Tự nhiên – văn hoá – siêu tự nhiên
Ở phương Tây, cùng với sự ra đời và ảnh hưởng mạnh mẽ của các tôn giáo tự nhiên, tư tưởng cổ đại Hy Lạp – khác với truyền thống Do Thái – Kitô giáo – không chỉ xem tự nhiên (Hy Lạp: phýsis; Latinh: natura) là cái gì vĩnh cửu, bất sinh, bất diệt mà còn vượt ra khỏi tầm tay của con người, và do đó, là mẫu mực, hài hoà, đẹp đẽ (từ đó có từ kósmos/vũ trụ với nguyên nghĩa là “trang sức”, “trật tự”). Thế rồi xuất hiện nhân vật Protagoras (490 – 420 trước CN), được hậu thế tôn vinh là nhà biện sĩ cừ khôi, mở đầu cho công cuộc khai minh đầu tiên (Protagoras và khai minh Hy Lạp, Sài Gòn Tiếp Thị 14.7.2010). Ông đặt câu hỏi gai góc: trong tất cả những gì được gọi là “văn hoá”, đâu là yếu tố “tự nhiên” (phýsei), đâu là yếu tố do con người “đặt định” nên (thései)? Đặt câu hỏi ấy, Protagoras thực ra muốn tiến hành phê phán tư tưởng truyền thống và phá huỷ tính chất mẫu mực của “tự nhiên”, bởi ông chứng minh rằng mọi thành tựu văn hoá, dù là ngôn ngữ, tôn giáo hay nhà nước, xã hội (thời bấy giờ được gọi chung là pólis/thành quốc) và cùng với pólis, là toàn bộ quyền lực chính trị, đều do bàn tay con người tạo ra, nghĩa là, đều có thể thay đổi được. Con người, do nhu cầu của cuộc sống, đã “phát minh” ra văn hoá, và văn hoá chính là sản phẩm của con người để thay thế “tự nhiên” (gần với ý: “ngươi phải đổ mồ hôi trán để tự kiếm miếng ăn!” trong Kinh thánh). Quan niệm táo bạo này có thể gọi là chủ trương “văn hoá luận”, phản bác “tự nhiên luận”. Cái phýsis được triết học cổ đại tôn sùng như là đối tượng của sự chiêm ngưỡng lý thuyết thuần tuý (théoria/lý thuyết vốn có nghĩa là chiêm ngưỡng!), dưới mắt Protagoras là bất khả tri, và hơn thế, về mặt nguồn gốc, là không quan trọng trong việc xem xét các sự kiện văn hoá. Cần lưu ý rằng khi nói về “bản tính (natur) con người”, ông chỉ muốn nói đến những nhu cầu, lợi ích và lý trí có thật của con người. Từ này không có nghĩa là “bản tính tự nhiên” (natur) vốn là thuật ngữ đặc thù của phong trào khai minh thế kỷ 17 – 18 sau này, dù cả hai phong trào cùng chia sẻ nhiều cảm hứng phê phán.
Tuy nhiên, lấy cái phi – tự nhiên làm nguyên tắc của văn hoá và chuẩn mực cho mọi sự phê phán văn hoá (theo đó, tất cả đều là nhân tạo và có thể thay đổi được), quan niệm của Protagoras và phong trào khai minh đầu tiên này lại vấp phải một khó khăn nghiêm trọng: lấy gì làm thước đo, làm chuẩn mực cho bản thân cái chuẩn mực ấy nếu không muốn mọi lập luận phê phán rơi vào vòng luẩn quẩn, vừa đá bóng vừa thổi còi? Plato (424 – 348 trước CN) chính là người vạch ra nhược điểm chết người ấy của phái biện sĩ và kịch liệt đả kích quan điểm này thiếu cơ sở triết học và nguy hiểm, phiêu lưu về chính trị! Nhưng Plato cũng nhận ra rằng không thể đơn giản quay trở về với cái “phýsis tự nhiên luận” của triết học cổ đại đã bị phái biện sĩ phê phán, trái lại, phải hình dung ra một thế giới siêu – tự nhiên. Thế giới siêu – tự nhiên ấy là những “mô thức”, những “linh tượng” bất biến, vĩnh cửu, tuy chỉ có thể nắm bắt được bằng tư tưởng và vượt ra khỏi thế giới tự nhiên trực tiếp, khả giác, nhưng vẫn là một phýsis, tức một thực tại nằm ngoài tầm tay của con người, đủ tư cách làm chuẩn mực cho mọi chuẩn mực! Cộng hoà, tác phẩm chính của Plato, phác hoạ mô hình một nhà nước lý tưởng và “đúng đắn” được biện minh bằng ánh sáng của thế giới siêu – tự nhiên ấy.
Từ chàng “híp-pi” Diogenes đến thế lưỡng nan “tự nhiên – văn hoá”
Sau Plato, quan niệm văn hoá tự nhiên luận tiếp tục giành ưu thế, nhưng với nhiều biến thể ngày càng phức tạp. Diogenes (412 – 323 trước CN) sống trong chiếc thùng gỗ cùng với vài chú chó cưng (có lẽ vì thế, trường phái của ông được dịch sang tiếng Việt là Khuyển nho!), từ khước mọi quy phạm văn hoá thông tục, là hình thức cực đoan đầu tiên của việc “trở về với tự nhiên”. Ít cực đoan hơn là thái độ sống “theo tự nhiên” của phái khắc kỷ (đầu thế kỷ 3 trước CN), theo đó, trật tự tự nhiên được xem là hợp lý tính, trong khi các quan hệ văn hoá chỉ có giá trị tương đối.
Bước vào thời cận đại, tình hình phức tạp hơn nhiều. Một mặt, giới tự nhiên hầu như được “giải phóng”, không còn phản ánh duy nhất tính hợp lý thần linh nữa, bởi ý chí của thượng đế có thể sáng tạo cả cái phi lý trong tự nhiên! Đây cũng là tiền đề cho việc xem tự nhiên như là chất liệu đơn thuần của khoa học trong tham vọng thống trị tự nhiên của Francis Bacon, người cha tinh thần của khoa học hiện đại.
Mặt khác, với truyền thống Do Thái – Kitô giáo mà tư tưởng Hy Lạp chưa biết tới, thế giới tự nhiên, bản tính tự nhiên của con người hay “ánh sáng tự nhiên” của lý trí vừa được đánh giá tích cực như là sản phẩm của thượng đế, vừa tiêu cực như là cái gì bị “sa đoạ” bởi tội lỗi của con người. Làm sao có thể vừa xem “tự nhiên” là chuẩn mực tốt lành, vừa phải nỗ lực thoát ly khỏi cái đơn thuần tự nhiên còn thô lậu ấy nếu muốn vươn tới sự tiến bộ, trong viễn tượng về một “trời mới, đất mới”, như là sự phóng chiếu ước vọng “phục sinh” của bản tính con người sau khi phạm tội vào cho bản thân vũ trụ? Cũng thế, làm sao dung hoà trong quan niệm về văn hoá khi vừa xem văn hoá là đối tượng hư hỏng, thối nát cần bị phê phán, vừa như cái gì có giá trị, đáng mong mỏi?
Một tích hợp phức tạp
Tóm lại, từ thời khai minh cận đại, sự phê phán văn hoá bị đặt vào thế lưỡng nan trong mối quan hệ căng thẳng giữa tự nhiên và văn hoá: (trạng thái) tự nhiên là tiên khởi, chuẩn mực, đồng thời cần được văn hoá nhanh chóng xa rời, từ bỏ vì sự tiến bộ, cũng như ngược lại, văn hoá liên tục bị phê phán, đồng thời là giá trị cần phát huy. Tích hợp các mối quan hệ phức tạp, đầy nghịch lý này vào trong một quan niệm văn hoá nhất quán sẽ là nỗ lực đầu tiên của J. J. Rousseau (cha đẻ của phê phán văn hoá hiện đại). Tiếp sau Rousseau sẽ là những I. Kant, G. W. F. Hegel, K. Marx, F. Nietzsche, Oswald Spengler...
Theo Bùi Văn Nam Sơn - SGTT
|