HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Lúc sinh thời, trong một hồi ức viết năm 1988, nhà văn Đoàn Giỏi có kể lại cuộc gặp lần đầu với nhà văn Hồ Biểu Chánh diễn ra 46 năm trước đó.
Đó là vào cuối năm 1942, Đoàn Giỏi mới 17 tuổi, đang học dự thính ở trường Mỹ thuật Gia Định, có viết truyện ngắn nhan đề Nhớ cố hương gửi cho Nam Kỳ tuần báo. Nội dung truyện ngắn đó, theo lời kể của Đoàn Giỏi, như sau:
“Có một thằng bé con nhà nghèo, theo cha đi làm mướn phương xa. Cha nó lâm bệnh, chết đột ngột. Nó phải ở đợ cho một bà chủ ác để trừ món nợ mấy đồng cha nó còn thiếu. Ở hơn một năm rồi, quần quật vất vả suốt ngày, chịu không biết bao roi đòn, mắng chửi. Hết việc xách nước bửa củi trong nhà tới ra chăn vịt ngoài đồng. Gần Tết, nó càng nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ em, nhớ chịu không nổi, đang đêm liều trốn đi. Hai ngày nhịn đói, lội bộ đường xa dưới trời chang chang nắng lửa, chịu đói chịu khát mà không hề dám ngửa tay xin gì của ai. Nó bị cảm nặng, nằm sốt mê man bên gốc cây ven đường. Trong cơn mê, nó thấy có bà tiên cắp tay nó bay vùn vụt về đến quê hương. Kìa là mẹ, kìa là em và mấy đứa bạn nhỏ chăn trâu. Nó sung sướng kêu lên: “Cố hương! Cố hương!” và giật mình tỉnh dậy. Nó nóng lắm, miệng khô, lưỡi cứng đờ ra. Tuy thế, nó vẫn cố nằm lì, mắt mờ lệ, nức nở: “Lạy trời cho tôi lại thấy cố hương lần nữa!” Và nó nhắm mắt lại, cố níu lấy giấc mộng vừa tan […]. Cầu được, ước thấy! Quả thằng bé lại gặp quê hương lần nữa. Nó mừng rỡ lăng xăng chào hỏi người này người kia, mà sao cả mẹ nó, cả em nó… mọi người đều dửng dưng như không thấy có nó… Nó đau lòng quá gào lên, khóc sướt mướt cũng chẳng ai thèm nghe, chẳng ai động tâm.
“Một hơi gió thoảng đưa hồn nó vào ngôi miếu hoang, giữa đồng”[1].
Nhận được truyện ngắn đó, Hồ Biểu Chánh, lúc đó là chủ nhiệm Nam Kỳ tuần báo, cho người em đến tận trường mời tác giả qua gặp tại nhà riêng bên Vĩnh Hội. Sau khi hỏi thăm gia cảnh, chuyện học hành, việc đọc sách của Đoàn Giỏi, nhà văn bậc thầy mới nhận xét về truyện ngắn trong sự hồi hộp chờ đợi của cây bút trẻ: “Truyện cũng đọc được. Nhưng Tết là ngày đoàn tụ gia đình, thằng nhỏ lưu lạc khốn cùng, nhớ quê hương tìm về với mẹ với em… mà để nó chết thảm dọc đường thì tội quá. Tôi định sửa lại như vầy, không biết ý trò có chịu không?” Và Hồ Biểu Chánh trao cho Đoàn Giỏi trang bản thảo với đoạn văn vừa sửa của ông:
“Một lúc sau, một chiếc xe hơi lộng lẫy chạy ngang, có một phụ nữ y phục đoan trang, nhan sắc xinh tươi, ngồi một mình ở phía sau. Cô thấy đứa nhỏ nằm ngoẻo ở bên đường, liền biểu sốp-phơ ngừng xe lại.
Cô bước xuống rờ đứa nhỏ, trán nóng hầm mà tay chân lạnh ngắt. Cô liền dạy sốp-phơ bồng đứa nhỏ lên và nói: “Tội nghiệp con nít đói rách đau ốm. Để chở nó về kiếm thuốc cho nó uống, rồi hỏi nó con nhà ai thì mình đưa nó về cho nó ăn Tết. Làm phước không mất đâu mà sợ”[2].
Và truyện ngắn Nhớ cố hương đã được đăng trên Nam Kỳ tuần báo Xuân Quý Mùi 1943 với một khoản nhuận bút hậu hĩ. Biết ơn Hồ Biểu Chánh và xem ông như “người thầy học đầu tiên” về sáng tác, Đoàn Giỏi còn kể thêm: sau Cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp, năm 1948, ông đã viết lại truyện ngắn Nhớ cố hương thành truyện Đường về gia hương và sửa lại đoạn kết của truyện. Đứa bé không chết dọc đường, cũng không được một bà mệnh phụ nào ra tay cứu vớt, mà trên đường về quê, nó chứng kiến không khí sôi sục chuẩn bị đánh Pháp đang trở lại xâm chiếm Nam bộ. “Nó trở về làng gặp mẹ, gặp em…, được cùng các bạn nghèo đồng trang lứa mặc quần soọc kaki, đeo boa-nha, đội nón bàng, cầm tầm vông vạc nhọn đứng gác trước đình làng trụ sở, như một người lớn, như một thanh niên Tiền phong thực thụ”[3].
Như vậy, truyện ngắn của Đoàn Giỏi đã được xây dựng với ba đoạn kết khác nhau, phản ánh ba quan niệm về nhân sinh, ba quan niệm về đạo đức cũng là ba quan niệm về văn học. Đoạn kết thứ nhất cho thấy “kiếp phù trầm vất vả của nhân sinh”, nói theo ngôn ngữ người kể chuyện, dẫn đến kết cục bi thảm không thể hóa giải được, làm tăng sức mạnh tố cáo của văn học hiện thực. Đoạn kết thứ hai thể hiện quan niệm đạo lý “ở hiền gặp lành”, “làm phước không mất đâu mà sợ”. Đoạn kết thứ ba nói lên niềm tin con người có thể thay đổi hoàn cảnh và đứng cao hơn thân phận của mình.
Bạn đọc ngày nay có thể đánh giá và ưa thích đoạn kết nào tùy theo quan niệm và thị hiếu của mình. Người ta có thể cho đoạn kết này là bế tắc, đoan kết kia là ngây thơ, ấu trĩ… Nhưng mỗi đoạn kết đều đụng chạm đến cốt lõi của đạo đức nhân sinh, đạo đức thực tiễn mà dân tộc ta luôn coi trọng. Tác phẩm văn học trở thành một cách ứng xử với cuộc đời, và người viết văn cũng như người đọc văn đều qua đó mà học cách làm người giữa muôn người.
Mối quan hệ mật thiết giữa văn học và đạo đức có gốc gác từ đạo lý truyền thống của dân tộc, được tài bồi nhờ tác phẩm của nhiều nhà văn Việt Nam, trong đó có những nhà văn ở Nam bộ đầu thế kỷ 20 như Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Bửu Mộc… Trên Đông Pháp thời báo, Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận viết về tác dụng của tiểu thuyết đối với xã hội: “To tát thay công dụng của tiểu thuyết! Nếu muốn khuyến hóa nhân dân mà khéo dùng tiểu thuyết thì đắc dụng biết ngần nào. Tiểu thuyết đã dễ cảm người ta như vậy, dễ lay động người ta như vậy, mà lại dễ thay đổi được lòng người như vậy, nên không ai là người không thích xem tiểu thuyết, mà tưởng cả hoàn cầu muôn nước cũng đều như vậy. Tiểu thuyết đối với xã hội thật không khác nào như không khí, lúa gạo, ngày ngày ta cũng hô hấp, ta cũng ăn dùng đến, không tránh được, không từ được. Nếu trong không khí ấy mà có chất ô uế, lúa gạo ấy mà có chất độc địa thì người ăn vào thở vào sao cũng hình dung tiều tụy, đau yếu và chết một cách trông rất hiểm nghèo”[4]. Tuy có vẻ đề cao thái quá vai trò của tiểu thuyết, qua đó là vai trò của văn học, nhưng ý kiến này của một nhà báo kỳ cựu từng là chủ nhiệm báo Sài Gòn mới, lại phát biểu ngay từ những năm 20 thế kỷ trước, không khỏi khiến chúng ta suy nghĩ. Ý kiến đó cũng gặp gỡ với quan niệm của một nhà tiểu thuyết là Tân Dân Tử: “Tiểu thuyết nào từ nghiêm lý chánh, thì được bổ ích cho xã hội nhơn quần; tiểu thuyết nào viết bạ nói xàm, chẳng kể luân lý cang thường, ắt gây một mối ác cảm trong lòng người mà phải đồi phong bại tục”[5].
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng quan niệm về đạo đức không bất biến mà vận động theo đà tiến hóa của xã hội, không thể lấy “luân lý cang thường” làm thước đo về chuẩn mực đạo đức trong xã hội ngày nay. Đồng thời, quan niệm văn học cũng không bất biến mà vận động theo sự phát triển của đời sống tinh thần. Đạo đức là những quy luật tinh thần hướng con người vươn đến điều Thiện. Đạo đức bao gồm những nguyên tắc ứng xử, những chuẩn mực và quy phạm trong đời sống xã hội. Nói đến quan hệ giữa văn học và đạo đức chính là nói đến quan hệ giữa cái đẹp và cái Thiện. Mỹ học truyền thống phương Đông cũng như phương Tây luôn nhấn mạnh sự thống nhất của hai phạm trù này và khẳng định văn học góp phần củng cố bầu không khí đạo đức của xã hội, trong đó tình người, lương tâm, bổn phận, sự trung thực, lòng nhân ái, lẽ công bằng… được đề cao. Ngược lại, khi xã hội vững chãi về phong hoá, đạo đức, thì văn học sẽ tiếp nhận nguồn động lực để nói lên sự thật về cuộc đời và về lòng người. Nói thật, đó cũng chính là một phương diện của đạo đức. Nói dối sẽ dẫn đến “nói bạ, nói xàm”, cũng như sự tô vẽ, bịa đặt sẽ dẫn đến “đồi phong bại tục”.
Văn học là tiếng nói của bổn phận và lương tâm ngay cả khi không có áp lực của xã hội và dư luận. Văn học khơi dậy sự ăn năn, cắn rứt của lương tâm con người về những tội lỗi mà có thể không một toà án nào xử phạt được. Đó là sự sám hối, xưng tội của con người với chính bản thân: con người tự kết án, tự biện hộ, tự phán quyết và tự hoà giải với lương tâm mình. Có thể nói, ở nơi mà luật pháp, dư luận xã hội không can thiệp được, thì văn học có khả năng khơi dậy và thức tỉnh lương tri của con người.
Đạo đức là một thực thể luôn vận động và thay đổi theo sự tiến hoá của xã hội chứ không mang một khuôn khổ bất di bất dịch. Nói đúng hơn, trong đạo đức có phần căn cốt, bất biến; lại có phần biến đổi, thích nghi theo từng thời đại. Chẳng hạn, ở thời đại nào con người chân chính cũng coi trọng nghĩa vụ và danh dự; nhưng quan niệm về nghĩa vụ thời nay không thể giống với quan niệm thời Corneille viết Le Cid và Horace… Cũng vậy, mỗi thời có cách đối xử với người phụ nữ khác nhau, và do vậy nhìn nhận vấn đề nữ quyền một cách khác nhau.
Trong xã hội, tình trạng đạo đức suy đồi có thể dẫn đến một loại văn học suy đồi nào đó; nhưng văn học chân chính luôn có ý thức phản kháng lại sự suy đồi. Vì vậy, văn học là lương tri của xã hội ngay cả trong tình huống bất lợi nhất. Văn học kiên trì bảo vệ những giá trị đạo đức vĩnh cửu hay đấu tranh với những lề thói đạo đức cổ hủ không phải bằng những lời rao giảng thống thiết mà bằng sự trải nghiệm của nhà văn và nhân vật của mình. Tiếp xúc với sự trải nghiệm đó, bạn đọc sẽ tự rút ra cho mình những bài học về cách ứng xử đạo đức mà họ tin là phù hợp với phẩm giá con người. Nhà văn cần tin rằng con người tự mang phẩm hạnh bên trong mình. Văn học không dạy dỗ, mà là nâng đỡ, “hộ sản” (maieutique), như phương pháp của Socrate, cho những phẩm hạnh đó có điều kiện thuận lợi để xuất hiện.
Chính vì vậy mà giáo dục trở thành cây cầu nối liền văn học và đạo đức, một hoạt động nền tảng của văn hoá đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và nâng cao dân trí, hướng đến mục tiêu đào tạo những con người có nhân cách và năng lực nghề nghiệp. Một nền giáo dục toàn diện bao gồm giáo dục tri thức, giáo dục đạo đức, giáo dục thể chất và giáo dục thẩm mỹ. Như trên đã nói, văn học có vai trò quan trọng trong giáo dục đạo đức và giáo dục thẩm mỹ, là con đường đưa con người vươn đến điều Thiện và cái đẹp; đồng thời cũng góp phần vào hai lĩnh vực giáo dục kia, khi nó giúp con người nhận chân sự thật và vững vàng về mặt tâm lý.
Từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, không có một nền giáo dục chân chính nào xem nhẹ văn học. Văn học giữ một vị trí then chốt trong hệ thống các môn khoa học nhân văn ở nhà trường tiểu học, trung học và đại học. Trên những chặng đường đời người ta có thể quên đi những định lý toán học, định luật vật lý hay công thức hoá học; nhưng người ta sẽ nhớ mãi những bài văn hay được học từ thời thơ ấu: nhớ ông đại tướng Carnot về trường cũ thăm thầy giáo, nhớ cậu bé đeo cặp sách ngang qua vườn Luxembourg một sáng mùa thu, nhớ người lãng du khắp năm châu bốn biển nhưng vẫn thấy quê hương mình đẹp nhất… Văn học trong nhà trường là sợi dây kết nối những tâm hồn như đã được thể hiện một cách chân thành trong truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thư của Sơn Nam.
Một xã hội khủng hoảng về lý tưởng sẽ dẫn đến khủng hoảng về giáo dục; mà một nền giáo dục khủng hoảng thường biểu hiện rõ nhất ở việc khủng hoảng dạy và học môn văn. Vì vậy, những nhà giáo dục có trách nhiệm luôn quan tâm đến việc cải tiến nội dung, chương trình, sách giáo khoa văn học và phương pháp dạy văn. Dạy văn ở đại học là dạy nghề, là truyền đạt một khoa học, cần sự phân tích nghiêm nhặt và lý giải hệ thống; còn dạy văn ở nhà trường phổ thông là dạy người, là truyền đạt tình yêu cái đẹp, là giáo dục tình cảm. Dạy Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu ở trung học không phải là làm một bài thuyết giảng vô hồn về những điển cố, mà phải làm cho học sinh cảm được thần thái của một bài văn đọc giữa khói hương để hiệp thông với linh hồn những người đã hy sinh vì nghĩa cả. Đó là một nghệ thuật.
Môn văn học cần được đầu tư nhiều hơn nữa trong hệ thống giáo dục quốc dân: xây dựng một đội ngũ viết sách giáo khoa có tài năng và tâm huyết, tuyển chọn được những áng văn ưu tú để trao truyền cho thế hệ trẻ, đào tạo một đội ngũ thầy cô giáo có năng lực và yêu nghề. Chỉ có như vậy thì tình yêu dành cho văn học, và qua đó tình yêu cái đẹp, mới được nuôi dưỡng và không ngừng nâng cao.
Văn học là một kho tàng phong phú, ngày mỗi ngày sinh sôi nảy nở. Văn học trong nhà trường là phần tinh hoa được chắt lọc, những giá trị đã được thời gian thử thách, phù hợp với thiên chức của giáo dục. Đó là vốn liếng căn bản để con người làm hành trang tiếp tục khám phá, cảm nhận, chinh phục kiến thức và vẻ đẹp của văn học ở ngoài nhà trường. Giáo dục cần chuẩn bị cho tuổi trẻ một tâm thế nhạy bén, tự tin và tự chủ khi tiếp xúc với những sản phẩm của thị trường văn học phức tạp ở bên ngoài, nhiều khi vàng thau lẫn lộn, để nhận ra đâu là giá trị đích thực.
Đặc điểm và chất lượng của nền giáo dục có thể được phản ánh qua đặc điểm và tài năng của những nhà văn thụ hưởng nền giáo dục ấy. Một nền giáo dục nhân bản góp phần đào tạo ra những nhà văn, nhà thơ có thực tài, vừa nặng lòng với văn hoá dân tộc, vừa am hiểu văn minh nhân loại. Trái lại, một nền giáo dục què quặt, phiến diện tất không thể sản sinh ra những nhà văn ưu tú.
Giáo dục cũng phát triển thuận chiều với văn học khi nó góp phần hình thành một công chúng có thị hiếu thẩm mỹ cao, không loá mắt choáng ngợp trước những sản phẩm văn học tầm thường, hào nhoáng. Công chúng đó có khả năng tiếp nhận những tác phẩm văn học giàu hàm lượng trí tuệ và sâu sắc về tình cảm, sẵn sàng ủng hộ, biểu dương hay ít ra, biết chờ đợi và lắng nghe những tìm tòi thể nghiệm trong văn học. Văn học và giáo dục, như vậy, cùng đồng hành trong việc xây dựng một nền văn hoá đậm đà tinh thần dân tộc và sâu sắc ý nghĩa nhân văn. Sự quan tâm đến lĩnh vực này sẽ làm lợi cho lĩnh vực kia và có tác dụng tích cực đến nhiệm vụ xây dựng văn hoá và con người.
Từ góc nhìn về mối quan hệ giữa văn học, đạo đức và giáo dục, chúng ta càng thấy tầm quan trọng của việc hướng văn học đến với thế hệ trẻ, nhất là với lứa tuổi thiếu niên mà tâm hồn còn như trang giấy trắng, chưa bị vướng nhiễm bụi bặm của đời sống xô bồ hỗn tạp chung quanh. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Cao Huy Thuần dành cuốn sách mới nhất của mình để viết những “chuyện kể cho tuổi 15 và phụ huynh” với nhan đề Nhật ký Sen Trắng[6]. Với 17 câu chuyện ngụ ngôn minh họa cho 13 chủ đề, tác giả chủ ý truyền cho bạn đọc thiếu niên những tình cảm đạo đức tự nhiên như tình thương yêu, lòng cao thượng, sự khiêm tốn, lòng biết ơn… và thái độ đúng đắn đối với bệnh vô cảm, thói ích kỷ, lòng đố kỵ… Nhật ký Sen Trắng kết hợp ngôn ngữ chính luận pha chất giọng tình cảm với ngôn ngữ nghệ thuật, hình tượng với triết lý, gần gũi với lứa tuổi trăng tròn đang còn bỡ ngỡ trước cuộc đời. Tinh hoa văn hóa Phật giáo được tác giả vận dụng nhuần nhị để soi chiếu vào thực trạng đời sống và tìm lời giải đáp cho những vấn đề bức xúc của xã hội như sự xúc xiểm, thói bội bạc, ước muốn trả thù…; từ đó khuyến khích lời nói hòa ái, lòng khoan dung, sự bền chí… Cấu trúc cuốn sách độc đáo, đa dạng nhờ kết hợp việc phân tích những văn bản có nội dung đạo lý với cuộc thảo luận của một nhóm trẻ tuổi 15 về những chủ đề thiết thực, gần gũi với lứa tuổi mình, được sự hướng dẫn của một người chị có kinh nghiệm, trong tinh thần dân chủ, thân thiện, nhẹ nhàng, không áp đặt, nên dễ có sức thuyết phục. Hình thức tự sự của cuốn sách đan kết với những câu chuyện tiền thân của Đức Phật, với những lá thư, những đoạn văn đối thoại kéo người đọc về với thực tại. Thiết nghĩ, những người biên soạn sách giáo khoa đạo đức, văn học và giáo dục công dân cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở có thể tham khảo Nhật ký Sen Trắng về cách viết và cách dạy phù hợp với tâm lý tuổi thiếu niên, từng bước khắc phục lối truyền đạt khô khan, công thức và xơ cứng lâu nay.
Cùng xuất hiện trong năm 2014, nếu cuốn sách của Cao Huy Thuần không giấu giếm mục đích giáo dục đạo đức của mình, thì một cuốn sách khác của Lê Văn Nghĩa lại ẩn chứa những bài học luân lý đằng sau câu chuyện sinh động về một nhóm trẻ thơ ở Sài Gòn thời chiến tranh. Với nhan đề khá dài: Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài, và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy[7] , cuốn sách kể chuyện học, chuyện chơi, những sinh hoạt gia đình, học đường, hè phố, qua đó bày tỏ những tình cảm tự nhiên, giản dị mà thấm sâu vào lòng người. Năm 2012, cũng trong xu hướng đó, nhà văn Lê Văn Nghĩa cho xuất bản Mùa hè năm Pétrus, một cuốn sách viết về sinh hoạt nhà trường ở miền Nam.
Thật ra, sinh hoạt học đường và cuộc sống trẻ em đô thị trong chiến tranh đã từng được đề cập đây đó trong văn học sau 1975, nhưng phải thừa nhận Lê Văn Nghĩa là người đầu tiên tái hiện một cách đậm đặc và đầy chi tiết sống thực trong văn xuôi, với tư cách người trong cuộc. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tác giả không hề có chủ ý giáo huấn ai, nhưng cả hai cuốn truyện của ông, nhất là cuốn ra mắt gần đây, khiến người đọc phải suy nghĩ về cách sống ở đời, cách đối xử trong tình bạn, tình thầy trò, tình người phố thị. Tác giả không nhằm đưa “chú chiếu bóng” và “nhà ảo thuật” ra để ngợi ca, cũng không nhằm đưa “tay đánh bài” ra để đả kích, mà chỉ muốn làm hiện lại những mẫu người có thật một thời ở Sài Gòn. “Tụi con nít” xóm Ba-ra-dô quận 6 Sài Gòn giao tiếp với cuộc đời qua những việc làm và lời nói của người lớn và tìm thấy những bài học luân lý về cách làm người từ những tấm gương sáng và những tấm gương mờ ấy. Như “chú chiếu bóng” không nói gì cao sâu với thằng Minh hơn điều giản dị: “Dầu hèn cũng thể chứ mậy!”, hiểu như “giấy rách phải giữ lấy lề”. Ông thầy ảo thuật cũng không lên lớp thằng Ti điều gì nặng nề hơn câu nói: “Mầy với ổng cũng như là đồng nghiệp rồi, tại sao mầy lại phá nghề của ổng. Làm như vậy là đâu có nghĩa khí nghề nghiệp gì. Đời người sống phải có cái tình chứ mậy”. Còn thằng Chim lỡ sa ngã vào trò đỏ đen vì tay đánh bài rủ rê, tìm thấy chỗ tựa mà đứng dậy từ tình cảm vô tư của nhóm bạn tuổi 12. Cuộc đời đầy cạm bẫy mà vẫn có người tốt, xã hội bon chen nhưng vẫn nhiều nét đẹp. Tuổi thơ ngỗ nghịch nhưng tâm hồn trong vắt tình nghĩa con người. Lê Văn Nghĩa viết văn rất hoạt, đối thoại như đưa thẳng từ đời sống vào trang sách, hình ảnh con người và tình người đọng lại trong văn.
Hai cuốn sách mới xuất bản trong năm 2014 của Cao Huy Thuần và Lê Văn Nghĩa gợi chúng tôi suy nghĩ nhiều về chủ đề văn học và đạo đức, văn học và giáo dục, hướng tới những độc giả nhỏ tuổi sẽ là chủ nhân của đất nước trong thế kỷ 21. Đề nghị ban giám khảo các giải thưởng văn học thiếu nhi, giải thưởng sách hay nên xem xét trao giải cho hai tác phẩm này. Mong có nhiều em thiếu nhi, các bậc phụ huynh, quý thầy cô giáo đọc hai tác phẩm mới này và trao đổi về cách thể hiện của hai tác giả trong ý hướng đưa văn học đến với độc giả trẻ, không phải như những bài giảng luân lý mà như tiếng nói nghệ thuật tự nhiên của cuộc sống, “hộ sản” cho chất người trong con người được phát huy.
[1] Đoàn Giỏi: Bốn mươi sáu năm trước lần đầu gặp nhà văn Hồ Biểu Chánh, Tạp chí Văn, TP Hồ Chí Minh, số 2, năm 1988, tr.122.
[2] Đoàn Giỏi, Bđd, tr. 122.
[3] Đoàn Giỏi, Bđd, tr. 123.
[4] Nguyễn Đức Nhuận: “Tiểu thuyết quan hệ với toàn cuộc xã hội thế nào?”, Đông Pháp thời báo, số 141, ngày 7-5-1924.
[5] Tân Dân Tử: Lời tựa Giọt máu chung tình, NXB Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn, 1925.
[6] NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, quý I-2O14.
[7] NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, quý II-2O14.
Nguồn: Tham luận Hội thảo “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”, ngày 11- 12/11/2014, TP. Hồ Chí Minh (http://vanvn.net)