Phê bình toàn cảnh
Diễn ngôn trần thuật khơi mở lịch sử - lý giải số phận con người
10:06 | 24/06/2011
NGUYỄN DUY CƯỜNGSự khơi mở những bí ẩn và xung đột lịch sử trong hai tiểu thuyết lịch sử Hội thề và Vạn Xuân là những đặc điểm lớn của tiểu thuyết lịch sử đương đại, mang đậm tính chất giải mã những tối khuyết của lịch sử Việt Nam. Cả hai tiểu thuyết ám ảnh trước số phận những con người tao biến của lịch sử, danh thần công tướng và cả những người phụ nữ . Cả hai cuốn tiểu thuyết đều lựa chọn bối cảnh chiến tranh để khai thác. Chính lúc này đây, số phận người phụ nữ trở nên đáng thương tâm nhất. Trong cuộc đắp đổi của núi sông, có biết bao số phận người phụ nữ bị cơn bão thời đại cuốn trôi, bị ném vào lửa đầy bi thương.
Diễn ngôn trần thuật khơi mở lịch sử - lý giải số phận con người

           1. Khơi mở bí mật và những xung đột của lịch sử

            Trong văn học đương đại, đặc biệt từ sau 1986, văn học nước ta đã có những chuyển biến hết sức mạnh mẽ. Trong đó, tiểu thuyết lịch sử có nhiều sự đổi mới hết sức lớn lao. Trước đây, trong tiểu thuyết lịch sử, lịch sử được xem như một đối tượng được chiêm bái và ngưỡng vọng, đối với các tác giả này nhằm gửi vào lịch sử sức mạnh tuyên truyền giáo dục. Nhưng sau 1986, tiểu thuyết lịch sử được nhìn nhận theo một hướng khác. Giờ đây, tiểu thuyết lịch sử bên cạnh khắc họa những vẻ đẹp bi tráng, bi hùng thì nhân vật lịch sử còn được đặt vào sự bộn bề của cuộc sống. Đối với con người hiện tại, họ luôn có những câu hỏi trong sự phân vân về lịch sử. Đối với họ, lịch sử là những điều đã qua, đã thuộc về quá khứ. Hôm qua là quá khứ của ngày nay, và ngày nay sẽ là quá khứ của ngày mai. Chính vì thế, quá khứ không còn là những điều bất biến. Qúa khứ phải chăng đã diễn ra y nguyên như đã được ghi? Hay lịch sử lại diễn cách khác?... Con người luôn là một mối mâu thuẫn lớn, chính vì vậy, con người luôn muốn khám phá ra những điều bị khuất lấp, không được ghi lại trong sử sách. Điều này chính là nhu cầu thể hiện sự thật lịch sử mà trước hết là khơi mở những bí ẩn và xung đột của lịch sử.

            Hội thề của Nguyễn Quang Thân viết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, làm sống lại hàng loạt nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, tác giả chỉ chọn một lát cắt nhỏ trong khoảng dăm bảy ngày trước sau trận Xương Giang lịch sử để thể hiện. Lúc này, chiến thắng là điều chắc chắn, tuy nhiên, thắng bằng cách nào là vấn đề được đặt ra. Trong hàng tướng lĩnh Lam Sơn chia làm hai phái chủ đánh và chủ hòa. Chủ hòa là những con người trí thức, đứng đầu là Lê Lợi. Chủ chiến là những vị quan võ như Lê sát, Phạm Vấn… Dễ thấy rằng, đây là vấn đề thuộc hàng tướng lĩnh của “quân ta”. Bằng việc thể hiện mâu thuẫn này, Nguyễn Quang Thân đã đưa ra nhiều vấn đề.

            Từ trước đến nay, trong các tài liệu lịch sử vấn đề mâu thuẫn giữa quan văn và quan võ trong triều đại Lam Sơn đã được nhắc đến. Tuy nhiên, sự mâu thuẫn này chỉ được nhìn nhận khi cuộc chiến đã qua, hòa bình lập lại, đó là lúc quyền bính lên ngôi. Tuy nhiên, Nguyễn Quang Thân trong Hội thề đã đặt sự mâu thuẫn này vào ngay khi cuộc chiến vẫn còn xảy ra. Qúa khứ của thời Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã qua, thử hỏi ai dám nhận rằng điều này là đúng điều kia là sai một cách chính xác. Do đó, cách nhìn nhận của Nguyễn Quang Thân cũng chỉ là một giả định.

            Như đã nói ở trên, mâu thuẫn giữa hai phái văn võ đã xảy ra trong hàng tướng của khởi nghĩa Lam Sơn khi khói chiến tranh vẫn bay. Trong Hội thề sự mâu thuẫn này thể hiện lớn nhất ở việc thắng theo cách nào: phá thành, giết quân xâm lược không còn một mống hay làm cách nào để quân giặc phải tự đầu hàng, không làm biết bao người phải chết oan hơn nữa. Sở dĩ có sự mâu thuẫn này theo cách nhìn nhận của Nguyễn Quang Thân là do các vị võ tướng luôn nghĩ đến chiến lợi phẩm, luôn lo cho hầu bao, thành quả chiếm đoạt của mình. Nếu trận cuối cùng này diễn ra, khi vào thành Đông Quan, họ tha hồ vơ vét, biết bao của cải sẽ về phần họ, bên cạnh đó, công chiến thắng họ lại được hưởng. Trong khi đó, những trí thức Thăng Long, đứng đầu là Nguyễn Trãi, không màng đến danh lợi, chiến lợi phẩm, đối với họ yên ấm thái bình của nhân dân được đặt lên hàng đầu. Chính điều này đã khiến họ chủ hòa, bởi vì, thành Đông Quan giờ đây như cái trứng trong túi, muốn lấy khi nào cũng được. Chiến, đồng nghĩa với nhiều người phải bỏ trận, cuộc sống nhân dân phải cực khổ hơn. Nhưng quan trọng hơn hết, chủ hòa để thể hiện sự yêu chuộng hòa bình, để được sống yên hòa với nước Trung Hoa. Hai bên đi theo hai cách nghĩ, một bên vì quyền lợi cá nhân, một bên vì quyền lợi dân tộc. Vì thế họ đã không thể có cùng một lời nói chung.

            Bên cạnh đó, mâu thuẫn này diễn ra là do sự mặc cảm tự ti biến thành. Các tướng lĩnh Lam Sơn trong Hội thề được thể hiện như là những kẻ mang đậm tính chất võ biền, ít học, thô lỗ, ứng xử phần nhiều là theo cảm tính. Họ đã không triệt tiêu hoặc thu bé lại những điều ấy mà ngược lại họ thổi phồng nó lên, coi nó như một phẩm chất, một giá trị trong sự đối chiếu với cái lịch lãm, tinh tế của những con người trí thức Thăng Long.

            Thế nhưng, có lẽ điều quan trọng nhất là sự tranh chức quyền, đặc biệt là việc nối ngôi vua. Nếu như các vị võ quan muốn Nguyên Long hoàng tử thì các vị trí thức Thăng long lại muốn Tư Tề nối ngôi. Chính điều này là nguyên nhân quan trọng nhất để tạo nên sự mâu thuẫn gay gắt giữa hai phái.

            Có thể nhận thấy rằng, Nguyễn Quang Thân đã có dụng ý lớn khi chọn mâu thuẫn giữa quan văn và quan võ để thể hiện trong Hội thề. Bởi những mâu thuẫn này dường như vẫn còn xuất hiện mặc dù cuốn sách đã kết thúc, khi quân giặc được cấp thuyền, lương thực về nước. Qua tác phẩm này, người đọc có thể tự mình cắt nghĩa vì sao mười bốn năm sau đó vụ kỳ án bi thảm nhất trong lịch sử dân tộc đã xảy ra ở Lệ Chi viên như một định mệnh, mà bắt đầu là mâu thuẫn trong chính hàng tướng lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn khi còn chiến tranh. Sự lo sợ của đấng quân vương về quyền bính khi hòa bình lặp lại đã dẫn đến những quyết định chết người mang tính lịch sử là bài học muôn thưở nhưng bi kịch lịch sử vẫn xảy ra. Mong ước của Trần Nguyên Hãn, về miền quê Lập Thạch xin một ít ruộng đất cày cấy, tránh xa chốn bon chen đã không kịp. Cái chết liền sau đó của Trần tướng công và Phạm Văn Xảo cho hay làm người trung tín trong cảnh thái bình thật nghiệt ngã, thật khó khăn. Giấc mơ hòa bình đã trở thành hiện thực, nhưng những đồng chí vào sinh ra tử đang quay lưng với nhau vì quyền lợi của chính mình.

            Như vậy, chúng ta thấy rằng, trong Hội thề, Nguyễn Quang Thân đã sử dụng một giả định lịch sử của riêng mình để lí giải mâu thuẫn của hai phía văn võ. Có thể nói rằng, sự xung đột giữa văn và võ trong khi cuộc chiến với quân Minh vẫn đang diễn ra, có thể chưa chính xác. Nhưng một thành công không thể bác bỏ của tác phẩm là đã góp phần khơi mở bí mật và những xung đột lịch sử của một giai đoạn, đồng thời đã có những kiến giải của riêng mình về những vấn đề đó. 

            Vạn Xuân viết về cuộc đời của Nguyễn Trãi. Đây là một con người tài hoa, mang khát vọng hòa bình, góp phần lớn tạo nên sự thành công của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Tuy nhiên, đạt được sự thành công này là do nhiều yếu tố, đặc biệt là có một nền tảng giáo dục đúng. Sự giáo dục đó, ban đầu được nhận từ Hoàng thân Trần Nguyên Đán, ông luôn lo lắng, chăm lo cho học tập của Nguyễn Trãi. Đây là một yếu tố quan trọng tạo nên con người Nguyễn Trãi sau này, bởi Hoàng thân đã có những cách nhìn nhận khá mới mẻ về mọi việc cũng như việc học. Đối với ông, học không chỉ có trong sách vở mà còn trong cuộc sống. Nguyễn Trãi đã được Hoàng thân truyền kiến thức cũng như những giá trị làm người. Có thể nói rằng, Hoàng thân là người đã đặt những nền móng vững chắc nhất để tạo nên con người Nguyễn Trãi vì dân, vì nước. Bên cạnh đó, Nguyễn Trãi cũng đã được dạy bảo bởi cha ông là Nguyễn Phi Khanh. Một con người đã từng đậu trong thi cử. Chính nhờ sự giáo dục một cách đúng đắn mà hình thành nên một Nguyễn Trãi tài hoa, yêu nước với khát vọng nhân nghĩa. Như vậy, ở đây, tác giả đã khơi mở sự thành công của nhân vật Nguyễn Trãi.

            Bên cạnh đó, chúng ta nhận thấy rằng, Vạn Xuân (Yvélin Féray) cũng đã viết về Hồ Qúy Ly, một con người táo bạo có nhiều chính sách cải cách xã hội Việt Nam. Với nhân vật này trong Vạn Xuân, tác giả không đi vào những cải cách chính trị cũng như xã hội, mà lại chú ý đến sự lên ngôi của ông. Đây là nhân vật xuất hiện không nhiều của tác phẩm, nhưng cũng đủ để lại dấu ấn trong lòng độc giả. Từ trước đến nay, Hồ Qúi Ly trong chính sử xem ông là kẻ “thoán ngôi đoạt vị”. Nhưng dường như trong tác phẩm này sự lên ngôi của ông là một điều tất yếu. Bởi, trong triều ông vua già Nghệ Hoàng nắm quyền bính cao nhất. Thế nhưng, ông luôn cảm thấy bất lực trước mọi hoàn cảnh. Không chỉ thế, trước sự lớn mạnh của vây cánh Hồ Qúi Ly, ông vẫn không hề hay biết. Thậm chí, ông luôn tin tưởng tuyệt đối vào con người này. Thậm chí vị vua già này còn níu kéo đám trung thần, vào sợi dây ân nghĩa để ràng buộc Hồ Qúi Ly. Ông không có sự nhạy cảm của một con người làm chính trị. Như vậy, việc để tuột khỏi tầm tay cơ nghiệp tổ tông là sự kiện đau xót mà tất yếu.

            Trong Vạn Xuân, tác giả đã đặt cuộc đời của Nguyễn Trãi bên cạnh truyền thuyết “rắn báo oán”, chính vì vậy cái chết của ông lại được phủ lên một nàm sương huyền ảo. Bên cạnh đó, theo một cách nhìn khác, cái chết của ông là do sự đấu đá quyền lực. Tác giả đưa ra cùng lúc hai cách lý giải khác nhau về cái chết của Nguyễn Trãi để cho người đọc tự chọn theo cách của mình. Chính điều này đã tạo nên tính “mở” của tác phẩm. 

            Trong sử sách, Nguyễn Trãi và Lê Lợi từ trước đến nay đều được xem là các vị thánh sống, là hai con người luôn gắn kết với nhau. Thế nhưng, trong Hội thề Vạn Xuân lại hiện lên là những con người bình thường. Nguyễn Trãi và Lê Lợi hiện lên với đầy đủ bản chất con người của mình. Họ hiện lên là những con người cũng biết ăn, uống, nói năng bình thường. Không chỉ thế, họ cũng có những khát khao dục vọng. Bên cạnh đó, mối quan hệ của Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã có nhiều mâu thuẫn ngay từ trong cuộc chiến. Bởi, Lê Lợi luôn đố kị với tài năng, luôn coi Nguyễn Trãi là một “vị khách” trong quân ngũ của mình. 

           Nguyễn Quang Thân và Yvéline Féray đã khai thác hình ảnh Nguyễn Thị Lộ khá khác với trong tâm thức người Việt. Trong giai thoại dân gian cũng như các sáng tác hiện đại, Nguyễn Thị Lộ hiện lên như một người ý hợp tâm đầu với Nguyễn Trãi. Đây là người luôn cận kề Nguyễn Trãi và chia sẻ mọi suy nghĩ, băn khoăn, trăn trở về quốc mệnh và dân sinh. Nhưng trong Hội thề Vạn Xuân người phụ nữ này hiện lên là một người phụ nữ bình thường với những nhu cầu, khát khao như mọi người đàn bà bình thường khác. Mối quan hệ của Nguyễn Trãi và Thị Lộ cũng có nhiều điều cần suy xét. Nếu ở Hội thề, Thị Lộ và Nguyễn Trãi chỉ mới là hai con người có lúc không hiểu nhau thì bước sang Vạn Xuân lại được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Mối tình này không chỉ không tâm đầu ý hợp mà còn là sự phản bội của Thị Lộ đi theo tiếng gọi của bản năng và danh vọng.

            Chúng ta vừa điểm qua một vài sự khơi mở những bí ẩn và xung đột lịch sử trong hai tiểu thuyết lịch sử Hội thề Vạn Xuân. Như vậy, nếu nhà sử học nói những điều đã xảy ra trong hiện thực trong quá khứ thì tiểu thuyết lại nói về những điều có thể xảy ra. Lịch sử chỉ là một trong những con đường để đi. Mỗi con đường đã đi đồng thời là sự đánh mất một con đường khác. Tất nhiên, những khả năng ở đây chỉ là giả định. Không thể gọi khả năng là hiện thực, bởi vì cái gì là khả năng thì không phải là hiện thực và ngược lại.

     2. Phân tích, lí giải lịch sử gắn liền với số phận con người trong sự va xiết của lịch sử

            Một cuốn tiểu thuyết lịch sử được viết ra không chỉ để tái hiện lại lịch sử mà một điều quan trọng hơn là để cảm nhận lịch sử. Chính điều này đã giúp cho các nhà tiểu thuyết khi sáng tác đã đưa những cách suy nghĩ của mình vào tác phẩm để phân tích lịch sử. Trong tiểu thuyết, lịch sử được nhận định, phân tích không phải là những lời khô khan mà nó được lí giải gắn với thân phận con người. Trong những tiểu thuyết lịch sử chúng ta dễ dàng cảm nhận được sự cảm thông, chia sẻ với từng mảnh đời nhân vật, lắm lúc họ cất tiếng bênh vực và bảo vệ.

            Dường như không hẹn mà gặp, hai nhà văn Nguyễn Quang Thân và Yvéline Féray, hai người ở cách xa nhau, thế nhưng cùng chọn một thời điểm lịch sử để làm bối cảnh cho tác phẩm của mình, đồng thời lại gửi đến độc giả cùng một thông điệp là lòng xót thương thân phận con người nho học trước biến động của lịch sử.

            Đi suốt chiều dài hai tác phẩm, chúng ta nhận thấy người trí thức Nguyễn Trãi trong cơn “địa chấn” của lịch sử luôn phải chịu sự cô đơn, lạc loài, luôn phải nhận lấy về mình những bi kịch do thời thế mang lại. Chính điều này khiến cho tâm hồn độc giả cảm thấy da diết và ám ảnh.

            Nguyễn Trãi trong hai tác phẩm luôn thể hiện là một con người dấn thân, ông dấn thân vì khát khao nhân nghĩa, khát khao đem lại hòa bình cho đất nước. Tuy nhiên, cũng chính sự dấn thân đó đã tạo nên bi kịch cho con người lỗi lạc này. Chính vì sự ngay thẳng, chính trực của mình mà Nguyễn Trãi luôn phải chịu biết bao thiệt thòi, sự căm ghét của những võ tướng, sự nghi ngờ, e dè của Lê Lợi, có lúc đó là sự ghen tị. Phải chăng, Nguyễn Trãi có lỗi khi ông phục vụ cho dân, nghĩ cho dân? Khi ông luôn dùng tài trí của mình để tìm lối thoát cho đất nước? Hay ông có lỗi do có tấm lòng nhân nghĩa? Những câu hỏi vẫn còn đặt ra, những kiến giải của tác giả đã được viện giải. Dường như những bi kịch Nguyễn Trãi phải nhận lấy là một điều tất yếu.

            Quay về Đông Quan, Nguyễn Trãi cứng cỏi, kiên gan trước mọi dọa nạt, dụ dỗ của Hoàng Phúc. Nhưng đây cũng là quãng thời gian đòi hỏi sự kiên nhẫn và khôn ngoan; không ít lần nhà văn để nhân vật chính thổ lộ tâm trạng bất lực, vô dụng và sự ám ảnh bi kịch của một kẻ sĩ tài trí mà bị giam cầm ngay trên đất nước mình.

            Khi gặp được Trần Nguyên Hãn, nghe tin về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi như thấy được kết của của sự chờ thời và con đường ông muốn hướng tới đã được rộng mở. Nguyễn Trãi quyết định đi tìm lấy minh chủ cho chính mình. Rồi khi đến Lam Sơn, từ xa quan sát Lê Lợi, Nguyễn Trãi cảm thấy sự thất vọng về một thần tượng như mình mong tưởng. Đó là điểm yếu trong tính cách của Nguyễn Trãi đó là quá xác tín, ngay thẳng và sự pha trộn “lãng mạn” giữa con người tư tưởng và con người nghệ sĩ – sự pha trộn bao giờ cũng không tỉnh táo, không hợp thời. Lắm lúc tính cách ấy được đẩy lên đến mức ngang bướng, cao ngạo và thiếu mềm dẻo. Có thể nói rằng, Nguyễn Trãi đã từ sự giáo dục quá đầy đủ, từ vốn học thức quý phái mà va chạm với thực tại qúa gay gắt, trần tục. Nguyễn Trãi tưởng đã học đủ, rèn luyện thử thách đủ, nhưng ông chưa học được, rèn được cách thắng mình. Qua được cửa ải tự thắng mình, nhân vật Nguyễn Trãi trở thành một con người hoàn thiện, trở thành đại diện cho chính nghĩa dân tộc, thành người không thể thiếu bên cạnh Lê Lợi. Nguyễn Trãi là con người đại diện cho cuộc chiến nhân dân, đại diện cho nhân nghĩa, cho văn hóa và lương tri dân tộc. Nhưng cũng chính những phẩm chất cao đẹp đã tạo nên bi kịch cho con người Nguyễn Trãi, tạo nên sự ghanh ghét của những người cùng chiến tuyến. Qủa thực, người có tài bao giờ cũng bị sự tị hiềm.

            Khi thắng trận, Nguyễn Trãi quả quyết chống lại sự trả thù, ông vượt lên đám dân thô lỗ cũng như các tướng lĩnh gan dạ nhưng hẹp hòi. Nguyễn Trãi tài giỏi, sống vì dân, vì đất nước, đó cũng chính là lý do mà sau chiến tranh ông bị ghen ghét, chèn ép, cô độc. Phải nói rằng, trong chiến tranh vệ quốc đuổi giặc xâm lăng, các tướng soái quân đội lớn nhỏ là người rất có công. Nhưng sau chiến tranh, cần một vốn “văn” để xây dựng, cai trị, tổ chức lại đất nước thì số đông các tướng lĩnh quân sự trên tỏ ra lỗi thời, lạc hậu và cái sức mạnh duy nhất của họ là sự đố kỵ nhỏ nhen, sự ghen ghét tranh giành, những mưu mô và họ dồn sức vào chia chác, hưởng thụ. Cuối cùng con người tài giỏi ấy phải chào thua, từ bỏ ước vọng lớn lao về việc cải cách đất nước. Tác giả đã để mấy chục trang sách để nhân vật suy tư nhân thế, về thiên nhiên, bản thân, về ý nghĩa tự do của ngòi bút. Tác giả lại để một lần nữa Nguyễn Trãi trở lại chốn quan trường. Và sự trở lại này đã mang lại bi kịch cho cả dòng họ Nguyễn Trãi. Chấm dứt cuộc đời của một thiên tài.

            Trong Hội thề con người Nguyễn Trãi hiện lên là một khối tư tưởng khổng lồ của một nhà Nho đích thực. Nguyễn Quang Thân không đi vào khai thác toàn bộ cuộc đời Nguyễn Trãi mà chỉ lấy thời gian ngắn, chừng bảy ngày, không gian hẹp, thành Đông Quan và vùng Kinh Bắc để kể. Chính điều này đã tạo nên một sức nén hết sức lớn cho tác phẩm. Nguyễn Quang Thân phân tích lịch sử nhưng chỉ chọn một khoảng thời gian ngắn, chính điều này đã giúp nhà văn khía sâu vào những cuộc đấu tranh trong chính nội bộ của nghĩa quân Lam Sơn. Đây là khoảng thời gian mang tầm lịch sử, đòi hỏi những quyết định lớn cho vận mệnh dân tộc. Bên cạnh đó, tác giả khai thác những bất hòa, mâu thuẫn giữa trí thức Thăng Long, trong đó có Nguyễn Trãi, với đám tướng soái Lam Sơn. Chính thời điểm nhạy cảm này, tư tưởng nhân nghĩa lại càng được soi chiếu, thể hiện khát khao của một nhân vật mang tầm lịch sử. Con người Nguyễn Trãi hiện lên với đầy những nét cao đẹp nhất của mình, đồng thời thể hiện một con người tài hoa, khát khao nhân nghĩa, khát khao để đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Bên cạnh đó, tính cách ngang bướng, xác tín, ngay thẳng, thiếu sự mềm dẻo của Nguyễn Trãi lại càng nổi bật lên đặc biệt là trong cách xử sự với các tướng lĩnh Lam Sơn. Dụng ý của Nguyễn Quang Thân xoáy sâu vào những bất hòa, mâu thuẫn của nghĩa quân nhằm tranh giành quyền lực ngay từ khi hòa bình của đất nước bắt đầu chớm nở, mà sâu hơn đó là số phận của người trí thức giữa sóng xô của sức mạnh cường quyền đã tạo nên bi kịch lịch sử của dòng họ Nguyễn Trãi mãi về sau.

            Có được Nguyễn Trãi, Lê Lợi coi đó là phúc lớn, còn gặp được Lê Lợi, Nguyễn Trãi tìm được vị cứu tinh của dân tộc để gửi gắm niềm tin và ra sức phụng sự, bộc lộ tài năng. Những con người mang trong mình đầy chữ nghĩa, cùng xuất thân quyền quý, khi đứng cạnh những nông dân, những võ tướng với thanh đao trên tay không phải bao giờ cũng thuận buồm xuôi gió. Không ít lần, Lê Lợi phải nhận về mình sự thô lỗ, ít học khi đứng trước Nguyễn Trãi. Những tướng lĩnh tài giỏi của nghĩa quân nông dân như Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân... đã có lúc ngấm ngầm có lúc công khai ghen tị với những trí thức sỹ phu Bắc Hà mũ cao áo rộng, trói gà không chặt, không phải nằm gai nếm mật từ đầu, nhưng lại được tin dùng. Mâu thuẫn, hiềm khích càng ngày càng đẩy mạnh và lên đỉnh điểm khi nghĩa quân vây chặt thành Đông Quan.

            Nhiều lúc Lê Lợi đã xiêu lòng trước lời lẽ của võ tướng với những tính toán thực dụng, để rồi ra lệnh giam lỏng, cách li Nguyễn Trãi. Nguyễn Quang Thân dành một chương của Hội thề,  để miêu tả cuộc đấu lý về việc nên dụ hàng hay nên đánh, giữa một bên là Nguyễn Trãi và bên kia là Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân. Cuối cùng, Nguyễn Trãi đã thuyết phục được Lê Lợi bằng lý lẽ sắc bén xuất phát từ lòng nhân đạo cao cả, từ cốt cách cao thựơng, từ tư tưởng lấy đại nghĩa thắng hung tàn, từ lòng thương dân vô hạn, từ khát vọng cháy bỏng muốn dân tộc có một nền hoà bình lâu dài. Trận chiến cuối cùng không diễn ra, nhân dân không phải lâm vào một dòng sông máu. Thế nhưng trước khi cuốn sách kết thúc Nguyễn Quang Thân đã chua thêm một câu dự thuật về tương lai của Nguyễn Trãi “Nhưng ông đã không đủ thời gian thực hiện lời tâm nguyện đó trước khi đầu rơi khỏi cổ” [05;332].

                Như vậy, cùng lấy bối cảnh thế kỷ XV, cùng chọn nhân vật lịch sử Nguyễn Trãi, cùng nắm trong tay những tư liệu lịch sử về thời Lam Sơn, nhưng do quan niệm và sáng tạo cá nhân khác nhau, hai nhà văn Nguyễn Quang Thân và Yvélin Féray đã có hai cách phân tích và giả định lịch sử khác nhau nhưng hai người lại có có cùng một cái kết giống nhau.

            Trong tiểu thuyết Vạn Xuân, Trần Nguyên Đán cũng là một số phận đáng thương. Vốn là Hoàng thân yêu nước, luôn cất công nghĩ suy cho quốc gia, thế nhưng những mong đợi, suy nghĩ của ông không được đáp trả. Ban đầu, những kiến nghị còn được vua quan tâm, càng về sau, những tấu trình càng bị “xếp xó”. Thế nhưng, Hoàng thân vẫn cất công viết với mong ước góp một phần nhỏ để cải tạo đất nước. Nỗi đau lớn nhất của ông là tự nhận thức được sự mục nát của đất nước, nhìn thấy sự nghiệp của tổ tông đang bị kẻ khác tiếm ngôi dần. Chính điều này càng làm cho nỗi đau của ông càng lớn nặng. Khi Hoàng thân bị thất sủng, ông cũng ý thức được rằng, những tấu trình của mình không còn được sử dụng ông xin trở về quê ở Côn Sơn chỉ mong tìm được thú vui thanh tao trong cây cỏ. Thế nhưng, guồng guay chính trị vẫn không tha cho ông, nó vẫn đeo bám. Nhìn thấy được nỗi khổ đau của người dân, hằng ngày những băng cướp vẫn tung hoành, Hoàng thân không thể ngồi yên, nhắm mắt cho qua, ông vẫn phải cầm ngọn bút viết tấu trình lên đức vua. Không chỉ thế, chính ông vua già Nghệ Tông cũng không cho con người ấy yên ổn ở đất Côn Sơn. Sau một cuộc viếng thăm, vị vua ấy đã đưa ra gợi ý, mà thực sự là một mệnh lệnh để cho con của Hoàng thân là Mộng Dũ kết hôn cùng con gái của Hồ Qúi Ly, nhằm cố níu kéo con người có âm mưu lớn về chính trị này bằng những ân nghĩa. Chính cú sốc lớn này cùng với cái chết của người con gái yêu quý nhất, Trần Thị Thanh, nên Trần Nguyên Đán ngày càng suy sụp hơn về tinh thần. Chính điều này Hoàng thân đã chấp nhận cái chết đang đến gần với mình. Hoàng thân trông mong cái chết về thể xác còn hơn là nhìn sự nghiệp của tổ tông phải rơi vào tay kẻ ngoài gia tộc. Như lời Nguyễn Trãi đã nói “ông đã nói với cháu là ông biết rằng nước Đại Việt sẽ gặp những giai đoạn đau thương mà ông không muốn nhìn thấy. Các chú, các bác có dám giữ ông lại mặc dù ông không muốn” [02;199]. Và kết thúc ông đã ra đi trên mảnh đất Côn Sơn. Như vậy, qua việc thể hiện cuộc đời đầy bi kịch của Hoàng thân Trần Nguyên Đán, Yvélin Féray đã gắn kết với viêc phân tích, lý giải những biến động của lịch sử trong giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIV.

            Nếu Nguyễn Trãi là linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân Minh thì Lê Lợi lại là vị chỉ huy anh minh. Lê Lợi là người anh hùng của dân tộc với lòng căm thù giặc cao độ, quyết không đội trời chung với kẻ thù, người có ý chí không thể gì lay chuyển giành lại non sông cho dân tộc, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn ấy, là minh chủ của hết thảy nghĩa quân. Nếu trong Vạn Xuân, Yvélin Féray khai thác con người Lê Lợi trong lúc còn chiến tranh là con người anh hùng, nhân vật lý tưởng, chỉ đến khi chiến tranh kết thúc sự phản trắc của con người này đối với những đồng chí của mình mới hé lộ, thì trong Hội thề, Nguyễn Quang Thân đã đặt nhận vật này cả tính chất bi hùng ngay trong khi chiến tranh vẫn còn bùng cháy. Lê Lợi, là vị lãnh chúa Lam Sơn, nhưng trong cuộc chiến lắm lúc ông đã rơi vào bi kịch lựa chọn hết sức gay gắt. Ví như việc lập đàn thờ tại Hương Sơn, hiến thần linh mạng sống Ngọc Trần, vợ yêu của Lê Lợi để tìm cách ép Bình Định vương phế Tư Tề lập thế tử Nguyên Long, tất cả chỉ vì quyền bính về sau. Nhận thấy được đó là một âm mưu đen tối của thế lực họ Phạm, nhưng Lê Lợi không thể không thực hiện. Hơn ai hết, Lê Lợi hết sức đau đớn trước sự quyên sinh của vợ, nhưng vì thế cuộc, vì chiến thắng cuối cùng nên Lê Lợi đành phải chấp nhận nỗi đau này. Không chỉ thế, cuộc đời Lê Lợi được Nguyễn Quang Thân khai thác nhuốm bi kịch khi luôn là người phải đứng giữa hai phe văn võ. Đây là hai cánh tay đắc lực của ông, ông không thể bỏ bên nào. Thế nhưng, dường như ông luôn phải bị kẹp giữa thế bí.

             Không chỉ thế, Lê Lợi cũng là con người, bản năng rất mạnh mẽ, thế nhưng do mang vận mệnh của cả dân tộc, ông luôn phải kìm nén những khát khao dục vọng của mình. Đã lắm lúc ông ao ước mình chỉ là một con người bình thường, được thỏa mãn những điều khao khát như lời nhận xét của Nguyễn Trãi “người có bản năng làm người mạnh mẽ, người cũng đòi hỏi được yêu thương, được ân ái, được chiều chuộng, được chăm sóc như ai. Nhưng người lại phải làm tướng, làm vua! Gánh nặng trên vai người quá nặng” [05;84]. Bên cạnh đó, Lê Lợi đã nhận thức được rằng ông đang đánh mất bản thể của mình khi giấc mơ quyền lực càng ngày càng đến gần. Điều này cũng đã tạo nên bi kịch trong con người ông, bi kịch mang tên tha nhân trong con người vị chúa tể Lam Sơn.

            Đặc biệt, khi đến với Hội thềVạn Xuân, ám ảnh trước số phận những người phụ nữ là rất lớn. Cả hai cuốn tiểu thuyết đều lựa chọn bối cảnh chiến tranh để khai thác. Chính lúc này đây, số phận người phụ nữ trở nên đáng thương tâm nhất. Trong cuộc đắp đổi của núi sông, có biết bao số phận người phụ nữ bị cơn bão thời đại cuốn trôi, bị ném vào lửa đầy bi thương. Có thể kể đến số phận của những người phụ nữ như Nguyễn Thị Lộ, Hương Thầm, Ngọc Trần, Tiểu Mai, Trần Thị Thanh… Mỗi nhân vật có một số phận khác nhau, tuy nhiên tất cả họ gặp gỡ nhau ở một điểm là hết sức bi thương. Kết thúc của những người phụ nữ này trong chiến tranh là những mảnh đời trôi lạc. Họ không thể làm chủ cho cuộc sống của mình. Cuộc sống cứ mãi trôi cốn theo họ vào guồng quay của chiến trận và số phận của họ trở nên bi đát. Số phận người phụ nữ trong chiến tranh đã được Nguyễn Quang Thân và Yvéline Féray thấu hiểu và dành cho niềm cảm thông sâu sắc. Nhà văn bên cạnh đứng ngoài nhìn vào số phận bi thương của những người phụ nữ này, cũng đã thâm nhập vào thế giới nội tâm của họ để nhìn để phơi bày những mất mát, đổ vỡ, lắng nghe tiếng thở dài của mỗi số phận con người. Khi nhà văn đưa vào trang sách của mình số phận những người phụ nữ, cùng sự đồng cảm đã tạo nên tính nhân văn sâu sắc cho tác phẩm, đã thu hút được tình cảm của độc giả.

              Như vậy, chúng ta nhận thấy rằng, Nguyễn Quang Thân và Yvéline đã có nhiều nỗ lực cách tân trong việc sử dụng ngôn ngữ cũng như giọng điệu trần thuật. Mặc dù chưa triệt để, tuy nhiên, cần nhìn nhận sự đổi mới, cách tân của hai nhà văn trong Hội thề Vạn Xuân đã tạo nên tính chất đa thanh, đa giọng điệu cho tiểu thuyết lịch sử. Đặc biệt, nhờ vào những cách tân cũng như những quan niệm của hai nhà văn mà diễn ngôn trần thuật đã tạo nên khả năng khơi mở lịch sử, lý giải số phận con người với nhiều sự mới lạ và đặc sắc.


Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Duy Cường (2011), Tiểu thuyết lịch sử Hội Thề (Nguyễn Quang Thân) và Vạn xuân (Yvélin Féray) dưới góc nhìn tự sự học, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Phú Xuân, Huế

2. Yvéline Féray (2002), Vạn Xuân, Nguyễn Khắc Dương dịch, Nxb Văn học & Sudestasie.

3. Trần Đình Sử (2004), Tự sự học, Phần 1, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

4. Trần Đình Sử (2004), Tự sự học, Phần 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

5. Nguyễn Quang Thân (2009), Hội Thề, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.










Các bài mới
Các bài đã đăng