Phê bình toàn cảnh
Văn học Việt Nam từ "văn hoá quà tặng" đến "văn hoá hàng hoá"
14:33 | 15/12/2016

Văn học Việt Nam từ trung đại sang hiện đại đã là một văn học khác, thậm chí có chỗ khác một cách toàn diện và triệt để. Hẳn vậy, có nhiều cách giải phẫu cái khác ấy. Con đường của tôi bằng khái niệm chìa khóa “văn hóa quà tặng” được gợi lên từ cuốn Khảo về quà tặng của nhà xã hội học Pháp M.Mauss(1).

Văn học Việt Nam từ "văn hoá quà tặng" đến "văn hoá hàng hoá"

Ở đây tôi dùng thuật ngữ văn hóa quà tặng nhằm chỉ việc thời xưa các sản phẩm văn học (bài văn, bài thơ...) được làm ra không phải để bán mà chỉ để tặng biếu. Điều này trước hết vì động cơ sáng tạo của các cụ nhà ta chủ yếu là để kí thác tâm sự (thi dĩ ngôn chí mà). Bởi thế, tác giả cũng không muốn phổ biến rộng, ngại để lộ thân thế trước mắt bàn dân thiên hạ. Hơn nữa, văn chương với họ là một sản phẩm tinh thần cao quý, thứ để khẳng định đẳng cấp của mình, nên không nỡ trao vào tay... bọn con buôn. Nhưng, quả thực, lí do quan trọng hơn cả là bấy giờ chưa phát minh ra lối in chữ rời. Một sáng tác văn học muốn nhân bản thì chỉ có cách chép tay. Tác giả tự chép hay thuê chép. Mà chép tay thì số bản cũng chỉ đủ làm quà tặng cho bạn bè tri âm và con cháu làm gia sản tinh thần. Còn khắc ván để in thì rất đắt, chỉ nhà nước mới kham nổi, nên chỉ có thể khắc in những văn bản thiêng liêng như kinh Phật, hay những sách “bộ đề” dùng cho khoa cử như các loại đại cương, toát yếu và tinh tuyển thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi.

Số lượng sách văn chương ngày trước, như vậy, là rất ít. Chỉ trong tay một tầng lớp đặc tuyển. Và từ lớp người đặc tuyển này, tác phẩm văn học được truyền ra ngoài chủ yếu bằng con đường kể lại, nghe lại. Tuy Việt Nam không có những tửu quán hay trà quán tụ tập đông đảo người nghe kể chuyện Tam quốc, Thủy hử để tiêu những mùa đông dằng dặc như ở Trung Hoa, nhưng cũng có những đêm hè trăng thanh gió mát người ta ngồi chật sân nhà nghe kể Kiều, kể Phan Trần…, dù đã được nhắc nhở là Đàn ông chớ kể Phan Trần/ Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều. Từ đó, hình thành một nghịch lí là văn chương bác học lại được/bị phổ biến bằng con đường dân gian, tức truyền miệng. Công chúng đông đảo của văn học không phải là độc giả mà là thính giả. Văn chương trung đại Việt Nam, vì thế, không sao tránh khỏi tính chất nghe kể. Thơ thì cần có vần có điệu, có ý có tứ rõ ràng cho dễ nghe, dễ thuộc; văn xuôi, nhất là văn xuôi chữ Nôm, thì không kể được nên không phát triển được.

Từ năm 1862, với việc thực dân Pháp bắt đầu cai trị trực tiếp sáu tỉnh Nam Bộ, thì, như một công cụ vô ý thức của lịch sử, đã đưa xã hội Việt Nam cổ truyền bước vào hiện đại. Chữ quốc ngữ, tiếng Việt được ghi âm bằng chữ cái Latinh, bước ra khỏi cộng đồng Kitô giáo nhỏ hẹp như một “biệt ngữ” để từng bước trở thành chữ viết toàn dân. Cũng lúc đó, công nghệ in ấn hiện đại đã thúc đẩy sự phát triển của báo chí, xuất bản, hoàn thiện khả năng của tiếng Việt, hình thành tầng lớp trí thức mới là tác giả và độc giả của văn chương (có tính chất) đô thị. Việc một tác phẩm văn chương có thể in ra, về mặt lí thuyết, vô hạn bản, và quan trọng hơn, để bán, khiến văn học trở thành hàng hóa. Từ đây, tác phẩm văn học cắn vỡ cái kén “độc/đặc tuyển” để bình đẳng đến với mọi người. Về mặt nguyên tắc, ai có tiền thì có quyền sở hữu và hưởng dụng tác phẩm. Sự thưởng thức tác phẩm văn học lúc này là đọc, đọc một mình bằng mắt và, do đó, mang tính cá nhân.

Tính chất văn hóa hàng hóa đã làm thay đổi bản chất (cũ) của văn học và của chính nhà văn. Trước hết là sự thay đổi quan niệm về cái đẹp: từ chỗ cái thần đến cái thực. Nếu trước đó cái đẹp ở chỗ tinh thần, cốt cách (Mai cốt cách, tuyết tinh thần - Nguyễn Du tả chị em Kiều), còn cái thực là xấu (“mày râu nhẵn nhụi”, “nhờn nhợt màu da” - Nguyễn Du tả Mã Giám Sinh, Tú Bà), thì sang thời kì hiện đại, cái thực cũng là đẹp, theo đó sự khám phá cuộc đời thực là khám phá cái đẹp. Nhờ có sự mở rộng, cộng gộp cái đẹp này mà ra đời dòng văn học tả chân, hay hiện thực chủ nghĩa. Tiếp theo là sự thay đổi quan niệm về chức năng văn học. Nếu thời trung đại văn học được dùng như một con thuyền (hoặc cỗ xe) để chở đạo, hay vũ khí để đánh địch (Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà - Nguyễn Đình Chiểu), thì sang thời hiện đại nó được coi như hành trình đi tìm cái đẹp, kiếm tìm sự thỏa mãn cảm giác thẩm mĩ. Cùng với những thay đổi các quan niệm trên là sự ra đời những thể loại mới chưa từng có trong văn học Việt Nam, như Thơ mới, tiểu thuyết, kịch nói và phê bình văn học. Cuối cùng, sự hàng hóa hóa sản phẩm văn học đã biến người sáng tạo ra nó thành một yếu tố của thị trường. Dư luận người đọc về tác phẩm, sự đánh giá của phê bình, kể cả/nhất là sự bán được… là những thông số để nhà văn tự điều chỉnh sản phẩm tiếp theo của mình. Nhưng điều đáng nói hơn là sách được bán, bán được mang lại tiền nhuận bút cho tác giả khiến anh ta hoặc là có thể sống được hoàn toàn bằng ngòi bút hoặc là ít nhiều đỡ phụ thuộc vào các nghề sống kèm khác, nhất là nghề công chức. Từ đó dần dần hình thành một lớp nhà văn chuyên nghề, rồi chuyên nghiệp, cuối cùng thành một trí thức độc lập.

Những mô tả trên là một thực tế văn học đã diễn ra, tuy có sự đậm nhạt khác nhau, trên cả nước trước 1945 và ở các đô thị, vùng “tạm chiếm” những năm 1946-1954 và ở thành thị miền Nam những năm 1945-1975. Ở miền Bắc từ 1946-1975, do hoàn cảnh đặc thù, sản phẩm văn học tuy vẫn được coi là hàng hóa, nhưng là hàng hóa đặc biệt, tức được sản xuất ra không phải để bán, mà để phân phối. Nhà nước quản lí tất cả các phương tiện in ấn, giấy má, sách được in theo kế hoạch xuất bản, tức phân phối in cho các nhà văn đang xếp hàng chờ đến lượt mình một phần ba tập, nửa tập, cả tập tùy theo cỡ hoặc lâu năm. Hệ thống cửa hàng sách mậu dịch xuống đến cấp huyện thực chất chỉ là những địa điểm phân phối. Nhiều khi có sách đó, nhưng không phải ai có tiền là mua được, mà phải là ai đó thì mới được mua. Tình trạng sản xuất, dù là “sản xuất tinh thần”, triệt để theo kế hoạch bao cấp này, từ khâu sáng tác đến khâu bán sản phẩm, đã khiến cho văn học trở lại vai trò phục vụ Nhà nước của văn học Nho giáo trung đại. Có lúc người ta lí tưởng hóa sứ mệnh của nhà văn (Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình/ Ngọn gió hư vô thổi nghìn nến tắt/ Ta vì ai? Gió xoay chiều ngọn bấc/ Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh - Chế Lan Viên), nhưng cũng có những lúc người ta nghi ngờ về sức mạnh của văn chương chữ nghĩa (Dẫu một cây chông trừ giặc Mĩ/ Hơn ngàn trang giấy luận văn chương - Tố Hữu). Văn học giai đoạn này, vì thế, hàm lượng tính nghệ thuật trong sáng tác cũng như hàm lượng tính học thuật trong phê bình không cao. Công cuộc “đổi mới” và “mở cửa”, vào năm 1986 trên phạm vi cả nước, được chủ trương thực hiện nhằm kịp thời khắc phục những bất cập này.

Ở trong lĩnh vực đang bàn, “đổi mới” và “mở cửa” chính là xét lại tương quan hai vế của định nghĩa hàng hóa đặc biệt. Trước đây, Nhà nước nhấn mạnh vế đặc biệt để dễ bề quản lí nội dung tư tưởng, kế hoạch sản xuất và phân phối sản phẩm. Giờ đây vế hàng hóa đang tạo ra sự nghiêng lệch đảo chiều. Coi sản phẩm văn học là hàng hóa dẫn đến việc sản xuất ra nó không còn theo kế hoạch của Nhà nước nữa, mà là theo thị trường, dù là thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau thời kì bao cấp, bao và cấp, nhu cầu có thông tin mới/khác về tri thức, tư tưởng của độc giả bùng nổ. Thị trường sách ra đời và phát triển tăng tốc. Đầu tiên là sách dịch các loại, trong đó phần lớn là sách văn học. Các tác phẩm đoạt giải Nobel, giải Goncourd, giải Pulitzer… phần lớn đều đã được dịch ra tiếng Việt. Rồi các truyện danh nhân, hồi kí của những nhân vật bên kia giới tuyến. Rồi các loại sách triết học, lịch sử triết học, lịch sử tư tưởng, tôn giáo. Các nhà văn trong nước cũng phải thay đổi cái nhìn thế giới, cái nhìn nghệ thuật để viết nhằm đáp ứng nhu cầu đã đổi mới/khác của người đọc. Nhiều nhà văn từ bỏ công thức văn học phản ánh hiện thực để xây dựng những hiện thực khác, mang tính kiến tạo dựa trên quan niệm bản chất của văn học là ngôn ngữ. Họ từ bỏ lối viết tiền hiện đại để đến với lối viết hiện đại (chủ nghĩa). Trừ một số nhà văn đã có những trải nghiệm đời sống và thẩm mĩ, đến với chủ nghĩa hiện đại với một quan niệm thực tại mới, thì đa số vẫn chỉ dừng lại ở cấp độ thủ pháp. Thủ pháp nghệ thuật mới nhưng quan niệm thực tại cũ khiến cho thủ pháp mất cơ sở triết học, chân không đến đất, cật không đến giời, chỉ còn là những biện pháp kĩ thuật đơn thuần. Sự chuyển đổi của văn học Việt Nam từ chủ nghĩa hiện đại sang hậu hiện đại lại càng như vậy.

Trong khi thị trường sách hàng hóa phát triển rầm rộ, thì sách hàng hóa đặc biệt thu hẹp lại. Chỉ một số nhà xuất bản, như Sự thật chẳng hạn, là còn làm. Các nhà xuất bản chuyên ngành khác thì chỉ cho ra cái phần sách chuyên ngành của mình, vì đó là lí do tồn tại của nhà xuất bản. Hơn nữa, loại sách này thường được cơ quan chủ quản tài trợ. Như vậy, nhà xuất bản sống chủ yếu bằng việc bán giấy phép cho các đầu nậu, loại người nắm bắt được nhu cầu của thị trường, tìm kiếm hoặc tổ chức xây dựng bản thảo, xin giấy phép, in ấn và phát hành. Sách của một đầu nậu in ra một phần bán trong cửa hàng của anh ta và cửa hàng của đầu nậu khác theo dạng trao đổi sản phẩm, phần khác được “tuồn” vào các cơ quan của Nhà nước như thư viện, nhà văn hóa, công ti thiết bị trường học. Thậm chí, đầu nậu có những “kênh” đóng sách gửi ra nước ngoài, nơi có nhiều người Việt sinh sống như Mĩ, Liên Xô, Đông Âu…

Có thể nói, ở giai đoạn này, vai trò của các đầu nậu là rất lớn trong việc tìm hiểu thị trường, xây dựng bản thảo, phát hành và quảng bá sách. Họ cũng là người mang lại việc làm cho nhiều nhà in, cho các biên tập viên của nhà xuất bản, cho người dịch và người viết, nhân viên bán hàng, giao hàng. Nhưng dưới mắt nhà quản lí thì đầu nậu sách là hiện tượng bất bình thường, gây bất ổn và tiềm ẩn nguy cơ phạm luật. Sau này, để đảm bảo an toàn, Nhà nước đưa ra biện pháp trung hòa: biến đầu nậu sách thành nhà sách và phải liên đới trách nhiệm với nhà xuất bản. Các đầu nậu/nhà sách dần dần phải tự diệt vì thiếu vốn, nhà in không cho nợ, phát hành phí cao. Trụ lại và phát triển được chỉ một vài công ti lớn như Công ti Văn hóa Phương Nam, Công ti Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam… Đó là những tổ hợp sản xuất từ A đến Z, vừa có vốn, vừa có tầm nhìn kinh doanh. Nếu có miếng ghép cuối cùng, tự có giấy phép xuất bản, họ sẽ là nhà xuất bản tư nhân. Một số nhà xuất bản Nhà nước cũng vượt lên được tình trạng bán giấy phép bằng tài xoay xở dự án “sách Nhà nước đặt hàng”, hoặc bằng khả năng kinh doanh, bằng sự nắm bắt xu thế phát triển trí tuệ như Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Tri thức…

Nếu đầu nậu sách là nhân vật điển hình của thời thị trường bung phá, thì người chạy/làm dự án là nhân vật trung tâm sản xuất sách của thời thị trường có định hướng. Các đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ (trọng điểm và thường), cấp cơ sở thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu, các cán bộ khoa học ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, để có thể “đầu quân” được vào các dự án này phải có đủ các tiêu chuẩn, mà muốn đủ các tiêu chuẩn nhiều khi phải “chạy”. Làm các đề tài, dự án, cán bộ khoa học phải đứng giữa hai đối cực. Nếu nghiêng về phía cán bộ thì sản phẩm sẽ tầm thường, nhạt nhẽo, còn nghiêng về phía khoa học, muốn thể hiện bản lĩnh học thuật của mình, thì dễ phạm quy. Các sản phẩm nghiên cứu, vì thế, đều là “thường thường bậc trung”. Các sách vở bán trên thị trường, tưởng là tự do, nhưng thực ra đã được tiêu chuẩn hóa từ trong trứng. Có lẽ, đã đến lúc phải có văn học như một sản phẩm văn hóa hàng hóa đúng nghĩa, tức một thứ “văn học thị trường” và “thị trường văn học” vừa tuân theo quy luật thị trường sạch, vừa biết tự điều chỉnh để đảm bảo chất lượng nghệ thuật và học thuật.

Nguồn: Đỗ Lai Thúy - VNQĐ


--------
1. M.Mauss, Khảo về quà tặng, Ngô Bình Lâm và Phùng Kiên dịch, Đỗ Lai Thúy giới thiệu, Nxb Thế giới, 2011.





 

Các bài mới
Các bài đã đăng