Phê bình toàn cảnh
Tiếp nhận Trường phái hình thức Nga từ một chuyên luận khoa học
09:56 | 30/06/2011
Như một quy luật hiển nhiên, có sáng tác văn học thì sớm muộn gì cũng có phê bình và lý luận văn học, càng về sau, có thêm các phương pháp nghiên cứu, phê bình văn học - với tư cách là trường phái, trào lưu nối tiếp nhau nhằm tiếp cận và giải mã tác phẩm ngày một đa dạng, tối ưu, hiện đại để không ngừng làm đầy những giá trị và ý nghĩa của tác phẩm văn học.
Tiếp nhận Trường phái hình thức Nga từ một chuyên luận khoa học
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 [if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Trong thế kỷ XX, chúng ta được chứng kiến sự bùng nổ của các trường phái và trào lưu hiện đại trong nghiên cứu và phê bình văn học với hiệu quả và thành tựu đáng kể, trong đó, mọi người đều thừa nhận công lao phát hiện có ý nghĩa mở đầu là Chủ nghĩa hình thức Nga (thập niên thứ 2 của thế kỷ XX); từ đó, nó kích thích và gọi mời nhiều nhà lý luận, phê bình tham dự, tranh biện. Và cũng từ đây, xuất hiện thêm nhiều trường phái, trào lưu mới trên thế giới như: Chủ nghĩa cấu trúc, Phê bình mới ở Mỹ và Tây Âu, đặc biệt là Thi pháp học…Và có thể kể thêm Ký hiệu học, Tự sự học...Hiểu biết đại thể  về vai trò của Chủ nghĩa hình thức Nga như trên, hẳn nhiều người đều có cùng nhận thức, nhưng do vốn ngoại ngữ, do hạn chế về tư liệu dịch, nên quả thật chúng ta cũng chưa hiểu về bản chất, nội dung và thao tác làm việc, quan điểm mỹ học của trường phái lý luận – phê bình văn học này một cách sâu sắc và đúng  trọng tâm. Và vì vậy, yêu cầu cấp bách để có một công trình nghiên cứu, giới thiệu về Chủ nghĩa hình thức Nga một cách đầy đủ luôn là mong mỏi của nhiều người làm công tác phê bình, nghiên cứu văn học ở Việt Nam từ trước cho đến nay. Năm 2007, PGS.TS. Huỳnh Như Phương đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết trên bằng việc cho công bố chuyên luận Trường phái hình thức Nga, do NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.

Ở Việt Nam, tập sách này là công trình giới thiệu hoàn chỉnh, khoa học nhất từ trước đến nay về Trường phái hình thức Nga. Hoàn chỉnh nói theo nghĩa biện chứng của vấn đề, tức là Huỳnh Như Phương đã xuất phát từ cơ sở xã hội, cơ sở tư tưởng và cơ sở văn hoá - lịch sử mà trường phái này ra đời, hình thành và phát triển (3 thập niên đầu của thế kỷ XX ) để chỉ ra những “đóng góp của nó cho tiến trình phát triển của khoa nghiên cứu văn học và thi pháp học; đồng thời chỉ ra những nhược điểm và hạn chế do những quy định của lịch sử mà nó không thể vượt qua”(tr. 7) (Từ đây trở đi, những câu trích để trong ngoặc kép đều dẫn từ chuyên luận của Huỳnh Như Phương). Từ việc xác định vấn đề  theo quan điểm lịch sử - cụ thể nói trên, Huỳnh Như Phương đã giới thiệu khái quát quan niệm văn chương của các nhà lý luận – phê bình thuộc trường phái này một cách tuần tự, hệ thống để chỉ ra những vấn đề nòng cốt, nền tảng, thống nhất về lý luận và quan niệm của họ xét trên nhiều yếu tố, nhiều cấp độ, nhiều phạm trù, về việc ứng dụng vào nghiên cứu – phê bình  cũng như sự phát triển của nó qua  việc tiếp thu, vận dụng  của các trường phái lý luận - phê bình xuất hiện về sau trên thế giới. Dĩ nhiên, qua công trình này, ta thấy Huỳnh Như Phương còn mở rộng biên độ khảo sát ở những vấn đề nội vi và ngoại vi có liên quan đến Chủ nghĩa hình thức Nga trên  phạm vi toàn thế giới. Sự bao quát và làm chủ vấn đề như thế chứng tỏ tác giả công trình đã thuần thục thao tác khoa học và có phương pháp chặt chẽ. Đấy là thành công tổng thể của tác giả, đáng được hoan nghênh và đánh giá cao.

Đi vào nội dung chính của chuyên luận là việc nghiên cứu Những nhà cách tân mà Tzvetan Todorov là người có công lao to lớn trong việc giới thiệu các nhà hình thức Nga cho độc giả Châu Âu biết một cách thấu đáo qua những văn bản chuyển ngữ sang tiếng Pháp của ông. Từ đó, hiệu ứng kích hoạt của trường phái này lan rộng đến các học giả, các nhà nghiên cứu lớn ở nhiều nước với những lời bình luận và nhận định nồng nhiệt và trân trọng như Jean-Yves Tadié (Pháp), Peter Steiner (Mỹ), Galina Belaja (Nga)…

        Các nhà nghiên cứu trên đã nghiêng mình ngưỡng mộ những bậc avant-gardes tài danh của trường phái này như Viktor Shklovski, Boris Eikhenbaum, Boris Tomashevski, Yuri Tynianov, Roman Jakobson, Vladi-mir Proff, Viktor Vinogradov, Osip Brik… Bền bỉ hoạt động trên nhiều lĩnh vực để chứng minh, ứng dụng thiết thực cho trường phái của mình, các nhà hình thức luận vừa nêu trên đã có công lớn trong việc nỗ lực phát triển và hoàn thiện nó cả về lý thuyết lẫn thực tiễn nghiên cứu, ứng dụng và sáng tạo. Những sáng tác, những quan niệm lý luận qua những công trình cụ thể của từng thành viên nói trên được Huỳnh Như Phương trình bày khá cặn kẽ, đặt trong nhiều thời khoảng, nhiều quan hệ để nhằm khẳng định rằng đây là trường phái có nhiều sáng tạo, đề xuất và dự cảm được nhiều ý tưởng và nội dung độc đáo - như là mỹ học luôn vận động; từ đó, hình thành nhiều tư cách và tư thế để đối thoại, đối trọng hoặc để đồng thuận. Và vì vậy, Chủ nghĩa hình thức Nga đã nghiễm nhiên trở thành trường phái lớn nhất có ảnh hưởng đến toàn thế giới dù nó phải trải qua những bước thăng trầm. Trong toàn bộ chương 1, Huỳnh Như Phương đã phác thảo lịch sử của trường phái hình thức Nga một cách cô đọng mà sâu sắc, bao quát nhất, giúp người đọc hình dung một cách cụ thể bản chất từng nội dung vấn đề, chứng tỏ tác giả đã làm chủ khối tư liệu đồ sộ, và cao hơn là làm chủ lịch sử vấn đề một cách thấu đáo.

        Vấn đề bản chất mà chuyên luận quan tâm, đó là cuộc gặp gỡ giữa Ngôn ngữ họcThi pháp học… Đây là một phát hiện đầu mối, nền tảng quan trọng nhất của Chủ nghĩa hình thức Nga được trình bày ở chương 2. Ở đây, các chủ thể của trường phái này xem “Thi pháp học và Ngôn ngữ học vừa là khởi điểm vừa là hợp điểm” (tr. 64). Nếu nói văn bản nghệ thuật là những ký hiệu thẩm mỹ thì quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt có thể cắt nghĩa được nếu chúng ta có những chìa khoá để giải mã về phương diện tâm lý – xã hội, truyền thống văn hoá và cá tính sáng tạo đã làm nên thế giới nghệ thuật độc đáo của nhà văn. Trong văn bản nghệ thuật, ký hiệu thẩm mỹ là kết quả của một quá trình biểu trưng hoá, trong đó có sự kết hợp giữa những quy ước đã ổn định với sự sáng tạo riêng của người nghệ sĩ. Như vậy, sự gặp gỡ giữa Ngôn ngữ học và Thi pháp học trong quan niệm, trong các trước tác của các nhà hình thức Nga, thoạt đầu, đã tìm được một hợp điểm then chốt là khái niệm ngôn ngữ thi ca (tức ngôn ngữ văn chương). Vì vậy, ngôn ngữ thi ca “trở thành một hệ thống ngôn ngữ có quy luật đặc thù và lấy đó làm điểm xuất phát để chế tác những công cụ phân tích tác phẩm thơ và văn xuôi” (tr.75) một cách hiệu quả nhất theo quan niệm  và lý luận độc đáo của các nhà hình thức Nga, đặc biệt là R. Jakobson. Họ bắt đầu xây dựng “một lý thuyết về thơ với tư cách là ngôn ngữ có giá trị tự thân” với nhiều quan niệm mới mẻ tuỳ theo thực tiễn thơ ca đương thời và tuỳ theo nhiều trường phái, chủ nghĩa khác nhau. Cũng ở chương 2, Huỳnh Như Phương đã nêu được sự gặp nhau và sự so le nhau trong quan niệm về ngôn ngữ thi ca của từng nhà nghiên cứu - phê bình như Yakubinski, Todorov, Brik, Shklovski, Tynianov, Potebnia…Chỗ gặp nhau và bổ sung nhau đã làm cho  ngôn ngữ thi ca trở nên vừa nhất quán vừa mở rộng để quay về thời kỳ trước với các học giả, các nhà tư tưởng lớn trên thế giới, vừa đa dạng vừa mới mẻ, giúp cho quá trình phân biệt giữa ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ thực tế để dẫn đến hai phương diện của phong cách học mà Vinogradov khẳng định: “Theo ý tôi, có hai phương diện ở đó phong cách học có thể hình thành: 1) Phong cách học của ngôn ngữ nói và viết (trong tất cả các chức năng đa dạng) và của các loại hình kết cấu; 2) Phong cách học của ngôn ngữ thi ca, nghĩa là của ngôn ngữ tổ chức nên các tác phẩm văn học” (tr.87). “Từ khái niệm ngôn ngữ thi ca, các nhà hình thức Nga đi đến xác định chức năng thi ca của ngôn ngữ, và có thể xem đây là đóng góp quan trọng của trường phái này trong việc đi tìm một tiếng nói chung giữa ngôn ngữ học và thi pháp học. Cũng có thể nói từ đây, Trường phái hình thức Nga dứt khoát hướng sự nghiên cứu về phía thi pháp học với tư cách là một khoa học liên quan đến ngôn ngữ học” (tr.88) mà về sau, R. Jakobson phát triển vấn đề lên thành những nội dung và những chức năng của ngôn ngữ. Và đặc biệt là trong hệ thống lý thuyết của Thi pháp học, vấn đề ngôn ngữ được đề cao ở cấp độ phương thức, phương tiện một cách nghệ thuật, trở thành hình thức có nghĩa – hình thức mang tính quan niệm. Dĩ nhiên là từ vấn đề ngôn ngữ thi ca, Huỳnh Như Phương đã dẫn người đọc đến những vấn đề có liên quan như: người nhận, người gửi, bối cảnh, thông điệp, mã... để tạo thành những chức năng khác nhau trong quá trình biến văn bản của tác giả thành tác phẩm, thông qua người đọc. Rộng ra là những vấn đề thuộc về lý thuyết văn học như lý thuyết phản ánh luận, lý thuyết biểu hiện, lý thuyết tiếp nhận, lý thuyết hình thức luận… Có thể nói những vấn đề thú vị nhưng không kém phần phức tạp như vừa nêu đã được tác giả chuyên luận triển khai và lập luận rất chặt chẽ, logíc, làm hiển minh những điều vốn rất mơ hồ, khó nắm bắt tường tận.

Vốn đề cao vai trò của ngôn ngữ thi ca, dĩ nhiên các nhà hình thức Nga ưu tiên quan tâm hàng đầu đến vấn đề nhịp điệu trong thơ: “Việc chế tác khái niệm ngôn ngữ thi ca và chức năng thi ca của ngôn ngữ gắn liền với nỗ lực nghiên cứu phương diện âm thanh của thơ và cấu trúc nhịp điệu như là dấu hiệu đặc trưng của thơ trong mối quan hệ với văn xuôi” (tr.99). Phương diện âm thanh ngôn ngữ được họ nghiên cứu ở nhiều cấp độ khác nhau.Ví như O.Brik với Hiện tượng điệp âm thanh, Nhịp điệu và cú pháp để tìm ý nghĩa và các quan hệ cú pháp của câu thơ, bài thơ… Còn Eikhenbaum với Giai điệu của câu thơ, Nghệ thuật thơ ca Nga nhằm tìm những hiện tượng cú pháp đặc biệt để chỉ ra giai điệu ngữ đoạn – với tư cách “không chỉ một nhân tố cấu thành mà còn là nhân tố chủ âm nổi trội của cấu trúc thơ” (tr.102). Nhìn chung, các nhà hình thức Nga chú trọng đến “chủ âm” nhằm phân biệt thơ ca với văn xuôi, phân biệt giữa các khái niệm loại hình thơ ca khác nhau. Và với thơ thì nhạc tính là đặc trưng của việc tổ chức nhịp điệu thơ…Càng về sau, nhiều người tiếp tục nghên cứu vấn đề nhịp điệu một cách đa dạng hơn như: Tomashevski với công trình Vấn đề nhịp điệu câu thơ, Khảo luận về thi pháp Puskin…đã đề cao nhịp điệu ngôn ngữ trong thi ca, “một trong những hệ thống ngôn ngữ mà chức năng giao tiếp bị chuyển ra hậu cảnh và những cấu trúc ngôn từ mang giá trị tự trị” (tr. 107). Còn Tynianov tiến thêm một bước với công trình Vấn đề ngôn ngữ thi ca, ở phần Nhịp điệu như là nhân tố kết cấu của câu thơ, nhằm kết nối các yếu tố tham gia cấu thành tác phẩm thơ thành những chức năng kết cấu chỉnh thể tác phẩm. Qua đó, họ phân biệt cấu trúc từ vựng của câu thơ và cấu trúc từ vựng của văn xuôi. Dĩ nhiên, vấn đề nhịp điệu trong thơ có liên quan đến nhiều bình diện khác của quá trình sáng tạo như tình cảm, tư tưởng, ý nghĩa, không gian, thời gian nghệ thuật. Vần luật, nhạc tính, khoảng lặng, điểm dừng…cũng từ đấy mà cộng hưởng làm thành những giá trị ngữ nghĩa, giọng điệu đa dạng. Huỳnh Như Phương đã lý giải và tổng lược có nhận định và minh chứng những vấn đề trên một cách thuyết phục, dễ nắm bắt; từ đó giúp ta thấy quan niệm và đóng góp cũng như hướng khắc phục, phát triển của các nhà hình thức Nga về nhịp điệu gắn với cấu trúc tác phẩm thơ.

Vấn đề thủ pháp trong văn xuôi nghệ thuật được trường phái hình thức Nga quan tâm bên cạnh sự quan tâm thủ pháp thơ, để văn xuôi có được “những nguyên tắc vững chắc như lý thuyết về hình thức và thể loại của thơ vốn đặt cơ sở trên nhịp điệu” (tr.121). Thay vì xem trọng nhân vật  - với tư cách là một phạm trù trung tâm của văn học lúc bấy giờ từ các thành tựu của văn học Nga qua các tác giả lớn như Tolstoi, Gogol, Santykov-Sedrin, Gontsharov, Turghenev, Dostoievski, đến đây, trường phái hình thức Nga muốn đề xuất chuyển từ phạm trù nhân vật sang phạm trù thủ pháp. Vậy, vấn đề thủ pháp nghiễm nhiên được đưa lên thành phạm trù thi pháp hàng đầu để giải mã tác phẩm, nhằm chỉ ra tính văn học của chúng. Đi đầu trong khuynh hướng này là Shklovski, khi ông đặt ra vấn đề lạ hoá các sự vật từ hình thức để trút bỏ các thói quen tiếp nhận tác phẩm theo kiểu cũ… Trong tiểu luận Nghệ thuật như là thủ pháp cuả ông, lý thuyết về lạ hoá đối tượng được miêu tả đã “chuyển điểm nhấn từ mục đích nghệ thuật của hình ảnh sang chức năng nghệ thuật của văn chương” (tr.125). Huỳnh Như Phương cho biết, kết quả của vấn đề thủ pháp văn xuôi mà Trường phái hình thức Nga đặt ra “đã hình thành hai con đường trong lĩnh vực nghiên cứu thi pháp văn xuôi tự sự” (Tomashevski với tiểu luận Hệ chủ đề, A.Veselovski với tiểu luận Thi pháp cốt truyện, Shklovski với Lý thuyết văn xuôi và Eikhenbaum với Về lý thuyết văn xuôi ).

 Xem cấu trúc tác phẩm văn xuôi là tập hợp các thủ pháp sáng tạo của từng nhà văn, đặc biệt là những nhà văn lớn, các nhà hình thức Nga lưu ý đến sự nối tiếp, thay thế, bổ sung các thủ pháp, hệ thống quan niệm đặc trưng của từng thời đại, trào lưu và thể loại. Và ở đó, phải phát hiện từ các tác phẩm những thủ pháp mới có tính nghệ thuật độc đáo. Theo đó, các vấn đề quan hệ trong chỉnh thể tác phẩm như thủ pháp xây dựng cốt truyện với các thủ pháp chung của phong cách, những vấn đề cấu trúc của truyện ngắn và tiểu thuyết... được trường phái này quan tâm bàn sâu và tất cả đều được ứng dụng vào việc nghiên cứu những tác phẩm lớn trên thế giới, với hiệu quả thuyết phục và mở ra những khía cạnh thực tiễn sâu sắc trong tiếp nhận tác phẩm. Ở chương này, Huỳnh Như Phương đã có công chứng minh và viện dẫn các công trình, các tác phẩm cụ thể nên người đọc lại có dịp nhận biết chiều sâu của cấu trúc tác phẩm văn xuôi (qua hệ thống thủ pháp) một cách thấu đáo, logíc, có tính lịch sử - cụ thể mà từ trước đến nay nhiều người có biết đến nhưng rời rạc và thiếu hệ thống.

Phần cuối của công trình Trường phái hình thức Nga của Huỳnh Như Phương là một đúc kết tổng thể về thành tựu cũng như hạn chế trong hệ thống lý thuyết, hệ thống quan niệm văn học của các nhà hình thức Nga, giúp người đọc thấy được dư luận khen – chê đương thời cũng như về sau này của các nhà nghiên cứu văn học; đồng thời cũng khẳng định thành tựu của họ trong việc tạo ra hiệu ứng tích cực, sáng tạo từ hệ thống lý thuyết và quan niệm nói trên đối với khoa nghiên cứu văn học hiện đại trên thế giới, trong đó, có Việt Nam. Các ý kiến phê phán đối với trường phái này  của L. Trotski (Văn học và cách mạng), N. Bukharin (Về phương pháp hình thức trong nghệ thuật), Ts. Kogan (Về phương pháp hình thức), V. Polianski (Về B.Eikhenbaum, A. Lunatcharski (Chủ nghĩa hình thức trong nghiên cứu nghệ thuật )… được Huỳnh Như Phương tổng lược và gợi mở rất cụ thể. Cả phái dung hoà giữa chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa Mác cũng được đề cập tương đối hệ thống thông qua việc phân tích công trình của B. Eikhenbaum (Chung quanh vấn đề các nhà hình thức luận), A. Zeitlin (Những nhà mác – xít và phương pháp hình thức, Giai cấp vô sản và văn học ), U. Foxt ( Hệ vấn đề văn học mác – xít đương đại )...

 Ở đây, phương pháp biện chứng, khoa học và tinh thần xây dựng năng động đối với Trường phái hình thức Nga của M. Bakhtin và các cộng sự của ông như P. N. Medvedev, V. N. Voloshinov là rất đáng được lưu ý học tập, tham chiếu. Vì dù phê phán hay khẳng định, họ đều xuất phát từ hiện thực khách quan, có cơ sở lý luận và thực tiễn, không rơi vào máy móc, dung tục. Và cũng chính Bakhtin và cộng sự của ông đã tiến xa thêm một bước để nhìn nhận vấn đề theo tinh thần triết lý – xã hội qua  hệ thống thi pháp học của mình để vừa tránh rơi vào hình thức chủ nghĩa - xem ngôn từ như một chất liệu hoặc thủ pháp như yếu tố cơ sở của cấu trúc nghệ thuật để thay vào đó là “những phương thức điển hình của sự biểu đạt, đó là thể loại”. Theo Bakhtin, “người nghệ sĩ phải học cách nhìn nghệ thuật bằng con mắt của thể loại” (tr.157), điều sau này đã đưa Bakhtin đến thành công qua những công trình vĩ đại của mình, trong đó có Những vấn đề thi pháp Dostoievski.

Số phận của trường phái hình thức Nga được Huỳnh Như Phương làm sáng tỏ thêm theo tiến trình lịch sử cũng qua viện dẫn từ các công trình và những tên tuổi tiêu biểu, trong đó, có Shklovski (Chất liệu và phong cách trong tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình của L. Tolstoi), Tynianov (Sự kiện văn học, Về sự tiến hoá trong văn học), Jan Mukarovski (Về nghệ thuật thơ ca đương đại, Chủ nghĩa cấu trúc trong mỹ học và nghiên cứu văn học), Lévi-Strauss (Phân tích cấu trúc trong ngôn ngữ học và nhân học), René Wellek và Austen Warren (Lý luận văn học), Victor Erlich (Chủ nghĩa hình thức Nga - lịch sử, chủ thuyết; Phê bình văn học Nga thế kỷ XX), Propp (Hình thái học truyện cổ tích)… Phải nói, đến đây, những vấn đề lịch sử và nội dung căn bản của chủ nghĩa hình thức Nga được Huỳnh Như Phương lần lượt làm sáng tỏ. Và ngoài những giới hạn có tính thời đại và tính quy luật mà các nhà hình thức luận không thể vượt qua, thì về sau, trong thời hiện đại, đặc biệt ở phương Tây, chủ nghĩa hình thức lại được phục sinh những giá trị mới, rồi ảnh hưởng lan rộng đến các nước, góp phần thúc đẩy khoa nghiên cứu văn học thế giới tiến thêm những bước dài về phía trước với sự phá thay, sự loại trừbổ sung những hệ thống lý thuyết và quan niệm mới - từ những luận điểm của chủ nghĩa hình thức Nga.

 

                                                          @

 

Ngoài những thành tựu, ở nước ta, từ trước đến nay, vẫn còn diễn ra những vấn đề phức tạp và cả bất cập trong việc tiếp thu lý thuyết văn học thế giới suốt thời gian dài đã làm cho không ít người tỏ ra lúng túng, lo ngại. Sự thận trọng, khoa học trong tiếp thu và tiếp biến mĩ học hiện đại luôn đặt ra cho các nhà lý luận và các nhà nghiên cứu văn học ở nước ta những thách thức và trách nhiệm nặng nề. Và thực tế, trong những thập niên cuối của thế kỉ XX và gần một thập niên đầu của thế kỉ XXI, lý luận văn học ở Việt Nam có những khởi động và thành tựu lớn đáng phấn khởi, trong đó, thành tựu của các trường phái và khuynh hướng, các lý thuyết văn học nước ngoài được lần lượt chuyển dịch, nghiên cứu, ứng dụng ở Việt Nam, trong đó, thi pháp học, phong cách học, ký hiệu học và chủ nghĩa cấu trúc là những khuynh hướng lớn không thể phủ nhận. Công lao ấy thuộc về các nhà lý luận – phê bình tiên phong như Hoàng Trinh, Đỗ Đức Hiểu, Trần Đình Sử, Hoàng Ngọc Hiến, Phương Lựu, Trương Đăng Dung, Lê Ngọc Trà, Nguyễn Văn Dân, Đỗ Lai Thuý, Phạm Vĩnh Cư, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyên Ngọc, Trần Nho Thìn, Trần Ngọc Vương… Và với Trường phái hình thức Nga – công trình giới thiệu, nghiên cứu khách quan, khoa học về trường phái này, Huỳnh Như Phương – nhà lý luận văn học cẩn trọng, có trách nhiệm với mình, với nghề - lại có thêm một đóng góp vào nỗ lực chung đó của văn chương - học thuật hiện đại Việt Nam.

                                 Theo PGS.TS Hồ Thế Hà – VH&NN
























































Các bài mới
Các bài đã đăng