Như đã biết, Thơ mới là một hiện tượng văn học lớn của thế kỷ XX. Từ khi ra đời đến nay, nó đã được nhiều người nghiên cứu, tìm hiểu, nhiều công trình đã xuất bản. Bởi thế, nếu không tìm được hướng tiếp cận mới thì sẽ dẫm lên bước chân người đi trước. Tác giả Hoàng Thị Huế đã tìm cho mình một đường đi có ý nghĩa: tiếp cận văn học từ văn hoá. Đây là một hướng nghiên cứu có nhiều triển vọng và ngày càng được nhiều người quan tâm. Tuy đã có vài công trình đi trước như của bản thân tôi (Từ cái nhìn văn hoá, 1999, Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực, 1999), hoặc của Trần Nho Thìn (Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá, 2003). Nhưng ở công trình của Hoàng Thị Huế, tác giả đã cụ thể hoá nó ở việc nghiên cứu để làm rõ mối quan hệ văn hoá, văn học thông qua hiện tượng Thơ mới. Bởi thế, chuyên luận đã khẳng định thêm hướng tiếp cận khả quan này.
2. Nội dung chuyên luận được tác giả triển khai ở những vấn đề như Thơ mới một hiện tượng văn hoá lớn, Thơ mới từ văn hóa đến văn học vàThơ mới từ ngôn ngữ nghệ thuật đến các biểu trưng văn hóa .Từ những vấn đề có tính chất lý thuyết chung như quan hệ văn hoá và văn học, nghiên cứu văn học từ mối quan hệ văn hoá, văn học. Thơ mới như là con đẻ của sự giao thoa văn hoá Đông Tây, sự thay đổi văn hoá từ cổ truyền sang hiện đại, Thơ mới trong cuộc đấu tranh với thơ cũ... Từ đó, tác giả Hoàng Thị Huế giải quyết mối quan hệ giữa văn hoá, văn học ở Thơ mới trên bình diện cụ thể. Văn hoá ở đây là văn cảnh, còn thi pháp là văn bản. Chính vì vậy, Hoàng Thị Huế đã xem xét văn bản từ văn cảnh, trong văn cảnh và bằng văn cảnh. Đó là các vấn đề kiểu nhà thơ, đối tượng thẩm mỹ mới, quan niệm sáng tạo mới. Thơ mới kết tinh nhu cầu văn hoá và thời đại. Bên cạnh đó, khi tìm hiểu Thơ mới từ nhãn quan thi pháp, Hoàng Thị Huế đã đi theo con đường ngược lại, từ văn bản đến văn cảnh. Ở đây, vấn đề được triển khai nghiên cứu là mô hình tư duy nghệ thuật mới và cuộc cách mạng thể loại thơ trữ tình. Khi xem xét Thơ mới từ ngôn ngữ nghệ thuật đến các biêủ tượng văn hoá, tác giả đã giải quyết hợp lý và thuyết phục mối quan hệ giữa văn hoá và văn học ở Thơ mới trên những bình diện cụ thể. Đó là vai trò của ngôn ngữ Thơ mới trong việc lưu giữ, đổi mới, sáng tại và phát triển văn hoá dân tộc, cũng như giá trị văn hoá của các biểu tượng văn hoá trong Thơ mới.
3.Chuyên luận đề cập đến mối quan hệ giữa văn hoá và văn học, nên đã bao hàm một dung lượng kiến thức rất lớn: kiến thức về văn hoá, văn học nói chung, kiến thức về văn hoá giai đoạn 1932-1945 và Thơ mới nói riêng, về sự tương tác, chi phối giữa văn học và văn hoá, giữa văn hoá giai đoạn 1932- 1945 và Thơ mới. Bởi thế, chuyên luận hấp dẫn người đọc ở chỗ đã hệ thống hoá được nhiều các lý thuyết, luận điểm làm cơ sở cho chuyên luận như sau:
3.1.Văn hoá là một tổng thể, văn học là một bộ phận, mà tổng thể thì bao giờ cũng chi phối bộ phận nên văn hoá chi phối văn học..
3.2.Mỗi thời đại sinh ra một kiểu văn hoá, kiểu văn hoá đó lại tạo nên các hiện tượng văn học của thời đại. Bởi thế, khi kiểu văn hoá thay đổi thì kiểu văn học cũng thay đổi theo.
3.3.Thơ mới là sản phẩm của giai đoạn văn hoá 1932-1945, của sự tiếp biến văn hoá Đông Tây, khác hẳn với các giai đoạn văn hoá trước đó, nên Thơ mới cũng khác hẳn thơ cũ, thơ trung đại.
3.4.Những cái khác đó được thể hiện ở kiểu nhà thơ, đổi tượng thẩm mỹ, quan niệm sáng tạo, cảm thức về con người và cuộc sống, mô hình tư duy nghệ thuật, thể loại thơ trữ tình, ngôn ngữ…
3.5.Với tư cách là một sản phẩm của một thời đại văn hoá, một kiểu văn hoá, Thơ mới một mặt phản ánh những đặc trưng văn hoá mới mẻ của thời đại 1932- 1945, mặt khác ở tầng sâu của nó, còn lưu giữ và luân chuyển những giá trị văn hoá nghìn năm của dân tộc. Tính lưỡng trị này cuả Thơ mới có thể tìm thấy ở các biểu tượng như non nước, con người văn hoá…
Nói gọn lại, tác giả Hoàng Thị Huế đã xử lý khá nhiều kiến thức lý luận, văn hóa, văn học, tiêu hoá nó và trình bày một cách hệ thống, chặt chẽ như sơ đồ logic mà tôi vừa nên trên.
4.Một đối tượng, dù quen thuộc, nhưng nếu được tiếp cận bằng một phương pháp mới sẽ được làm mới, do phương pháp đẻ ra đối tượng. Thơ mới nhìn từ quan hệ văn hoá, văn học của tác giả Hoàng Thị Huế đã đem lại những cách nhìn mới, khác so với cái nhìn vào Thơ mới theo kiểu ấn tượng chủ nghĩa, xã hội học, thậm chí thi pháp học trước đó. Điều này được tác giả viết “ Nếu tiếp cận Thơ mới bằng cảm quan văn hoá, chúng ta sẽ thấy được tính lịch sử của nó, cho phep giải thích phong trào Thơ mới như một hiện tượng có tính quy luật nằm trong sự vận hành chung của thơ ca dân tộc. Bên cạnh đó, tiếp cận Thơ mới từ chính bản thân Thơ mới sẽ phần nào hiểu được giá trị nghệ thuật to lớn của Thơ mới” ( Trang 76, sđd ). Tôi nghĩ đây là một nhận định xác đáng, đã cụ thể hoá, đã làm rõ được mối quan hệ giữa văn hoá văn học, và, do đó nó có ý nghĩa về phương pháp. Bản thân những vấn đề của Thơ mới đã được làm mới một lần nữa nhờ đặt vào phương pháp nghiên cứu hai chiều ngược nhau: từ văn bản đến văn cảnh, tức từ trong ra ngoài, tức nghiên cứu nội quan. Và hai là từ văn cảnh đến văn bản, tức từ ngoài vào trong, tức nghiên cứu ngoại quan. Độc giả có thể bắt gặptừ chuyên luận rất nhiều những nhận xét, những phát hiện mới mẻ, thú vị của tác giả Hoàng Thị Huế.
Với tất cả những đóng góp về mặt phương pháp (đã cụ thể hoá được mối quan hệ giữa văn hoá văn học vốn dễ chung chung, trừu tượng thông qua hiện tượng Thơ mới), lẫn nới rộng không gian thẩm mỹ, làm mới đối tượng nghiên cứu như trên, chuyên luận nghiên cứu, lý luận phê bình :Thơ mới nhìn từ quan hệ văn hoá văn học của tác giả Hoàng Thị Huế, NXB Hội Nhà Văn, 2014, là một cuốn sách hay, có nhiều đóng góp.
Hà nội, 11/2014.
Nguồn: Đỗ Lai Thúy - VHNA