Pierre Bourdieu (1930-2000) là nhà xã hội học người Pháp có nhiều đóng góp quan trọng đối với khoa học xã hội Pháp nói riêng và phương Tây nói chung. Trong hệ thống lí thuyết của ông đưa ra để giải mã những vận động xã hội, trường (champ/field) là khái niệm phổ cập nhất.
Bourdieu hình dung các lĩnh vực trong xã hội giống như các trường vật lí gồm cực âm và cực dương, chứa đựng các tác nhân mang lực hút và lực đẩy. Mỗi trường có quy luật hoạt động riêng nhưng cũng chịu ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, chẳng hạn như trường văn học có thể chịu tác động của trường chính trị, trường kinh tế... Các tác nhân trong một trường thường xuyên di chuyển vị trí trong trường do hệ quả của hợp lực tác động. Theo Bourdieu, khi tham gia vào trường, các cá nhân đều mang theo nhiều loại vốn (capital) khác nhau và vẫn tiếp tục huy động vốn trong quá trình tương tác. Một nhà văn trong trường văn học ngoài sở hữu vốn tài năng văn học họ còn có nhiều vốn khác như vốn kinh tế, vốn xã hội… và họ sử dụng các loại vốn này thông qua việc thực thi chiến lược (strategy) để cố gắng di chuyển từ vị trí thấp đến vị trí cao trong trường. Khi thực thi bất cứ một hành động nào, họ sẽ phóng ra các lực hút và lực đẩy đến những tác nhân khác trong trường, khiến không chỉ bản thân họ di chuyển mà những tác nhân xung quanh họ cũng di chuyển vị trí và thường không dễ thấy như kết quả của luật nhân - quả trực tiếp.
Lí thuyết trường của Bourdieu không đơn giản chỉ tìm hiểu các tác động xã hội đến đối tượng nghiên cứu như thể các tác động này là tất yếu, một chiều. Văn học sử truyền thống vẫn xem nhà văn là sản phẩm tất yếu của lịch sử xã hội và của tiểu sử chính bản thân người đó. Người ta cố gắng giải thích xem những biến cố của thời đại và sự kiện trong đời tư đã ảnh hưởng như thế nào đến suy nghĩ, tình cảm của nhà văn, xem công việc sáng tạo của họ là sản phẩm của luật nhân - quả trực tiếp từ những tác động xã hội. Lí thuyết trường của Bourdieu lại khác, vì ở đây sự việc, hiện tượng không quan trọng bằng mối quan hệ. Từ góc nhìn này, có thể thấy được tính chủ động của nhà văn trong không gian văn học. Họ chính là tác nhân tạo lực và đồng thời cũng chịu tác động bởi lực.
Theo Nguyễn Phương Ngọc, lí thuyết trường của Bourdieu giải quyết được vấn đề nan giải của lịch sử văn học rằng ai là người xứng đáng được ghi tên vào văn học sử. Lâu nay, văn học sử vẫn thường xuyên đánh giá những đối tượng văn học và có không ít trường hợp kết quả của các lần đánh giá hoàn toàn trái ngược nhau, có những bộ phận văn học bị bỏ quên, bỏ qua về sau lại được nghiên cứu kĩ càng. Nguyên nhân của điều này xuất phát từ quan niệm vinh danh những người tài năng và có công lao đối với lịch sử văn học, lịch sử tư tưởng, bỏ qua những người bị cho là không có công. Các nhà nghiên cứu theo quan niệm trường quan tâm đến mọi thành phần trong trường, sự tương tác giữa các quan niệm và giá trị. Thay vì suy nghĩ “những nhà văn này có đáng để nghiên cứu hay không?”, họ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “sự tồn tại của những nhà văn này có ý nghĩa gì?” và “vì sao họ tồn tại?”. Việc quan tâm đến tất cả mọi vị trí của các cá thể trong trường không phải để tỏ ra công bằng với tất cả mọi người, cũng không phải chỉ nhằm một mục đích có cái nhìn khách quan trên diện rộng, mà còn để đánh giá sâu sắc hơn những đối tượng vốn đã được vinh danh.
Với ý nghĩa kể trên, chúng tôi cho rằng lí thuyết trường của Pierre Bourdieu rất phù hợp để xem xét những tác giả lâu nay vẫn được xem là các nhà văn thị trường ở Việt Nam. Mặc dù thừa nhận không gian vận động của trường lực gồm hai cực cao thấp liên quan đến quyền lực, nhưng lí thuyết trường không sử dụng tư duy nhị phân để chia văn học thành hai bộ phận rạch ròi như quan niệm của nhiều người với văn học hàn lâm/văn học thị trường, văn học tinh hoa/văn học đại chúng… Ở đây, các nhà văn hoạt động và di chuyển vị trí trong một không gian chung là trường văn học Việt Nam, sử dụng các loại vốn mình có để tác động đến các tác nhân khác trong trường. Do cách gọi văn học thị trường đã quen thuộc, giúp cả người viết lẫn người đọc có thể nhanh chóng hình dung ra một số tác giả có sách bán chạy, nội dung và nghệ thuật tác phẩm đơn giản nhằm phục vụ số đông độc giả, bài viết này vẫn sử dụng cụm từ “văn học thị trường”. Ở đây người viết chỉ nhắc đến các tác giả và tác phẩm (được gọi là) thị trường vì những thành công của họ về mặt thương mại cũng như đặc điểm sáng tác phục vụ đại chúng của họ, chứ không thừa nhận bộ phận văn học thị trường có ranh giới rạch ròi tồn tại bên trong trường văn học.
Các tác nhân trong trường văn học Việt Nam đầu thế kỉ XXI chịu tác động bởi nhiều lực thuộc nhiều hệ chuẩn mực khác nhau, như giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật, giải trí, thương mại. Nhiều khi những giá trị này mâu thuẫn nhau. Tác phẩm được giải thưởng văn học của Hội Nhà văn, của các cuộc vận động sáng tác, cuộc thi uy tín lại không bán được nhiều, còn tác phẩm bán chạy lại bị giới chuyên môn, thậm chí là rất nhiều độc giả phổ thông khác chê không có chất lượng nghệ thuật. Các tác nhân trong trường văn học chịu tác động của những lực này không giống nhau, có người xác định phục vụ độc giả đại chúng, hướng đến thành tựu là số sách bán ra, cũng có người xác định tìm tòi khám phá nghệ thuật mặc dù có thể độc giả hiểu được họ không nhiều, nhưng vì cùng hoạt động trong một trường, tất cả họ đều chịu tác động của các lực đó. Các nhà phê bình chuyên nghiệp vẫn chê nhiều tác phẩm thị trường là nhạt nhẽo và không có giá trị nghệ thuật, nhưng thành công của các best-seller ở Việt Nam ngày nay đã khiến không ít nhà văn khi đặt bút viết phải tự hỏi: Sách viết ra có bán được không, và bán cho ai? Những thành công thương mại với những kỉ lục xuất bản của các tác giả như Anh Khang, Gào, Keng, Nguyễn Ngọc Thạch… không phải chỉ có ý nghĩa với chính họ, mà còn phóng lực tác động lên tất cả các tác nhân khác trong trường văn học. Nó có thể là lực hút với những người xem thành công thương mại là điều đáng học hỏi, nhưng lại là lực đẩy đối với những người xem giá trị thương mại đối lập với giá trị nghệ thuật. Đây là một mâu thuẫn giữa nghệ thuật và thị trường. Văn học một mặt chịu tác động bởi thị trường, mặt khác tìm cách chống lại tác động này; một mặt muốn thỏa mãn số đông người đọc, mặt khác xem thị hiếu của số đông là sự hạ thấp giá trị nghệ thuật thuần túy.
Trong trường văn học, mỗi nhà văn đều huy động các nguồn vốn có thể để thực hiện chiến lược. Và trong trường văn học Việt Nam hiện nay, nguồn vốn mà mỗi nhà văn có rất đa dạng: vốn tài năng, vốn tượng trưng, vốn kinh tế, vốn xã hội..., tất cả đều góp phần giúp nhà văn xác định vị trí và di chuyển trong trường. Không phải cứ có tài là có vị trí cao, không phải tác phẩm chỉ cần hay là tác giả được trọng vọng. Trong thời đại này, người viết có thể tự bỏ tiền xuất bản tác phẩm, rút ngắn con đường đến với độc giả nếu họ có vốn kinh tế vững chắc. Vốn kinh tế còn giúp họ nhanh chóng thực hiện các hoạt động quảng bá tác phẩm, để tác phẩm đến được với số đông độc giả tiềm năng một cách dễ dàng hơn. Vốn xã hội chính là tập hợp các mối quan hệ xã hội, địa vị xã hội của người viết văn. Vốn này rất quan trọng, vì thông qua mạng lưới quan hệ xã hội, nhà văn có thể có được bệ đỡ thuận lợi cho sự nghiệp văn học của mình. Bourdieu quan niệm mối quan hệ giữa các tác nhân trong trường là mối quan hệ quyền lực, trong đó các tác nhân luôn muốn vươn lên vị trí cao hơn thông qua nỗ lực sắp xếp lại quy luật của trường. Cái gọi là quan hệ “tranh giành quyền lực” trong lí thuyết trường của Bourdieu là thứ quan hệ khách quan, gián tiếp và vô hình. Nó không thể hiện trực tiếp qua những phát ngôn hay hành động cụ thể của nhà văn mà gián tiếp qua hoạt động sáng tác, xuất bản, phát hành, tiếp nhận các tác phẩm của nhà văn đó. Xét về mặt tự ý thức, Anh Khang và Gào có thể chẳng bao giờ muốn “tranh giành” quyền lực với những nhà văn mà mọi người vẫn nghĩ là thuộc giới hàn lâm, nhưng việc trở thành best-seller trong thời gian ngắn kỉ lục của Anh Khang đã khiến mọi người quan tâm, có người chê bai, nhưng cũng có người muốn học theo. Anh Khang và Gào chưa từng được trao giải thưởng văn học của các tổ chức văn học chính thống nào nhưng họ lại được độc giả của trang web bán sách nổi tiếng Tiki bình chọn là nam và nữ tác giả trẻ được yêu thích nhất năm 2014, được mời làm giám khảo cuộc thi sáng tác trẻ Tiki Young Author 2015. Nhà văn best-seller lão thành là Nguyễn Nhật Ánh cũng đã có vị trí đáng kể trong trường văn học nhờ vào số lượng tác phẩm và số lượng ấn bản kỉ lục của các tác phẩm ấy. Một mặt, các nhà văn thị trường phục vụ thị hiếu của độc giả, mặt khác, họ cũng góp phần tạo nên thị hiếu đó, chi phối nhu cầu của công chúng, từ đó gián tiếp tác động đến việc sắp xếp lại quy luật trong tổng thể trường văn học. Một trong những quy luật có thể sẽ bị họ góp phần thay đổi trong tương lai chính là khái niệm “văn học” và “nhà văn”.
Dưới đây, chúng tôi sẽ tìm hiểu một vài nhà văn có sách bán chạy tiêu biểu ở thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), tìm cách lí giải những thành công của họ và các lực họ tạo ra trong quá trình hoạt động trong trường văn học Việt Nam thế kỉ XXI. Những tác giả được tìm hiểu gồm có Nguyễn Nhật Ánh (sinh năm 1955), Dương Thụy (sinh năm 1975), và ba tác giả thuộc thế hệ 8X là Anh Khang, Nguyễn Ngọc Thạch (cùng sinh năm 1987) và Gào - Vũ Phương Thanh (sinh năm 1988). Năm tác giả là con số quá ít so với lượng tác giả xuất hiện trong thị trường văn học TP. HCM, nhưng trong khuôn khổ giới hạn của bài viết này, việc khảo sát có thể dừng ở số lượng này và mỗi lựa chọn đều có lí do.
Các tác giả có sách bán chạy được tìm hiểu ở đây thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Lâu nay khi nhắc về văn học thị trường ở TP. HCM, nhiều người nghĩ ngay đến những cái tên như Anh Khang, Gào, Keng, Hamlet Trương, Iris Cao, Ploy Ngọc Bích… Tôi đưa Nguyễn Nhật Ánh vào danh sách khảo sát để góp thêm ý kiến vào một vấn đề đã có nhiều người bàn bạc: Văn học thị trường ở Việt Nam là gì và có từ bao giờ? Trên thực tế có nhiều người không xếp Nguyễn Nhật Ánh vào văn học thị trường, mặc dù ông là tác giả có sách bán chạy hàng đầu Việt Nam (năm 1995, Nguyễn Nhật Ánh đã được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh và Báo Tuổi trẻ. Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải nhà văn có sách bán chạy nhất). Văn học thị trường theo họ là cả một dòng văn học không chỉ có những cuốn sách bán chạy, mà còn gồm cả vô số những cuốn bán không chạy nhưng học theo lối viết đơn giản của những cuốn bán chạy, phục vụ thị hiếu của độc giả bình dân. Nhìn từ lí thuyết của Bourdieu, trường văn học không bị chia ra thành hai hay nhiều mảnh trong đó có mảnh tên là “văn học thị trường”, do đó, dĩ nhiên không có chuyện xếp bất cứ nhà văn nào vào nhóm nào cả, mà chỉ đi tìm mối quan hệ của người đó đối với các tác nhân khác trong trường mà thôi. Việc chúng tôi gắn họ với định ngữ “thị trường” chỉ là thuận theo một thói quen đã có từ trước trong xã hội.
Các tác giả được khảo sát ở đây đều sở hữu những con số xuất bản ấn tượng. Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn best-seller sớm nhất ở Việt Nam sau Đổi mới. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm trên nhiều thể loại. Nhà xuất bản Trẻ cho biết có 6 đầu sách của Nguyễn Nhật Ánh đã tái bản 20 lần, 10 đầu sách tái bản trên 30 lần. Từ năm 2010 tới nay, tất cả sách của Nguyễn Nhật Ánh đều có số lượng phát hành lần đầu tiên lên tới trên 50.000 bản. Tác phẩm mới nhất của ông, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, in lần đầu 100.000 bản, hiện đang giữ kỉ lục tác phẩm in nhiều bản nhất trong lần đầu tiên ra mắt. Có tuổi đời và tuổi nghề nhỏ hơn Nguyễn Nhật Ánh 20 năm, Dương Thụy đã xuất bản 16 đầu sách kể từ năm 1997 đến nay, trong đó có nhiều đầu sách được tái bản rất nhiều lần, với tổng số bản in đáng nể như Bồ câu chung mái vòm, xuất bản lần đầu năm 2004, tái bản 8 lần, tổng số 21.000 bản, Oxford thương yêu (2007), tái bản 25 lần, 81.000 bản. Anh Khang là “hiện tượng xuất bản” năm 2014, với quyển Đường hai ngả, người thương thành lạ được đặt hàng 10.000 bản trước khi phát hành và quyển Buồn làm sao buông đứng đầu danh sách bán chạy nhất của Hội sách TP. HCM lần VIII với 40.000 bản tiêu thụ hết trong vòng 7 ngày. Quyển Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em in 50.000 bản trong lần đầu tiên, bằng với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nguyễn Ngọc Thạch chỉ mới bắt đầu viết năm 2010, nhưng đến nay đã sở hữu trong tay 14 đầu sách, trung bình mỗi năm 2 đầu sách. Gào xuất bản 6 đầu sách từ năm 2009 đến 2015. Có thể thấy các tác giả này viết rất khỏe và các đầu sách của họ đều được độc giả đón nhận nồng nhiệt.
Cách sử dụng vốn của mỗi nhà văn kể trên cũng khác nhau. Trong số họ, chỉ có Nguyễn Nhật Ánh là được giới chuyên môn đánh giá cao. Các nhà nghiên cứu có mặt trong Hội thảo “Nguyễn Nhật Ánh - hành trình chinh phục tuổi thơ” diễn ra vào ngày 19/6/2015 tại Đại học Sư phạm Hà Nội một lần nữa công nhận chất lượng nghệ thuật của tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh. Khẳng định tác phẩm của ông có chất triết học, có giá trị giáo dục và thẩm mĩ cao, các ý kiến đều đồng tình ở điểm Nguyễn Nhật Ánh đã chuyển tải những giá trị ấy bằng lối văn giản dị, phù hợp với đối tượng độc giả của ông là trẻ nhỏ, do đó trở nên hấp dẫn với độc giả đại chúng. Như vậy, có thể nói Nguyễn Nhật Ánh sở hữu và phát huy được vốn nghệ thuật trong sự nghiệp của mình. So với các tác giả trẻ như Dương Thụy, Anh Khang, Gào, Ngọc Thạch, tuổi tác của ông là vốn tượng trưng lớn. Ông là nhà văn best-seller sớm nhất. Khi ông được trao danh hiệu nhà văn có sách bán chạy nhất vào năm 1998, Dương Thụy mới viết những tác phẩm đầu tiên, và tất nhiên là chưa hề hút khách. Cách xa thế hệ sau một quãng thời gian rất dài như thế, vốn tượng trưng của Nguyễn Nhật Ánh rất dày dặn với lượng tác phẩm đồ sộ. Khi một tác phẩm mới của ông ra mắt, chỉ riêng cái tên Nguyễn Nhật Ánh thôi đã đủ bảo chứng cho sự thành công về mặt doanh thu. Đó chính là cơ sở để Nguyễn Nhật Ánh tự tin cho in 100.000 bản Con chó nhỏ và giỏ hoa hồng ngay trong lần đầu tiên. Bản thân kỉ lục này đã mang giá trị PR cực kì hiệu quả. Người đọc lúc này chọn mua sách vì thương hiệu tác giả và cả vì con số ấn bản “khủng” khiến họ tò mò. Như vậy, Nguyễn Nhật Ánh đã sử dụng triệt để vốn tượng trưng của mình, đem chính giá trị thương hiệu Nguyễn Nhật Ánh tác động đến doanh số, từ đó tiếp tục nâng cao vị trí của mình trong trường văn học.
Có thể vốn nghệ thuật của mỗi nhà văn nói trên không giống nhau, hoặc được giới chuyên môn đánh giá cao như Nguyễn Nhật Ánh, hoặc bị chê là nhạt nhẽo như Anh Khang, Gào, Nguyễn Ngọc Thạch, nhưng họ đều biết cách xây dựng thương hiệu cho mình từ vốn nghệ thuật đó để có thể đảm bảo thành công thương mại. Mỗi tác giả đều phát huy thế mạnh của mình ở một trường đề tài cụ thể, biến nó thành thương hiệu cá nhân. Nguyễn Nhật Ánh không phải chỉ viết cho thiếu nhi, nhưng số lượng tác phẩm viết cho thiếu nhi chiếm áp đảo, và hiện tại ông là nhà văn thiếu nhi thành công nhất. Dương Thụy chuyên viết về những chuyến đi phía trời Âu, dù trong tiểu thuyết hay tản văn, các nước hiện đại phương Tây luôn là bối cảnh, là đích đến, là cội nguồn khơi gợi tình cảm và suy tư. Anh Khang chỉ viết tản văn, và chỉ xoay quanh những cảm xúc yêu đương của tuổi trẻ, có phần nhuốm màu buồn bã. Từ một mối tình của riêng mình, Anh Khang nuôi được cảm xúc cho năm đầu sách và chỉ viết về đề tài này. Gào cũng viết về tình yêu, nhưng lại là kiểu tình yêu dứt khoát, có phần vội vã, hời hợt của giới trẻ thời hiện đại. Nguyễn Ngọc Thạch ghi dấu ấn ở đề tài đồng tính và được gắn luôn danh hiệu “nhà văn đồng tính”. Thay vì tự thử thách mình với cái mới theo đòi hỏi khắt khe của nghệ thuật, các nhà văn này đào sâu vào thứ đã làm nên thương hiệu của mình. Khi đọc những tác giả này, người đọc không thể tránh khỏi cảm giác nhàm chán, lặp lại, nhưng việc trung thành với hình ảnh thương hiệu này mặt khác lại giữ chân được người đọc bình dân vốn đã hâm mộ đúng đặc trưng đó của người viết. Nhiều đầu sách của Nguyễn Nhật Ánh vẫn tái bản được và bán chạy dù tuổi đời của sách đã hơn 20 năm không hẳn vì nó hấp dẫn thế hệ thiếu nhi hôm nay, mà vì nó khiến thế hệ 8X, đầu 9X muốn trở về tuổi thơ của họ. Gần 20 đầu sách của Dương Thụy chỉ viết về những giấc mộng đẹp phía trời Tây nhưng vẫn không làm độc giả chán nản, vì cô đã thổi bùng lên giấc mộng viễn du của nhiều thế hệ người đọc trẻ hôm nay muốn thoát khỏi ao làng bé nhỏ để đến với chân trời khác hiện đại hơn, phát triển hơn. Anh Khang, Nguyễn Ngọc Thạch, Gào đều hoạt động trong giới giải trí, và những mối quan hệ họ thiết lập được trong giới này đã tác động rất tích cực lên khả năng tiêu thụ sách của họ. Trước kia, vị trí quản lí nhóm nhạc 365 nổi tiếng của Ngô Thanh Vân đã nghiễm nhiên mang lại cho Gào số lượng người hâm mộ của nhóm 365, nghĩa là nhiều người sẽ chọn mua sách của Gào trước khi biết tác phẩm của cô có hay hay không. Ngọc Thạch được cộng đồng đồng tính ủng hộ nhiệt liệt, còn Anh Khang bắt tay với người sáng tác nhạc và ca sĩ để tung ra những ca khúc viết riêng theo chủ đề từng quyển sách của mình như Buồn làm sao buông (Anh Khang - Quốc Thiên), Ngày trôi về phía cũ (Dương Trường Giang - Trung Quân Idol). Gào và Hamlet Trương cũng làm như Anh Khang, tức là ra sách và ca khúc cùng một lúc và cùng một tựa. Bằng cách này, họ thu hút được cả người thích nghe nhạc của họ đến với sách của mình, tức là mở rộng được đối tượng độc giả tiềm năng. Mặt khác, họ xây dựng được hình tượng cá nhân đa tài, giúp tăng vốn tượng trưng của họ theo một cách khác với Nguyễn Nhật Ánh, nhưng vẫn có hiệu quả không nhỏ trong việc làm tăng số lượng người hâm mộ, từ đó tăng thành công thương mại của mình trong trường văn học. Nhiều người viết trẻ xây dựng được hình tượng cá nhân long lanh như một nhân vật trong phim thần tượng. Họ nhanh chóng trở thành hot boy, hot girl trong làng văn học. Độc giả trẻ đổ xô đi mua tác phẩm của họ là vì hâm mộ người viết đẹp trai, xinh gái, đa tài… chứ chưa hẳn đã vì những gì có trong tác phẩm. Xét trên khía cạnh hình ảnh cá nhân, Dương Thụy tuy không làm việc trong giới giải trí, nhưng vị trí giám đốc truyền thông đối ngoại tập đoàn dược Sanofi-Anentis tại Việt Nam, kiêm nhân viên của Captial Land đã góp phần khiến cô trở nên long lanh hơn trong mắt người hâm mộ, tác động rất tích cực vào vốn tượng trưng của mình.
Vốn xã hội còn được các tác giả nói trên phát huy rất hiệu quả thông qua các hoạt động liên quan đến độc giả như giao lưu, kí tặng, trao đổi trên mạng xã hội. Vì có người hâm mộ và sống dựa vào người hâm mộ nên những nhà văn này rất biết chiều lòng độc giả của họ. Dương Thụy có website giới thiệu sách của mình, thường xuyên cập nhật số lần tái bản. Anh Khang tạo cho mỗi tác phẩm của mình một trang facebook. Các tác giả này tác động một lực đủ mạnh vào trường văn học khiến cho những nhà văn dù quan niệm “bầu trời nghệ thuật là bầu trời riêng tư” đến đâu chăng nữa cũng không thể thu mình trong tháp ngà giữa thời buổi kinh tế thị trường này. Nhiều nhà văn lớn tuổi đã dần học cách sử dụng mạng internet để công bố tác phẩm, trao đổi với độc giả, hoặc với các nhà văn khác. Theo kết quả cuộc khảo sát mà người viết tự thực hiện 26.6% người được khảo sát cho biết có tham gia các buổi giao lưu với nhà văn, 65.9% người theo dõi facebook và blog của tác giả mình yêu thích.
Tóm lại, lí thuyết trường văn học giúp cho việc nhìn nhận một số hiện tượng văn học - trong đó có hiện tượng lâu nay vẫn được gọi là văn học thị trường - bằng cách đặt chúng trong những mối quan hệ tương tác lực. Nhìn từ góc độ này, chúng ta sẽ giải quyết được một số băn khoăn bấy lâu, chẳng hạn như văn học thị trường gồm những đặc trưng gì và gồm những nhà văn nào, việc định danh văn học thị trường có phải là một sự hạ thấp những đối tượng được định danh hay không. Tư duy nhị phân văn học đặc tuyển/văn học thị trường, văn học thuần tuý/văn học giải trí vẫn có cái gì đó chưa ổn. Nhiều người cảm thấy không sẵn sàng xếp Nguyễn Nhật Ánh hay Dương Thụy vào văn học thị trường bởi tác phẩm của họ có chất lượng nghệ thuật, khác với nhiều tác phẩm hời hợt của nhiều tác giả thị trường khác như Gào, Keng, Anh Khang, Nguyễn Ngọc Thạch, Hamlet Trương, Iris Cao, Ploy Ngọc Bích... Lí thuyết trường văn học không phân chia bộ phận văn học mà xem xét tất cả nhà văn trong một không gian chung tương tác lẫn nhau, và ở bất cứ vị trí nào cũng có thể tạo ra tác động có ý nghĩa với trường văn học. Từ góc nhìn này, việc một nhà văn có được định danh là thị trường, hay hàn lâm, hay giải trí, hay chuyên nghiệp… đều không có ý nghĩa, bởi vì mọi sự cao thấp đều tương đối và những trật tự hay nguyên tắc đều có thể bị thay đổi. Người viết không bác bỏ tên gọi này vì sự thật là nó đang tồn tại, nhưng không hiểu nó theo nghĩa phân chia rạch ròi. Khái niệm “văn học”, “nhà văn” còn có thể được hiểu khác đi theo thời gian, thì “văn học thị trường” vẫn có thể rất đa dạng trong suy nghĩ của nhiều người, nó có thể chỉ gồm các tác phẩm best-selling dành cho giới trẻ và không có giá trị nghệ thuật cao, hoặc có thể phình ra và trùng khít với toàn bộ văn học đại chúng, gồm những tác phẩm bán chạy lẫn bán không chạy nhưng phục vụ được số đông độc giả với lối viết đơn giản, gần gũi, dễ hiểu.
Một điều quan trọng mà lí thuyết trường văn học đưa ra là các nhà văn sử dụng rất nhiều loại vốn khi tương tác trong trường văn học, và vị trí của họ căn cứ vào cách sử dụng đa dạng vốn chứ không phải chỉ có vốn tài năng. Điều này rất dễ nhận thấy trong trường hợp các tác giả văn học thị trường giải thích được tại sao họ nổi tiếng, được yêu thích trên diện rộng. Họ đang góp phần sắp xếp lại luật chơi trong trường văn học. Tất nhiên, những thay đổi sẽ không đến trong thời gian trước mắt có thể nhìn thấy được và cũng không chắc chắn, vì kết quả còn tuỳ thuộc vào sự đấu tranh giữa các tác nhân. Các nhà phê bình có thể phê bình, phân tích tác phẩm như một cách định hướng độc giả về giá trị thẩm mĩ của văn học, nhưng độc giả có quyền tự chọn cho mình giá trị giải trí phù hợp với bản thân họ trong một thời điểm nào đó. Văn học thị trường là sản phẩm khách quan của những vận động xã hội và văn học, vì vậy không cần thiết phải kì thị nó hay tìm cách uốn nắn, sửa chữa gì cả, vì mỗi nhà văn đều có vị trí riêng và tác động riêng tới trường văn học.
Nguồn: Nguyễn Thị Phương Thúy - VNQĐ