Con người và thơ ca Bùi Giáng dường như ăn nằm với một chữ “Chơi”.
Một cuộc chơi lu bù, bất tận, điên đảo, “tục tĩu mà thần tiên”.
Nói theo ngữ ngôn của ông là: trùng du điệp hí, anh nhi hí, đồng tử hí, trần gian du hí, thần thông du hí, ngày tháng ngao du, đùa với tuyết rỡn với vân, tót vời cuộc chơi, mở trận đùa rỡn từng cơn cơn cuộc cuộc, chơi theo lối nghịch hành, chơi trùng khơi trí hải….
Chơi thiên nhiên, chơi đời, chơi thơ, chơi huyền thoại, chơi kinh điển, chơi giai nhân, chơi hỗn độn, chơi thiêng liêng, chơi sáng tạo. Và chơi cái chết.
Thế giới đầy sáng tạo này là Vishnu Lila, trò chơi của Vishnu theo người Ấn Độ. Lila là chơi đùa, nhảy múa. Riêng cõi thơ này là Bùi Giáng Lila.
Đừng đọc thơ Bùi Giáng. Hãy chơi đùa và nhảy múa cùng thơ ấy.
Đó là thơ của Hồn du mục, thơ của Đời vui đón hội và thơ của Ngữ ngôn cuồng dại.
HỒN DU MỤC
Tập Mưa Nguồn là thơ của du tử, mục tử hiểu theo mọi nghĩa. Trang thơ mở đầu đã ngân lên hồn du mục:
Cỏ hoa từ bỏ ruộng đồng
Hồn du mục cũ xa gần hử em
Bùi Giáng từng chăn dê chăn bò vào mấy năm cuối thập niên 40 vào cuối thế kỷ trước. Có thể thấy rõ việc làm đó cũng là trò chơi, đúng cốt cách Bùi Giáng.
Và chắc chắn nhà thơ mục tử xem chuyện chăn dắt ấy có hẳn một tư cách khác. Con người là mục tử chăn giữ “Tính thể”. Ý tưởng ấy Heidegger bày tỏ trong Thư về Nhân bản luận, một tác phẩm mà Bùi Giáng rất tán tụng.
Không chỉ cánh đồng của du mục là cánh đồng mà thân thể cũng là cánh đồng theo cách nói của Chí Tôn ca (Bhagavad Gita, khúc 13).
Trong lời tựa cho cuốn L’Anti – Oedipe của Deleuze, Foucault viết: “Hãy chuộng lấy những gì lạc quan và đa dạng, chuộng khác biệt hơn là đồng dạng, lưu lãng hơn là đóng khép, biến chuyển hơn là hệ thống. Hãy tin rằng những thành tựu không đến từ ngồi yên mà từ hồn du mục” (1).
Bùi Giáng đem phong cách du mục vào thơ ca, một phong cách tràn đầy tự do, ngang tàng, táo bạo, bất chấp, phụng dâng, tận hiến, tung hê, cuồng ngạo.
Mọi thứ trong thơ Bùi Giáng đều khác thường, lưu lãng, biến chuyển, đều trôi, bay, cuộn sóng, bão giông, quay cuồng, xô đẩy, ầm ào, lên đường, tách bến, ra khơi…
Từ đó mà:
Gót chân khơi rộng bóng cành…
Trùng quan vó ngựa tế nhanh trong mù
Trời đêm tinh tú chạy vòng…
Người xuống theo giòng trôi nước lũ
Người xuống theo thu gió thổi trời
Ô vạn vật vẫn chờ nguồn nước lũ
Nghe mùa nước lũ nguồn trôi phăng đồng
Nguồn trôi nước lũ xuống đè cát xanh
Cái lưu lãng không chỉ nằm ở tứ mà còn nằm ngay trong ngữ âm:
Bờ thánh thót động giòng em đi đến
Làn lênh lang lau lách lại luân lưu…
Trong bài Tuổi Trẻ (Mưa Nguồn) nhà thơ không ngớt giục: “Chạy đi em!”, “Chạy đi em!”… Với người thương, không là ru ngủ như thường tình mà là giục chạy, có lạ không!
Không chỉ có người mới đi và chạy. Cả bản thân THƠ nữa, thơ cũng trôi:
Thơ còn có chảy dưới chân em?
Đó là thế giới của gió và nước, của phiêu du và chuyển hóa.
Nhưng cái đi đến một lúc nào đó lại trùng phục với cái về.
Nước đi ra bể lại MƯA về NGUỒN
(Tản Đà)
Hồn du mục, hồn phiêu lưu cũng là hồn của về nguồn, hồi nguyên. Hồn của Ulysse, Từ Thức. Cội nguồn, ngõ ban sơ, cố quận, nguyên xuân…
Ra đi hẹn với xuân đầu
Buổi hồi nguyên lại pha màu bình minh
Thế cho nên Mưa nguồn mở đầu với hồn du mục và kết tập với:
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi còn gửi đôi giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù
Như vậy là đi và về được nối kết, xưa và sau được nối kết. Cũng thế, sống và chết được nối kết. Tất cả ở trong trò chơi bất tuyệt.
Cả cái chết cũng là trò chơi. Chơi cái chết. Đã chết rồi lại chết nữa. Chết thêm một trận:
Con bèn tái điệp dấn liều
Chết thêm một trận hoang liêu song trùng
Nều hồn chỉ là tâm, thể chỉ là thân thì không thể chơi đùa như thế được. Nhưng với tâm thần phân lập (schizo) thì khác. “Schizo là vũ trụ của cơ chế dục vọng, có thể sản xuất và tái sản xuất”, theo Deleuze (2).
Do vậy mà có hai câu thơ độc đáo và phân lập trong Rong rêu:
Em đi như thể thân là thể
Anh ở một mình thể mất thân
Hoặc như:
Chúng tôi người ngợm vô thường
Lúc mê man lúc chán chường thể thân
Đùa rỡn hết mực, thơ Bùi Giáng trở thành một thứ NGHỊCH THƠ. Nghịch là đùa mà cũng là ngược. Thơ ấy có thể nghịch mắt trái tai với những người xem thơ ca nghệ thuật là trịnh trọng trang nghiêm.
Nhưng phải nhận ra gương mặt thơ của Bùi Giáng như một trò hài (farce).
Nhận xét về văn chương nghệ thuật hiện đại, Ortega trong tiểu luận Giải nhân hóa nghệ thuật (The Dehumanization of Art) cho rằng: “Nghệ thuật được nhận ra như một trò hài (farce)… là trò hài chính là sứ mệnh và đạo lý của nghệ thuật… mời gọi chúng ta nhìn tác phẩm như một trò đùa (a joke) tự chế nhạo mình trong yếu tính… Nghệ thuật mới tự lố bịch hóa mình” (Art… is recognized as a farce… to be a farce may be precisely the mission and the virtue of art… invite us to look at a piece of art that is a joke and that essentially makes fun of itself… The new art ridicules art itself) (3).
Những lời ấy Ortega viết từ năm 1925 ở Tây Ban Nha trongGiải nhân hóa nghệ thuật.
Đến năm 1971, ở Việt Nam, trong Ngày tháng ngao du, có thể là tình cờ Bùi Giáng cũng nêu lên “giọng nói lố bịch” trong triết học và thơ ca:
“Nietzsche thường có giọng nói lố bịch như thế. Lố bịch một cách khệ nệ khệnh khạng như Lão Tử. Hoặc như những ông thiền sư lố bịch ‘Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư’.
Thơ văn tôi làm cũng có lố bịch, nhưng lố bịch một cách thơ dại, khiến người đọc vui vẻ trường thọ…
Lố bịch như thế khiến cõi đời thơ mộng ra. Chúng ta không còn ngạc nhiên gì nữa, nếu thấy bao nhiêu hoàng hậu trong sử xanh đều yêu mến Bùi Giáng, và xa lánh Nietzsche, xa lánh Lão Tử, xa lánh những ông thiền sư”.
Có một trò chơi văn bản (text play) mà Bùi Giáng hết sức ưa vận dụng tạm gọi theo thể cách của ông là trùng phục thu hồi. Đó là cách mà thơ ông tiếp biến với văn chương kinh điển, đặc biệt là với Nguyễn Du, Kinh Phật và Camus. Thường là ông lặp lại (trùng phục) một ít ngữ ngôn hay ý cảnh của họ, từ đó khai lộ những khả tính mới hay hồi nguyên (thu hồi) cái ẩn mật giấu mình nơi đó.
Trùng phục thu hồilà dụng ngữ ông dịch từ Heidegger (nguyên văn tiếng Đức là Wiederholung) khi triết gia này đọc lại Kant.
Ta tạm lấy cụm từ Trùng phục thu hồi để chỉ một thủ pháp thường thấy trong thơ Bùi Giáng.
Trong bài lục bát Hoàng hậu, thử nhặt ra hai câu thơ quen thuộc:
Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua
Thơ Nguyễn Du luôn ám ảnh Bùi Giáng. Hơn một lần Bùi Giáng nhắc đến ngõ hạnh. Bắt đầu từ câu 2862 trong Truyện Kiều:
Cửa trời rộng mở đường mây
Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần
Ngõ hạnh viênlà nơi các tân khoa tiến sĩ dự yến, xem hoa, dạo chơi. Hạnh đàn là nơi dạy học, ca hát gảy đàn. Dương Qúy Phi được gọi là Hạnh hoa thần…
Bản thân Bùi Giáng có dịch bài tản văn Những cây hạnh (Les Amandiers) của Camus in trong Mùa hè sa mạc, trong đó có câu: “một đêm duy nhất lạnh giá và thuần khiết tháng hai, những cây hạnh trong thung lũng Consuls sẽ đơm đầy bông trắng”. Điều này trùng hợp với những cây hạnh Á Đông, nơi tháng hai (âm lịch) là tháng hoa hạnh (Hạnh hoa phát vu lộ hàn: hoa hạnh nở trong sương lạnh).
Và chữ hạnh còn làm ta liên tưởng đến hạnh phúc, hạnh vận, hạnh ngộ…
Khi người tài tử đi qua cuộc đời thì phong tư tài mạo tuyệt vời của họ sẽ ngân dài trong khí quyển của những niềm vui hạnh ngộ, và những ngõ hạnh sẽ nở đầy hoa trắng bất tuyệt, và những mặt hạnh môi đào sẽ đón chờ đâu đó, mặc buốt giá lạnh sương.
Đó chính là đời vui đón hội.
ĐỜI VUI ĐÓN HỘI
Giọng người đổ xuống bến xanh
Đời vui đón hội sao đành sớm tan
Thơ Bùi Giáng là lời tụng ca trần thế, tụng ca cuộc sống. Trước cõi đời và mặt đất, thơ ông dâng lễ mừng, dâng lời tạ ơn. Với ông, đời là hội, như hai câu lục bát trong Mưa nguồn kể trên. Ông gọi trần gian là lễ hội. Ông gọi thi sĩ xưa nay là những người trẩy hội trần gian:
“Họ vào cuộc Lễ Hội Trần Gian cũng đơn sơ như con chim về mùa Xuân ca hót… chỉ xin vào cuộc Hội Hoa Đăng, ca một lời cho Hoa Đăng xán lạn. Cho mọi người cùng yến tiệc giữa Hoa Đăng…” (Đi vào Cõi Thơ).
Giả như Ta hỏi: Tại sao thế, thì có lẽ ông sẽ đáp rằng: “Vì đời là rất mực rất thiêng liêng” (trong bài Vì có lẽ).
Nhưng cái thiêng liêng ở Bùi Giáng không là cái gì cách biệt với cái phàm tục. Do vậy ông thản nhiên viết:
Mở hai hàng cỏ tháng ba
Lễ là Đi Tiểu hội là Vén Xiêm
(Ngày tháng ngao du)
Có ai viết hoa Đi Tiểu và Vén Xiêm như Bùi Giáng không, xin chỉ cho tôi.
Chưa hết đâu, những người con gái của ông sẽ vén xiêm đi tiểu ở trên môt cõi Phật Quốc thiêng liêng và thanh tịnh:
“Lúc bấy giờ, tại ngưỡng cửa một non nước tinh khiết Chúng Hương, ‘những người con gái sẽ vén xiêm đi tiểu’…” (Ngày tháng ngao du).
Phải yêu trần gian thế nào mới làm ra những câu thơ phàm tục ấy? Bùi Giáng không báng bổ Phật Quốc hay Thiên quốc nào. Và quan trọng hơn là ông không bao giờ báng bổ trần gian:
Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương
(Mưa nguồn)
Tôi đã đặt trong bàn tay vạn vật
Quả tim mình nóng hổi những chờ mong
(Mưa nguồn)
Quả tim ấy tràn đầy lòng biết ơn đối với vạn vật, từ “kiến bé một con”… đến “cô em mọi nhỏ” và “mây nước rộng xanh trời”…
Dâng lễ mừng là dâng lời cảm tạ với nàng trần gian, với Nương tử thiên nhiên, là đáp đền thơ vì đã được sống trên đời.
Bùi Giáng xui ta nhớ đến Osho trong tác phẩm Cỗ bài Tarot trong linh hồn Thiền – Trò chơi Đời (Tarot in The Spirit of Zen – The Game of Life):
“Dâng lễ mừng là tràn đầy cảm tạ; đó là lời cầu nguyện xuất phát từ lòng biết ơn… được sống, chỉ vậy thôi đã là hội hè… để dâng lễ mừng, chỉ đời là cần – mà đời thì bạn có rồi. Để dâng lễ mừng, chỉ hiện hữu là cần – mà hiện hữu thì bạn đang có. Để dâng lễ mừng, cây lá, chóc chim và sao trời là cần, và chúng có sẵn đấy thôi. Bạn còn cần gì khác?” (4).
Chẳng những nhà thơ ca mừng đời, với tư cách mục tử, ông còn để cho đàn dê mình chăn dắt trên đường trở về ca mừng cuộc sống:
Rập ràng về bế hế rập ràng ca
Đọc thơ Bùi Giáng, khó mà quên tiếng bế hế rập ràng ấy của đàn dê hòa thanh với lời ca “thi dựng” của nhà thơ trong “Ngữ ngôn cuồng dại chập chờn”.
NGỮ NGÔN CUỒNG DẠI
Đọc Bùi Giáng như thể là đi lạc vào một thế giới hỗn độn, chập chờn. Thiên la địa võng của ngôn từ tuôn ra từng trận từng cơn, trùng trùng điệp điệp.
Câu thơ “Ngữ ngôn cuồng dại chập chờn” của chính Bùi Giáng trong Ngày tháng ngao du có thể dùng để miêu tả thế giới Bùi Giáng – đó là thế giới của người thật dắt tay người ảo. Các nhân danh địa danh nửa có nửa bịa. Các trích dẫn chương cú hư hư thực thực. Những đối thoại tưởng tượng (với Nguyễn Du, Nietzsche, Trang Tử, Simone Weil, với các “mẫu thân”, với chính mình, với cả châu chấu, chuồn chuồn) thì quá ư tiếu ngạo, trộn lẫn mọi thứ có thể và không thể…
Bùi Giáng tung ngọc vào bùn, chẳng cần quan tâm thị phi, khinh trọng.
Ông trộn nhã và tục trong nói lái, pha điên và tỉnh trong triết lý, lẫn giả và chân trong trò chơi văn bản, chen hay và dở những câu thơ.
Thế giới đó, dẫu sao đi nữa, là có một không hai.
Bùi Giáng hồn nhiên như trẻ con và tinh ranh như hồ ly, như khi con chồn nó lùi.
Còn ghì lại ân tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì hẹn với truông ngàn
Hai câu thơ đẹp chứ gì. Nhưng ai đó lại đọc lái chữ “cỏ nhặt”.
Lại câu thơ khác:
Vườn hoa nụ đứng nụ đằm…
Đó là nói lái Bùi Giáng.
Và bây giờ là nói đảo:
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con
Câu thơ rất nổi tiếng, nhất là sau khi được phổ nhạc. “Người một con” là gì? Vẫn còn cãi nhau.
Đó có lẽ chỉ là cách nói đảo của “một con người”. Cách này Bùi Giáng vẫn hay chơi. Ví dụ:
Bây giờ em đếm đầu năm ngón
Lát nữa sương dầm tuyết sẽ pha
(Ly Tao)
“Đầu năm ngón” tức là “năm đầu ngón”.
Tay năm ngón bốn mùa em đi đếm
(Biểu tượng sơ nguyên)
Tay năm ngón – Năm ngón tay.
Kiến bé một con
Bò trên cỏ dại
(Lá thổi như bay)
“Kiến bé một con” – Một con kiến bé.
Giản dị hơn là cách nói đảo của những từ thân thể và xương xẩu:
- Chán chường thể thân
- Kiệt tận xẩu xương
(Lời người điên)
Đôi khi trích dẫn kinh văn, Bùi Giáng không buồn ghi xuất xứ. Đã thế còn tráo chữ, cưỡng từ đoạt ý. Chẳng hạn, trong Ngày tháng ngao du, ông dẫn kinh văn như sau:
“Lúc bấy giờ Trí Hải Ưu Bà Di ngồi tòa chơn kim, đội mão hải tạng chân chu võng,… rủ tóc xanh ngần…”
Ta có thể đoán biết ông đang dẫn kinh Hoa Nghiêm. Có điều trong kinh ấy không có Trí Hải Ưu Bà Di mà chỉ có Hưu Xả Ưu Bà Di.
Bùi Giáng cố tình đưa Thích Nữ Trí Hải (tức Phùng Khánh) vào kinh Hoa Nghiêm. Trong thơ văn của mình, ông liên tục nhắc đến mẫu thân Phùng Khánh, cũng như ca ngợi thần thông trí hải, trùng khơi trí hải.
Sau đoạn trích trên, ông còn điểm thêm câu “Chùa Vạn Hạnh nức nở reo mừng…”
Và sau đó, ông thản nhiên trích dẫn kinh văn tiếp tục:
“Kẻ nào có dịp nhìn thấy vị Ưu Bà Di kia, lập thời mọi mọi phiền não liền được trừ diệt, rời xa mọi nhơ bợn kiến chấp, xô nhào mọi núi non chướng ngại, mà nhập vào cảnh giới vô ngại thanh tịnh… trở thành thy sĩ thượng thừa thù thắng trung niên…”
Tất nhiên, Trung niên thy sĩ ở đây là Bùi Giáng.
Bùi Giáng ơi, Chơi như Ngài có ai đâu
Trùng khơi trí hải gieo mầu nhiệm thơ.
Nguồn: Nhật Chiêu - VHNA
--------------
Chú dẫn: