Phê bình toàn cảnh
Nghệ thuật của tương lai*
16:53 | 24/09/2014

Nghệ thuật là hòn đá mài các giác quan, thức nhọn con mắt, trí tuệ, cảm xúc. Nghệ thuật có chức năng giáo dục và hình thành ý thức hệ, vì không chỉ ý thức, ngay cả tiềm thức cũng thẩm thấu bầu không khí xã hội, thứ có thể được dịch sang nghệ thuật.

Nghệ thuật của tương lai*
Laszlo Moholy-Nagy, Composition Z VIII (Bố cục Z VIII), 1924

Nghệ sĩ diễn dịch các ý tưởng và khái niệm thông qua phương tiện của chính mình. Dù phát ngôn của nghệ sĩ trong tác phẩm của mình chỉ được biểu hiện gián tiếp nhưng bao giờ ở đó ta cũng thấy sự trung thành của nghệ sĩ đối với cái thuộc về đa số hay thiểu số, đối với bộ phận giữ địa vị ngạo nghễ hay nhỏ bé, khiêm nhường, đối với cái cố định, thực thế hay cái hư huyễn, phi thực. Theo nghĩa này, nghệ sĩ luôn phải lựa chọn đứng về một phía nào đó, phải xác lập lập trường của mình, không nghệ sĩ đích thực nào có thể thoái thác nhiệm vụ này. Nếu không, tác phẩm của anh ta chẳng hơn gì một bài tập về kỹ năng. Cái mà nghệ thuật hàm chứa, về cơ bản, không khác với nội dung trong những phát ngôn khác của chúng ta song nghệ thuật đạt được hiệu quả của nó nhờ việc tổ chức bằng tiềm thức những phương tiện của nó. Nếu không như vậy, mọi vấn đề đều có thể được giải quyết thành công chỉ bằng các diễn ngôn tri thức hay bằng lời nói.

Cái gọi là cách tiếp cận “phi chính trị” đối với nghệ thuật là một ngộ nhận. Chính trị hiện diện ở đây, không theo nghĩa đảng phái, mà như là cách hiện thực hóa các ý tưởng vì lợi ích cộng đồng. Trong nghệ thuật, một thế giới quan như thế được chuyển hóa thành một hình thức được tổ chức, có thể cảm nhận được bằng các phương tiện cụ thể của những lối biểu đạt khác nhau. Nội dung này, nói chung, có thể nắm bắt được trực tiếp ở cấp độ tiềm thức, không cần phải trải qua quá trình suy nghĩ ý thức. Nghệ thuật có thể thôi thúc một giải pháp xã hội-sinh học (social-biological) cũng mạnh mẽ không kém sự thôi thúc hành động chính trị của các cuộc cách mạng xã hội. Sự khó khăn ở chỗ rất ít người nhạy cảm, đồng thời, lại có đủ hiểu biết để tiếp nhận thông điệp thực sự của nghệ thuật. Là một họa sĩ trẻ, khi gọi những tác phẩm cắt dán và tranh vẽ của mình là hội họa trừu tượng, tôi thường có cảm giác như thể mình đang ném một thông điệp được niêm kín trong một cái chai ra biển. Có thể phải mất nhiều thập kỷ mới có người tìm thấy và đọc được nó. Tôi tin rằng nghệ thuật trừu tượng không chỉ thể hiện được những vấn đề đương đại mà còn dự phóng một trật tự tương lai đáng khao khát, không bị cản trở bởi bất kỳ ý nghĩa thứ cấp nào mà những ứng xử nghệ thuật bắt nguồn từ truyền thống mô phỏng tự nhiên thường dính dáng đến và do đó mang theo những hệ lụy từ những hàm nghĩa tất yếu của nó. Nghệ thuật trừu tượng, tôi nghĩ, tạo ra được những kiểu quan hệ không gian mới, những phát minh mới về hình thức, những luật thị giác mới – căn bản và đơn giản - như là sự đối ứng thị giác với một xã hội mà tính mục đích, tính hợp tác của nó đã và đang trở nên đậm nét hơn.

*


Laszlo Moholy-Nagy, Human Mechanics (Cơ giới người), 1925

Tất cả những thành tựu liên quan đến thị giác phải được tận dụng cho sự phát triển thứ ngôn ngữ chuẩn. Trong số những thành tựu, những công cụ nghệ thuật cơ giới và kỹ thuật có tầm quan trọng đặc biệt.

Cho đến tận gần đây, những công cụ này vẫn bị kết án từ lập trường cho rằng những thao tác bằng tay, “sự chạm sờ mang tính cá nhân” mới là những điều thiết yếu trong nghệ thuật. Ngày hôm nay, chúng đã đứng vững được trong cuộc xung đột giữa các quan điểm; ngày mai, chúng sẽ thắng thế; ngày kia, chúng sẽ sinh ra những kết quả được đón nhận không phải nghi ngờ gì. Việc dùng cọ vẽ, những bí quyết trong việc làm chủ một công cụ, mất đi, nhưng sự sáng rõ, mạch lạc của những mối quan hệ hình thức lại được phóng đại đến một mức độ gần như vượt qua cả những giới hạn vật chất; một mức độ mà bối cảnh khách quan trở nên rõ ràng đến độ trong suốt. Sự chính xác tối đa, luật lệ của những quy chuẩn giờ đây thay thế cho tầm quan trọng của những kỹ xảo bằng tay bị diễn giải sai.

Ngày nay, thật khó để đoán được những thành tựu về hình thức trong tương lai. Vì sự kết tinh hình thức của một tác phẩm nghệ thuật không chỉ cần đến vai trò của tài năng, vốn là thứ không lường tính được mà còn được quyết định bởi độ căng trong cuộc chiến đấu nhằm làm chủ công cụ của nghệ thuật (trước đây là các dụng cụ để vẽ, nay là máy móc).

Nhưng thậm chí ngay hôm nay, ta vẫn có thể yên tâm mà đoán, rằng sự sáng tạo hình ảnh thị giác của tương lai sẽ không thể là hành động dịch những hình thức của sự biểu đạt thị giác mà chúng ta có trong hiện tại, vì những công cụ mới, những phương tiện ánh sáng mà từ trước đến giờ bị quên lãng dứt khoát sẽ sinh ra những hệ quả tương thích với những phẩm chất cố hữu của chúng.



Sinh tại Hungary, Moholy-Nagy (1895-1946) đến định cư tại Berlin vào năm 1921 và giảng dạy tại trường Bauhaus từ năm 1923 đến 1928. Ở đây, ông đã tiến hành những thể nghiệm với ánh sáng và các thủ pháp cơ giới để tạo ra nhiều tác phẩm đa dạng từ những hình ảnh nhiếp ảnh (photographic images) đến các điêu khắc động (kinetic sculptures). Từ mối quan tâm đến máy móc và công nghệ nói chung, Moholy-Nagy đã xây dựng một lý thuyết về nghệ thuật trong tương lai – những luận điểm lý thuyết này được ông công bố trên một số ấn phẩm quan trọng đương thời. Tinh thần tiên phong đã theo ông sang Hoa Kỳ năm 1937, nơi ông sáng lập nên trường Tân Bauhaus, cũng là nơi những tư tưởng nghệ thuật của ông tìm được những người kế thừa, phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ thiết kế công nghiệp đến kiến trúc và mỹ thuật.


Laszlo Moholy-Nagy
An Vân dịch
Theo Tia Sáng

-----------------------
* Tiêu đề do người dịch đặt.

Nguồn: Twentieth – Century Artists on Arts, Dore Ashton biên tập, NY:Pantheon Books, 1985, trang 67-68.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng