Phê bình toàn cảnh
Đọc sách “Lột mặt nạ Bakhtin – câu chuyện về một kẻ lừa dối, một chuyện bịp bợm và một cơn mê sảng tập thể”
14:51 | 17/06/2014

(Bakhtine démasqué – Histoire d’un menteur, d’une escroquerie et d’un délire collectif) của Jean – Paul Bronckart và Cristian Bota, Droz, Thụy Sĩ, 2011, 630 trang)

Đọc sách “Lột mặt nạ Bakhtin – câu chuyện về một kẻ lừa dối, một chuyện bịp bợm và một cơn mê sảng tập thể”
Ảnh: internet

NGÔ TỰ LẬP

Cuốn sách của Jean – Paul Bronckart và Cristian Bota có thể coi là một quả bom đối với giới nghiên cứu, bởi lẽ nó liên quan đến một tên tuổi lừng lẫy bậc nhất trong số những tên tuổi lừng lẫy của thế kỷ XX – Mikhail Bakhtin. Tuy nhiên, câu chuyện không hoàn toàn bất ngờ. Sợi dây cháy chậm của quả bom đã âm ỉ từ lâu. Và điều đó cũng thể hiện đầy đủ trong cuốn sách mà chúng tôi xin tóm lược nội dung dưới đây.

Năm 1961, sau khi đọc cuốn sách của Bakhtin về Dostoevski (1929) và luận án của ông về Rabelais (nộp năm 1940, bảo vệ năm 1946 và 1949), Bocharov, Gachev và Kozhinov – ba nhà nghiên cứu trẻ của Viện văn học thế giới (Moskva) – đáp xe lửa đi Saransk để gặp tác giả. Năm 1963, ba người học trò cuồng nhiệt này tổ chức tái bản có sửa chữa cuốn sách về Dostoevski và năm 1965 xuất bản cuốn sách về Rabelais. Hai cuốn sách này nhanh chóng làm cho Bakhtin nổi tiếng khắp thế giới.

Sự việc bắt đầu khi V. Ivanov tuyên bố, tại một cuộc hội thảo năm 1970, sau đó trong một bài báo xuất bản năm 1973, rằng Bakhtin là tác giả đích thực của hai cuốn sách “Chủ nghĩa Freud: Một phác thảo phê phán (1927), Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ (1929) và ba bài báo khác của Voloshinov, cùng với cuốn “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” (1928) của Medvedev. Cũng trong bài báo này, Ivanov mô tả Voloshinov và Medvedev như là những “học trò” của Bakhtin, đồng thời ca ngợi Bakhtin như là người khởi đầu hoặc dự cảm hầu như tất cả các xu hướng của khoa học xã hội và nhân văn thế kỷ XX. Trước đó ít lâu, A. A. Leontiev, trong Ngôn ngữ học tâm lý (1967) và Ngôn ngữ, lời nói và hoạt động nói (1969) lần đầu tiên nhắc đến “Nhóm Bakhtin”, hay “Trường phái Bakhtin”. Tại Pháp, Julia Kristeva, trong Một nền thi pháp học sụp đổ (1970), dựa trên ý tưởng của các công trình này đưa ra khái niệm “Liên văn bản”. Năm 1981, Tzvetan Todorov, trong Mikhail Bakhtine, le principe dialogique (Mikhail Bakhtin, nguyên lý đối thoại), cố gắng lắp ghép các công trình của Voloshinov và Medvedev vào sự nghiệp của Bakhtine, biến chúng thành một tổng thể thống nhất. Năm 1984, Clark và Holquist xuất bản cuốn tiểu sử Mikhail Bakhtin, khẳng định Bakhtin là tác giả của các tác phẩm “tranh cãi”. Đáng chú ý là trong cuốn sách này, Voloshinov và Medvedev được mô tả như những tác giả xoàng xĩnh, xu thời, thậm chí vô liêm sỉ. Rất nhiều thông tin trong cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của Bakhtin, cũng như về “Nhóm Bakhtin”, về sau bị phát hiện là không đúng sự thật.

Trong thập niên 1980, hàng loạt công trình “tái phát hiện” của Bakhtin được công bố. Tại Nga, những người hâm mộ Bakhtin cho in bộ sách “Bakhtin đeo mặt nạ” (М. М. Бахтина под маской), tập hợp không chỉ các công trình nói trên mà cả 2 bài báo khác của Medvedev và một bài ký tên Kanaev. Đến thời điểm đó, Bakhtin được tôn vinh như là nhà tư tưởng lớn nhất trong số các nhà khoa học nhân văn thế kỷ XX. Trích dẫn và nghiên cứu Bakhtin trở thành thời thượng, và Bakhtin trở thành người hùng của cái mà Morson (1986) gọi là Bakhtin Industry (Công nghệ Bakhtin), bao trùm hầu như mọi ngành nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, đến mức Terry Eagleton phải viết trong bài “I Contain Multitudes”: “… hầu như không có chủ đề hậu hiện đại thời thượng nào mà chưa được Bakhtin dự cảm trước. Diễn ngôn, tính lai, tính khác, tình dục, nổi loạn, biến thái, đa hợp, văn hóa đại chúng, thân xác, cái tôi phi trung tâm, tính vật chất của ký hiệu, chủ nghĩa lịch sử, đời thường: nhà tư tưởng hậu cấu trúc sớm này, như cách gọi của Graham Pechey, đã hình dung trước quá nhiều điều về thời đại của chúng ta, đến mức sẽ đáng ngạc nhiên nếu như trong tác phẩm của ông chúng ta không thấy đề cập đến Posh và Becks”[1].

Cần phải nói rằng Bakhtin không thể có được tầm vóc và danh tiếng như vậy nếu thiếu các tác phẩm của Voloshinov và Medvedev. Bronckart và Bota chỉ ra bằng thống kê: trong bài báo năm 1973 của Ivanov, khi bàn đến các “luận điểm của Bakhtin”, chỉ có 25 lần tác giả trích dẫn Những vấn đề thi pháp Dostoievski, 23 lần trích dẫn François Rabelais và văn hóa dân gian thời Trung đại và Phục Hưng và 28 lần trích dẫn 6 tác phẩm khác của Bakhtin. Trong khi đó, Ivanov 47 lần trích dẫn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, 14 lần trích dẫn Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học và 13 lần trích dẫn các công trình khác ký tên Voloshinov[2] [9]. Tương tự như vậy, I. R. Titunik nhận thấy trong hai cuốn sách của A. A. Leontiev (Ngôn ngữ học tâm lýNgôn ngữ, lời nói và hoạt động nói, đã nhắc ở trên), tất cả các luận điểm được coi là của Bakhtin lại được dẫn ra từ cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ của Voloshinov[3].

Mặc dù không hề có bất cứ bằng chứng thực sự nào và cũng chưa có ai, kể cả Bakhtin, giải thích được thỏa đáng tại sao ông phải đội tên bạn bè để in sách (cuốn sách về Dostoievski của Bakhtin được in trong cùng một năm với cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ của Voloshinov), giới học giả đã nhanh chóng tin tưởng và lan truyền huyền thoại này[4]. Ở Việt Nam, dịch giả Phạm Vĩnh Cư viết trong cuốn tuyển dịch M. Bakhtin – Lý luận và thi pháp tiểu thuyết: “Bakhtin viết về những vấn đề ngôn ngữ học từ những năm 20. Năm 1929, ông mượn tên một người bạn và học trò của mình cho xuất bản cuốn sách Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ, ở đó ông xây dựng những luận cứ lý thuyết cho một bộ môn khoa học học mới – siêu ngôn ngữ học.”[5]Trong “Lời giới thiệu” bản tiếng Việt cuốn Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki của M. Bakhtin, dịch giả Trần Đình Sử – có lẽ là người đầu tiên giới thiệu Bakhtin ở Việt Nam – cũng viết: “Từ năm 1924 đến 1929 ông đội tên bạn bè công bố ba tác phẩm: Chủ nghĩa Phrơt, Chủ nghĩa Mac và triết học ngôn ngữ, Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học. Lí do đội tên có người giải thích là do Bakhtin có tính thích hóa trang theo kiểu cacnavan. Trước khi mất M. Bakhtin đã lập di chúc xác nhận tác quyền của ông đối với ba tác phẩm này”.[6]

Tôi không rõ Trần Đình Sử lấy thông tin ở đâu, nhưng căn cứ vào tất cả các nguồn mà tôi được biết thì Bakhtin chưa bao giờ xác nhận bằng văn bản rằng ông là tác giả của những tác phẩm “tranh cãi”. Điều này cũng được Bronckart và Bota khẳng định. Họ dẫn lời Kozhinov, một trong ba học trò thân cận đóng vai trò chủ chốt trong sự tôn vinh Bakhtin, trong một văn bản công bố năm 1994: “Ông (tức Kozhinov- NTL) nói thêm rằng Bakhtin luôn luôn từ chối ký giấy xác nhận rằng ông là tác giả đích thực của các tác phẩm này, mà trên giường lúc hấp hối ông lại tuyên bố: “Điều này, sau tất cả, là tội lỗi của tôi, và tôi phải thú nhận”[7][246].

Nhưng không phải tất cả các học giả đều tin vào huyền thoại. Một số giữ thái độ cẩn trọng, nhưng tin rằng Bakhtin là “đồng tác giả” hay ít nhất là có “ảnh hưởng” đáng kể đối với các tác phẩm “tranh cãi”. Averintsev (1988) đề nghị để ngỏ vấn đề, coi đó là một câu hỏi không thể có lời giải. Một số khác, như Matejka, Titunik, Morson và Emerson, hoàn toàn phủ nhận giả thuyết “tất cả thuộc về Bakhtin”. Xin nhớ rằng Matejka và Titunik là những nhà Slav học nổi tiếng, người dịch các tác phẩm của Voloshinov và Medvedev; còn Morson và Emerson ban đầu cũng tin vào giả thuyết “tất cả thuộc về Bakhtin”, nhưng sau một thời gian nghiên cứu, đã thay đổi quan điểm.

Có rất nhiều lý do để nghi ngờ. Trước hết là sự khác biệt rất lớn về phong cách giữa những tác phẩm ký tên Bakhtin, Medvedev và Voloshinov. Các tác phẩm ký tên Bakhtin thường rối rắm, tối nghĩa, lỏng lẻo, thậm chí là tự mâu thuẫn. Trong khi đó cuốn Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn họccủa Medvedev và các tác phẩm ký tên Voloshinov lại rất chặt chẽ, mạch lạc và nhất quán về tư tưởng. Thêm nữa, Voloshinov và Medvedev, cũng như tác phẩm của họ, thấm đẫm tinh thần Marxist (đến mức họ trở thành nạn nhân của Stalin và Chủ nghĩa Marx máy móc); còn Bakhtin là người sùng đạo và chống Marx cho đến tận cuối đời. Những người hâm mộ Bakhtin tuyên bố rằng những thuật ngữ và giọng điệu Marxist trong các tác phẩm ký tên Voloshinov và Medvedev chỉ là cái vỏ để che mắt cơ quan kiểm duyệt. Nhưng bất kỳ ai từng đọc Voloshinov và Medvedev một cách nghiêm túc đều nhận thấy rằng điều đó không đúng: quan điểm Marxist thực sự là cốt lõi các tác phẩm của họ.

Chính vì những nghi ngờ đó, và vì tầm quan trọng của các tác phẩm ký tên Voloshinov và Medvedev đối với cái gọi là “Học thuyết Bakhtin”, trong mấy thập niên vừa qua đã có nhiều nghiên cứu hồ sơ, văn bản và phong cách học được tiến hành nhằm cung cấp các bằng chứng để khẳng định dứt khoát ai là tác giả đích thực của chúng. Cuốn sách của Bronckart và Bota không phải là công trình đầu tiên, nhưng là công trình đầy đủ và hệ thống nhất từ trước đến nay. Các tác giả không đưa ra những phát hiện mới về văn bản, thư từ, chứng cứ, mà chủ yếu phân tích và tổng hợp những kết quả nghiên cứu của các học giả từ khắp nơi trên thế giới.

Trong phần thứ nhất, nhan đề “Những yếu tố của lịch sử học thuyết Bakhtin” (Éléments d’histoire du Bakhtinisme), bao gồm 6 chương, các tác giả trình bày khá chi tiết lịch sử hình thành và tiến triển “thần kỳ” (“prodigieux”) của Bakhtin Industry, thông qua việc khảo sát sự tiếp nhận “trước tác của Bakhtin” (bao gồm những tác phẩm chắc chắn của Bakhtin, những tác phẩm về sau và “tái phát hiện” của ông, cùng với những tác phẩm ký tên Voloshinov và Medvedev). Trong phần này, họ dành nhiều trang để khảo sát những tuyên bố và thái độ của Bakhtin đối với các tác phẩm “tranh cãi” cũng như đối với bản in năm 1929 của cuốn Những vấn đề sáng tác của Dostoievski. Trong phần hai, nhan đề “Phân tích so sánh trước tác của Bakhtin, Voloshinov và Medvedev” (Analyse comparative des œuvres de Bakhtine, Voloshinov và Medvedev), cũng bao gồm 6 chương, Bronckart và Bota tập trung phân tích, đối chiếu, so sánh các tác phẩm thời trẻ của Bakhtin, các tác phẩm “tranh cãi” ký tên Voloshinov và Medvedev, hai phiên bản của cuốn sách về Dostoievski của Bakhtin và các tác phẩm ký tên Bakhtin sau này. Như chúng ta thấy ngay trong đầu đề, bằng các nghiên cứu của mình, Bronckart và Bota khẳng định rằng Bakhtin là kẻ lừa dối, rằng huyền thoại về “Nhóm Bakhtin” và tư cách tác giả của Bakhtin đối với các tác phẩm “tranh cãi” chỉ là “trò bịp bợm” dựa trên thái độ vô trách nhiệm và sự u mê của giới học giả,cái mà họ gọi là một “cơn mê sảng tập thể”.

Bakhtin lừa dối những gì?

Trước hết là về tiểu sử. Trong cuộc trò chuyện với Duvakin (1973), Bakhtin tuyên bố rằng ông xuất thân từ một gia đình thượng lưu, có ông là chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng lớn ở Oriol; rằng ông học Trung học ở Oriol, sau đó tốt nghiệp ở Vilnius; rằng ông học đại học ở Odessa rồi ở Saint-Petersburg. Trong một chú thích viết tay, Bakhtin khẳng định rằng ông ở Đức trong thời gian 1910-1912, học bốn học kỳ ở đại học Marburg và một học kỳ tại Berlin [280]. Các thông tin này được các nhà viết tiểu sử Bakhtin, đặc biệt là Clark và Holquist, sử dụng và phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, những nghiên cứu hồ sơ lưu trữ tại Vitebsk, Nevel và Leningrad do Pankov, Konkin và Lisov thực hiện lần lượt vào các năm 1993, 1994, 1996 cho thấy những thông tin hoàn toàn khác: Ông của Bakhtin là một nhà buôn, chưa bao giờ là chủ tịch hội đồng quản trị của bất cứ ngân hàng nào. Mặc dù có một dòng họ Bakhtin khá thành đạt, nhưng đó là một dòng họ khác tình cờ trùng tên, không hề có liên quan gì đến Bakhtin của chúng ta. Các hồ sơ còn cho thấy rằng Bakhtin chưa bao giờ tốt nghiệp phổ thông trung học, và chưa bao giờ học đại học. Bakhtin cũng chưa bao giờ du học ở Đức. Hóa ra, những thông tin về thời gian học tập ở Đức, Bakhtin lấy từ tiểu sử của Kagan, một người bạn; còn thông tin về thời gian học tập ở Nga, Bakhtin lấy từ tiểu sử của anh trai, Nicolai Bakhtin, một người từng được coi là thần đồng, về sau gia nhập Bạch Vệ, cuối cùng di cư sang Anh, trở thành giảng viên đại học [20 ; 281].

Thứ hai, quan trọng hơn, Bakhtin đã nói dối để chiếm đoạt tác phẩm của Voloshinov và Medvedev. Nghiên cứu các bài trả lời phỏng vấn, những cuộc trò chuyện và thư từ của Bakhtin, người ta thấy ông rất mâu thuẫn. Cho đến đầu thập niên 1960, Bakhtin vẫn khẳng định rằng ông không phải là tác giả của các tác phẩm « tranh cãi », mặc dù ngay từ khi cuốn sách về Dostoievski được xuất bản lần đầu tiên (1929), nhiều người, trong đó có Vinogradov, đã nhận thấy rằng nhiều luận điểm trong đó giống hệt những luận điểm của Medvedev trong Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học và của Voloshinov trong Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ. (Cần phải nói rằng cuốn sách của Voloshinov được Roman Jakobson hết lời ca ngợi, và chính nhờ Jakobson, những ý tưởng của Voloshinov có ảnh hưởng to lớn đối với trường phái ngôn ngữ học Praha). Có lẽ, để giải thích sự giống nhau này, Bakhtin đã viết trong lá thư (10/01/1961) gửi Kozhinov: “Tôi biết rất rõ hai cuốn Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn họcChủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ. V. N. Voloshinov và P. N. Medvedev là bạn tôi; vào thời gian khi hai cuốn sách ấy được viết, chúng tôi làm việc trong một mối quan hệ sáng tạo cực kỳ thân thiết. Quả thực, hai cuốn đó và cuốn nghiên cứu về Dostoievski của tôi cùng dựa trên một quan niệm chung về ngôn ngữ và tác phẩm ngôn từ. Từ quan điểm này, Vinogradov hoàn toàn có lý. Tôi phải nói thêm rằng quan niệm chung ấy, cũng như quan hệ chặt chẽ của chúng tôi trong khi làm việc, không hề làm giảm tính độc lập cũng như tính độc đáo của mỗi cuốn trong ba cuốn sách đó. Còn về các công trình khác của Medvedev và Voloshinov, chúng nằm trên một bình diện khác và không phản ánh quan niệm chung: tôi hoàn toàn không tham gia vào quá trình viết nên chúng” [240-241].

Thế nhưng trong cuộc trò chuyện với Bocharov (06/1970), Bakhtin lại tự nhận là tác giả của ba cuốn sách ký tên Voloshinov và Medvedev, mà ông coi là “quà tặng cho các bạn”. Cũng trong cuộc nói chuyện này, vợ Bakhtin nói rằng Bakhtin đã “đọc cho Voloshinov chép” cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ [243]. Thế nhưng, trong một cuộc nói chuyện với Kozhinov, vợ Bakhtin lại cho biết rằng Bakhtin đã đọc để chính tay bà viết những tác phẩm của Voloshinov và Medvedev [246]. Trong cuộc trò chuyện (11/1974) với Bocharov, Bakhtin nói rằng ông là người đã “viết từ đầu đến cuối” ba cuốn sách trên và bài báo Ngôn từ trong đời sống và ngôn từ ngôn trong thơ của Voloshinov (1926);rằng ông tặng tác quyền cho các bạn [244]. Trong một cuộc nói chuyện khác cũng với chính Bocharov (4/1974), Bakhtin tuyên bố rằng ông mượn tên các bạn để in sách vì các bạn ông “cần phải xuất bản” [244]. Thế nhưng trong cuộc nói chuyện với Kozhinov, Bakhtin lại nói rằng các tác phẩm ký tên Voloshinov và Medvedev viết không được kỹ, vì ông đọc cho người khác chép, và ông thú nhận rằng ông viết những tác phẩm đó đơn thuần “vì tiền” [246]. Nói chung, đến đầu thập niên 1970, Bakhtin đã nhận hầu hết các tác phẩm quan trọng của những người bạn đã chết từ lâu của ông. (Voloshinov bị lao phổi nặng từ đầu những năm 1930 và từ trần năm 1936. Medvedev thì bị Stalin xử tử năm 1939).

Trái với những gì Bakhtin nói, những nghiên cứu tài liệu lưu trữ, đặc biệt là sau khi Liên Xô sụp đổ, cho phép chúng ta khẳng định bản quyền trọn vẹn của Voloshinov và Medvedev đối với những kiệt tác của họ. Voloshinov và Medvedev hoàn toàn không phải là những tác giả tầm thường, những “học trò” của Bakhtin. Vào thập niên 1920, họ đã là những học giả với sự nghiệp học thuật sáng chói, làm việc trong những trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu của Leningrad. Các tác phẩm mà Bakhtin tuyên bố tác quyền không đơn thuần là kết quả cụ thể của chương trình nghiên cứu do Voloshinov và Medvedev thực hiện tại Viện Lịch sử So sánh Văn học và Ngôn ngữ Đông Tây (ИЛЯЗВ), mà còn là những vấn đề họ theo đuổi trong nhiều năm, từ khi còn là sinh viên, nghiên cứu sinh, cho đến khi trở thành những nhà giáo và nhà nghiên cứu có uy tín. Voloshinov bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1929 (Nội dung luận án chính là phần III cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ). Sau đó, Voloshinov trở thành Phó giáo sư (доцент) tại  Viện Lịch sử So sánh Văn học và Ngôn ngữ Đông Tây, Giáo sư tại Đại học sư phạm Leningrad mang tên Gertsen (Ленинградском педагогическом институте имени А. И. Герцена), Viện Văn hóa Ngôn ngữ (Институте Речевой Культуры) và Trường đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ các ngành nghệ thuật Leningrad (Ленинградский Институт повышения квалификации кадров работников искусств, ЛИПКРИ). Sự nghiệp học thuật của Medvedev thậm chí còn sớm hơn. Ngay từ năm 1917, ở Vitebsk, ông đã là hiệu trưởng trường Đại học Vô sản, Tổng biên tập tạp chí Isskustvo (Nghệ thuật) và được coi là thủ lĩnh văn hóa của địa phương. Ngay từ khi đó, ông đã công bố nhiều công trình về lý luận văn học, về phương pháp luận lịch sử văn học và về văn học Nga, trong đó có nghiên cứu về Dostoievski. Chuyển đến Petrograd (sau đổi là Leningrad) từ năm 1922, Medvedev viết, diễn thuyết và xuất bản rất nhiều. Từ năm 1927, ông đã là giáo sư tại Đại học sư phạm Leningrad mang tên Gertsen.

Theo Bronckart và Bota, chính Voloshinov và Medvedev là những người giúp Bakhtin tiếp cận với đời sống học thuật. Bởi lẽ, khi đó Bakhtin ốm đau, không bằng cấp, không có công việc ổn định, phải chấp nhận những công việc lặt vặt. Voloshinov thuê vợ Bakhtin đánh máy bản thảo để giúp vợ chồng Bakhtin có thêm thu nhập [294]. Có lẽ, qua những bản thảo đó, và qua các buổi thảo luận, Bakhtin đã làm quen với chương trình nghiên cứu của Voloshinov và Medvedev. Ngoài việc giúp đỡ Bakhtin về vật chất và tinh thần, khi Bakhtin bị đi đày năm 1929, Voloshinov và Medvedev cùng bè bạn tổ chức một cuộc vận động ủng hộ Bakhtin. Năm 1936, khi được phép rời nơi lưu đày, Bakhtin về Leningrad gặp Medvedev và chính Medvedev là người xin cho Bakhtin được dạy học tại trường Đại học sư phạm Mordovia ở Saransk [33].

Tại sao Bakhtin lại tuyên bố bản quyền tác giả đối với ngày càng nhiều tác phẩm của bạn ông như vậy? Việc khảo sát các tác phẩm của Bakhtin, Voloshinov và Medvedev có thể cho ta thấy nhiều điều. Như trên đã nói, trong thư gửi Kozhinov, Bakhtin khẳng định rằng ông có chung với Voloshinov và Medvedev những quan niệm về ngôn ngữ và tác phẩm ngôn từ mà ta thấy trong Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ của Voloshinov và “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” của Medvedev, đều in trước cuốn sách của Bakhtin, còn các công trình khác của Medvedev và Voloshinov thì “nằm trên một bình diện khác và không phản ánh quan niệm chung”, và ông “hoàn toàn không tham gia vào quá trình viết nên chúng”. Tuy nhiên, về sau người ta lại thấy rằng những quan niệm này đã được trình bày trong những tác phẩm trước đó của Voloshinov và Medvedev. Phần ba cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, với những phát hiện mang tính cách mạng về vấn đề truyền đạt lời kẻ khác – những phát hiện làm nên nền tảng lý thuyết cho cuốn sách của Bakhtin về Dostoievski – chính là nội dung luận án tiến sĩ của Voloshinov (bảo vệ năm 1929) mà trước đó đã được Voloshinov công bố dưới dạng bài báo, nhan đề “Vấn đề truyền đạt lời kẻ khác”, trong tuyển tập “Chống chủ nghĩa duy tâm trong ngôn ngữ học” (1928). Những ý tưởng về ngôn ngữ, cũng mang tính cách mạng không kém, của cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, cũng đã được Voloshinov trình bày trước đó, trong bài báo “Ngôn từ trong đời sống và ngôn từ trong thơ” (1926). Thêm nữa, trong cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, Voloshinov thường xuyên nhắc đến những luận điểm ông đã đưa ra trong cuốn “Chủ nghĩa Freud: Một phác thảo phê phán (1927). Xin lưu ý rằng, cho đến năm 1929, Bakhtin chưa hề biết đến học thuyết Freud, đúng như Julia Kristeva nhận xét trong Một nền thi pháp học sụp đổ. Đến lượt mình, cuốn Chủ nghĩa Freud: Một phác thảo phê phán lại là sự phát triển của bài báo “Bên kia cái xã hội: Về chủ nghĩa Freud” mà Voloshinov công bố năm 1925. Tương tự như vậy, nhiều luận điểm chủ yếu về ngôn ngữ và văn chương của cuốn “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” đã được Medvedev trình bày trong “Một xã hội luận thiếu xã hội học” (1926), còn sự phê phán chủ nghĩa hình thức thì đã được ông trình bày trong “Thói Salieri học thuật” (1925).

Còn Bakhtin viết gì? Nghiên cứu các tác phẩm của Bakhtin trong cùng thời kỳ đó, như “Vấn đề nội dung, chất liệu và hình thức trong tác phẩm văn chương” (đã được chấp nhận đăng trên năm 1924 nhưng tạp chí bị đình bản), hay “Tiến tới một triết học về hành vi”“Tác giả và nhân vật” (hai công trình này chưa hoàn thiện), chúng ta thấy quan điểm của Bakhtin hoàn toàn khác: sùng đạo, Slavophile (đề cao văn hóa Slav) và có quan niệm độc thoại về ngôn ngữ và văn chương, khác hẳn quan điểm duy vật biện chứng và đối thoại về văn hóa xuyên suốt các tác phẩm “tranh cãi’ ký tên Voloshinov và Medvedev [410]. Quan niệm đối thoại chỉ đột ngột xuất hiện ở Bakhtin trong cuốn sách về Dostoievski (1929). Điều này cho thấy, Bakhtin chịu ảnh hưởng của Voloshinov và Medvedev chứ không phải là ngược lại. Dù vậy, một khi Bakhtin tự nhận là tác giả của hai cuốn sách Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ và “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” thì ông không thể không tự nhận là tác giả của những tác phẩm kia. Bronckart và Bota nhận xét: “Nói dối, nói dối tiếp, nói dối nữa, vẫn còn điều gì đó”[8] [273].

Thứ ba, Bakhtin ngụy tạo thời điểm ra đời của các văn bản được coi là “tái phát hiện”. Chẳng hạn, Tiến tới một triết lý về hành vi được coi là viết trong khoảng 1920-1924, và Tác giả và nhân vật trong hoạt động thẩm mỹ được Bakhtin tuyên bố viết năm 1924. Poole viết về những tác phẩm này như sau: “Ảnh hưởng của Max Scheler và các học trò của ông về thứ hiện tượng luận này cung cấp chìa khóa để luận giải. Căn cứ vào những bằng chứng nội tại và các tài liệu lưu trữ, tôi tin rằng những “văn bản nguyên khởi” này được viết năm 1927. Giả thuyết này chứa những ẩn ý liên quan đến vụ tác quyền của Bakhtin đối với những văn bản của Voloshinov và Medvedev” [286].

Tại sao Bakhtin lại “nhầm lẫn” về thời gian như vậy? Tại sao ông phải tuyên bố rằng chúng được viết trước, trong khi thật ra chúng được viết sau hoặc cùng thời với, các công trình chủ yếu của Voloshinov và Medvedev? Vấn đề là: trong Tác giả và nhân vật, Bakhtin ca ngợi tính khép kín và ổn định về giá trị của mọi tác phẩm và phê phán những tác giả, noi theo Dostoievski, tự biến mất sau tính đa thanh và mâu thuẫn về giọng điệu của các nhân vật. [287]. Còn Tiến tới một triết lý về hành vi thì thấm đẫm tinh thần sùng đạo và trào lưu Slavophile mà Bakhtin tham gia. Tác phẩm khá tầm thường về triết học này ca ngợi trách nhiệm của thứ chủ thể chỉ có Chúa trời là kẻ đối thoại duy nhất. Nghĩa là chúng hoàn toàn trái ngược với quan điểm của các tác phẩm “tranh cãi”. Thật khó tin là các tác phẩm cùng thời của cùng một tác giả lại có quan điểm trái ngược nhau như vậy.Vì thế, Bronckart và Bota viết, “cần phải bằng mọi giá che giấu sự thật là hai bản thảo của Bakhtin được viết đồng thời với các văn bản ký tên Voloshinov và Medvedev” [287].

Tương tự như vậy, bản thảo Vấn đề nội dung, được coi là viết trước năm 1924, có chung chủ đề và nhiều luận điểm với cuốn sách Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học của Medvedev. Wehrlenhận xét rằng nó có thể được coi là lời nói đầu cho cuốn sách của Medvedev, hoặc ngược lại, cuốn sách của Medvedev có thể được coi là lời nói đầu của nó [288]. Tuy nhiên, Matejka (1996), chỉ ra sự mâu thuẫn giữa xu hướng duy vật biện chứng trong tác phẩm của Medvedev với xu hướng Kant-mới trong văn bản của Bakhtin. Thêm nữa, không có gì để khẳng định văn bản của Bakhtin được viết năm 1924, cũng như không thể biết bản được công bố năm 1974 khác với bản gốc như thế nào [289]. Poole (2001) cũng có nghi vấn tương tự. Ông nhận thấy rằng không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Bakhtin quan tâm đến đề tài này trước khi ông chuyến đến Leningrad (vào năm 1924). Ông đặt câu hỏi: Nếu Vấn đề nội dung được hoàn thành trong năm 1924, tại sao nó lại không được công bố trong cùng một tạp chí mà Voloshinov và Medvedev đã đăng bài [289-290]? Bransidst (2002) nhận thấy rằng, trên văn bản, Bakhtin chỉ thay đổi quan điểm vào năm 1929, trong cuốn sách về Dostoievski [291]. De Michiel, một người rất tin tưởng vào giả thuyết “tất cả thuộc về Bakhtin”, cũng nhận xét: trong những tác phẩm của Bakhtin của thập niên 1920, không có bất kỳ một dấu hiệu nào có thể báo trước sự phát triển của khái niệm tiểu thuyết phức điệu, trừ vài nhận xét nhỏ, trong khi ý tưởng này thể hiện rất rõ ở cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ của Voloshinov [291-292]. Poole (2001) còn chứng minh rằng Voloshinov đã tiếp thu ý tưởng về tính đối thoại của ngôn ngữ từ Jakubinski và phát triển nó trong luận án tiến sĩ của mình. Ông viết: “Voloshinov cũng là người đầu tiên nêu lên khả năng áp dụng ngôn ngữ học đối thoại để nghiên cứu Dostoievski. Có thể tin rằng sự lựa chọn nguồn tài liệu của Bakhtin phần lớn dựa vào nghiên cứu của Voloshinov. Một cuốn sổ trong kho lưu trữ Bakhtin, do vợ Bakhtin sao lại, chứa những đoạn trích tác phẩm của Askoldov, Komarovich, Vinogradov, Skaftimov, Gizetti, Vossler và Spett, những đoạn trích, không nghi ngờ gì nữa, đã xuất hiện trong nghiên cứu về triết học ngôn ngữ của Voloshinov. Tên người chủ cuốn sổ tay trên bìa đã được xóa kỹ lưỡng” [293].

Thứ tư, Bakhtin thường xuyên đạo văn(của Scheler, Broder Christiansen, Lukas, Spitzer, Cassier…) Điều này, nhiều học giả cũng đã nêu lên. Poole (2001) chỉ ra rằng trong Tiến tới một triết lý về hành viTác giả và nhân vật, Bakhtin đã vay mượn mà không nhắc đến tác phẩm Wesen und Formen der Sympathie của Scheler cũng như các tác phẩm của Hartmann [297]. Matejka (1996) chứng minh rằng Bakhtin đã xào xáo tràn lan (“reformuler massivement”) lý thuyết của Broder Christiansen trong Philosophie der Kunst (1909): “Điều đáng kinh ngạc nhất, không nghi ngờ gì nữa, là trong bài báo của mình Bakhtin không một lần nhắc đến tác phẩm Kant-mới Philosophie der Kunst của Broder Christiansen, trong khi ông khai thác cuốn sách này theo cách mà nếu chiếu theo chuẩn mực của Tây Âu, phải coi là đạo văn” [2008]. Cuốn sách của Bakhtin về Rabelais cũng chứa đựng rất nhiều chỗ vay mượn không công khai như vậy. Matejka (1996) chỉ ra sự giống nhau trong cách tiếp cận vũ hội hóa trang và tiếng cười trung đại của Bakhtin với cách tiếp cận của Spitzer về cùng chủ đề đó (1910) trong cuốn Die Wortbidung als stilistishes Mittel exemplifiziert an Rabelais [299]. Poole (1998) khảo sát một đoạn văn Bakhtin vay mượn Cassirer mà không chú thích trong Sáng tác của François Rabelais và văn hóa dân gian thời Trung cổ và Phục hưngvà nhận xét: “Đoạn văn trích trên đây là bản dịch từng từ gần nửa trang tác phẩm “Cá nhân và vũ trụ trong triết lý Phục Hưng” của Cassirer. Bản dịch của Bakhtin chính xác đến mức đôi chỗ có thể dùng để chữa lỗi dịch Nga – Anh dựa trên tác phẩm của Cassier” [299].

Tuy vậy, những người bị Bakhtin vay mượn nhiều nhất chính là Medvedev và Voloshinov, đặc biệt là Voloshinov. Bakhtin không một lần nhắc đến hai tác giả này, mặc dù ông nhắc đến tên những người khác – như Vossler, Saussure, Vinogradov, Stalin, Lenin… Trước đây, khi còn tin rằng Bakhtin là tác giả của những tác phẩm “tranh cãi”, người ta có thể nghĩ rằng đó là sự tự lặp lại. Nhưng một khi các nghiên cứu đã xác định dứt khoát bản quyền trọn vẹn của Voloshinov và Medvedev đối với những công trình họ ký tên, việc Bakhtin vay mượn không trích dẫn những ý niệm nền tảng về những chủ đề chủ yếu từ tác phẩm ấy phải được gọi đích danh là “bằng chứng không thể chối cãi của sự đạo văn từ tác phẩm của Voloshinov và Medvedev” (indistutables manifestations de plagiat des oeuvres de Voloshinov et de Medvedev – in nghiêng của Bronckart và Bota) [581].

Nhưng Bronckart và Bota không dừng ở đó. Dựa trên sự phân tích tài liệu, Bronckart và Bota cũng khẳng định rằng không hề có cái gọi là “nhóm Bakhtin” với Bakhtin là thủ lĩnh như nhiều người vẫn tin, mà chỉ có một nhóm bạn ở Leningrad mà Bakhtin tham gia. Tên của nhóm này, nếu có, phải là “Nhóm Medvedev”, theo chính cách gọi của Bakhtin khi trả lời Duvakin [264]. Toàn bộ câu chuyện “tất cả thuộc về Bakhtin”, như vậy, chỉ là một “chuyện bịp bợm”, một chuyện bịp bợm được truyền bá và chấp nhận rộng rãi nhờ “cơn mê sảng tập thể” của giới học thuật khắp thế giới. Chưa hết, hai tác giả còn phát triển giả thuyết (cũng đã được một số người nêu lên từ trước), cho rằng Voloshinov và có thể cả Medvedev) chính là đồng tác giả của cuốn sách Những vấn đề sáng tác của Dostoievskiký tên Bakhtin. Theo giả thuyết này, khi Bakhtin bị bắt, để giúp đỡ bạn, Voloshinov (và có thể cả Medvedev) đã lấy bản thảo viết dở của Bakhtin, viết thêm một số phần và đem in. Lời khen của Lunacharski đối với cuốn sách quả thực đã góp phần giảm nhẹ hình phạt đối với Bakhtin và về sau là căn cứ để Medvedev xin cho Bakhtin được giảng dạy tại Đại học sư phạm Mordovia. Theo Bronckart và Bota, đó là lý do tại sao một số phần của cuốn Những vấn đề sáng tác của Dostoievskiđột nhiên có xu hướng tiếp cận xã hội học giống cách tiếp cận ở Voloshinov và Medevedev, khác hẳn cách tiếp cận của Bakhtin trong các bài viết trước đó. Nếu giả thuyết này là đúng, nó cho phép giải thích những mâu thuẫn trong cuốn sách và thái độ tiêu cực của Bakhtin đối với bản in năm 1929 của nó.

Dĩ nhiên, dù rất công phu, cuốn sách của Bronckart và Bota vẫn không phải là tiếng nói duy nhất hoặc cuối cùng. Giả thuyết về các đồng tác giả của cuốn Những vấn đề sáng tác của Dostoievski có lẽ cần nhiều nghiên cứu hơn nữa. Nhưng khẳng định của họ về tác quyền trọn vẹn của Voloshinov và Medvedev đối với những tác phẩm ký tên họ là rất thuyết phục. Mặc dù vậy, cá nhân tôi cho rằng, cho đến lúc này, có lẽ chúng ta vẫn có thể nói đến một nhóm các nhà nghiên cứu độc đáo, bao gồm Medvedev, Voloshinov và Bakhtin. Trong nhóm này, người độc đáo và có nhiều cách tân nhất có lẽ là Voloshinov. Phần lớn các ý tưởng mới mẻ làm nên danh tiếng của nhóm là xuất phát từ Voloshinov. Có thể nói rằng Voloshinov (cùng với Medvedev) là người tạo nên nền tảng triết học để Medvedev áp dụng phê bình một trường phái lý luận văn học (Chủ nghĩa hình thức) và Bakhtin áp dụng để nghiên cứu một tác giả (Dostoievski).

-------------------------

[1] http://www.lrb.co.uk/v29/n12/terry-eagleton/i-contain-multitudes

[2] Trong bài này, số trang trong cuốn sách của Bronckart và Bota được đặt trong dấu ngoặc vuông (NTL).

[3] I.R. Titunik, “The Formal Method and the Sociological Method (M. M. Bakhtin, P. N. Medvedev, V. N. Voloshinov) in Rusian Theory and Study of Literature”, trong V. V. Voloshinov, Marxism and the Philosophy of Language, Trans. Ladislav Matejka and I. R. Titunik, Harvard U.P., Cambridge, 1986, tr. 176.

[4]Cá nhân tôi, người viết những dòng này, cũng đã từng tin như vậy, mặc dù có không ít băn khoăn (NTL).

[5] M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn và dịch, in lần thứ hai, Hội nhà văn, Hà Nội, 2003, tr. 338.

[6] M. Bakhtin, Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhà dịch, tái bản lần thứ nhất, Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 7.

[7] “Il ajoute encorre que Bakhtine a toujours refusé de signer le document confirmant qu’il était le véritable auteur de ces textes, mais qu’il aurait quand même declare, sur son lit de mort: “ceci, après tout, est mon péché, et je dois l’avouer”.

[8]“Mentez, mentez, mentez, il en restera toujours quelque chose”

Tài liệu tham khảo:

1.Бахти́н, M., “М. М. Бахтина под маской (под маской)”,москва, лабиринт, 2000.
2.Bakhtin, M., “Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki”, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch, tái bản lần thứ nhất, Giáo dục, Hà Nội, 1998.
3.Bakhtin, M. “Lý luận và thi pháp tiểu thuyết”, Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch và giới thiệu, in lần thứ hai, Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2003.
4.Bronckart J-P & Bota C., “Bakhtine démasqué – Histoire d’un menteur, d’une escroquerie et d’un délire collectif”, Droz, Genève, 2011.
5.Titunik, I.R. “The Formal Method and the Sociological Method (M. M. Bakhtin, P. N. Medvedev, V. N. Voloshinov) in Rusian Theory and Study of Literature”, trong V. V. Voloshinov, “Marxism and the Philosophy of Language”, Trans. Ladislav Matejka and I. R. Titunik, Harvard U.P., Cambridge, 1986.
6.Зенкин, С. “Некомпетентные разоблачители”,

Nguồn: Phebinhvanhoc

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng