Trong bối cảnh văn hoá, xã hội của thời trung đại, không có những điều kiện dành sẵn cho con người phát triển năng lực tự ý thức về mình với tư cách cá nhân. Những nguyên tắc thẩm mĩ của thời đại này “giống như những tấm màng lọc, những biểu hiện trực tiếp của cảm xúc con người khó lòng lọt qua để thấm vào thơ ca, nghệ thuật”(1).
Phải cần đến những biến đổi đặc biệt của thời đại, của cuộc đời người nghệ sĩ mới có thể tạo nên những xung động tinh thần mãnh liệt có khả năng phá vỡ rào cản ấy. Bối cảnh lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX và số phận đại thi hào Nguyễn Du hội tụ đầy đủ những điều kiện đó.
Cuộc đời Nguyễn Du gắn với một giai đoạn lịch sử đầy những biến động bất ngờ, dữ dội. Trong mấy cuộc thương hải tang điền, dòng họ, gia đình và bản thân Nguyễn Du đã trải qua không ít thăng trầm, mất mát. Hiện thực phũ phàng, nghiệt ngã khiến nhà thơ cảm nhận về mình như một kiếp người nhỏ nhoi, đáng thương giữa cõi đời. Đọc các thi tập của ông, cứ thấy trở đi trở lại kiểu nhân vật trữ tình “Giật mình mình lại thương mình xót xa”(Truyện Kiều). Con người thương thân ấy đã trở thành một hình tượng nghệ thuật đặc sắc trong thơ chữ Hán Nguyễn Du.
1. Cảm thương thân phận cô đơn, lưu lạc giữa dòng đời dâu bể
Thống kê ở Thanh Hiên thi tập và Nam trung tạp ngâm, đã thấy có đến 80 lần Nguyễn Du “tự hoạ” chân dung như một con người đơn độc, mang nặng nỗi đau mất gia đình, thiếu quê hương. Tâm trạng này bắt nguồn từ những bất hạnh nhà thơ từng nếm trải: cha mẹ mất sớm, tuổi niên thiếu sống nương nhờ người anh trai cùng cha khác mẹ; những biến cố bất ngờ của thời đại và gia tộc; cảnh "ăn gửi nằm nhờ" suốt mười năm nơi đất Bắc... Tất cả đã gieo vào tâm hồn Nguyễn Du cảm giác bơ vơ, trơ trọi của con người bị tước đi mọi điểm tựa, mọi nguồn an ủi: gia đình tan tác,thiếu vắng tri âm, lạc lõng, hoang mang giữa cuộc đời: “Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục/ Loạn thế toàn sinh cửu uý nhân”(Chốn tha hương nuôi dưỡng cái vụng về để phòng kẻ tục/ Đời loạn muốn bảo toàn sinh mệnh nên sợ người đã lâu- U cư I)(2)…
Sự đối lập mình với người đời vốn là cách nói, là tâm trạng thông thường của nhiều nhà nho phải sống vào thời mạt. Họ muốn tự tách mình khỏi thế tục tầm thường để khẳng định bản lĩnh cứng cỏi và nhân cách thanh cao:“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao”(Nguyễn Bỉnh Khiêm). Trong nỗi cô đơn của họ, ta vẫn thấy niềm tự hào và tư thế kiêu hãnh của những con người “độc thiện kỳ thân”. Nhưng với Nguyễn Du, sự đối lập này là để xót xa, thương cảm cho mình. Ông xót thương con người cô đơn bị ném vào chốn dị hương, loạn thế, nơi biến đổi khôn lường và tiềm ẩn nhiều tai hoạ, hiểm nguy. Mọi miền đất với ông đều xa lạ, đều hoá thành không gian đất khách và chỉ khơi lên niềm đau của một dị hương nhân: “Thập tải phong trần khứ quốc xa/ Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia(Mười năm gió bụi dời kinh thành đi xa/ Đầu bạc phơ phơ ở nhờ nhà người - U cư II); “Bách niên thân thế uỷ phong trần/ Lữ thực giang tân hựu hải tân” (Thân thế trăm năm mặc cho gió bụi/ Ăn nhờ ở bến sông rồi ăn nhờ ở bãi bể - Mạn hứng I)... Cảm giác tha hương trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi trong tâm hồn Nguyễn Du. Và đi tới nơi nào, kẻ lữ hành mệt mỏi ấy cũng thấy mình chông chênh, bất an vì nỗi “Nắng mưa thui thủi quê người một thân” (Truyện Kiều)! Bao giờ và ở đâu, Nguyễn Du cũng chỉ có một mình.
Một mình đối diện với thời gian- thường là những đêm dài thao thức trong cô lẻ. Trong 60 lần Nguyễn Du tả cảnh đêm vắng lặng, luôn thấy hiện lên hình ảnh một con người cô độc, trầm ngâm, đắm mình trong suy tưởng. Người ấy một mình lắng nghe tiếng côn trùng rả rích, tiếng dế, tiếng vượn kêu ai oán, tiếng mưa rơi, gió thổi, tiếng tù và, tiếng trống điểm canh... để chờ từng thời khắc trôi qua. Bao nhiêu mối sầu dồn về trong bóng tối, bao phủ tâm hồn: “Tiễn đăng độc chiếu sơ trường dạ” (Một mình khêu ngọn đèn soi đêm mới bắt đầu dài - Thu dạ II); “Cô đăng tương đối đáo thiên minh” (Ngọn đèn cô đơn đối diện với mình cho đến sáng - Mạc phủ tức sự)...
Một mình đối diện với không gian- thường là mênh mông, hiu quạnh: “Thiên lí giang sơn tần trướng vọng/ Tứ thời yên cảnh độc trầm ngâm” (Sông núi nghìn dặm bao lần trông ngắm /Mây khói bốn mùa một mình trầm ngâm - Thu dạ II); “Nam minh phù nguyệt tàn thiên lí/ Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân”(Trên biển nam trăng tà dập dờn ngàn dặm/ Trên lối xưa chỉ có một người với gió lạnh - Dạ hành)...
Một mình chống chọi với những bất hạnh, đau thương: "Thập niên túc tật vô nhân vấn" (Bệnh cũ mười năm không ai thăm hỏi - Ngọa bệnh II), "Nhất thân ngoạ bệnh đế thành đông" (Một thân nằm bệnh ở phía đông hoàng thành - Ngẫu đề)... Nhiều khi tâm sự chất chồng, trào dâng, người nghệ sĩ cô đơn cũng chỉ một mình đối bóng, tự mình trò chuyện với mình: “Thành đầu văn hoạ giác/ Tự ngữ đáo thiên minh” (Nghe tiếng tù và vọng lên ở đầu thành/ Một mình nói chuyện với mình cho đến sáng - Quế Lâm công quán); “Bồi hồi đối ảnh độc vô ngữ” (Bồi hồi trước bóng một mình yên lặng - La Phù giang thuỷ các độc toạ)...
Thậm chí, Nguyễn Du “một mình” ngay cả khi ông đảm nhận vai trò chánh sứ, mang theo không ít tùy tùng và chắc chắn đi tới đâu cũng được tiếp đãi chu tất. Khi bôn ba trên con đường núi non hiểm trở, hay dừng lại chốn thôn nội, thành phủ, công quán - lúc nào nhà thơ cũng cảm thấy đơn độc, lẻ loi: “Nhất lộ giai lai duy bạch phát” (Suốt dọc đường chỉ có ta và mái tóc bạc - Nam Quan đạo trung); “Tây phong ỷ cô hạm” (Trước ngọn gió tây, một mình đứng dựa lan can - Đăng Nhạc Dương lâu)... Nguyễn Du luôn khao khát một tấm tình tri kỉ nhưng giữa thời loạn lạc, hỗn độn, người nghệ sĩ cô đơn ấy đành tự “phân thân”: nửa này thiết tha tỏ bày tâm sự; nửa kia đón nhận, cảm thương với tất cả sự thấu hiểu và niềm xót đau.
2. Cảm thương cho kiếp sống mòn mỏi, vô nghĩa
Nguyễn Du sinh trưởng trong một gia đình, một dòng họ nổi tiếng với nhiều người thành đạt trong khoa bảng, trong văn chương và trên trường chính trị. Bản thân ông là người có tài năng và từng nuôi giấc mộng gác vàng, từng ôm ấp nhiều hùng tâm, tráng chí. Nhưng sự đổi thay bất ngờ, dữ dội của thời đại và sự sa sút của một "danh gia vọng tộc" đã biến ông thành kẻ lỡ thời, thất thế. Được nuôi dưỡng trong bầu "khí quyển" của một dòng họ cao sang, của truyền thống Nho giáo đặc biệt đề cao chuyện lập thân, Nguyễn Du không thể không trăn trở, tủi hờn, đau xót vì nông nỗi sống chửa nên danh, thư kiếm không thành... Thậm chí, hàng chục năm trời, ông rơi vào cảnh sinh kế mờ mịt: "Tha niên hải nội tri danh sĩ/ Kim nhật thành trung khất thực nhân" (Năm xưa cả nước từng biết tiếng danh sĩ/ Mà nay là người ăn xin ở kinh thành Thăng Long - Nguyễn Hành)... Hiếm thấy một nhà thơ nào khác thời trung đại viết nhiều, đau thật nhiều về cái nghèo, về sự cùng quẫn trong sinh kế như Nguyễn Du. Nhà thơ dường như còn cố ý tô đậm cảnh nghèo khó, khốn cùng của mình. Ông miêu tả bản thân như một kẻ phải ăn nhờ ở đậu chai sạn tới mức quên mình là khách, kẻ ăn xin khắp chân trời góc bể, sống nhờ vào lòng thương hại của người thiên hạ... Ông nhìn thấu sự trói buộc, tàn phá ghê gớm của miếng cơm manh áo tầm thường. Nó đày đọa, vùi dập tâm hồn, tước đi của con người bao khát vọng đẹp đẽ, bao niềm vui sống: “Bạch đầu sở kế duy y thực/ Hà đắc cuồng ca tự thiếu niên” (Đầu bạc mãi chỉ lo chuyện cơm áo/ Làm thế nào được hát ngông như thời niên thiếu - Dạ tọa). Từ những trải nghiệm nhân sinh, Nguyễn Du tự ý thức về mình như một thân phận nổi chìm, trôi dạt không phương hướng giữa cõi đời dâu bể. Cái nhìn hướng nội của nhà thơ thường nhuốm đầy chua xót, thất vọng. Bao giá trị tinh thần từng nâng đỡ tâm hồn giờ đã thành vô nghĩa: “Nhất sinh từ phú tri vô ích/ Mãn giá cầm thư đồ tự ngu” (Một đời từ phú biết là vô ích/ Sách đàn đầy giá chỉ làm cho mình thêm ngu – Mạn hứng). Ngoái về chiều nào của thời gian sống, ông cũng thấy sự đổ vỡ, mất mát: “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên/ Hùng tâm, sinh kế lưỡng mang nhiên” (Người tráng sĩ đầu bạc buồn trông trời/ Hùng tâm lẫn sinh kế, cả hai đều mờ mịt – Tạp thi). Quá khứ vàng son đã “nhất khứ bất phục phản”, hiện tại phũ phàng, nghiệt ngã, còn tương lai thì mịt mù, ảm đạm. Không biết bao nhiêu lần, nhà thơ đã phải khóc thương cho sự mòn mỏi, lụi tàn của tài năng, tâm hồn: “Xuân lan thu cúc thành hư sự/ Hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên” (Thú xuân lan, thu cúc thành chuyện hão/ Hè nóng đông rét cướp mất tuổi trẻ - Tạp thi); “Tráng niên ngã diệc vi tài giả/ Bạch phát thu phong không tự ta” (Thủa trẻ ta cũng là người có tài năng ví như cây gỗ tốt /Nay đầu bạc chỉ còn biết than thở trước gió thu - Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cố trạch)...
Những tưởng nỗi đau xót, tiếc nuối cho tuổi trẻ, tài năng đang trôi đi hoài phí sẽ tan biến khi Nguyễn Du ra làm quan cho nhà Nguyễn, được trọng dụng và hanh thông trên con đường công danh. Nhưng hoá ra, ông chưa bao giờ có được cơ hội để thực hiện hùng tâm, tráng chí, để “phát huy tận độ” những khả năng sẵn có trong bản thân mình. Ông không dấu diếm sự chán chường đối với con đường danh lợi và không thể không xót xa, thương hại cho mình khi bị cột chặt vào cảnh sống “không bệnh mà lưng lom khom”. Sinh trưởng trong gia đình đại quý tộc phong kiến, Nguyễn Du đâu có xa lạ với môi trường quan lại. Nhưng phải đến khi thực sự dấn thân vào chốn quan trường giữa một xã hội đang trong chiều đi xuống, ông mới tự mình thấm thía những chông gai. Đó không chỉ là nơi phải dè dặt, cẩn thận đến cả nụ cười, giọng nói, phải ngẫm nghĩ đến cả thoáng chau mày... mà còn bào mòn, huỷ hoại bao thiên tính tốt đẹp của con người. Nhà thơ đau xót vì một chút công danh nhỏ mọn, mình như viên ngọc phác không còn giữ nổi khuôn mặt thật. Nhiều bài thơ viết trong thời gian làm quan trĩu nặng cảm giác cay đắng, tủi thẹn về nông nỗi tàn, thất, bất toàn... của bản thân: “Thương tàn vật tính bi phù hĩnh/ Khắc lạc thiên chân thất mã đề (Làm hại tính tự nhiên của vật, ái ngại chân con le bị nối dài ra/ Xuyên tạc tính thiên nhiên làm mất cả ý nghĩa của thiên mã đề - Ngẫu hứng I). Thậm chí, ngay cả khi đứng đầu đoàn sứ bộ – một trọng trách mà kẻ sĩ thường đón nhận với tất cả niềm tri ân và tự hào – Nguyễn Du cũng không giải toả được nỗi đau kia:“Vạn lí lợi danh khu bạch phát” (Vì lợi danh, tóc bạc còn phải xông pha trên con đường ngàn dặm - Từ Châu đạo trung)... Nguyễn Du luôn khao khát từ bỏ cuộc sống quan trường, tìm về với hươu nai, tùng bách non Hồng mà không thể thực hiện được ước nguyện đó. Vì nhiều lẽ, nhà thơ đã phải chấp nhận làm quan đến tận cuối đời, nhưng chưa lúc nào ông có thể gắn nó với lí tưởng “trí quân trạch dân” để mà tự hào hay thanh thản. Trái lại, ông canh cánh bên lòng nỗi tủi hờn: “Khả liên bạch phát cung khu dịch/ Bất dữ thanh sơn tương thuỷ chung (Thương mình đầu bạc còn phải lận đận/ Thẹn không cùng non xanh giữ được thuỷ chung - Vọng Thiên Thai tự); “Hồng Sơn tàm phụ nhất sơn vân”(Thẹn mình đã phụ làn mây núi Hồng - Giản Công bộ Thiêm sự Trần)...
Nỗi day dứt của Nguyễn Du khiến nhiều người cho rằng ông mang tâm sự của người bề tôi phải thờ hai chúa. Thiết nghĩ, Nguyễn Du tiếp nhận truyền thống tư tưởng Nho giáo nhưng không phải là người bị trói buộc vào khuôn mẫu giáo điều của đạo đức phong kiến. Ông nhìn thấu cái qui luật "Cổ kim vị kiến thiên niên quốc" (Xưa nay chưa thấy triều đại nào được nghìn năm- Vị Hoàng doanh). Vì thế, nỗi đau này nảy sinh từ sự tỉnh táo, trong sạch của tâm hồn Nguyễn Du khi đối diện con đường đầy hỗn tạp và nhơ bẩn chốn quan trường. Sự suy thoái của chế độ phong kiến đương thời đã làm sụp đổ rường cột đạo đức, làm tan vỡ giấc mơ và niềm hi vọng tạo dựng một xã hội Nghiêu Thuấn. Bằng cảm quan nhạy bén của một nghệ sĩ lớn, Nguyễn Du nhìn thấu bản chất của hiện thực đó: “Đời sau người người đều là Thượng Quan/ Mặt đất này đâu đâu cũng là sông Mịch La” (Phản Chiêu hồn). Ông không chấp nhận say, đục theo thời nhưng đành bất lực trước thực tại. Bấy nhiêu giằng xé, thất vọng khiến tâm hồn nhà thơ luôn u uất, có lúc hoá thành bi phẫn cất lên tiếng kêu thương ai oán của một con người khát khao khẳng định tài năng, ước mơ về một cuộc sống hào hùng, đẹp đẽ mà rốt cuộc phải thấy mình chết mòn trong kiếp sống vô nghĩa, bế tắc.
3. Cảm thương cho chiếc thân hữu hạn, mong manh
Đối với Nguyễn Du, con người đáng thương không chỉ vì cái tâm dễ bị vùi dập, cái tài dễ bị bào mòn mà còn vì thân xác mong manh, hữu hạn. Cảm nhận về Thân cũng là một cách nhận biết trực tiếp về cuộc sống cá nhân: “Thân là “hình nhi hạ”, là cái phần vật chất duy nhất của con người, là phần hữu hạn, bé nhỏ, dễ hư nát và đau đớn nhất của bất cứ ai”(3). Có lẽ Nguyễn Du là một trong những nhà thơ nói nhiều nhất đến cái thân hữu hạn, đáng thương ấy của con người. Riêng trong thơ chữ Hán, đã có 20 lần ông trực tiếp viết về chữ thân; 30 lần miêu tả tình trạng hao gầy, tiều tuỵ của thân (nhan trạng, nhan thời sấu, suy nhan, truân cốt tướng, lão sấu, lão bệnh dư, lưu bì cốt...). Nếu các nhà thơ Thiền đời Lý - Trần miêu tả tấm thân trần thế nhỏ nhoi, dễ dàng tan biến để thể hiện thái độ bình thản, an nhiên trước lẽ vô thường thì Nguyễn Du nói đến thân để mà ngậm ngùi, thương cảm. Nhà thơ đau xót cho chiếc thân trôi nổi "Trú cửu đốn vong thân thị khách"(Ở trọ lâu ngày quên thân mình là khách - U cư), "Bách niên thân thế ủy phong trần / Lữ thực giang tân hựu hải tân" (Thân thế trăm năm mặc cho gió bụi/ Ăn nhờ hết bãi sông rồi đến bãi bể)... Ông tiếc cho tấm thân mòn mỏi, bất lực trước sự huỷ hoại của thời gian "Sinh vị thành danh thân dĩ suy" (Sống chưa nên danh phận thân đã héo gầy- Tự thán I), “Xuân nhật hữu thân phi thiếu tráng" (Ngày xuân nhưng thân mình không còn trẻ nữa - Thanh Minh ngẫu hứng)... Ông xót thương thân cô độc, lẻ loi giữa cõi người: "Tam xuân tích bệnh bần vô dược/ Táp tải phù sinh hoạn hữu thân" (Bệnh đã ba năm nghèo không có thuốc/ Cuộc phù sinh ba mươi năm phải lo vì có thân), "Đa bệnh nhất thân cung đạo lộ" (Tấm thân nhiều bệnh phó mặc cho đường sá - Thủy Liên đạo trung tảo hành). Ông đau buồn, thương hại cho thân bị cầm tù, trói buộc: "Trắc thân bất xuất hữu hình ngoại " (Tấm thân không thể ra ngoài vòng hữu hình - Mộ xuân mạn hứng), "Thử thân dĩ tác phàm lung vật/ Hà xứ trùng tầm mãn hạn du"(Thân này đã làm chim trong lồng/ Biết tìm đâu lại cuộc chơi phóng lãng? - Tân thu ngẫu hứng)...
Ý thức và niềm thương cảm cho sự mong manh, hữu hạn của chiếc thân trần thế kết đọng lại trong hình ảnh con người đầu bạc, tóc ngắn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. Đây vốn là những thi liệu ước lệ quen thuộc của thơ xưa. Nhiều tác giả cùng thời với Nguyễn Du như Nguyễn Đề, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Thì Nhậm, Đoàn Nguyễn Tuấn, Ngô Nhân Tĩnh... cũng mượn hình ảnh này để mô tả sự đổi thay của con người trên dòng chảy thời gian. Họ thường bộc lộ cách nhìn mang tính ước lệ, khuôn mẫu - ung dung, điềm tĩnh trước sự biến đổi tất yếu của hình xác con người. Nhiều khi họ còn tự hào coi đó là bằng chứng của tấm lòng báo quốc (Phong sương vốn là tiết của người bầy tôi/ Đành để cho trong gương hai mái tóc bạc- Lê Quang Định)... Có người còn tả tóc bạc để khoe hồn trẻ trung, tình tứ hoặc nhân chuyện râu tóc đổi thay mà nêu cao chí khí không già (Đêm khuya thắp nến ngắm râu ông/ Nực cười cho ta cũng đã là một cụ già/ Ngày tháng soi gương cán rìu chưa nát/ No buồm trung tín thuyền vẫn đương trôi - Ngô Thì Nhậm)... Với Nguyễn Du, mái đầu bạc đã trở thành “tín hiệu” riêng của nỗi thương thân. Có đến 45 lần ông “tự hoạ” mình với chi tiết ngoại hình giàu ý nghĩa ẩn dụ này: bạch phát, bạch đầu, phát đoản, tản phát, đầu bạch, đầu dĩ bạch như ngân... Hình ảnh đầu bạc xuất hiện nhiều nhất ở Thanh Hiên thi tập - khi nhà thơ chưa đầy ba mươi tuổi (23 lần - chiếm 51% / tổng số 45 lần). Nó không tương ứng với thời gian sống khi hiện diện giữa những tháng năm lẽ ra là sung sức nhất của đời người. Mái đầu tóc ngắn, tóc bạc là dấu tích hữu hình của những đau thương, bất hạnh dội xuống cuộc đời Nguyễn Du. Chúng gợi sự mất mát của tuổi thanh xuân, sự mòn mỏi của tài năng, chí khí "Bạch phát tiêu ma bần sĩ khí" (Tóc bạc làm tiêu ma chí khí kẻ sĩ nghèo- Tặng Thực Đình), "Bạch phát hùng tâm không đốt ta" (Tóc bạc rồi, dù có hùng tâm nhưng chỉ biết than thở- Khai song)...
Hình ảnh tóc bạc, đầu bạc còn được Nguyễn Du sử dụng để nhấn mạnh sự nhỏ nhoi, hữu hạn của đời người giữa không gian vô hạn và dòng thời gian, đầy biến động của cõi đời. Như thể con người chưa kịp sống, chưa kịp hiểu những đổi thay thế sự... thì đã bị cướp đi tuổi trẻ, ước mơ và hi vọng. Để rồi đến lúc tưởng chừng có cơ hội thi thố tài năng thì sức lực, tâm huyết đều mòn mỏi, niềm tin cũng lụi tàn...
Niềm thương thân của Nguyễn Du không còn giới hạn ở quan niệm chung "hữu thân hữu khổ" mà in đậm dấu ấn của những bi kịch cá nhân. Đối diện với mình, ông cảm thương cho con người bị cuốn vào cuộc đời dâu bể và hoàn toàn bất lực trước sự trôi chảy, tàn phá của thời gian, trước bao nhiêu sầu hận riêng chung... Nỗi thương thân cũng là một trong những khuynh hướng cảm hứng nổi bật nhất trong kiệt tác Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du. Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh thống kê 63 chữ Thân “với nghĩa là mình, thân thể” (4). Trần Đình Sử khẳng định thương thân, xót thân là cảm hứng bao trùm Truyện Kiều: “Ý thức về thân chính là ý thức về cái phần cá nhân riêng tư nhất, thực tại nhất của con người. Truyện Kiều là một truyện thương thân, xót thân thấm thía nhất”(5)...
Như thế, thương thân, xót thân là một nguồn cảm hứng lớn và được thể hiện nhất quán trong sáng tác của Nguyễn Du. Hình tượng con người thương thân trong thơ chữ Hán góp phần lí giải nỗi thương đời sâu nặng trong Đoạn trường tân thanh – theo quy luật ứng xử đẹp đẽ, chân thật nhất của tình người: “Thương người như thể thương thân”. Bởi vì, nỗi thương thân của Nguyễn Du đâu chỉ nảy sinh từ cảnh ngộ riêng mà còn bắt nguồn từ mối đồng cảm sâu xa của nhà thơ với mọi nỗi đau bao trùm thân phận con người: “Tang tử binh tiền thiên lí lệ”(Giọt lệ nơi nghìn dặm khóc cho cuộc binh đao ở quê hương - Bát muộn); "Tứ hải phong trần gia quốc lệ" (Bốn bể gió bụi, lệ rơi vì tình nhà nợ nước - My trung mạn hứng). Con người thương thân trong các thi tập Nguyễn Du vừa in đậm dấu ấn tâm hồn tác giả, vừa thể hiện những suy tư, trăn trở của một lớp người, một thế hệ.
Khi viết về Đỗ Phủ, Nguyễn Du đã ngậm ngùi thương cảm: “Nhất cùng chí thử khởi công thi” (Một thân nghèo đến thế, há phải vì hay thơ?). Nhà thơ cũng từng nói, trong tiếng ve kêu có điệu thanh thương não nùng, buốt giá nhưng “Bất thị sầu nhân bất hứa tri”(6). Người nghệ sĩ phải biết sống sâu sắc với những khát khao, ước vọng; thấm thía cả những nỗi đau của bản thân mới có thể hiểu người, hiểu đời - để mà chia sẻ, yêu thương...
Con người thương thân và những nghiệm sinh đau đớn đã là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên chiều sâu và tầm vóc cái tôi trữ tình trong thơ chữ Hán nói riêng và chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du nói chung. Đây cũng là một bằng chứng đầy sức thuyết phục về sự xuất hiện của con người cá nhân trong văn học trung đại.
Nguồn: Nguyễn Thị Nương - VHNA
------------------------------------------
- (1), A.J.A. Gurêvích (1998), Các phạm trù văn hóa trung cổ, Hoàng Ngọc Hiến dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 50, tr.78.
- (2) Xin xem Nguyễn Du toàn tập, Mai Quốc Liên chủ biên, Nxb Trung tâm nghiên cứu quốc học, Huế, 1996. Các trích dẫn thơ trong bài đều theo sách này.
- (3), (4), (5): Trần Đình Sử, Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, Tp Hồ Chí Minh, 2003, tr.112.
- (6) Không phải người có nỗi buồn trong lòng thì không thấu hiểu được (Sơ thu cảm hứng II)