Phê bình toàn cảnh
Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết "Blogger" và "Ga ký ức" của Phong Điệp
09:37 | 05/08/2016

NGUYỄN NGỌC THẢO NGUYÊN

 

Phong Điệp là một trong số những cây bút nữ tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại. Xuất thân là một nhà báo, Phong Điệp đã có những trải nghiệm quý báu khi được tiếp cận với nhiều cảnh đời, số phận khác nhau.

Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết "Blogger" và "Ga ký ức" của Phong Điệp
Nhà văn Phong Điệp

Và chính những câu chuyện đời thực sống động hơn mọi trí tưởng tượng ấy, đã thúc giục Phong Điệp tạo nên những đứa con tinh thần giá trị. Thành danh với các tập truyện ngắn Khi ta hai mươi, Ma mèo, Người phía bên kia đường,… nhưng Phong Điệp vẫn cần mẩn, miệt mài sáng tác, tiếp tục cho ra đời những tiểu thuyết gây xôn xao dư luận bởi sự đổi mới về tư duy, bút pháp nghệ thuật. Với sự đổi mới không ngừng, những sáng tác của Phong Điệp đã có những dấu ấn mới đáng được ghi nhận. Theo chúng tôi, những dấu ấn đó tiến gần với nền văn học hậu hiện đại của thế giới. Tiểu thuyết đầu tay của Phong Điệp – Blogger (2009) và Ga kí ức (2015) là hai sáng tác thể hiện rõ nét lối viết hậu hiện đại với văn phong độc đáo và cấu trúc mới lạ. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết chỉ đề cập đến đặc điểm của không gian nghệ thuật trong hai tiểu thuyết này.

Không gian chính là môi trường tồn tại của con người: dòng sông, cánh đồng, ngọn núi, biển cả... Không gian cũng là nơi nhà văn triển khai sự kiện, biến cố, là chỗ cho nhân vật hoạt động. Không gian trong văn học là không gian nghệ thuật. Không gian đó không phải ngẫu nhiên như trong đời sống mà do người nghệ sĩ lựa chọn nhằm thể hiện ý đồ tư tưởng. Theo từ điển thuật ngữ văn học, “không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật, thể hiện tính chỉnh thể của nó… Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay của một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật”[3, tr.135].

Nhân vật trong BloggerGa kí ức của Phong Điệp là những con người của nỗi ám ảnh, của chán chường, của hồi tưởng, của day dứt. Họ chìm đắm trong thế giới riêng của chính mình, trôi giữa hai bờ thực ảo không xác định. Vì thế, không gian nghệ thuật ở đây là sự luân phiên giữa hai thế giới ấy, tạo cảm giác mơ hồ, không chân thực cho người đọc.

Không gian thực trong BloggerGa kí ức là bối cảnh xã hội đương đại, với khung cảnh làng quê và một thành thị đầy bất trắc. Thật ra, kiểu không gian này đã xuất hiện từ lâu và xuyên suốt trong rất nhiều những sáng tác của Phong Điệp trước đó (truyện dài Lạc chốn thị thành; tập truyện ngắn Kẻ dự phần, Bay trên mái nhà thành phố…). Thế nhưng, đến với hai tác phẩm này, thử nghiệm với một thể loại dài hơi như tiểu thuyết, Phong Điệp mới có thể một lần nữa tự khẳng định lại ngòi bút đa thể loại của mình. Trước tiên là không gian làng quê, các nhân vật trong hai tiểu thuyết của Phong Điệp đều là những con người xuất thân tỉnh lẻ, có sự dịch chuyển không gian sống từ làng quê để ra thành phố lập nghiệp. Bao năm qua đi, thời thế thay đổi nhưng làng quê vẫn là chiếc nôi yên bình dung dưỡng tâm hồn họ. Xã hội hiện đại, quá trình đô thị hóa đã mang đến cho đất nước những thay đổi tích cực với tốc độ nhanh chóng. Những đô thị ngày càng văn minh, hiện đại rất đáng tự hào. Thế nhưng bên cạnh đó, vẫn lẩn khuất đâu đây một nỗi tiếc nhớ không gian “làng trong thị” rất đỗi thân quen. Làng quê trong Blogger là nơi Hạ - Bé con – nó chào đời với khung cảnh của “một hồ nước phủ đầy bèo tím. Một chuồng lợn bỏ hoang phảng phất mùi rêu và bùn mục lưu cữu. Tới một ngôi nhà mái bằng cũ kĩ, hoa sao phủ dày…” [1, tr.14]. Theo thời gian, nó và Bé con cùng nhau lớn lên - linh hồn và thể xác trong Hạ đã hiện diện nơi thị thành hiện đại khi Hạ xin được việc trong một viện nghiện cứu. Thế nhưng, chúng không thể hòa nhập vào nhau, từng ngày qua đi, nó vẫn luôn ao ước tìm “lối thoát”. Nó luôn phấp phỏng chờ đợi, “chờ cho cô ta ngủ say, nó lẻn dậy, bay qua hồ nước, run rẩy đứng bên cửa sổ của ngôi nhà, nghe ngóng” [1, tr.75]. Nó nhớ mẹ, nhớ mảnh đất mình cất tiếng chào đời. Tình trạng của nó như là mong muốn trốn chạy khỏi hiện thực để làm một chuyến mạo hiểm trở về nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Ga kí ức, không gian làng quê được kí họa qua sự hồi tưởng của các nhân vật. Xóm Chùa Cuối nơi cô sống ngày bé là ngôi làng nhỏ thó, nghèo khổ nhưng rất đỗi thân thuộc với hình ảnh của “ngôi nhà rộng chừng hai sào đất. Nhà chói ba gian hai chái. Một cái ao. Vườn rau. Vài cây ổi, cây táo. Một cái giếng nước…” [2, tr.27]. “Vùng đất bị yểm bùa” tuy có nhiều điều đáng sợ đến mức kì quái nhưng với y vẫn là nơi để nhớ về, là nơi ấm áp hơn cả “ở làng y, mỗi sáng thức dậy, việc đầu  tiên người ta làm là nhen lửa. Có thể đặt ấm nước pha trà buổi sớm. Đặt nồi luộc khoai. Cất niêu cơm để mang ra đồng. Nấu gì không quan trọng. Quan trọng là có lửa làm ấm căn bếp…” [2, tr.137]. Có thể thấy, ở ngôi làng này, thắp lửa là nhóm lên hơi ấm cũng là nhóm lên sự hiện diện của những con người nơi đây. Tiếp đến là không gian làng quê của Phùng thuở nhỏ - làng Bình Yên, dù bị người đời ác khẩu dè bỉu Phùng là “đứa con hoang”, mẹ không chồng mà có chữa nhưng đó là những ngày tình mẹ con gần gũi, gắn bó hơn cả. “Ngày ấy, một mẹ một con ngồi đối diện nhau qua chiếc đèn dầu leo lét, thon thót nghe mưa bão sập sùi ngoài hiên. Mẹ thả vó, chỉ câu được mớ tép tươi rang khế để ăn với khoai lang cho qua bữa” [2, tr.19]. Mẹ Phùng chỉ quen với không gian bước chân ra ngoài là gặp luống rau xanh mướt mát, là vườn cây ăn quả mùa nào thức ấy xum xuê, là đàn gà ao cá tíu ta tíu tít, là đồng ruộng gió bời bời...

Nhưng rồi, hòa chung vào xu hướng phát triển của đất nước, mọi thứ đã bị san phẳng, đổi thay. Khi “làng lên phố”, nhà cửa vườn tược đều bị đốn phẳng, toàn bộ nghĩa địa giữa cánh đồng ngày xưa của xóm Chùa Cuối giờ cũng “không còn một dấu vết”, khu đô thị mới “đang mọc lên nham nhở. Máy xúc hì hụi ngoạm phế liệu, chất đầy khoang chứa… gạch vữa rơi đầy trên đường. Bụi tốc mù mịt từ sáng đến tối” [2, tr.10]. Trước cảnh tượng đó, cô vẫn một mực cố chấp mong muốn tìm lại được chút dấu vết ngày xưa. Trưởng thành và đủ đầy, Phùng chở mẹ về thăm làng cũ, anh mua trọn một cửa hàng tạp hóa trong xóm với đủ thứ kẹo bánh, bim bim, bỏng ngô để phát cho trẻ con với số tiền không đến ba triệu. Con số đó quá rẻ mạt khiến anh phải chép miệng chua xót “làng xóm mà thế này thì bao giờ mới phát triển được đây” [2, tr.180]. Làng Bình Yên của Phùng giờ đã không còn yên bình như trước nữa, khu công nghiệp “ngoạm hết đất làng”. Nạn trộm cắp, “xin đểu”, hút chích cứ diễn ra như cơm bữa khiến anh “không thể thỏa hiệp” mà tách mẹ ra khỏi nơi bà cư ngụ lâu nay để lên thành phố.

Phong Điệp đã dựng nên không gian làng quê trong Ga kí ức bằng những trang viết đầy cảm xúc và ám ảnh. Đó là những ngôi làng trong bối cảnh bị đô thị hóa, cảnh vật đều bị biến đổi, diện tích đất canh tác xen cài trong làng xóm dần bị xóa bỏ thay thế bằng những công trình hiện đại. Thật khó để tìm thấy những cổng làng, những cây đa, giếng nước... những không gian mang “linh hồn” của làng quê ở nơi “làng trong đô thị” ấy. Dù rằng, đi đôi với quá trình phát triển là sự xuất hiện của những cái mới, thay thế cái cũ. Nhưng để những cái mới dần phá vỡ không gian và bộ mặt truyền thống quý giá của xóm làng thì đó là điều đáng lo ngại. Bên cạnh sự thay đổi của ngoại cảnh, còn là mối bận tâm về những tệ nạn xã hội đang ngày một len lỏi sâu làm khuấy động, đảo lộn nếp sống bình yên ở nơi chốn làng quê. Trước hiện thực đó, nhiều số phận nuối tiếc và rơi vào hoang mang, hoài nhớ về quá khứ. Có lẽ, trái tim con người vẫn thuộc về làng quê ấy, ngay cả khi tất cả đã không còn hiện diện trên mặt đất trơ cằn.

Trong BloggerGa kí ức, còn có kiểu không gian thành thị với đầy nỗi bất trắc. Học Đại học rồi trụ lại ở thành phố, Hạ trong Blogger phải chật vật trăm bề để kiếm được một công việc. Xin được một suất làm nhân viên thư viện, tưởng chừng như mọi thứ đều đã đi vào guồng quay của sự ổn định nhưng đó lại là khởi đầu cho chuỗi ngày nhân vật rơi vào hoang mang và trống rỗng. Không gian thị thành trong Blogger là những căn phòng công sở chật chội với ánh nhìn lườm nguýt, dè bỉu của “đao to búa lớn”, của trò mèo vờn chuột, của những thứ giảo trá và cả sự hèn nhát, yếu đuối, vô vàn điều phức tạp, bát nháo. Bên cạnh đó còn là không gian của nhà nghỉ, nơi diễn ra những cuộc ân ái xác thịt, dồn ép quyền uy giữa “con thú” với “con mồi”.

  Còn lại mình Hạ giữa những giường đệm nhớp nhúa mùi của những cuộc giao hoan... Bằng chứng là vài sợi lông đen nhưng nhức còn lưu lạc trên mép giường và sàn nhà. Chắc là sau vài cái phủi tay của người dọn phòng “biết việc” trên chiếc ga giường nhàu nhĩ. Miễn là dọn dẹp, căng trải sao cho thật nhanh, để còn kịp đón khách. Nhét vội cái bao ok dưới đệm, đặt lại dép trên sàn, giật nước trong nhà vệ sinh. Thế là đủ để đón khách [1, tr.64].

 Hạ rơi vào tình trạng bị dồn ép vì nỗi lo mất việc nếu không chiều lòng lão giám đốc già. Ngoài ra, Hạ còn là nạn nhân của hung bạo tình dục, của phá thai trong tình yêu với Quân. Trinh tiết của cô bị phá đi trong không gian của một gốc cây cạnh bên bờ hồ, niềm hi vọng vào một “nghi lễ thiêng liêng” đầu đời của người con gái đã bị vỡ tan ở nơi chốn công cộng với sự ngần ngại và xấu hổ. Tiếp đến là không gian căn phòng trọ của Hạ, nơi đó chật hẹp, “thoang thoảng mùi nước mắm, mùi dầu hỏa” [1, tr.53], là nơi đều đặn vào mỗi thứ bảy, Quân đến xem tivi một cách uể oải và giải tỏa dục tính của hắn một cách sỗ sàng. Hậu quả sau đó là Hạ có thai ngoài ý muốn và phải gián tiếp triệt mầm của một sự sống đang nảy nở trong bụng mình. Khung cảnh của phòng khám sản tư “không địa chỉ, không tên tuổi, cáu bẩn và hôi hám” [1, tr.84] với tiếng dao kéo lạch xạch, “thuốc kháng sinh liều cao cấp tập. Máu và máu. Trần nhà ẩm thấp. Đèn điện chập chờn” [1, tr.172] mãi ám ảnh Hạ những tháng ngày sau đó. Có thể thấy, không gian thành thị trong Blogger là sự ngột ngạt, bí bách và vô cảm, nó mang đến nhiều nỗi bất an, trống rỗng và bi kịch cho nhân vật.

Không gian thành thị trong Ga kí ức được tác giả xây dựng trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường buổi đầu, đất nước bước vào thời kì hội nhập và phát triển. Thế nhưng, trước những biến đổi nhanh chóng của thời cuộc, không gian sống nơi chốn thị thành khiến không ít số phận trở nên hoang mang và lạc lỏng. Thời gian cô sống ở phố dài hơn hẳn những tháng ngày sống ở làng, thế mà “lạ thay những ngày tháng nơi phố xá trôi tuột đi mỗi ngày. Như nước rơi vô duyên xuống lá. Ngày này sang ngày khác. Bao nhiêu nước đã rơi? Sao không đọng lại chút gì nhung nhớ trong cô” [2, tr.153]. Cô chỉ sống bằng kí ức. Cô làm việc trong một bệnh viện tâm thần, không gian ở đó thật căng thẳng và áp lực bởi bệnh nhân ngày một quá tải và biểu hiện bệnh cũng phức tạp hơn nhiều. Khu đô thị mới được xây dựng trên chính đất của xóm Chùa Cuối ngày xưa nhưng giờ đây, mọi cảnh vật về làng cũ đều bị xóa bỏ, thay vào đó là những tòa chung cư san sát, mình mẹ cô sống quạnh quẽ, im lìm nơi đó. Không gian thành thị trong mắt y là một nơi ồn ào, đông nghịt, y bị biến thành “món nhậu” trong các cuộc tụ tập đông người, chúng chòng ghẹo, săm soi y, đồng nghiệp xa lánh, kì thị y. Những điều đó khiến y sợ hãi, chọn nơi trú ẩn là không gian của những cái toilet trong cơ quan và bệnh viện. Như vậy, giữa dòng chảy phát triển của thành phố, y và cô đều trở nên bơ vơ và chệch nhịp. Chốn thị thành ấy chứa nhiều căn bệnh tâm lý của con người đương đại, nó tấp nập, hối hả và đầy rẫy những điều phải lo toan. Thành phố trong mắt mẹ Phùng là “ngôi nhà cao cửa kín không có cả không khí mà thở, toilet liền kề với bếp ăn, bà thấy hãi hãi… Sống kiểu ấy có khi chết vì ngạt trước khi chết vì bệnh tật” [2, tr.178]. Còn với Phùng, đó là nơi anh phải lao ra đời bươn chải, đối phó với những mánh lới thương trường, những mâu thuẫn trong chuyện kinh doanh. Như vậy, cũng như Blogger, không gian thị thành trong Ga kí ức là một nơi đầy nỗi bất trắc và khó lường. Không ít cá nhân trẻ tuổi trở nên mỏi mệt, âu lo. Bên cạnh đó còn là nỗi cô đơn, hoài tiếc quá khứ của những người lớn tuổi.

Không gian thực trong BloggerGa kí ức xuất hiện cùng lúc với không gian ảo, hòa quyện với nhau tạo nên sự đồng hiện. Thực là ảo và ảo cũng là thật. Trước nhất là không gian giấc mơ. Những gì đến với Hạ trong mộng ảo chính là những biến cố cuộc đời mà nhân vật đã trải qua cùng với nỗi niềm ẩn ức không thể giãi bày. Những giấc ngủ hằng đêm, hình ảnh  của phòng khám sản tư cùng với bà bác sĩ “mặt lạnh như chì” vẫn ám ảnh và và chực chờ xuất hiện làm lạnh buốt trái tim cô. Ở hiện thực, Hạ đã “khai tử sinh linh bé bỏng” của chính mình vậy nên chỉ trong không gian của giấc mơ, cô mới có thể được làm một người mẹ đúng nghĩa. Nỗi đau vì lần phá thai vẫn luôn dày vò trái tim Hạ, không chỉ ngoài đời thực mà trong cả cơn mê.

 Cô chuẩn bị hai bầu sữa thật căng để bước vào giấc mơ. Cô đi tìm những hài nhi của mình. Chúng đang co ro ôm lấy nhau, núp sau một bụi cây lúp xúp có mùi hăng hăng. Nhìn thấy cô, chúng hốt hoảng buông nhau ra, chạy túa sang những khóm cây khác. Trên đường chúng bỏ chạy, những vệt máu vẫn còn rơi rớt lại, thẫm đỏ. [1, tr.173].

Ở tiểu thuyết Ga kí ức, không gian giấc mơ là nơi các nhân vật tìm thấy lối đi tưởng chừng như đã bế tắc ở hiện thưc. Y là một bệnh nhân tâm thần trốn viện và cô là bác sĩ phụ trách ca bệnh này. Sự biến mất của y khiến cô phải chịu trách nhiệm giải trình. Khi mọi phương cách tìm kiếm đều bất lực thì cô đã tìm được y trong giấc mơ “ở đúng chỗ bức tường rêu hắt màu ảm đạm trong ánh chiều tà với vẻ mặt âm u” [2, tr.81]. Với Phùng, sau khi không tìm được cô, giấc mơ hiện ra trong anh với sự mơ hồ, huyễn hoặc.

Phùng đi mãi, tìm mãi vẫn không thể thấy tòa nhà 10 tầng, với hai rặng phi lao chạy dọc từ cổng vào khu khám bệnh đâu. Như thể chưa từng tồn tại một nơi như thế. Phùng tra tên và địa chỉ của bệnh viện vì sợ mình nhớ nhầm. Nhưng cũng không có bệnh viện nào dành cho người hoang tưởng mà Phùng từng đến [2, tr.26].

Thế nhưng, hóa ra tất cả chỉ là một cơn mê. Như vậy có thể thấy, không gian giấc mơ trong BloggerGa kí ức đều bị ảo hóa nhưng sau cùng, nó chính là một hình thức hiện hữu khác của hiện thực. Một hiện thực mờ nhòe ranh giới và đa chiều kích.

Không gian ảo trong tiểu thuyết Phong Điệp còn là thế giới mạng internet. Trong Blogger, Hạ và Phong đều là những người viết blog. Ở thế giới ảo, Hạ có danh sách bạn bè (friend list) quan tâm bằng những lời bình luận (comment ) chứ không cô đơn như ở đời thật. Trong không gian ảo của internet, Hạ có thể giãi bày hết những cảm xúc của mình, kể cả sự giải tỏa bằng những câu chửi thề. Còn ở hiện thực, Hạ yếu đuối và mất hết bản năng chống cự. Có thể nói, ở thế giới ảo, Hạ toàn quyền quyết định được cách hiện tồn của mình giữa cuộc đời, cũng như thỏa chí bày tỏ những xúc cảm yêu, ghét, thù hằn… Thế giới mạng cũng như đời sống, nó có nhiều con người mang những ý kiến, xu hướng khác nhau. Họ cũng có một tên gọi riêng (nickname), có quyền trò chuyện, bày tỏ… thế nhưng, tất cả chỉ là một không gian ảo do con người tạo lập.

Một kiểu không gian ảo nữa mà người viết nhận thấy và tạm gọi tên đó là không gian kì quái. Trong tiểu thuyết Ga kí ức, ngôi làng “bị yểm bùa” chính là nơi mang đặc điểm này. Thật khó để tìm thấy giữa đời sống thực một ngôi làng mang trên mình lời nguyền như thế. Đàn ông đau đầu, con gái bệnh dở như là quy luật tiền kiếp, có đi lễ chùa cầu khấn cũng không thay đổi được số mệnh. Không gian của ngôi làng buồn bã và tiêu ma

 Nghĩa địa làng ngun ngút lau sậy. Hoang hoải. Lanh lẽo. Cỏ chen kín các lối mòn. Cỏ che kín cả đầu người… Lối xóm vắng tiếng trẻ nô đùa. Không có khai sinh mới nào được lập. Vắng tiếng pháo đưa dâu về nhà chồng. Người sống dần vơi đi. Nghĩa địa làng ngày càng phình to ra [2, tr.107].

Phong Điệp đã dẫn người đọc vào những trang viết mang khung cảnh “âm âm u u”, vừa đánh mạnh vào thần kinh người đọc, vừa mê hoặc họ bởi cách viết có phần kì bí. Cuối cùng là không gian ảo giác, nơi mà nhân vật bị rơi ra ngoài hiện thực và náu mình tại đó. Chỉ cần cô nhìn thật sâu vào một điểm trước mắt, trong phút chốc làn sương mờ ảo giao thoa giữa kí ức và thực tại được gỡ ra, cô sẽ bước vào cõi riêng của mình, nơi có bức tường rêu phủ mát lạnh hơi sương. Những lúc ấy, như thể cô vừa được chắp đôi cánh để bay ra ngoài thực tại, đến với một thế giới khác. Thế nhưng, trên hành trình về kí ức, cô không thể cứ tiếp tục nán lại bởi theo thời gian, mọi thứ đều không còn tồn tại. Sống với kí ức, hiện diện ở không gian ấy là một điều thực sự nguy hiểm cho cả cô và y.

Xung quanh y bất chợt nồng lên mùi cỏ cháy. Y muốn gọi cô, nhắc cho cô về điều ấy. Họ cần phải đi thôi. Mùi lửa đã rất gần. Gần đến nỗi, trong một tích tắc, ảo giác khiến y nhìn thấy lửa bốc lên từ gót chân cô. Hắt sáng khuôn mặt cô. Từ chỗ lửa bén, máu bắt đầu ứa ra, nhễ nhại đỏ. Và khói. Khói bắt đầu từ một nơi nào đó mà y không thể nhìn thấy. Chỉ biết rằng bời bời trước mặt y là khói. Khói làm mắt mũi y bấn loạn [2, tr.11].

Bằng thủ pháp đồng hiện, Phong Điệp đã cho xuất hiện đồng thời nhiều kiểu không gian thực - ảo khác nhau. Nó là sự hòa trộn giữa mộng cảnh và thực cảnh, hình thành nên một thực thể thống nhất nhằm khám phá con người ở cả bề mặt lẫn bề sâu tâm hồn.

NGTN

.....................................

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1.       Phong Điệp (2009), Blogger, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

2.       Phong Điệp (2015), Ga kí ức, Nxb Trẻ, Hồ Chí Minh.

3.       Lê Bá Hán… (1999), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng