vũ Hoàng Chương là “nguồn cảm hứng Lão Trang”. Và Bùi Giáng khi đọc “Rừng Phong” của Vũ Hoàng Chương cũng xuất phát từ điểm nhìn của tư tưởng Lão Trang để cảm nhận hai câu thơ: Ta van cát bụi trên đường/ Dù nhơ, dù sạch, đừng vương gót này. Và ông rất có lý khi cho rằng: “Cái nhìn xuất thế của Lão Trang, nồng nàn dường bao! Nó thiết tha với đời hơn cái nhìn trâng tráo của chúng ta bị mê hoặc bởi bả lợi danh” (14). Có lẽ, những suy ngẫm mà Bùi tiên sinh cảm nhận từ hai câu thơ thấm đượm triết lý nhân sinh của tư tưởng Lão Trang cũng thức nhận cho chúng ta nhiều điều trước một hiện trạng xã hội mà những cơn mê quyền lực, lợi danh đang là một trong những nguyên nhân tạo nên sự bất an và bất ổn của đời sống hôm nay. Chức năng nhận thức, dự báo của văn học, vì thế luôn là những chức năng cần thiết cho cuộc sống con người. Đây cũng là một giá trị không thể phủ nhận của văn học đối với đời sống xã hội.

Vì vậy, Minh Huy trong tác phẩm Những khuynh hướng trong thi ca Việt Nam (1932 – 1962) khi nhận định về sự biến đổi văn hóa trong nếp sống tinh thần và vật chất của dân tộc những năm tháng tiếp nhận văn hóa phương Tây, tác giả cũng xuất phát từ nền tảng tư tưởng của văn hóa phương Đông mà tư tưởng Lão Trang cũng là một dấu ấn sâu đậm để lý giải cho sự biến đổi này. Theo Minh Huy: “Thời kỳ văn hóa Âu học trưởng thành là một thời kỳ gây nhiều xáo trộn nhất trong nếp sống tinh thần và vật chất của dân tộc. Lớp người mới không vui cái vui của người quân tử xưa nữa, không buồn cái buồn của Lão Trang nữa. Sự ăn mặc cũng thay đổi, sở thích cũng không còn như cũ nữa.

Thi ca, hình thức cao nhất của văn học, đã phản ảnh sự thay đổi sâu đậm, trong nếp sống tinh thần và vật chất đó” (15)  

Chính sự thay đổi hệ giá trị về mặt tư tưởng và văn hóa này cũng tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực của đời sống văn học trong đó có thi ca nhưng nó vẫn không xóa được dấu ấn của tư tưởng Lão Trang ít ra là về phương diện triết mỹ. Và dấu ấn đó như một tâm thức văn hóa hằn sâu trong thơ Vũ Hoàng Chương mà Minh Huy đã cảm nhận và luận giải: “Trong cái cảnh phức tạp của thi ca lãng mạn thời hậu chiến, chúng ta có thể tìm thấy trong khuynh hướng lãng mạn ba ý hướng rõ rệt: ý hướng hưởng thụ, ý hướng đấu tranh và ý hướng đạo lý. Mỗi ý hướng có một thẩm mỹ quan riêng.

Đại diện cho ý hướng hưởng thụ là Vũ Hoàng Chương chịu ảnh hưởng lẫn lộn của tư tưởng Lão Trang và thuyết luân hồi của Phật giáo, chúng ta hãy nghe nhà thơ họ Vũ trình bày quan niệm của mình về thơ, về cái đẹp “ái ân”, cái đẹp “tình phong nhụy”, cái đẹp đó từng bị chiến tranh tàn phá, sẽ nhờ nhà thơ lại được sáng chói “hào quang tỏa khắp chín mười phương”

                                    Có bao giờ nữa trăng là ngọc

                                    Mây lại là tơ như trước kia

                                    Hoa lại vàng son rừng lại vóc

                                    Cỏ là nhung giải lối thôn quê!” (16)     

Và khi phân tích, luận giải những điểm khác nhau giữa Hàn Mặc Tử và Bích Khê, Minh Huy cũng xuất phát từ hệ qui chiếu của tư tưởng Lão Trang mà cho rằng: “Điểm khác nhau giữa Hàn Mặc Tử và Bích Khê là đức tin: Hàn Mặc Tử tìm nguồn thơ trong đức tin Thiên Chúa Giáo thì Bích Khê gần Phật và Lão Trang. Tuy nhiên, họ vẫn là hai bạn thân nhau thấm thiết và ảnh hưởng lẫn nhau một cách rõ rệt

                                    Liêu trai trở lại, ánh vòng trần

                                    Ma phật mơ hồ mộng vời thân

                                    Mặt ngọc bên trời tàn bóng nguyệt

                                    Mình ta trước cửa hưởng hoa xuân

                                    Gõ bồn chăng thấy ai tao khách

                                    Cách núi khôn tìm bóng cố nhân

                                    Một tiếng trên không trong ác lặn

                                    Hạc kêu bay lẫn đám phù vân” (Thơ Bích Khê)  (17)  

Phạm Văn Diêu trong Việt Nam văn học giảng bình, khi phân tích về thơ văn Nguyễn Du cũng cho rằng: “Nguyễn Du cũng giống như một số nhà thơ cùng thế hệ, đã đi tìm trong Phật giáo, trong Lão Trang những liều thuốc để rịt buộc vết thương lòng, nhưng ông lại không thể dừng lâu trong ấy như những kẻ khác”. (18)

Khi nhận định về Nguyễn Công Trứ, Phạm Văn Diêu cũng xuất phát từ tư tưởng Lão Trang để chia sẽ, đồng cảm với cuộc đời và văn nghiệp của Uy Viễn Tướng Công, một cuộc đời lạ lùng đến vô thường, như trò đùa của số phận. Và trong tâm thức ấy, Phạm Văn Diêu cảm nhận: “Trải qua những lúc khó khăn và chán ngán thế sự, nhất là trong khoảng cuối đời, Nguyễn Công Trứ càng vui chơi để tỏ rằng mình khinh đời, phóng túng, ngang tàng và ngất ngưởng khi cái bã công danh đối với ông đã là cỗi nguồn của những nỗi chán chường trong lòng thì sự hành lạc bấy giờ cũng pha phách ít nhiều nét mệt mỏi u hoài. Văn thơ ông do đó nghiễm nhiên đã nhuốm ít nhiều khí vị Lão Trang” (19)  

Đến khi lý giải về Tản Đà, dấu ấn của tư tưởng Lão Trang cũng là chiếc chìa khóa để Phạm Văn Diêu giải mã hiện tượng Tản Đà. Theo ông

“Con người Tản Đà cũng là con người có nhiều bản chất nhàn lạc, hào hoa phong nhã. Thất bại trên cuộc đời với não trạng bi quan của một lớp người tàn, Tản Đà từng phen đã tìm đến những cảnh núi sông, đồng ruộng quê mùa để hưởng nhàn. Cái nhàn của nhà nho tiêu cực pha lẫn ít nhiều sắc thái phong túng sâu trần của Lão Trang:

                                    Nhà tranh cỏ leo teo mà mát

                                    Cơm muối dưa suông nhạt mà thanh

                                    Đòi phen ngon suối đầu ghềnh

                                    Vui duyên trăng gió, mặn tình cỏ hoa.” (20)    

3. Rõ ràng dấu ấn của tư tưởng Nho giáo và Lão giáo trong văn học Việt Nam là một thực thể thấm sâu trong văn học dân tộc trong đó có nghiên cứu và phê bình văn học. Vì vậy, dấu ấn phê bình chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo và Lão giáo trong các tác phẩm phê bình, nghiên cứu cũng là một thực thể trong lý luận phê bình văn học ỏ đô thị miền Nam 1954-1975. Và đây cũng là một trong những khuynh hướng phê bình văn học khá phổ biến trong đời sống lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam, góp phần tạo nên sự đa dạng phong phú trong diện mạo lý luận - phê bình văn học ở miền Nam trong giai đoạn 1954 -1975.

Tìm hiểu dấu ấn của tư tưởng Lão Trang trong nghiên cứu và phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 – 1975, thiết tưởng cũng cho ta thấy rõ hơn mối quan hệ giữa sáng tác và lý luận - phê bình, giữa văn học và triết học, giữa văn học và văn hóa từ điểm nhìn của các hệ tư tưởng. Và dấu ấn của tư tưởng Nho giáo và Lão giáo trong nghiên cứu, phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 – 1975 cũng là một minh chứng sinh động cho mối quan hệ này và cũng là một giá trị mà chúng ta không thể không quan tâm khi nghiên cứu đời sống văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975.

Theo Trần Hoài Anh - vanchuongviet

-------------------------

Chú thích:

(1) (5) (10) (11)  Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên tập 2, Quốc học, Tùng thư Xb., S, 1962, tr.42, tr.135, tr. 310, tr. 311

(2) (3) Nguyễn Sỹ Tế, Việt Nam văn học nghị luận, Trường Sơn xb, tr.150-151, tr. 131

(4) Nguyễn Khuê, Chân dung Hồ Biểu Chánh, Lửa thiêng Xb, 1974, tr.255

(6) (18) (19) (20) Phạm Văn Diêu, Việt Nam văn học giảng bình, Hoành Sơn Xb, 1970, tr.317, tr.51, tr.147,  tr.354

(7) (15) (16) (17) Minh Huy, Những khuynh hướng trong thi ca Việt Nam (1932 – 1962) Khai Trí Xb, S, 1962,  tr.79,  tr.25, tr.75, tr. 122, 123

(8) (9) Nguyễn Văn Mùi, "Nguyễn Khuyến thi sĩ của đồng quê nước Việt", Sáng tạo tháng 6/1957, tr. 43, tr. 43).

(12) (13) Thạch Trung Giả, Văn học phân tích toàn thư, Lá Bối Xb. S, 1973 tr.130, tr. 504

(14) Bùi Giáng, "Nhân đọc Rừng Phong của Vũ Hoàng Chương", Văn số 150 ngày 15/3/1970 tr. 48.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng