Phê bình toàn cảnh
Văn học và đạo đức xã hội
15:43 | 04/12/2014

Đương nhiên văn học có quan hệ với đạo đức ít ra là trên hai phương diện. Thứ nhất, đạo đức là đối tượng phản ánh rộng lớn của văn học. Bởi đạo đức là một phương diện sống cơ bản của con người. Là những quy ước, thành văn hoặc không thành văn mà con người phải tuân thủ, từ đó kiến tạo nên xã hội người. Thứ hai, văn học từng có chức năng giáo dục đạo đức, hoặc ít ra phải có hiệu quả đạo đức, xét theo lịch sử tồn tại của nó, cho đến thời hiện tại.

Văn học và đạo đức xã hội

Nhân loại đi từ dã man lên văn minh; nhưng xem ra về đạo đức thì gần như chưa một cải thiện, một bước tiến nào trong quan hệ giữa con người với con người.

x

x    x

Thời hồng hoang, khi mới thoát khỏi kiếp vượn người, con người chưa có khái niệm đạo đức. Chỉ có luật cạnh tranh sinh tồn của tự nhiên, của muôn loài. Đó là cái về sau ta quen gọi là luật rừng. Luật kẻ mạnh hiếp kẻ yếu. Luật giống đực hiếp giống cái. Kéo dài hàng vạn năm trong trạng thái mông muội, chuyển sang xã hội nô lệ, là một bước tiến, trong đó chỉ chủ nô mới có quyền sinh sát hàng vạn nô lệ. Từ đây mới có khái niệm về quyền lực. Và quyền lực được trao cho một bộ phận cực nhỏ; nhưng nhờ vào quyền lực tuyệt đối đó, nhờ vào lực lượng nô lệ đông đảo đó mà nhân loại tạo được một nền văn minh huy hoàng mà chứng tích còn lại là các kim tự tháp ở Ai Cập, các thành lũy ở Hy Lạp – La Mã, nó là biểu trưng của một nền văn minh cổ đại, như được ghi trong các anh hùng ca, sử thi của Hy Lạp, Lưỡng Hà, Trung Hoa, Ấn Độ...

Sau chế độ nô lệ, chế độ phong kiến là một bước phát triển cao hơn. Ở phương Tây nó có độ dài 1000 năm, từ thế kỷ V đến thế kỷ XV – được gọi là “đêm trường Trung cổ”. Đó là thời thống trị của các lãnh chúa phong kiến cấu kết với nhà thờ Thiên Chúa giáo, tức là hai quyền uy tối thượng – thế quyền và thần quyền. Con người vừa thoát ra khỏi thân phận nô lệ, lại chuyển sang thân phận nông nô – nô lệ vào đất đai tuyệt đại đa số do các chủ phong kiến chiếm đoạt. Hợp sức với chủ đất là nhà thờ. Phải cùng lúc giải phóng ra khỏi hai thế lực đó mới có thể nói đến một thời đại mới mà phương Tây gọi là thời Phục hưng, tức là thời giai cấp tư sản, từ trong lòng xã hội phong kiến lần đầu tiên bước lên vũ đài, như một đối lập, đối cực với 1000 năm trung cổ. Từ thời Phục hưng, với các cuộc phát kiến địa lý, các phát minh mới về công nghệ, với cuộc cải cách tôn giáo, với sự xuất hiện những thành tựu huy hoàng trong văn học- nghệ thuật, giai cấp tư sản dần dần chiếm lĩnh vũ đài, để đến thế kỳ XVIII, tức thế kỷ Ánh sáng, là thế kỷ của các cuộc cách mạng tư sản đưa nhân loại vào thời đại của văn minh Tư bản chủ nghĩa.

Với giai cấp tư sản, đó là một cuộc phủ định triệt để giai cấp phong kiến, và kiến tạo một nền văn minh mới, đưa nhân loại vào thời hiện đại bằng tuyên ngôn: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Con người phải được tự do. Con người cần có bình đẳng. Và con người phải yêu thương nhau. Nhưng đó mới chỉ là tuyên ngôn, là khẩu hiệu. Trong đấu tranh với tự nhiên và xã hội để giành quyền sinh tồn, ba mục tiêu vẫn còn là hư ảo, chưa bao giờ vào được vòng tay ôm của con người. Dẫu sao, chủ nghĩa tư bản vẫn là một bước tiến cao hơn, cả về đạo đức, đối với các xã hội trước đó. Từ người nông nô, chuyển sang người tự do, sức sản xuất được giải phóng, giai cấp tư sản sẽ tạo ra một nền sản xuất vượt trội, đem lại nhiều của cải hơn cho xã hội. Nhưng cùng với sự giàu có của một lớp người sẽ là sự bần cùng, phá sản của nhiều lớp người khác. Nguyên tắc tự do cạnh tranh là tiến bộ hơn độc quyền, đặc quyền trung cổ; nhưng với nó, sẽ là sự thấp thua và tiêu diệt của kẻ yếu. Tôn trọng quyền tư hữu là đòn bẩy cho con người vươn lên làm giàu, nhưng sẽ đi kèm với những bất công mới đối với số đông quần chúng cần lao... Tất cả những nghịch lý đó đã diễn ra trong nhiều thế kỷ phát triển chủ nghĩa tư bản cho đến hôm nay. Và bức tranh về những bất công xã hội, dưới nhiều dạng vẻ khác nhau vẫn diễn ra trên khắp thế giới.

Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX chứng kiến sự thắng lợi của giai cấp vô sản, với đỉnh cao là Cách mạng tháng Mười Nga – 1917, có khởi động từ phong trào Công xã Paris; và được chỉ dẫn bởi sự ra đời của chủ nghĩa Mác và tiếp đó là Lênin. Đây là thời của cách mạng vô sản và giải phóng thế giới thuộc địa. Cũng là thời hình thành một hệ đạo đức mới của giai cấp vô sản mà về sau ta quen gọi là đạo đức cách mạng thay cho toàn bộ thế giới đạo đức cũ, gồm cả phong kiến và tư sản trên phạm vi toàn nhân loại.

x

x    x

Trở về với vấn đề đạo đức đặt ra trong xã hội Việt Nam ta và trong nền văn chương - học thuật ta, điều đáng quan tâm đầu tiên là sự kéo dài phương thức sản xuất và chế độ chính trị phong kiến trong hàng nghìn năm. Đây là một xã hội căn bản dựa theo mô hình phong kiến Trung Hoa, lấy kinh điển Nho gia làm nền tảng. Văn chương - học thuật Việt Nam trong hàng nghìn năm lịch sử cũng dựa trên nền tảng ấy để tồn tại và phát triển trong những khuôn mẫu và những ước thúc đã được quy định.

Không nghi ngờ gì cả, văn học trung đại gắn rất chặt với đạo đức trên tất cả các phương diện: đặc trưng, chức năng và mục tiêu. Văn chở đạo. Thơ nói chí. “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm”... “Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Những câu thơ rất được thuộc, và luôn được trích dẫn, của nhà Nho, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, người có sứ mệnh kết thúc văn học trung đại.

Có lịch sử một ngàn năm, văn học trung đại được kiến tạo và mang đặc trưng nguyên hợp: Văn sử triết bất phân. Cần bổ sung thêm luân lý, đạo đức. Bình Ngô đại cáo là thế. Gia huấn ca cũng là thế. Toàn bộ truyện Nôm khuyết danh cho đến Nhị độ mai, Phan Trần, Hoa tiên... cũng là thế, đều có mục tiêu giáo hóa đạo đức. Và toàn bộ yêu cầu về đạo đức là nằm gọn và trọn vẹn trong các khuôn mẫu đã thành kinh điển Nho gia. Tam cương (quân-thần, phụ-tử, phu-phụ). Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Ngũ luân (vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bè bạn). Cùng với tứ đức (trung, hiếu, tiết, nghĩa) là đạo tam tòng dành riêng cho phụ nữ. Hàng nghìn năm, mọi quy chuẩn đó, ước thúc đó đã trở thành khuôn mẫu để nhà nước quản lý xã hội, và mọi tầng lớp nhân dân noi theo. Nội dung văn học trung đại tất nhiên phải được kiến tạo theo khuôn mẫu đó.

x

x    x

Sự hình thành đạo đức tư sản trong xã hội Việt Nam diễn ra với sự ra đời xã hội thuộc địa, tức là gắn với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp vào thập niên đầu thế kỷ XX; cùng song song với sự hình thành nền văn học hiện đại đang trong chuyển động từ Hán Nôm sang Quốc ngữ. Đây là thời kỳ giao thời chứng kiến sự giao tranh cũ-mới, nó là bối cảnh cho sự ra đời thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, qua Tản Đà, Trần Tuấn Khải để đến với Thơ mới; từ văn xuôi Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, qua Hoàng Ngọc Phách mà đến với Tự lực văn đoàn và các tác gia tiêu biểu của văn học hiện thực. Với Tự lực văn đoàn và Thơ mới, đó là sự hình thành một quan niệm sống mới hướng về con người cá nhân, nhằm giúp họ thoát ra khỏi lễ giáo phong kiến và chế độ đại gia đình, để được tự do trong tình yêu và hôn nhân; và thâm nhập vào rất nhiều chỗ “trốn” khác nhau. Với văn học hiện thực, đó là sự phủ định những gương mặt mới của giai cấp tư sản trong đời sống đô thị như Nghị Hách trong Giông tố của Vũ Trọng Phụng; hoặc sự hư hỏng về đạo đức, lối sống của một tầng lớp thị dân hãnh tiến như trong Răng con chó của nhà tư sản, Báo hiếu – trả nghĩa cha, Báo hiếu – trả nghĩa mẹ... của Nguyễn Công Hoan...

Như vậy là sự hình thành giai cấp tư sản trong xã hội Việt Nam đã sớm có gương mặt của nó về phương diện đạo đức, chứ không phải với tư thế một giai cấp đang lên để thay thế xã hội phong kiến, rồi làm nên một thời đại mới của nhân loại như phương Tây. Bởi trong xã hội thuộc địa, mọi quyền lực và quyền lợi là ở trong tay ông chủ thực dân, khiến cho giai cấp tư sản bản xứ không thể mọc mũi sủi tăm lên được.

Do tình hình trên nên khó hoặc không thể tìm thấy trong văn học Việt Nam một chân dung tiêu biểu của giai cấp tư sản trong cả một phổ gia hệ, như trong các bộ tiểu thuyết nhiều tập của E. Zola, Roger Martin du Gard, Thomas Mann, M. Gorki... mà chỉ là những mảnh sinh hoạt, gắn với đạo đức, lối sống, chứ không phải trong tư cách một giai cấp đang lên để phủ định chế độ phong kiến, như trong kịch của Vũ Đình Long, Vi Huyền Đắc, tiểu thuyết, phóng sự của Vũ Trọng Phụng, truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan...

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, Việt Nam chính thức bước vào kỷ nguyên Dân chủ - Cộng hòa. Nhưng lại phải tiến hành gần như lập tức hai cuộc chiến tranh kéo dài trên 30 năm. Trong 30 năm ấy, cách mạng dân tộc dân chủ vẫn từng bước được triền khai qua cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm gắn với cuộc Cải cách ruộng đất ở nông thôn; rồi cuộc chiến chống Mỹ gắn với một nửa nước – miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có nghĩa là, những yêu cầu về tinh thần, về luân lý và đạo đức sẽ được xác định trên những tiêu chí mới. Đó là chủ nghĩa yêu nước, vốn có truyền thống hàng nghìn năm. Và chủ nghĩa xã hội, hướng đến lợi ích toàn dân và lợi ích tập thể, trên nền tảng công hữu về tư liệu sản xuất, với chủ thể là giai cấp công nhân và khối liên minh Công – Nông, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Một thời khá dài, kể từ 1960 đến hết thập niên 1980, nền đạo đức mới mang tên đạo đức cách mạng là gắn với vai trò và vị trí của hai tầng lớp cơ bản làm nên gương mặt chủ đạo của xã hội. Cả hai đều là nhân vật trung tâm trong sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, được triển khai liên tục trên miền Bắc từ 1960 đến 1975, và trên cả nước từ 1975 đến đầu thập niên 1980, trước khi đến với công cuộc Đổi mới được khởi động từ cuối 1986, và tình thế tan vỡ của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa, bắt đầu từ 1989 – khi bức tường Berlin đổ.

Văn học - nghệ thuật trong ba thập niên 1960 đến 1990 hướng vào việc xây dựng và củng cố một nền đạo đức mới có tên là đạo đức cách mạng, hoặc đạo đức xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu là lợi ích chung của Tổ quốc và cộng đồng. “Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả để chiến thắng”. “Mình vì mọi người. Mọi người vì mình”. “Nâng cao đạo đức cách mạng. Quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đối tượng phê phán nhằm đi tới thủ tiêu là đạo đức tư sản và các tầng lớp hữu sản chưa qua cải tạo xã hội chủ nghĩa, gồm không chỉ là tầng lớp nông dân tư hữu, mà còn là tầng lớp trí thức tiểu tư sản, chủ yếu thuộc các tầng lớp trung lưu trở lên. Mục tiêu này được khẳng định rất rõ trong các văn kiện quan trọng của Đảng, bắt đầu từ Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ Ba năm 1960.

Trong Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng năm 1960, đoạn viết về Cách mạng tư tưởng, văn hóa có mục tiêu: “làm cho toàn dân, trước hết là nhân dân lao động thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa, gạt bỏ thế giới quan và nhân sinh quan cũ, xây dựng thế giới quan của chủ nghĩa Mác – Lênin và nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa, làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin chiếm ưu thế tuyệt đối trong đời sống tinh thần của nước ta và trở thành hệ tư tưởng của toàn dân, trên cơ sở đó mà xây dựng đạo đức mới của nhân dân ta”.

Trong tham luận Công tác tư tưởng của Đảng đọc tại Đại hội, Trường Chinh, người đứng ở vị trí số 2 sau Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, người được phân công phụ trách công tác tư tưởng của Đảng, đã tập trung triển khai nội dung này. Do vị trí quan trọng của Trường Chinh (và về sau là Tố Hữu) đối với đời sống tư tưởng, văn hóa, văn nghệ trong một thời gian khá dài, cho đến hết thập niên 1980, nên xin trích dài dài một số đoạn như sau:

“Ở miền Bắc nước ta hiện nay….Cho nên cần thấy rằng xóa bỏ đến tận gốc hệ tư tưởng của giai cấp tư sản là nội dung cơ bản của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa (tác giả nhấn mạnh). Đó là một vấn đề nguyên tắc, không thể có thái độ nhân nhượng, thỏa hiệp”(1).

Một dẫn chứng khác của nhận thức này: “...về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và cả về đạo đức, tác phong, ảnh hưởng của tư tưởng tư sản trong Đảng và trong các cơ quan Nhà nước khá nghiêm trọng. Chính thành phần xuất thân tiểu tư sản của phần đông cán bộ, đảng viên là miếng đất tốt cho ảnh hưởng của tư tưởng tư sản dễ thâm nhập và nẩy nở”(2).

Những trình bày trên cho thấy đối tượng phê phán và phủ định của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong suốt ba thập niên, không chỉ là tư tưởng, đạo đức tư sản, mà còn là đạo đức, lối sống tiểu tư sản. “Giai cấp tiểu tư sản không bao giờ có một vị trí độc lập, nó luôn luôn chịu ảnh hưởng sâu sắc của những tư tưởng của giai cấp thống trị. Trong điều kiện bọn đế quốc và giai cấp địa chủ phong kiến thống trị lâu dài, giai cấp tiểu tư sản chịu ảnh hưởng tư tưởng của chúng rất sâu sắc. Đối với những người trí thức công tác trong các ngành văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật thì ảnh hưởng của tư tưởng đế quốc lại càng nặng. Cần nhìn thấy rõ điểm đó, nếu không sẽ không nhận thức được hết tính chất sâu sắc của cuộc đấu tranh giai cấp trên mặt trận tư tưởng. Chúng ta cần nhớ rằng nếu không được Đảng của giai cấp công nhân giáo dục thì giai cấp tiểu tư sản thường lấy quan điểm của giai cấp tư sản làm quan điểm của mình; giữa tư tưởng tiểu tư sản và tư tưởng tư sản vốn có một mối liên hệ rất mật thiết. Thật ra, hai loại tư tưởng đó chỉ khác nhau về mức độ và hình thái biểu hiện, chứ không khác nhau về bản chất. Đứng giữa hai mặt trận tư tưởng, giai cấp tiểu tư sản nếu không đi theo giai cấp vô sản thì nhất định đi theo giai cấp tư sản, không thể có một con đường độc lập, riêng biệt của mình”(1).

Bây giờ đọc lại các văn kiện trên, càng thấy rõ sự quy định (hoặc áp lực) của hoàn cảnh lịch sử đối với sinh hoạt tư tưởng, tinh thần một thời dài, trên dưới 30 năm trong một cuộc chiến mang tên Ai thắng ai?, có quy mô toàn thế giới, giữa hai phe, hai ý thức hệ, hai thể chế chính trị, hai giai cấp, hai con đường. Trong cuộc chiến đó chỉ được phép chọn một, hoặc bên này, hoặc bên kia, chứ không được phép chông chênh. Đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật do vậy phải quán triệt tính Đảng và phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, với các nguyên tắc cơ bản là hướng về con người mới và cuộc sống mới; đến với những nơi tiền tiến, sống với những con người tiên tiến. Trong ba chức năng giao cho văn nghệ thì chức năng giáo dục (lý tưởng xã hội chủ nghĩa, thế giới quan Mác – Lênin và nhân sinh quan cộng sản), phải ở vị trí hàng đầu. Do vậy mà tính chiến đấu phải luôn luôn được mài rũa cho sắc bén, nhằm cảnh báo và uốn nắn những lệch lạc khiến văn học nghệ thuật đi chệch đường lối văn nghệ của Đảng, lớn thì như vụ Nhân văn- Giai phẩm, nhỏ là các vụ, việc gắn với các tên sách có khuynh hướng gợi nên những mặt khuất tối, bất ổn của hiện thực như Mở hầm, Sương tan, Vào đời, Những người thợ mỏ, Phá vây, Đống rác cũ, Con nai đen, Phở, Cái gốc, Tình rừng... mà tác giả dẫu là người của giai cấp công nhân, là sĩ quan quân đội, hoặc nhà văn tầm cỡ cũng không tránh được.

“Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, đó là khẩu hiệu  bao trùm cả một thời dài. Chủ nghĩa cá nhân gắn với việc chăm lo cho lợi ích riêng, và sự phô bày cái Tôi cá nhân – tiểu tư sản là đối tượng phê phán trong tất cả các phong trào cách mạng và các sinh hoạt tư tưởng lớn như Chỉnh huấn, chống Nhân văn – Giai phẩm, chống Chủ nghĩa xét lại hiện đại, và các đợt học tập chính trị cho trí thức văn nghệ sĩ. Bối cảnh đó quy định gương mặt sáng tạo văn học - nghệ thuật một thời luôn luôn phải trụ vững trên cùng một dường ray là Tổ quốc và Chủ nghĩa xã hội. Cái được lớn là ở đó và những thiếu hụt hoặc bất cập lớn cũng là ở đó. Những thiếu hụt hoặc bất cập rồi được phát hiện không lâu sau 1975, qua các phát ngôn, rồi thành “vụ”, “việc” như vụ “đề dẫn” của Nguyên Ngọc, và “văn học phải đạo” của Hoàng Ngọc Hiến năm 1979, vụ “đọc lời ai điếu” cho “văn chương minh họa” của Nguyễn Minh Châu năm 1987... Thế nhưng, ở một phía khác mà nhìn vào đời sống miền Bắc trong suốt thập niên 1960 và 1970 thì việc ưu tiên cho lợi ích tập thể; việc kìm nén chủ nghĩa cá nhân; việc cả dân tộc có chung một bộ đồng phục, “có chung dáng hình, có chung gương mặt” (Chế Lan Viên) lại để lại trong ký ức chung của cộng đồng một thời gần như rất ít có tội ác, ít có sự xâm hại về con người. Một thời, qua tấm gương soi văn học, thì đó là Gió lộng của Tố Hữu, Riêng chung của Xuân Diệu, Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên, Bài ca cuộc đời của Huy Cận, Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông, Tơ tằmChồi biếc của Cẩm Lai và Xuân Quỳnh, Hương cây Bếp lửa của Lưu Quang Vũ và Bằng Việt... Và, Bốn năm sau của Nguyễn Huy Tưởng, Sông Đà của Nguyễn Tuân, Trăng sáng của Nguyễn Ngọc Tấn, Rẻo cao  của Nguyên Ngọc, Cỏ non của Hồ Phương, Mùa lạc của Nguyễn Khải, Gánh vác của Vũ Thị Thường, Đồng tháng năm của Nguyễn Kiên, Phù sa của Đỗ Chu...

Đất nước quả có một thời như thế. Thời “Xưa phù du mà nay đã phù sa” (Chế Lan Viên). Thời “Có gì đẹp trên đời hơn thế. Người yêu người sống để yêu nhau” (Tố Hữu). Thời “Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy. Thì xa xôi đến mấy cũng lên đường” (Bùi Minh Quốc)... Thời rất lắm gian khổ, nhiều thử thách, nhưng sinh hoạt tinh thần lại ổn định, bình yên; và quan hệ giữa con người luôn luôn là sự thân thiện, chia ngọt sẻ bùi, nhường cơm sẻ áo!

x

x    x

Từ 1986, khi đất nước chuyển sang thời Đổi mới, rồi 1995, bước vào hội nhập, thì thực trạng xã hội hoàn toàn thay đổi.

Đó là 20 năm cả dân tộc đứng trước những thử tháchcơ hội gần như chưa có tiền lệ trong lịch sử. Hai mươi năm với những thành tựu lớn và mất mát lớn. Nhìn vào cái được trên mọi lĩnh vực: ăn, ở, đi lại và các nhu cầu vui, chơi, giải trí thì chưa có lúc nào bằng lúc này. Đó là biểu hiện của sự tăng trưởng kinh tế. Nhưng cùng với những cái được lớn đó thì những mất mát cũng là rất lớn, mất ở khu vực văn hóa, tinh thần, trong đó có một hiện tượng gây nhức nhối trong luân lý, đạo đức – đó là nguy cơ tan rã của gia đình,  đơn vị sống cơ bản của con người. Ở đó, chữ hiếu bị một đòn tử thương, trong những vụ con cháu giết cha mẹ, ông bà chỉ vì sự tham lợi và đạo đức hư hỏng, đến mất hết nhân tính,... Và những bất an của xã hội, do sự tràn lấn của cái ác, và cái giả. Cái ác thì thiên hình vạn trạng, trên mọi lĩnh vực mà Thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác bệnh nhân xuống sông chỉ là một ví dụ nhỏ. Còn cái giả thì trong trăm nghìn kiểu loại chỉ cần tiếp xúc với phân bón giả, thuốc giả và bằng cấp giả, đủ thấy sự sống con người đang bị dồn đến chân tường như thế nào. Rộng ra, không kể đến những chuyện vô ơn và bạc nghĩa trong tình thầy trò; những loãng nhạt của tình bạn bè; những vô duyên, vô nghĩa trong tình đồng chí (một thời rất thiêng)... Đó là những hiện tượng gắn trực tiếp với sự suy thoái đạo đức trong xã hội, đưa đến sự bất an, thậm chí làm rã rời các cộng đồng người trong dân tộc.

Tất nhiên, thực trạng vẫn là sự xen cài giữa thiện-ác, tốt-xấu, thực-giả. Nhưng những mặt tích cực có lúc gần như bị chèn lấn, khuất lấp, bên cái tiêu cực gần như lộ diện ở khắp nơi, gồm cả đời sống công quyền, từ thấp lên cao; kể cả những khu vực lẽ ra là rất thiêng liêng, rất cao quý.

Một đội ngũ đóng vai trò tiền trạm cho công cuộc Đổi mới xuất hiện từ nửa đầu thập niên 1980 và nối dài cho đến nay một sự nghiệp viết có vai trò cảnh báo cái xấu, cái ác gồm từ Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp qua Xuân Đức, Chu Lai, Đào Thắng, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Quang Lập, đến Nguyễn Bắc Sơn, Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Y Ban, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Xuân Thủy... Thế nhưng trước thực trạng, văn học vẫn chưa thể nào theo kịp để có cái nhìn bao quát và đón trước...

Hôm nay, văn học đang đứng trước đa chức năng, trong đó chức năng giải trí đang nổi lên, có lúc gần như lấn át, thì chức năng nhân đạo hóa, nhằm gây dựng hoặc trả lại chất người cho con người, nhằm làm cho hoàn cảnh trở nên nhân đạo hơn vẫn nên, hoặc vẫn phải là mục tiêu cao nhất, hoặc bao trùm. Nói cách khác, mục tiêu hướng thiện vẫn cứ là cái đích chung, hoặc xa nhất, cao nhất cho cả người viết và người đọc, nhất là khi con người đứng trước nguy cơ  bị xâm hại và tha hóa; khi các cộng đồng người có nguy cơ tan vỡ. Và, nếu sự tan vỡ của cộng đồng người, sự hủy hoại của cá nhân con người đã đến mức báo động, thì sự tồn tại của văn chương- nghệ thuật còn có ý nghĩa gì!

x

x    x

Cuối cùng vấn đề đặt ra hôm nay theo tôi nghĩ là cần một tên gọi thích hợp cho đạo đức mà chúng ta đang khổ công xác lập. Sau đạo đức phong kiến vừa trong đối lập vừa trong giao thoa với đạo đức nhân dân, chủ yếu là nông dân, và đạo đức tư sản trong đối lập với đạo đức vô sản, chúng ta đã chuyển sang đạo đức cách mạng hoặc đạo đức xã hội chủ nghĩa trong hơn nửa thế kỷ qua tính từ sau 1945. Bây giờ cần giữ lại hoặc thay đổi tên gọi cho nó, để thích hợp với thực trạng mới? Gọi là đạo đức cách mạng thì đó là cách mạng gì, khi cách mạng dân tộc, dân chủ đã làm xong? Nếu xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu hoặc chỉ còn là định hướng thì xem ra những gì đang diễn ra hôm nay là trái ngược với những gì đã diễn ra trong nửa thế kỷ trước đây./.

Nguồn: Phong Lê - VHNA


(1), (2) Về văn hóa và nghệ thuật; Tập I; Nxb. Văn học; 1985; trang 357.

(1)Về văn hóa và nghệ thuật; Tập I; Nxb. Văn học; 1985; trang 355.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng