Các tác giả Hy Lạp được dịch lần đầu tiên vào thế kỷ 3 TCN. Tác phẩm của họ được dịch sát từng từ một nhưng dần dà đặt ra vấn đề đối lập giữa một bên là “ý nghĩa” nằm trong bản gốc, với bên kia là “từ ngữ”, cái phải bị thay đổi. Sự dao động giữa hai cực -đảm bảo chính xác từng chữ hay trung thực với tinh thần - kéo dài mãi cho đến thế kỷ 19 khi xuất hiện một tư duy dịch thuật hoàn toàn mới.
"Translatio studii” và“Translatio imperii”
Không quá lời khi nói rằng dịch thuật cấu thành nền văn minh phương Tây. Khái niệm “translatio studii” (chuyển giao kiến thức), từ khóa của thời Trung Cổ, là một minh họa hoàn hảo cho điều này. Theo khái niệm này, tri thức được chuyển dịch từ Hy Lạp sang Rome, sau đó từ Rome lan tỏa đến cộng đồng Cơ Đốc giáo. Sự chuyển giao tri thức này đi cùng với sự chuyển giao quyền lực (translatio imperii): nó đã diễn ra từ Hy Lạp sang đế chế La Mã, rồi chuyển giao đến triều đại Carolin, mãi cho đến thời Phục Hưng. Dịch thuật không chỉ gắn chặt với bối cảnh lịch sử hay văn hóa mà còn là chuyện chính trị. Thêm vào đó, nếu như những gì được dịch đóng vai trò quan yếu thì những gì không được dịch cũng quan trọng tương tự. Quan điểm mà Roger Bacon (1214-1294) đã nhấn mạnh trong tác phẩm Opus Tertium (Cassin, 2004, trang 1315): “Trước hết, Thượng đế thần khải cho các vị thánh của Ngài, cho họ luật lệ […]. Vì thế, tư tưởng ấy được đưa ra chủ yếu và hoàn toàn bằng tiếng Do Thái. Sau đó, chủ yếu là Aristote cải biến nó bằng tiếng Hy Lạp; rồi chủ yếu là Avicenne cải biến bằng tiếng Ả Rập, chứ chưa bao giờ được thảo ra bằng tiếng Latin, mà chỉ được dịch/chuyển giao (translata) từ những ngoại ngữ, và những [văn bản] hay nhất lại không được dịch (translata).
”Người La Mã đã không quan tâm đến vật lý, thiên văn, toán học, mà lĩnh vực cuối cùng này người Hy Lạp lại rất coi trọng. Chính người Ả Rập đã dịch những văn bản khoa học của người Hy Lạp từ thế kỷ 8, rồi sau đó lại phát tán chúng đến phương Tây. Dịch thuật không phải là một công việc “trung lập”: người Ả Rập cảm thấy dịch thôi là không đủ mà còn làm giàu kiến thức khoa học lên rất nhiều bằng các công trình nghiên cứu của chính họ (Djebbar, 2005). Đến lượt mình, những tri thức này được người phương Tây dịch (dịch lại) và làm giàu hơn nữa. Xét tầm quan trọng của “translatio studii et imperii” thì không có gì đáng ngạc nhiên khi từ rất sớm người ta đã quan tâm đến một vấn đề then chốt, đó là những gì không thể dịch được.
Chính ở Rome người ta đã tạo lập các cơ sở lý thuyết đầu tiên về dịch thuật cho thế giới phương Tây, thông qua tiếng Hy Lạp, thứ ngôn ngữ có những điểm giống và cũng có không ít điểm khác biệt với tiếng Latin. Các tác giả Hy Lạp được dịch lần đầu tiên vào thế kỷ 3 TCN. Chúng được dịch sát từng từ một nhưng dần dà đặt ra vấn đề đối lập giữa một bên là “ý nghĩa”, nằm trong bản gốc và là cái phải lưu giữ, với bên kia là “từ ngữ”, cái phải bị thay đổi, vì người ta cho rằng tiếng Hy Lạp không thể dịch y nguyên sang tiếng Latin được. Do đó, Cicéron (106-43 TCN) đã trình bày phương pháp mà ông theo đuổi trong những bản dịch của chính mình: “Tôi đã không dịch chúng ra theo cách đơn giản của một người dịch (ut interpres), mà như một diễn giả (sed ut orator) tôn trọng cả câu, những tổ hợp từ hay tư duy, và đôi khi sử dụng những từ ngữ được biến chuyển cho hợp với cách nói Latin. Cho nên tôi nghĩ không cần phải dịch từng chữ một (verbo verbum reddere).” (Oseki-Dépré, 1999, tr. 19).
Thao tác tương tự cũng được ông áp dụng để dịch các triết gia Hy Lạp: “Và thậm chí nếu tôi dịch (verterer) tác phẩm của Platon hay Aristote, như các nhà thơ của chúng ta dịch thơ Hy Lạp, tôi nghĩ rằng việc giúp cho công dân thành bang tôi tiếp cận được với những thiên tài này bằng cách mang (transferre) các thiên tài này lại gần họ là một điều không tồi mà tôi có thể cống hiến.”(Cassin, 2004, tr.1308) Cicéron đưa một phần chuyển đổi đáng kể vào trong bản dịch ở Rome, bởi mục đích là làm “bản gốc” phù hợp với “cách nói Latin”.
Ngoài dịch các tác phẩm văn học và triết học còn phải kể đến dịch Kinh Thánh, công việc cực kỳ quan trọng với phương Tây Hy-La lẫn phương Tây Do Thái-Cơ Đốc. Việc dịch Kinh Thánh không bắt đầu ở Rome mà ở Alexandrie vào thế kỷ 3 TCN. Bản Bảy Mươi (Septante) được cộng đồng Do Thái ở thành phố này dịch ra tiếng Hy Lạp, vì đó là ngôn ngữ quốc tế phổ biến nhất thời bấy giờ, cả ở khía cạnh văn học lẫn chính trị. Khi tiếng Latin soán ngôi tiếng Hy Lạp ở chức năng chính trị vào thế kỷ 4 sau Công nguyên, bản dịch Latin phổ biến nhất là bản của thánh Jérôme, tên của bản này (la Vulgate) cho thấy, nó có mục đích làm cho càng đông người hiểu càng tốt [la Vulgate xuất phát từ từ vulgata, nghĩa là “làm cho tiếp cận được, làm cho công khai”, bản thân từ này cũng xuất phát từ từ vulgus, nghĩa là “đám đông”].
Thánh Jérôme khởi đầu từ tác phẩm Bản Bảy Mươi, nhưng cho rằng nó không chính xác so với nguyên bản tiếng Hebreu, và muốn phục hồi l’hebraica veritas trong bản dịch của mình. Đó là lý do ông điều chỉnh lại quan điểm của Cicéron khi khẳng định: “Đúng vậy, về phần mình, tôi không chỉ thú nhận mà còn lớn tiếng công khai thú nhận không chút ngại ngần rằng: khi tôi dịch người Hy Lạp, tôi không dịch từ này ra từ kia mà là dịch từ ý này ra ý kia – ngoại trừ Thánh Kinh nơi trật tự từ ngữ là một bí ẩn.” (Oustinoff, 2007, trang 28).Kể từ đó, dù trong lĩnh vực văn học, lý thuyết hay tôn giáo thì quan điểm của phương Tây về dịch thuật đều dao động, và sẽ còn dao động lâu dài, giữa hai cực: đảm bảo chính xác từng chữ (dịch theo chữ, ad verbum), hay trung thực với tinh thần (dịch theo nghĩa, ad sensum). Bản gốc nằm giữa hai cực đó: phải đợi đến thế kỷ 19 mới xuất hiện một tư duy hoàn toàn mới.
Bước ngoặt dịch thuật học ở nước Đức thời lãng mạn chủ nghĩa.
Như Antoine Berman đã chỉ ra trong l’Épreuve de l’étranger. Culture et traduction dans l’Allemagne romantique (1984), khái niệm dịch thuật hình thành ở nước Đức thời lãng mạn chủ nghĩa đi ngược lại quan điểm Hy-La, quan điểm mà cùng thời đó được duy trì rất lâu bởi giới thực hành Pháp hay còn gọi lBelles Infidèles (những Kẻ Bội Phản Tuyệt Vời), những người chủ trương Pháp hóa một cách quá đáng. Có thể đánh giá được việc đảo ngược quan điểm nếu tham chiếu những gì Rudolf Pannwitz khuyến nghị (Berman, 1984, tr.36): “Các bản dịch của chúng ta, kể cả những bản hay nhất, đều xuất phát từ nguyên tắc sai lầm là muốn Đức hóa tiếng Phạn, tiếng Hy Lạp, tiếng Anh, thay vì phải Phạn hóa, Hy Lạp hóa, Anh hóa tiếng Đức (...). Sai lầm căn bản nằm ở chỗ bảo lưu trạng thái thứ yếu của ngôn ngữ mẹ đẻ thay vì phải để nó tuân phục những xung lực tàn bạo của ngoại ngữ.”
Tuy nhiên ngợi ca những gì dịch thuật mang lại cho ngôn ngữ mẹ đẻ chẳng phải là đề tài gì mới. Đó là những gì Joachim du Bellay đề xuất trong Deffense et illustration de la langue françoise (1548): “Nếu người La Mã (hẳn ai đó sẽ nói) không quan tâm đến công việc dịch thuật như vậy, thì bằng cách nào họ có thể làm giàu được ngôn ngữ của mình, đến mức khiến nó trở nên ngang bằng với tiếng Hy Lạp?” (Longeon, tr.157). Nhưng đó chỉ là bước đầu của chu trình vốn bao gồm ba bước: bước “thích nghi”, từ khóa của thời Phục Hưng; bước thứ hai là “bắt chước”; bước thứ ba cao cấp hơn hai bước trước đó và nhắm tới “làm rạng danh” ngôn ngữ mẹ đẻ bằng cách tạo ra những tác phẩm mới. Rome đã trải qua toàn bộ chu trình này, và đây cũng là chu trình của thời Phục Hưng.
Điều đặc biệt đầu tiên của những nhà lãng mạn Đức chính là xem dịch thuật như địa hạt thường hằng để làm giàu các ngôn ngữ, các nền văn chương, các nền văn hóa của cả nhân loại, địa hạt cho phép “làm giàu cái Bản Sắc thông qua suy tưởng cái Ngoại Lai” (Berman, 1984, tr.16). Wilhelm von Humboldt là một trong những người đã lý thuyết hóa chuẩn nhất vấn đề này bằng cách phân biệt tính ngoại lai và cái ngoại lai: “Thực ra, cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng quan niệm [ý nghĩ] cho rằng dịch thuật mang sẵn trong nó hành động tô vẽ thêm tính ngoại lai, nhưng rất dễ vạch được ra giới hạn mà ở đó điều này còn thiếu sót. Chừng nào ta còn chưa cảm thấy tính ngoại lai mà chỉ cảm thấy cái ngoại lai thì chừng đó dịch thuật đã đạt được cứu cánh của nó; còn khi nào tính ngoại lai hiện ra lồ lộ che luôn cả cái ngoại lai thì khi đó là dịch giả đang cho thấy mình không ngang tầm với bản gốc.” (Humboldt, 2000, tr.39).
Điểm đặc biệt thứ hai là xem xét lại vị thế của bản gốc. Quả thực, bản gốc không còn là tác phẩm tối thượng, mà chỉ là một trong các phiên bản, có lẽ là phiên bản quan trọng, nhưng mỗi bản dịch sẽ “tăng tiềm năng” cho nó: “Khi khẳng định, dù là ẩn ý, rằng việc dịch thuật tăng tiềm năng cho bản gốc, Novalis đã góp phần cho chúng ta thấy những điều được thêm và những điều mất đi ở đây không nằm cùng cấp độ. Có nghĩa là: trong một bản dịch, không chỉ có một tỷ lệ được-mất nào đó. Bên cạnh khía cạnh không thể chối cãi này còn có một khía cạnh khác, nơi một điều gì đó xuất hiện mà không hề xuất hiện trong ngôn ngữ nguồn. Dịch thuật khiến tác phẩm quay vòng vòng, bắt nó phải nó trình ra một gương mặt khác.” (Berman, 1984, tr.20).
Điều đặc biệt thứ ba liên quan đến cách xem xét/cân nhắc ngôn ngữ. Cha đẻ của tường giải học hiện đại, Friedrich Schleiermacher, cũng chính là một trong những lý thuyết gia hiện đại đầu tiên về dịch thuật với tác phẩm Des diffférentes méthodes du traduire (1999). Nhưng chúng ta sẽ nhấn mạnh về đóng góp của Wilhelm von Humboldt, theo nhiều người là tác giả của một “cuộc cách mạng Copernic” trong lĩnh vực này (Hansen Love, 2000, xem thêm Trabant 1999).Trong cốt lõi những suy tư về ngôn ngữ của ông, chúng ta bắt gặp ý tưởng sau đây: “Sie selbst ist kein Werk (Ergon), sondern eine Thatigkeit (Energeia).” (Humboldt, 2003, tr.315), được dịch thành: “Bản thân nó không phải là một tác phẩm (ergon), mà là một hoạt động (energia)”. Nói cách khác, ngôn ngữ là một lực phản kháng, chứ không chỉ là công cụ phục vụ tư tưởng thuần túy. Vì ngôn ngữ mang lại hình hài cho suy tư, nên không phải không quan trọng việc suy tư được biểu đạt bằng ngôn ngữ này hay ngôn ngữ khác, mỗi ngôn ngữ lại tạo thành một thế giới quan (Weltansicht) chỉ thuộc về riêng nó. Tiếp nữa, nếu quả là như vậy thì sự dị biệt giữa các ngôn ngữ không phải là sự trừng phạt nào của Chúa Trời như một cách đọc vội vàng về huyền thoại tháp Babel từng khiến ta hiểu thế, mà đó là một yếu tố giúp làm giàu lẫn nhau.“
Translation studies” và toàn cầu hóa
Như vậy các lý thuyết chủ nghĩa lãng mạn Đức đã làm nên một bước ngoặt trong cách thức quan niệm dịch thuật. Nếu trước đó, dịch thuật có xu hướng bị coi là “gây tổn thất” (Berman, 1995) thì sau đó dịch thuật không còn mục đích đơn thuần là tái tạo bản gốc nữa: nó còn được xem xét (theo hướng tích cực chứ không còn tiêu cực) từ góc độ chức năng chuyển hóa, với tư cách energeia. Đó là một trong những xu hướng sẽ được “Translation Studies” (dịch thuật học) lấy lại, một thế kỷ sau đó.Để chắc chắn, chỉ cần đọc đoạn sau đây, trích trong lời mở đầu của Susan Bassnett và André Lefevere viết cho cuốn Contemporary Translation Theories của Edwin Gentzler (2001, tr.II): “Dịch chắc chắn là việc viết lại bản gốc (...). Viết lại là một điều chỉnh, được thực hiện nhằm phục vụ quyền lực, sự điều chỉnh mà khi nhìn dưới góc độ tích cực sẽ đóng góp cho sự phát triển của một nền văn học và một xã hội nhất định. Viết lại mở ra khả năng nhận nạp những khái niệm mới, những thể loại mới, những phương thức mới, do vậy mà lịch sử dịch thuật cũng là lịch sử cách tân văn chương, và lịch sử của khả năng một nền văn hóa có thể nhào nặn nên một nền văn hóa khác.
”Điều độc đáo của cách tiếp cận trên cần được đặt trong bối cảnh thời đại. Vào thế kỷ 20, lúc đầu, quan niệm của các lý thuyết gia lãng mạn Đức gần như rơi vào lãng quên. Quan điểm ngự trị chính là quan điểm “đích đến” của dịch thuật, hoàn toàn hướng về ngôn ngữ đích, đặc biệt tại các nước nói tiếng Anh. Norman Shapiro trình bày nguyên tắc của nó không thể nào rõ ràng hơn: “Dịch thuật theo tôi là tạo ra một văn bản để ai ai cùng hiểu, đến mức người ta không còn nhận ra đó là bản dịch.” (Venuti, 1995, tr. 1).
Quả thực khái niệm “ngôn ngữ nguồn” và “ngôn ngữ đích” hay “ngôn ngữ xuất phát” (LD) và “ngôn ngữ đến” (LA) xuất hiện ở nhiều tác phẩm kể từ những năm 1960. Các thuật ngữ này phản ánh những ý định được thực hiện khi đó để hình thức hóa các thao tác đang được nhắc đến trong dịch thuật. Các mô hình được sử dụng đôi khi cực kỳ phức tạp (đặc biệt là trường hợp những lý thuyết gia dựa trên các công trình của Noam Chomsky), nhưng chúng ta có thể rút gọn tất cả lại thành công thức căn bản: LD → LA.
Các xu hướng này của những năm 1960 và 1970 không chỉ có bất tiện. Bản dịch hướng đích, nhờ vào chính sự “sáng sủa” của nó, có những lợi thế chắc chắn, đặc biệt từ quan điểm giao tiếp: phiên dịch viên có thể thỏa sức tham khảo nó bởi nếu khác đi thì cử tọa có nguy cơ chẳng hiểu anh ta nói gì; văn học thiếu nhi, chẳng hạn, lại càng không được phép “mù mờ”; tương tự với các sách phổ biến kiến thức thông thường, thể loại mà ngay ở định nghĩa đã không cho phép dùng ngôn ngữ tăm tối. Ngoài ra, việc hình thức hóa ngôn ngữ còn có những ứng dụng rõ ràng trong lĩnh vực dịch tự động (TA) hay dịch với sự trợ giúp của máy tính (TAO) mà sự hữu ích là điều không cần phải chứng minh thêm, trong một thế giới phải đối diện với “cơn lũ dịch thuật” bị các công nghệ thông tin truyền thông mới làm cho ngày càng lan rộng.
Dù vậy, mặt trái của những quan niệm trên ngày nay đã trở nên rõ như ban ngày. Trong lĩnh vực văn chương, Edmond Cary, từ năm 1958 đã phản kháng lại quan điểm cơ giới khi viết trong Comment faut-il traduire? rằng: “Dịch văn chương không phải là một thao tác ngôn ngữ, đó là một thao tác văn chương.” Trong những năm 1970, cũng trong luồng phản ứng lại quan điểm cơ giới đó mà xuất hiện các công trình của Henri Meschonnic, George Steiner, Antoine Berman, cùng những tác giả khác (xem Oustinoff, 2007).
Trong lĩnh vực khoa học nhân văn, việc truy vấn quan điểm ngôn ngữ ẩn dưới những khái niệm này đã được tiến hành, đặc biệt bởi Émile Benveniste trong cuốn Vocabulaire des institutions indo-européennes (1969). Cũng theo dòng này là công trình Vocabulaire européen des philosophies do Barbara Cassin chủ biên. Trong phần giới thiệu, tác giả giải thích rằng tác phẩm được làm nên “từ những từ ngữ do sự khác biệt rõ ràng giữa các ngôn ngữ tạo ra.” (2004, tr. XVII): Geist không hoàn toàn là mind, hay esprit, cũng như pravda không trùng khít với justice hay vérité, v.v. Thao tác tương tự cũng được ứng dụng trong chính trị, lịch sử và các môn khoa học nhân văn khác.
Ngoài ra, lý thuyết dịch thuật luôn đặc biệt quan tâm đến dịch văn học, và chỉ ít quan trọng hơn khi nói về những dạng thức dịch thuật khác. Nhờ vào lý thuyết tiếp nhận, phát triển bởi Trường phái Constance (H.R. Jauss, W. Iser, v.v.), “Translation Studies” không ngần ngại vượt xa khỏi khuôn khổ này đến mức xem xét cả những lĩnh vực trước đây bị xem là thứ yếu và nhờ đó mà tăng tầm quan trọng của mình. Vậy là cả một lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn bừng nở: dịch thuật trở thành một mắt xích trọng yếu của giao tiếp liên văn hóa, bởi lẽ người ta không bao giờ có thể xem dịch thuật như một yếu tố trung tính.
Phạm N.K. Ngọc – Nguyễn V. Hưng dịch
(Theo Tạp chí Hermès số 49, tháng Ba năm 2007, từ trang 19 đến 28)
Nguồn: Tia Sáng
----------------------------
* Tiến sĩ Đại học Paris III Sorbonne Mới