Phê bình toàn cảnh
Motif Kyto giáo trong tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov và Đoạn đầu đài của Ch. Aitmatov trong kỷ nguyên Thượng đế đã chết
08:31 | 12/06/2014

Bằng phương pháp so sánh đối chiếu, trong bài viết này, chúng tôi muốn chỉ ra, cùng sử dụng motif Kyto giáo nhưng hai tác phẩm Nghệ nhân và Margarita của Bulgakov và Đoạn đầu đài của Aitmatov đã có cách tân sáng tạo như thế nào so với Kinh thánh, đồng thời góp phần thể hiện nội dung tư tưởng và phong cách độc đáo của từng nhà văn.

Motif Kyto giáo trong tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov và Đoạn đầu đài của Ch. Aitmatov trong kỷ nguyên Thượng đế đã chết
Cuốn "Nghệ nhân và Margarita" của M. Bulgakov được xuất bản tại Việt Nam

Với ý nghĩa nhân sinh mang màu sắc thời đại khác nhau, và từ góc nhìn riêng, mỗi nhà văn tái sinh câu chuyện cũ theo cách riêng của mình. Bulgakov, với lối viết huyền thoại, đã phục sinh ý nghĩa của motif này như một sự lồng ghép và nhân chéo hình tượng qua câu chuyện hiện tại và viễn tưởng, giàu màu sắc ám gợi trong tác phẩm Nghệ nhân và Margarita([2]). Còn Aitmatov, trong Đoạn đầu đài([3]), đã đặt ra câu hỏi có tồn tại Chúa trong cuộc sống hôm nay và giải đáp nó bằng ý nghĩa triết lý sâu sắc qua hình ảnh ẩn dụ đoạn đầu đài.
 

1. Kỷ nguyên “Thượng đế đã chết”

Thượng đế đã chết([4]) như một nghịch ngôn về tiếng yêu tha thiết giữa con người và Thượng đế, bởi đó là tiếng nói của một con người mộ đạo, yêu Chúa, yêu người, nhưng phải tuyên bố khai tử Thượng đế: F. W. Nietzsche (1844 – 1900). Song, không phải đến thế kỷ XX, người ta mới báo tử về cái chết không thể cứu vãn này (nói theo cách của Nietzsche). Mà trước đó, với học thuyết Tiến hóa, Darwin (1809 – 1882) đã xé tan bức màn thần thánh thiêng liêng xoay quanh việc sáng thế của Thượng đế và phơi bày bức tranh trật tự sinh học sinh động, đa dạng trong quy luật của nó. Chủ thuyết ấy là một thách thức lớn đối với thần quyền thời bấy giờ.

Tiếp đó, Freud (1856 – 1939), trong Vật tổ và cấm kỵ, đã chỉ ra nguồn gốc của văn hóa và tôn giáo, khởi nguyên là từ tín ngưỡng vật tổ. “Nó (vật tổ) có thể là hình thức sớm nhất của vật thay thế người cha, còn chúa là cái có sau, trong đó người cha đã lấy lại hình hài con người của mình”(S. Freud, 2001, tr.237). Điều này có nghĩa rằng, sự ra đời của Thượng đế chỉ đơn giản là phản ánh sự thiếu tự tin của con người trong thời kỳ ban sơ và con người tạo ra Thượng đế như hình hài của chính mình, chứ không phải Thượng đế tạo ra con người.

Hơn thế, trước đó xa hơn, thế kỷ XVII – thời đại Lý Trí (The Age of Reason) và thế kỷ XVIII -thời đại Khai Sáng (The Age of Enlightenment), các nhà triết học đã dõng dạc tuyên bố: “tôn giáo là kẻ thù lớn nhất của lý tính” (Trần Giang Sơn, 2011, tr.385). Nhưng nghịch lý thay, cũng như Kant, Voltaire khẳng định: “cho dù Thượng đế không tồn tại, thìchúng ta cũng phải tạo ra ngài” (Trần Giang Sơn, 2011, tr.389) và hãy trả lại Thượng đế cho tín ngưỡng. Những xác tín này chứng tỏ các nhà khai sáng không phải phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế, mà thực chất, là một cuộc cách mạng để giải phóng thân phận “con hầu của triết học”([5]), thoát khỏi sự thống trị lâu dài của tôn giáo. Ngay cả Nietzsche, người tuyên án tử hình Thượng đế, cũng thừa nhận, Thượng đế chết là con người rơi vào cõi hư vô rợn ngợp. Triết gia lo âu, sợ hãi, rồi đây, con người sẽ sống như thế nào khi thiếu vắng Người? Trả lời câu hỏi này, tiểu thuyết gia Dostoievski, trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov đã chỉ ra sự xói mòn đạo đức cực độ: “bởi vì không có Thượng đế nên con người ta có thể làm bất cứ điều gì”.Như một cứu cánh cứu vãn nhân sinh, các triết gia (này) nhất trí rằng: “sự hiện hữu của Thượng đế là không thể chứng minh được. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa rằng ngài không hiện hữu, chỉ có nghĩa rằng, sự hiện hữu của ngài không phải là điều có thể chứng minh bằng lý trí” (Bryan Magee, 2003, tr.73). Bởi chỉ có tôn giáo, tín ngưỡng mới giúp ta tìm được nơi nương tựa cho chỗ mềm yếu nhất trong con người tâm linh và lớn lao hơn Thượng đế tồn tại vì cuộc sống có đạo đức của con người. Có lẽ, vì vậy mà chưa bao giờ tắt ngấm ánh sáng lương tri của tôn giáo trong lòng người, và ánh sáng ấy luôn quyến rũ, nâng đỡ nghệ thuật đạt tới giá trị Chân Thiện Mỹ.

2. Motif Kyto giáo trong tiểu thuyết Nghệ nhân và MargaritaĐoạn đầu đài

Nghệ nhân và Margarita là tác phẩm mang tính tổng kết sâu sắc về hiện thực đời sống cũng như quan niệm của nhà văn về ý nghĩa cuộc sống, về con người, về cái chết và sự bất tử, về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong lịch sử, trong thế giới đạo đức của con người. Ở công trình nghệ thuật thiên tài này, Bulgakov sử dụng motif Kyto giáo như một huyền thoại, để giải mã những vấn đề xã hội, trong sự gặp gỡ các mối liên hệ và các tuyến cốt truyện độc đáo.

Aitmatov, tác giả của những tác phẩm đã đi vào kho báu của văn học Xô Viết và thế giới, viếtĐoạn đầu đài như một ẩn dụ về chung cục không tránh khỏi của con người, sự suy thoái nhân phẩm đến mức báo động, đầu độc bản thân và cộng đồng bằng ma túy, sự tàn phá thiên nhiên, săn đuổi động vật một cách tàn nhẫn… Motif Kyto giáo trong tác phẩm như một khát vọng, một nỗ lực phục nguyên, cứu vãn nhân phẩm, nhân sinh, nhân loại.

Xét trên nhiều phương diện, sự kiện chúa bị đóng đinh câu rút có nhiều ý nghĩa khác nhau, thậm chí đối lập. Nguyên thủy từ điểm nhìn tôn giáo, Chúa Kyto chịu nhục hình đau đớn này là để cứu chuộc tội lỗi của chúng sinh, “Ngài đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta” (Tòa tổng giám mục Tp Hồ Chí Minh, 1998, tr.106.); dưới con mắt của Freud, ông lại khẳng định: “bằng sự hiến dâng sự sống của bản thân thì Người đã đẩy chúng ta đến tội giết người” (S. Freud, 2001, tr.244). Và hình ảnh ấy được tái lặp, trở thành motif quen thuộc, gợi cảm hứng cho nhiều loại hình nghệ thuật, như hội họa, điêu khắc,… Ở tiểu thuyết, chúng ta có thể kể đến: Cuộc mưu sát giữa các ảo ảnh của V. Tendriacov, Đấng cứu thế của M. O. Silva, và đặc biệt là Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov và Đoạn đầu đài của Ch. Aitmatov.

Ở đây, chúng ta cần giới thuyết nội dung motif Kyto giáo. Kyto giáo là tôn giáo đặt nền tảng giáo huấn bằng sự chết trên thập tự và sự sống lại của chúa Giesu như được ký thuật trong Kinh thánh; vì vậy motif Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự trở thành yếu tố căn cốt trong thần học Kyto giáo, liên quan mật thiết với giáo lý cứu rỗi, sự thương khó và sự chết của Đấng Messiah như là điều kiện cần thiết để con người được tha thứ tội lỗi. Hành động này mang ý nghĩa như sự cứu chuộc tội lỗi (tội tổ tông) mà bậc tổ phụ của loài người, Adam và Eva, đã mắc phải khi ăn trái của “cây biết điều thiện điều ác”. Chúa bị đóng đinh câu rút và sẽ phục sinh dung chứa tư tưởng điều thiện sẽ thắng cái ác trong cuộc đấu tranh khốc liệt. Bài viết này khảo sát hành động xét xử và cái chết đau đớn, khủng khiếp của Người, mà cốt lõi là ý nghĩa của điều thiện, trong cấu trúc cốt truyện và ý nghĩa thời đại của các tác phẩm.

Với Bulgakov và Aitmatov, Kinh thánh không phải là một giáo điều tôn giáo mà là một giá trị văn hóa của loài người, dung chứa ý nghĩa triết học, đạo đức, thẩm mỹ cao thâm. Các nhà văn (này) đã dựa vào các truyền thuyết về cuộc đời và cái chết của chúa Giesu trong Tân ước làm điểm tựa để giải phẫu những vấn đề nhân sinh của thời đại. 

2.1. Motif Kyto giáo trong cấu trúc cốt truyện 

Điểm chung của hai tác phẩm là có rất nhiều tuyến truyện đan xen và nghệ thuật kể chuyện rất tài hoa. Nghệ nhân và Margarita có ba tuyến truyện tương ứng với ba không gian: tuyến truyện về lịch sử cổ đại – câu chuyện về Ponti Pilat; tuyến truyện hiện đại – câu chuyện về Nghệ nhân; tuyến truyện hiện thực huyễn tưởng – câu chuyện về chúa quỷ Voland. Tác phẩm gồm 32 chương, chia làm hai phần, trong đó câu chuyện lịch sử cổ đại chính là cuốn tiểu thuyết của Nghệ nhân, viết về việc Pilat xét xử và hành hình Iesua trên núi Trọc. Mặc dù phân bố rải rác trong không gian tác phẩm (chương 2, 16, 25, 26) nhưng tuyến truyện này được kể theo lối vừa nhân quả, vừa phi nhân quả. Từ góc độ Iesua, đây là một câu chuyện tuyến tính, dễ nắm bắt: bị bắt -> xét xử -> đóng đinh -> chết -> chôn cất; nhưng, từ góc độ Pilat, tác phẩm đã chuyển tải tầm triết lý, thẩm mỹ sâu sắc, mà trước hết ở sự phi nhân quả trong hành vi của Pilat – quan tổng trấn xứ Giudea. 

Đoạn đầu đài, tác phẩm dày 386 trang, được chia làm ba phần: hai phần đầu có chung cốt truyện và hệ thống nhân vật, kể về Apdi một học sinh trường dòng bị rút phép thông công vì những tư tưởng cấp tiến về Kyto giáo, và sự thâm nhập của anh vào toán tìm kiếm anasa, bọn săn bắn động vật; phần ba kể về cuộc sống đầy bức xúc và những bi kịch trong cuộc sống nông trường trong thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp những năm 70 – 80 của thế kỷ XX. Nối phần một, phần hai với phần ba, ở bề nổi là câu chuyện bi thảm về đấu tranh sinh tồn của cặp sói Acbara và Tastrainar, bề sâu thống nhất chặt chẽ ở tư tưởng điều thiện, từ motif Kyto giáo (chỉ xuất hiện từ trang 165 -> 201, kể về việc xét xử và hành hình Chúa trên thập giá).

Khảo sát cốt truyện cho ta thấy, cả hai nhà văn đều chọn motif chúa bị đóng đinh câu rút nhưng về ý tưởng có nhiều sáng tạo độc đáo. Nếu Đoạn đầu đài trung thành hơn với Phúc âm và tập trung thể hiện bi kịch của Chúa trong quá khứ và bị kịch của cái thiện trong cuộc sống hiện tại thì trong Nghệ nhân và Margarita, trọng tâm câu chuyện không phải là cuộc khổ nạn của Chúa mà là bi kịch trong con người Pilat – kẻ xét xử Chúa, và tác phẩm có nhiều nét mờ nhòe, ám dụ so với Phúc âm. Chúng tôi tiến hành khảo chứng một số chi tiết như sau về cuộc đời của Chúa Giesu và nhân vật tương ứng trong các tác phẩm:

Phúc âm: Giesu Đoạn đầu đài: Giesu Nghệ nhân và Margarita: Iesua
- Sinh quán ở Nadaret, biết tiếng Aramei, Hy Lạp, đọc được chữ Do Thái cổ, bị kết án năm 33 tuổi.- Có nhiều tông đồ trong đó có một kẻ phán bội là Giuda.- Cưỡi lừa đến Jerusalem.

- Con Thiên Chúa và mẹ Maria, người Do Thái.

- Sinh quán ở Nadaret, bị kết án năm 30 tuổi, chưa vợ.- Có nhiều tông đồ trong đó có một kẻ phán bội là Giuda.

- Cưỡi lừa cái đến Jerusalem.

- Cha là Ioxop, mẹ là Maria

- Sinh ở Gamala, biết tiếng Aramei, Hy Lạp, tiếng Latin, không biết chữ Do thái cổ, bị kết án năm 27 tuổi.- Chỉ có một học trò là Levi Matvei, Giuda chỉ là người mới quen.- Đi bộ đến Iersalaim.

- Không biết rõ cha mẹ, “có lẽ là người Siri”.

Ý nghĩa bản thể của mỗi tác phẩm nằm ở mối quan hệ đa chiều giữa motif và các vấn đề nhà văn đặt ra, ở kiểu tư duy độc đáo, cách “giải hiện thực” riêng, chứ không nằm ở bản thân motif. Trước hết, từ bản thân motif Chúa bị đóng đinh câu rút, các tác giả muốn phản ánh bức tranh xã hội đương thời, chân lý đang bị chôn vùi, đạo đức đang bị suy thoái, con người không chỉ đồi bại trong hành động mà còn bại hoại trong ý nghĩ, tâm hồn họ triền miên trong cái ác, giả dối, độc dữ… Đó là xã hội với những thành phố Babylon([6]) thời hiện đại.

Bulgakov, bằng ngòi bút trào phúng, đã lột tả bản chất xã hội hiện đại với những gì trần trụi nhất, đầy đủ mọi giai tầng, mọi phẩm chất và nhân cách… hiện lên thật sinh động của xã hội Nga những năm 20, 30 của thế kỷ XX: giới văn chương Massolit mà Berlioz – chủ tịch hiệp hội văn học lớn nhất Moskva, học nhiều, biết rộng, nhưng chính ông ta đã biến văn học thành một thứ khẩu hiệu, thô thiển như Riukhin, đã dung túng, khuyến khích các nhà phê bình đồ tể kiểu Latunski, Ariman và lũ vu khống Mogarưt; giới quan chức ngu ngốc, tham lam, nhũng nhiễu, đục khoét; dân chúng Moskva tung hô, phơi bày sự hám khát lối sống phè phởn, tham lam, trụy lạc,… Xã hội ấy đã mất hết mọi kỷ cương phép tắc, đạo đức bị băng hoại, con người sống chỉ hưởng lạc, giả dối, ghen ghét lẫn nhau.

Apdi trong Đoạn đầu đài đau đớn, xót xa trước cảnh một bộ phận thanh thiếu niên khát khao làm giàu bất chính, bất chấp đạo đức, pháp luật và cả mạng sống của mình để đi tìm kiếm anasa, hủy hoại môi sinh, tàn sát động vật dã man,… Nhưng bi kịch hơn là lối sống dung dưỡng, bưng bít sai lầm từ giới quan chức cho đến giáo hội. Những bài báo anh vạch trần tệ nạn ma túy trong xã hội không được xuất bản vì thói hám danh vô luân của giới cầm quyền: “tại sao một hiện tượng như vậy (ma túy) lại có thể xảy ra trong cuộc sống chúng ta, xã hội chúng ta là xã hội đã tuyên bố với toàn thế giới rằng hệ thống xã hội chủ nghĩa không có đất cho các tệ nạn phát triển”(ĐĐĐ, tr103.); những kẻ “thông thái” điển hình như bí thư chi bộ Coscorbaev chỉ biết “nhai lại” sách báo và hoạnh họe nhân dân, những kẻ sâu rượu, khiêu khích, vô liêm sỉ như Badarbai vẫn sống hiên ngang, còn những người lương thiện, say mê lao động như Boston lại phải hứng chịu nhiều thiệt thòi, bi kịch. Cái ác không chỉ tồn tại mà còn tung hoành trong đời sống vì lòng người đã không còn chỗ cho Chúa, Chúa đã bị giết. Và từ đó, đạo đức bị băng hoại, con người bị đẩy xuống vực sâu của sự hủy diệt. 

2.2. Motif Kyto giáo với ý nghĩa thời đại  

Với niềm tin sâu sắc vào tín lý của điều thiện, Bulgakov và Aitmatov đã tái sinh, phục dựng Chúa – tình yêu thương, chân lý theo cách riêng của mình. Trong Nghệ nhân và Margarita, Bulgakov đã đưa ra bằng cứ thứ bảy([7]) là hiện thực cuộc sống, là bằng cứ không thể chối cãi của chân lý. Bằng yếu tố kỳ ảo – sự xuất hiện của chúa quỷ Voland, nhà văn đã hóa giải những bi kịch của nhân sinh, trừng trị kẻ ác và đền bồi, cứu vớt người thiện thoát khỏi sự hỗn mang của thân phận.

Aitmatov xây dựngApdi như là hậu sinh của Chúa Kyto. Ngay tên anh, “cái tên lạ lùng theo kiểu Cựu ước”. Và điều quan trọng nhất là anh trăn trở “tìm cho được những con đường chưa ai theo để đến với khối óc và trái tim lớp người cùng lứa tuổi”, với xác định cứu cánh của đời mình là sứ mệnh giáo thuyết điều thiện, anh đã sống và chết vì tình thương yêu ấy. Là người luôn đấu tranh mạnh mẽ cho sự tiến bộ, anh đã mạnh dạn phê phán sự thủ cựu của giáo lý mặc dù anh mới chỉ là học trò, dũng cảm đem sức mạnh của lòng tốt để cứu người, giúp đời như cột thu lôi dẫn sét vào lòng đất. Nhưng cái ác trơ lì, hung bạo đã nuốt chửng anh, bi kịch lại tái diễn, “anh bị buộc chặt vào cây muối đen cong queo, bị dây thừng xiết chặt hai chân hai tay, anh lơ lửng như tấm da thú mới lột đem phơi” (ĐĐĐ, tr.254). Nếu chúa Kyto chết để cứu chuộc tội lỗi của loài người thì Apdi chết vị tội ác của họ (những kẻ tàn bạo). Cái chết ấy truy nguyên một tấn bi kịch huyền bí và đánh thức tình yêu thương dào dạt, sự tin yêu kính thành Chúa nhưng ở một chiều kích khác.

Nếu nỗi đau đớn trong nhục hình của Apdi gợi nhớ Chúa bị đóng đinh câu rút thì bi kịch của Nghệ nhân cũng như một kiểu ảnh xạ từ bi kịch của Iesua, nhưng trên một hệ trục tọa độ khác, tọa độ của chân lý. Giới quan chức Moskva phủ nhận Chúa là muốn xóa bỏ hoàn toàn giá trị văn hóa của nhân loại.Mang khát vọng sáng tạo nghệ thuật cháy bỏng, với vốn trí tuệ uyên bác, học vấn cao thâm, Nghệ nhân đã khôi phục chân lý (có Chúa và Chúa đã bị giết) chôn vùi gần 2000 năm. Đó là bi kịch của nhân loại mang ý nghĩa triết học cao siêu, mà bằng một cách thần bí, anh đã khám phá ra sự thật cụ thể của sự kiện lịch sử, về Ponti Pilat và Iesua. Tái hiện bi kịch của chân lý nên Bulgakov vận dụng tối đa chi tiết quan tổng trấn Pilato hỏi Giesu: “Chân lý là gì”?([8]) trong Phúc âm. Trong khi đó Aitmatovkhá trung thành với Thánh kinh lại bỏ qua chi tiết ấy! Điều này thể hiện dụng tâm khác nhau của các nhà văn khi sử dụng motif Kyto giáo. Nếu Pilato trong Phúc âm, sau khi hỏi Người “Sự thật là gì”? (TTGM, 1998, tr.371) thì ông quay ra tuyên bố với đám đông cuồng tín: “phần ta, ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông này” (chúa Giesu). Nghĩa là Pilato đã xác định được đâu là sự thật và Giesu đã chứng minh sự vô can của ông ta trong việc làm đổ máu Người: “ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn”. Còn nhân vật Pilat trong tác phẩm Nghệ nhân và Margarita, sau khi hỏi xong câu hỏi đó (Chân lý là gì?) thì ông hối hận và ngạc nhiên: “vì sao ta lại đề cập đến những vấn đề không hoàn toàn cần thiết ở tòa án” (NNVM, tr.45). Mặc dù có những băn khoăn trăn trở, nhưng rút cuộc Pilat cũng bước qua chân lý vì con đường công danh của mình.

Motif Kyto giáo trong tác phẩm của Bulgakov đổ bóng theo một cách khác: Iesua không phải là nhân vật trung tâm của bi kịch mà Pilat mới là trung tâm phức tạp. Và, kể từ giây phút hành hình Iesua cho đến gần 2000 năm sau (khi được Nghệ nhân giải thoát), ngài nhận thấy sự hèn nhát của bản thân, và đồng ý chịu làm hỏng con đường công danh của mình, sẵn sàng làm tất cả để cứu Iesua.

Điểm gặp gỡ thú vị giữa hai tác phẩm: cuộc đấu tranh thiện – ác là nội dung chủ đạo, chi phối việc xây dựng các đường dây cốt truyện và quan niệm thiện ác được nhìn nhận bằng cặp mắt nhị nguyên luận. Ở “Nghệ nhân và Margarita, phản đề thiện – ác, đó là chỗ thống nhất chủ yếu của những đường dây cốt truyện không giống nhau và không thể dung hợp” (Vũ Công Hảo, 2007, tr. 74). Nếu Iesua mang tư tưởng đạo đức tận thiện: “đời này không có người ác, chỉ có những người nhân từ” (NNVM, tr.50), thì Pilat cho rằng “chỉ có những con người ác”. Nếu, Nghệ nhân chỉ vì chân lý của một sự kiện lịch sử – ngày cuối cùng tồn tại nơi trần thế của Iesua, mà tìm kiếm quên mình, thậm chí hi sinh cả tính mạng và tình yêu thủy chung của người tình định mệnh (Margarita) là sự thể hiện điển hình tư tưởng triết học đạo đức của Kant([9]), thì những kẻ tự cho mình là nhà văn chân chính lại không tin, không hiểu những gì mình viết, ngược lại, chúng viết chỉ vì những mục đích vật chất tầm thường, tiêu biểu nhất là Latunski và Aloyzi.

Đặc biệt, trong tuyến truyện viễn tưởng, nhân vật Voland – nhân vật phản huyền thoại về chúa quỷ – mang quan điểm triết học mới mẻ về thiện – ác: “ta là một phần của cái sức mạnh vốn muôn đời muốn điều ác, nhưng muôn đời làm điều lợi ích”. Ở đó, dung hợp hai mô hình: “triết lý tôn giáo mang tính bi thảm và thông tục hài hước mang tính hoạt kê” (Bulgakov, 2006, tr.739). Mô hình thứ nhất, Voland xuất hiện như để giải thích và xác tín về những gì đang diễn ra ở Moskva; mô hình thứ hai, Voland và đoàn tùy tùng chỉ là “một băng đảng những kẻ ảo thuật nói giọng bụng”, toàn bộ những viễn tưởng chỉ là những thủ pháp kĩ thuật, như một cách mở rộng cốt truyện.

Trong tiểu thuyết Đoạn đầu đài, là hậu sinh của Chúa, sau 2000 năm Apdi vẫn mang đầy đủ phẩm tính và bi kịch của Chúa. Anh lẻ loi và đơn độc trong cuộc chiến khốc liệt, không khoan nhượng. Nếu theo Phúc âm, chúa chịu nạn đến ba lần và lần thứ ba bị đóng đinh vào thập giá, thì Apdi cũng đã trải qua ba lần bị xét xử vì chân lý và tình thương. Với anh, tôn giáo là tâm linh của con người, nó thuộc về đời sống tinh thần, nên hãy trả tôn giáo về đúng vị trí của nó và phải “khắc khục sự thủ cựu kéo dài hàng thế kỷ, giải phóng khỏi hệ thống giáo điều, ban cho đời sống con người quyền tự do trong việc nhận thức chúa như bản chất cao nhất của sự tồn tại, của bản thân…” (ĐĐĐ, tr.99).Nếu Chúa Giesu thà chịu nhục hình đau đớn, khủng khiếp là bị đóng đinh câu rút còn hơn phải giả dối, chối bỏ đạo thuyết của mình trước cường quyền La Mã thì Apdi chấp nhận bị đuổi khỏi chủng viện, chấp nhận bị bọn tìm kiếm anasa, bọn săn bắn động vật đánh đập dã man và giết hại nhưng anh chưa bao giờ phủ nhận Chúa. Anh dùng tình thương đồng loại bao la, niềm tin tối thượng và chính cả tính mạng mình để mong cứu vớt những cuộc đời tội lỗi, nhưng trong một xã hội tiền bạc, lợi ích vật chất là tất cả thì con người sẵn sàng dẫm đạp lên lương tri và tình thương, sẵn sàng bán rẻ danh dự và đạo đức… Trước khi Apdi bị đẩy ra khỏi con tàu đang chạy vùn vụt, anh còn đủ lý trí để hiểu ra rằng, cầu cứu Grisan (kẻ đứng đầu toán tìm kiếm anasa) thì anh có thể sống sót, nhưng anh chẳng đời nào bấu víu vào cái ác. Và thế là máu lại đã đổ vào một ngày thứ Sáu bất hạnh!

Như một sự phục sinh, Apdi không chết sau những gì khủng khiếp nhất đã xảy ra, và chỉ có anh mới có thể cảm nhận được phép màu diệu kỳ và món quà lớn lao mà số phận đã giành cho anh. Vượt qua những nỗi đau khổ bằng niềm tin và lòng thành kính thiêng liêng, Apdi lại tiếp tục hành trình của mình, hành trình của điều thiện. Chứng kiến cảnh săn bắn động vật khủng khiếp trên đồng cỏ Moiuncumu như hủy diệt toàn bộ sự sống trên trái đất, anh gióng lên tiếng chuông báo động về tính người, anh thuyết phục mọi người hãy hối hận, ăn năn để tẩy sạch cái ác… Anh tin vào thiên chức cảm hóa của mình, anh muốn hóa cải những kẻ độc ác và gian manh, sùng bái tiền bạc này như Chúa Kyto xưa kia đã cảm hóa Levi Matvei – một kẻ thu thuế, đã ném tiền xuống đường để đi theo Người, và trở thành một trong những môn đồ của Christ. Nhưng không, Apdi quá tinh khiết và thánh thiện giữa bạt ngàn cái ác vây quanh, cái thiện lại bị đưa ra xét xử mà quan tòa là một lũ đốn mạt, lũ sâu rượu vô lương. Bọn chúng nhân danh nhân dân, chính quyền, nhà nước để cái ác hành hoành: “còn mày (Apdi), tên cha cố khốn kiếp, mày đã làm chuyện gì? Mày đã phá ngầm. Mày đã tìm cách phá vỡ kế hoạch! Mày muốn dùng tôn giáo mê hoặc chúng tao! Đồ quái thai, tao sẽ bóp chết mày như bóp chết kẻ thù của nhân dân (…) Tao bây giờ là chính quyền của mày, mày phải từ bỏ Chúa của mày, nếu không thì mày sẽ chết, tên khốn kiếp” (ĐĐĐ, tr.253).Cuộc đời của con người sinh ra cho chân lý và điều thiện, Apdi vẫn không bao giờ chối Chúa, chối bỏ lương tri.

Cuộc đấu tranh thiện ác trong Đoạn đầu đài không chỉ dừng lại ở đó mà còn lan tỏa sang các tuyến truyện khác: cuộc đấu tranh của Boston và nhân dân yêu lao động muốn xóa bỏ đói nghèo với những kẻ vô liêm sỉ như Badarbai, những bí thư chi bộ bàn giấy chỉ biết ngáng đường nhân dân như Koskorbaev…; đó cũng là cuộc đấu tranh sinh tồn đầy đau đớn và dai dẳng của cặp sói lừng danh, hùng mạnh, thông minh mà bất hạnh Acbara và Tastrainar. Bằng lối viết triết lý và giàu chất suy tư, Aitmatov muốn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh xã hội đương thời chạy theo lợi ích vật chất, hủy hoại môi sinh, cái ác và bạo lực lan tràn thì chung cục đoạn đầu đài là không thể tránh khỏi. 

3. KẾT LUẬN

Cùng sử dụng motif Kyto giáo – tái tạo lại lịch sử với những giá trị đạo đức thẩm mỹ của nhân loại trong hoàn cảnh xã hội đương thời, Aitmatov và Bulgakov đã “giải hiện thực” theo cách riêng của mình, và quan trọng hơn, thổi vào motif cũ linh hồn của thời đại qua những thông điệp nhân sinh sâu sắc. Họ gặp gỡ ở chỗ: sử dụng phản đề thiện ác như sợi chỉ đỏ của tư tưởng và cốt truyện trong kiến trúc tác phẩm. Song, nếu Aitmatov quan tâm sâu sắc tới cuộc sống nông trường của nhân dân thời kỳ tập thể hóa nông nghiệp, vấn đề tệ nạn xã hội, liêm sỉ, đạo đức con người trong kỷ nguyên cơ giới, vấn đề môi sinh mới mẻ của thời đại; thì, Bulgakov thể hiện những thông điệp nhân sinh muôn thuở về quyền sáng tạo của nghệ thuật, về sự tha hóa của quyền lực, về tình yêu và sự bất tử của những giá trị chân chính.

Với giá trị nhân sinh vĩnh cửu, motif Kyto giáo đi vào nghệ thuật như một lẽ tự nhiên và đến lượt nó – “cái đẹp (nghệ thuật) sẽ cứu rỗi thế giới” (Dostoievski). Và cũng như một mệnh đề có tính kịch nhất, khi tuyên bố Thượng đế đã chết, Nietzsche đồng thời muốn nói lên rằng: “Chúa đã tồn tại và đã chết và sẽ phục sinh, Chúa trở thành con người và con người trở thành Chúa” (G. Deleuze, 2010, tr.218). Khi nghiên cứu Bi kịch và Thiên chúa giáo, triết gia nhận thấy rằng: “trong Dionysus và Jesus Christ có cùng một nỗi thống khổ và một nỗi đam mê” (G. Deleuze, 2010, tr.19), nhưng là sự lộn trái của hai quá trình đối lập. Chúng ta có thể mượn ý tưởng đó để diễn đạtbi kịch của Iesua, Nghệ nhân, Apdi… trong mối liên hệ với Giesu là bằng chứng xác quyết nhất về sự phục sinh của niềm tin và điều thiện theo những con đường khác nhau.Cầu viện đến huyền thoại, Aitmatov và Bulgakov không chỉ giải đáp những vấn đề cấp bách của thời đại theo cách riêng mà còn tạo một bầu sinh quyển mới cho motif Kinh thánh cổ xưa.

Đức Giesu Kyto đã khẳng định: của Xe-da, trả về Xe-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa[10] thì chúng ta, những con người hiện đại trong đời sống hôm nay, hãy sử dụng lý trí sáng chói của mình một cách thông minh nhất và trả lại tín ngưỡng, tôn giáo cho thế giới tâm linh, để tâm hồn luôn tìm được bến đỗ phúc lạc./.

 Theo Nguyễn Thị Tuyết(1) - PBVH

--------------------------------------------

[1] ThS. Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang

[2] Bulgakov, M. (2006). Nghệ nhân và Margarita (Đoàn Tử Huyến dịch). Hà Nội: Nxb Lao động, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ ĐôngTây, các trích dẫn tác phẩm trong bài chúng tôi đều trích dẫn theo bản này.

[3] Aitmatov, Ch. (1989). Đoạn đầu đài (Vũ Việt dịch). Hà Nội: Nxb Tác phẩm mới, các trích dẫn tác phẩm trong bài chúng tôi đều trích dẫn theo bản này

[4]Friedrich Wilhelm Nietzsche, triết gia Đức, 1844 – 1900. Mệnh đề trên chứng tỏ sự phủ nhận, sự “lật nhào” các giá trị thống trị, nhằm khẳng định con người với ý chí mạnh mẽ làm nên tính đa dạng của cuộc sống.

[5]. Trước thế kỷ XVII, Kyto giáo thống trị mọi mặt đời sống xã hội ở phương Tây, kể cả triết học. Từ sau thế kỷ XVII, các tư tưởng gia và khoa học gia tin rằng lý trí và khoa học, chứ không phải là Kyto giáo, sẽ thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại.

[6]. Một thành phố thời thượng cổ, có trong Kinh thánh, thành phố này nổi tiếng vì sự xa hoa đàng điếm, và bị Thiên chúa trừng phạt.

[7]. Trong Thần học, tồn tại một hệ thống các bằng cứ nhằm khẳng định sự tồn tại của Thượng đế, như các bằng cứ: lịch sử luận, tâm lý luận, nhân chủng luận, vũ trụ luận, mục đích luận, đạo đức luận, bằng cứ thứ bảy mà Bulgakov đưa ra là hiện thực trong tác phẩm.

[8]. Chi tiết này có trong Kinh thánh, ở đây được Bulgakov sử dụng với dụng ý tô đậm bi kịch trong nhân vật Pilat

[9] . Immanuel Kant (1724 -1804) nhà triết học vĩ đại người Đức, đưa ra bằng chứng về sự tồn tại của Chúa là bằng chứng đạo đức luận.

[10] Kinh thánh, Sđd, tr.121, khi những người Pha-ri-seu muốn hại Người, bảo người chống lại chính quyền La Mã, ở đây chúng tôi sử dụng như một ẩn dụ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Aitmatov, Ch. (1989). Đoạn đầu đài (Vũ Việt dịch). Hà Nội: Nxb Tác phẩm mới.

Bulgakov, M. (2006). Nghệ nhân và Margarita (Đoàn Tử Huyến dịch). Hà Nội: Nxb Lao động, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ ĐôngTây.

Deleuze, G. (2010). Nietzsche và triết học (Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính). Hà Nội: Nxb Tri thức.

Freud, S. (2001). Vật tổ và cấm kỵ (Lương Văn Kế dịch)Hà Nội: Nxb ĐHQG Hà Nội.

Vũ Công Hảo. (2007). Tạp chí Nghiên cứu Văn học. số 6, tr.60-76. Bàn thêm về motiv và cấu trúc motiv trong tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov.

Magee, B. (2003). Câu chuyện triết học (Phan Huỳnh Anh, Mai Sơn dịch). Hà Nội: Nxb Thống kê.

Trần Giang Sơn (biên soạn). (2011). Tinh hoa tư tưởng mọi thời đại. Tp Hồ Chí Minh: Nxb Thanh niên.

Tòa tổng giám mục Tp Hồ Chí Minh. (1998). Kinh thánh (Tân ước). Tp Hồ Chí Minh: Nxb Tp Hồ Chí Minh.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng