Phê bình toàn cảnh
Con người - quen mà lạ
16:25 | 09/06/2011
Hội nghị thế giới về triết học được tổ chức năm năm một lần, quy tụ hàng ngàn triết gia từ nhiều nước. Chủ đề chung của hội nghị lần thứ 18 (1988, tại Brighton, Anh) là “Quan niệm triết học về con người”, với các đề tài trong các phiên họp toàn thể: con người như là đối tượng của triết học; con người: bản tính, tinh thần và cộng đồng; hiện tại và tương lai của loài người.
Con người - quen mà lạ
Minh hoạ: Hồng Nguyên
Bốn hội nghị tiếp theo có các chủ đề chung lần lượt như sau: hội nghị 19 (1993, Moskva – Nga): tư duy phi-tuyến tính; hội nghị 20 (1998, Boston – Mỹ): triết học giáo dục; hội nghị 21 (2003, Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ): triết học đối diện với những vấn đề của thế giới, và hội nghị 22 (2008, Seoul – Hàn Quốc): triết học ra đời từ văn hoá. Nhìn lướt qua, ta thấy các chủ đề của bốn hội nghị sau thực chất là triển khai chủ đề của hội nghị 18. Hơn 20 năm, vấn đề “con người” không chỉ cho thấy sự đa dạng và phức tạp của nó mà còn là một mối ưu tư cháy bỏng.
 
Giữa lo âu và hy vọng
 
Các vấn đề được đặt ra và bàn thảo ở các hội nghị nói trên rõ ràng không chỉ có tính quốc tế mà còn có tính liên – văn hoá, bởi chúng đòi hỏi một sự xem xét và nhất là những kiến giải từ nhiều truyền thống suy tưởng khác nhau. Có quá nhiều khó khăn và nguy cơ mà không một cách tiếp cận riêng lẻ hay một nền văn hoá đặc thù nào có thể tự mình giải quyết được. Bạo lực và chạy đua vũ trang; tham vọng bá quyền trên nhiều lĩnh vực; tác động của nền kỹ thuật hiện đại lên xã hội và môi trường; bất công xã hội, câu hỏi về bản sắc và về sự tự quyết của con người do công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo đặt ra; việc đi tìm những chuẩn mực đạo đức cho hành vi kinh tế, chính trị, kỹ thuật; kích thước thẩm mỹ cho sự hiện hữu của con người trước những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin; sự quan tâm ngày càng nhiều đến các lối thoát từ niềm tin tôn giáo v.v. cho thấy rằng câu hỏi về con người – không chỉ ở giác độ sinh học, tâm lý, văn hoá, kinh tế, chính trị mà cả triết học – đã trở thành những vấn đề sống còn của cả nhân loại. Trong tình hình ấy, một cuộc đại thảo luận về triết học ở tầm mức thế giới ít ra là chất xúc tác cho một sự gặp gỡ, đối thoại của một nhân loại đang bị chia rẽ và giằng xé giữa lo âu và hy vọng.
 
Nhân học triết học: một sản phẩm liên văn hoá
 
G.Vattimo, một trong những triết gia Ý nổi tiếng nhất hiện nay, trong Sự cáo chung của Hiện đại (1989), nhận xét rằng: chính sự gặp gỡ và đối thoại liên – văn hoá đang làm thay đổi về chất quan niệm gần như độc tôn trước đây của truyền thống triết học Tây phương về con người. Một sự “pha trộn” với các truyền thống văn hoá khác không những không thể tránh khỏi mà còn cần thiết nữa. Thực ra, một sự pha trộn, lai tạp đã từng có mặt ngay trong quá trình hình thành và phát triển quan niệm về con người trong truyền thống Tây phương. Max Scheler, trong tác phẩm nổi tiếng Địa vị của con người trong vũ trụ (1928) đã nhận ra những yếu tố pha tạp tạo nên “con người Âu châu có văn hoá” – được hiểu như “con người” nói chung – gồm: truyền thống Do Thái – Kitô giáo, di sản văn hoá Hy Lạp cổ đại, truyền thống của khoa học tự nhiên hiện đại, kể cả tâm lý học di truyền. Thế nhưng, Max Scheler lại phê phán một sự lai tạp như thế và có cao vọng đi tìm một “ý niệm thống nhất về con người”. Thế hệ sau Max Scheler sớm nhận ra rằng thái độ và mong muốn ấy, trong thực tế, chính là một trong những “huyền thoại” của tư duy hiện đại Âu châu! Theo họ, một sự thống nhất bao biện hoặc một sự đa tạp đơn thuần không phải là xuất phát điểm phù hợp và tích cực cho tư duy triết học ngày nay của chúng ta về con người. Nói khác đi, không phải việc đi tìm hình ảnh con người “đích thực”, trái lại, chính sự đa dạng của nhiều hình ảnh khác nhau về con người, chính sự tôn trọng lẫn nhau và cả việc tương đối hoá quan niệm riêng của bản thân mình mới có thể góp phần xây dựng một môn “nhân học triết học” thích đáng cho hiện tại.
 
Sự thay đổi thái độ và cách nhìn này quả thật không dễ dàng. Nó chỉ có thể hình thành khi bản thân câu hỏi về con người và sự khác nhau trong các quan niệm về con người được tương đối hoá, trở nên khoan dung hơn khi đối diện với cái gì vượt ra khỏi và vượt lên trên con người. Trong thời đại của chúng ta, đó là sự khủng hoảng của thế giới, là quy mô toàn cầu của những thảm hoạ có thể dẫn tới sự tự diệt vong của bản thân con người. Trước khi nghĩ đến việc con người có thể trở nên “linh thánh” như cao vọng của Max Scheler, con người phải sống còn và để cho thế giới có thể sống còn đã! Bao lâu con người (và môn nhân học triết học) – như nhận xét của Rafael Capurro – không chịu nhường bước cho thế giới thì con người vẫn cứ giam mình trong vòng luẩn quẩn vì không đánh giá hết những nguy cơ đang ngày càng lớn dần.
 
Từ một nhân học tiền – triết học…
 
Ngay đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn có người như Smohalla – nhà tiên tri của bộ lạc da đỏ Umatilla – cương quyết từ chối việc canh tác: “Các người muốn bảo tôi làm ruộng ư? Chẳng lẽ tôi cầm dao để đâm vào ngực mẹ tôi? Thế khi tôi chết, làm sao tôi trở về trong lòng mẹ? Các người bảo tôi đào bới đất đá ư? Thế chẳng phải là xẻ thịt, phơi xương mẹ tôi sao? Thế khi tôi chết, làm sao tôi trở về lại trong thân mẹ để được tái sinh?”
 
Khi phóng chiếu tính người vào cho giới tự nhiên – qua thuyết vật linh và đạo thờ vật tổ – con người chưa tách mình ra khỏi tự nhiên. Nhưng sự đồng nhất hồn nhiên ấy đã bị phá vỡ khi con người bắt đầu ý thức về vị thế đặc biệt của mình đối với thế giới tự nhiên và thế giới thần linh. Đó là một diễn trình lâu dài với tất cả những hệ quả của nó. Tư duy nhân học tiền – triết học có mặt rất sớm bằng những nhận xét rời rạc, riêng lẻ về những đặc tính khác nhau của con người. Môn nhân học triết học chỉ thực sự ra đời khi những nhận xét ấy được nâng lên thành câu hỏi khái quát mang tính bản chất: con người là gì? Cần hơn hai ngàn năm để câu hỏi ấy dần dần định hình thành một khoa học đích thực, tách rời với thần học và tín ngưỡng. Công đầu thuộc về Immanuel Kant với loạt bài giảng về “Nhân học trong giác độ thực tiễn” vào năm 1798! Chúng ta sẽ dành một số bài dõi theo diễn trình ấy và nhất là bước ngoặt trong tư duy nhân học triết học khi bước vào thế kỷ 21.
                                                       Theo Bùi Văn Nam Sơn - SGTT
 
                                                                                      
 
Các bài mới
Các bài đã đăng