Ở Việt Nam thế kỷ XX, đường đi của hiện tượng học là những nẻo đường vòng, và đường đi của hiện tượng học văn học thì thêm mấy ngã rẽ. Trần Đức Thảo cùng với M.Ponty, J-P.Sartre, E.Mounier,… là những người đầu tiên thuộc nền học vấn Pháp tiến hành kiểm thảo thư khố Husserl ở Bỉ. Từ đấy, mở đầu cho sự bành trướng hiện tượng học ở Pháp. Vinh quang của triết gia Thảo, bắt đầu từ hiện tượng học, và cũng từ đây, cắm dấu cho sự xâm thực vào hiện tượng học của người Việt.
I: NHỮNG SUỐI NGUỒN TIÊN KHỞI
Khởi sinh từ suối nguồn Trần Đức Thảo, Việt Nam kiến tạo truyền thống của những lạc đà, hay đúng hơn, những trâu thồ tư tưởng cần mẫn của nền văn hóa nông nghiệp. Du học về từ trời Tây, các trí thức Việt Nam đã kiên nhẫn tải trên lưng các truyền thống hiện tượng học/luận vào mảnh đất quê hương. Nếu như ở miền Bắc, như đã biết, sau 1945, tư tưởng chảy về một nguồn duy nhất đúng là tư tưởng Macxít, thì ở miền Nam Việt 1954 - 1975, đã hiện hữu trong một số phận khác. Miền Nam 1954 - 1975 như một hình ảnh thu nhỏ, đã tái hiện hữu cái sôi động của tư tưởng châu Âu đương thời. Vào cái thời sôi nổi ấy, giống như thế giới, giới trí thức miền Nam thịnh hành dòng triết học chủ đạo hiện tượng luận hiện sinh. Để hiểu hiện tượng luận hiện sinh, hay nói đúng hơn, hiểu hiện sinh bằng hiện tượng luận, nên, dù là căn bản hay thấu đáo, người ta đều buộc phải tìm hiểu hiện lượng luận Husserl. Hiện tượng luận Husserl với tư cách là một phương pháp phân tích đặc thù về sự vật thế giới (hữu thể), nhằm thông hiểu các bản chất thế giới, nay được các nhà hiện tượng luận hiện sinh kế thừa, chuyển vào phân tích con người (hữu thể hiện sinh), nhằm hiểu đúng các bản chất người. Những bất đồng giữa Husserl và các học trò ông, hay giữa những người học trò với nhau có thể rất sâu sắc trong việc truy tìm chân lý thế giới, nhưng cái phương pháp hiện tượng luận thì đều được các triết gia kế thừa sử dụng. Việc hướng phương pháp hiện tượng luận vào các đối tượng khác nhau, kết hợp với nhiều nền móng tư tưởng đặc thù, phong phú sẽ là tiền đề khai mở ra các trào lưu hiện tượng luận hiện (và hậu) hiện đại bừng nở. Ví dụ như Heidegger, Sartre, Jaspers, Marcel, M.Ponty,… dùng phương pháp hiện tượng luận phân tích con người là tiền đề hình thành hiện tượng luận hiện sinh; Heidegger, Gadamer dùng hiện tượng luận để phân tích sự hiểu là tiền đề hiện tượng luận thông diễn; với khoa văn học, Ingarden và trường phái Constance dùng hiện tượng luận phân tích văn bản là cơ sở mỹ học tiếp nhận…
Hiện tượng luận với sự bành trướng khủng khiếp của nó trong khoa học xã hội đã cho thấy, tư tưởng thế kỷ XX (và kéo dài đến tận ngày nay), vẫn là những hình thức và tình thế tư tưởng được nối dài, trương rộng ra từ hiện tượng luận. Hiện tượng luận đã phất cờ, dương danh, lập uy, trở nên một trong những thế lực lớn nhất của tư tưởng hiện đại.
Học thuật khối đô thị miền Nam 1954 - 1975, giữ sự liên lạc mật thiết với thế giới tư tưởng phương Tây, nhiều trí thức đi du học ở Pháp, Bỉ, Hoa Kỳ, với nguồn tư liệu ngoại văn dồi dào, liên tục cập nhật đưa về nước, đã tiến hành truyền bá một cách sâu rộng hiện tượng luận và nhất là, cái thời thượng của tư tưởng phương Tây thời bấy giờ: hiện tượng luận hiện sinh. Các triết gia hiện tượng luận quan trọng như Husserl, Heidegger, Sartre, Jaspers, Marcel, M.Ponty, Mounier,… được giới thiệu và chuyển dịch với số lượng lớn. Ở miền Nam, những nhân vật thời danh đều là môn đệ vừa trực tiếp, vừa qua sách vở của các triết gia hiện tượng luận (như Lê Tôn Nghiêm là môn đệ Heidegger, Nguyễn Văn Trung là môn đệ Sartre, Trần Thái Đỉnh từng theo học Ponty, Đặng Phùng Quân môn đệ Marcel, Lê Tuyên ảnh hưởng Husserl và Bachelard…).
Do đó, ở đô thị miền Nam, hệ tư tưởng chủ đạo là hiện tượng luận và hiện tượng luận hiện sinh. Một học thuyết khi đã bắt đầu bám rễ chắc chắn vào trong một xã hội, cụ thể hơn là một cộng đồng trí thức bao giờ cũng có tham vọng vươn tới sự chuẩn định bằng rất nhiều hình thức. Trong đó, rất quan trọng, phải kể đến sự chuẩn định dưới hình thức giáo dục học đường thông qua các sách mang tính giáo trình và các luận văn được tiến hành trong nhà trường đại học. Đại học miền Nam 1954 - 1975, bộ môn triết Tây thường giảng dạy về hiện tượng luận và hiện sinh. Sinh viên miền Nam thời bấy giờ, luôn có nhiều hơn một sự lựa chọn về các giáo trình hiện tượng luận và hiện tượng luận hiện sinh. Có thể kể ra đây những bộ sách khá thông dụng như Hiện tượng học là gì? (Trần Thái Đỉnh, Hướng Mới, 1968), Chủ đề hiện tượng học của Husserl (Tư tưởng, số 1/1969),Triết học hiện sinh (Trần Thái Đỉnh, Thời Mới, 1967; Văn học, 2005),Hiện tượng luận hiện sinh (Lê Thành Trị, BQGGD, 1974), Những chủ đề triết hiện sinh (Mounier, Nhị Nùng, 1970), Chủ nghĩa hiện sinh (Foulquié, Thế Sự, 1968)… Những công trình này, cho đến nay, vẫn là những tài liệu có uy tín bậc nhất bằng Việt ngữ về hiện tượng luận và hiện tượng luận hiện sinh. Nên dễ hiểu, khi ở miền Nam có hàng loạt luận văn chất lượng được tiến hành, nghiên cứu về hiện tượng học [có thể tạm kể ra đây vài dẫn chứng: Mối liên hệ người với người trong triết học G. Marcel của Nguyễn Văn Phiên; L’existence d’autrui et la fidélité dans l’oeuvre de Gabriel Marcel của Đặng Phùng Quân; Từ Hiện tượng luận Husserl đến Hiện tượng luận Heidegger của Trần Công Tiến; Vấn đề thân xác trong triết học Merleau Ponty của Nguyễn Học Sĩ; Ảnh tượng trong triết học Gaston Bachelard củaNguyễn Châu…]. Điều này cho thấy, cây hiện tượng luận đã thực sự đóng rễ sâu, bền, tỏa bóng rộng, rợp, trong căn não học thuật khối đô thị miền Nam. Nên, không ngạc nhiên, như một chuyển biến nội tại mang tính biện chứng của tư tưởng, từ rất sớm, phê bình văn học miền Nam đã hình thành phê bình hiện tượng luận.
Một học trò trường miền Nam, nhà nghiên cứu văn học, dịch giả uy tín Bửu Ý xác nhận, thời của ông, hai gương mặt có ảnh hưởng lớn nhất đến sinh viên văn khoa là Nguyễn Văn Trung và Lê Tuyên (xem Trịnh Công Sơn một nhạc sỹ thiên tài, Trẻ, 2003, tr.19). Nguyễn Văn Trung, người sống dấn thân và viết nhập thế như đúng hiện sinh hành động của ông thầy người Pháp mà ông hằng tôn thờ J-P.Sartre (xem Nhận định V, Nam Sơn, 1969), nên, được biết đến rất rộng rãi. Ngược lại, người quan trọng khuất mặt còn lại, Lê Tuyên thì đã bị lãng quên theo dòng thời gian. Thời-trục lắm khi thật tàn nhẫn. Chúng tôi sẽ trở lại với hai cây đại thụ phê bình hiện tượng luận này.
Ngoài hai tác giả tiêu biểu Lê Tuyên và Nguyễn Văn Trung, những ý hướng làm việc của phê bình hiện tượng học văn học đã được cụ thể hóa qua hàng loạt các nghiên cứu khác nhau được tiến hành ở miền Nam thời bấy giờ. Chúng ta có thể kể ra đây Nguyên Sa Trần Bích Lan với công trình Quan điểm văn học và triết học (Nam Sơn), đặc biệt là hai mục “Nhận định hiện tượng luận về sự sáng tạo”. Trong công trình này, Nguyên Sa đã áp dụng phương pháp giảm trừ của hiện tượng học để tẩy rửa đi từng lớp nghĩa, lần lần, làm lộ ra cái lõi bản chất sự sáng tạo người nghệ sỹ. Huỳnh Phan Anh thì đã hé lộ qua các tiểu luận của mình quan niệm tự trị của tác phẩm (Không gian & khoảnh khắc văn chương, Hội Nhà văn tái bản, 1999); Thanh Lãng trong cách phân chia hiện tượng tiểu thuyết theo Ý hướng (đấu tranh, tình cảm, thi vị, truyền kì, hồi ký, hài biếm, phong tục, tả thực (Bảng lược đồ văn học Việt Nam, Quyển hạ, Trình Bầy, 1967); và nhiều cây bút gạo cội miền Nam như Đỗ Long Vân, Đặng Tiến, Đàm Quang Thiện, Đặng Phùng Quân, Trần Thiện Đạo, Phạm Công Thiện,… đã có những bài viết rất độc đáo, sắc sảo về các cảm trạng/ý hướng hiện sinh như dấn thân, phản kháng, tự quyết, thông giao, tự do, hiện hữu,…; hay, đánh mất hiện sinh như cô đơn, phi lý, lưu đày, vong thân, buồn nôn, tự vẫn,… Sau 1975, đất nước thống nhất, những biến động về chính trị đã khép lại hoạt động trí thức của các tác giả miền Nam. Phê bình hiện tượng luận và hiện tượng luận hiện sinh trong nghiên cứu văn học tạm thời bị đẩy lùi về dĩ vãng. Phải đến sau 1986, hiện tượng luận lại mới quay trở lại trong khoa văn học, cũng từ nhiều nẻo đường, trong đó, đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của hiện tượng luận văn học với hình hài mới/khác là Mỹ học tiếp nhận. Vấn đề này, sẽ được chúng tôi diễn giải cụ thể ở phần sau.
Hiện tượng luận trong khoa học văn học Việt Nam, như vậy, đến từ nhiều phía. Những đường hướng, có lúc đã đứt lìa, không còn nghe thấy tiếng nói của nhau, nhưng mục đích thì như nhất, đều cố tâm nỗ lực hiện đại hóa khoa học văn học dân tộc. Chính ở chỗ này, chúng ta mới nhận thấy, nỗ lực hiện đại hóa của các nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam mới cô đơn và gian truân hơn gấp nhiều lần nơi khác. Một phác thảo, mà hẳn là dang dở, chưa xứng tầm với các thành tựu phê bình hiện tượng học tại Việt Nam, tuy nhiên, cũng vẫn hy vọng đưa lại một cái nhìn sơ lược về toàn cục. Những truyền thống, một khi đã tìm lại được tiếng nói của nhau, lắng nghe nhau, để như trăm suối lại hòa trở về một sông, thì từ nay, phê bình văn học Việt Nam, lại thêm sức mạnh của truyền thống, mà vững tin, tìm ra cái thênh thang vẫy gọi từ phía bể toàn cầu hóa. Đến hiện đại từ truyền thống là bài học để lại của học giả Trần Đình Hượu, ngày nay, chúng ta hiểu, đến hiện đại sẽ nhanh hơn nếu có được truyền thống sâu dày. Nối trở lại hai bờ hiện tượng học trong nghiên cứu văn học, thì cầu hy vọng sẽ thắp lên nhiều thêm mãi những dự phóng.
II: NHỮNG ĐẠI DIỆN LỚN, NGƯỜI CŨ, KẺ MỚI VÀ NGÀY TRỞ LẠI
Trở lại trường miền Nam, trong công trình mẫu mực về lý luận văn học thời bấy giờ của Nguyễn Văn Trung(Lược khảo văn học, 3 tập, Nam Sơn, Bộ QGGD, 1963 - 1968), công trình mà đúng như Huỳnh Như Phương nhận định: “cho đến thời điểm ấy, ở nước ta, đây là bộ sách lý luận văn học cập nhật những tư tưởng hiện đại một cách hệ thống nhất” (Nghiên cứu văn học, số 9/2008), Nguyễn Văn Trung đã có những trang viết quan trọng về các phương pháp phê bình văn học hiện đại lấy văn bản làm mục đích đầu tiên và cuối cùng cho hoạt động diễn giải, trong đó có phê bình hiện tượng luận. Kế thừa Sartre trong quan niệm: Mỗi bức tranh, cuốn sách là một cuộc thu hồi toàn vẹn hiện sinh (có thể xem tác phẩm quan trọng của Sartre bàn về văn học sớm được Nguyễn Văn Tạo dịch, Văn chương là gì?, Chi Lăng, 1968), theo đó, mỗi tác phẩm văn học đã là một cấu trúc tự trị trọn vẹn, thu hồi vào đấy ý hướng hiện sinh của người viết. Từ đấy, Nguyễn Văn Trung viết về nhiệm vụ của nhà phê bình văn học theo phương pháp hiện tượng luận Sartre như sau; nhà phê bình sẽ phải làm hai công việc: 1/ Phân tách, trình bày kiến trúc xây dựng tác phẩm, bút pháp: một lối chấm câu, xuống hàng, một cách tạo hình ảnh, một quan niệm sử dụng những yếu tố ngôn ngữ, ngữ pháp (dùng động từ, tĩnh từ hay trạng từ v.v…), một cách lựa chọn ẩn dụ, hoán dụ, so sánh,v.v…; 2/ Khai triển ý nghĩa hiện sinh của bút pháp hiểu như một lối viết riêng biệt, là chủ ý chọn lựa của nhà văn, rút ra từ đấy, những ý hướng căn bản về thái độ cảm nghĩ, đối xử trước cuộc đời. Nói gọn lại, với hiện tượng luận hiện sinh thì mỗi tác phẩm văn học đã là một cấu trúc ý hướng hiện sinh trọn vẹn và đủ đầy. Phân tích văn học vì thế là hành vi phân tích ý hướng hiện sinh được phóng chiếu vào trong văn bản, hoặc ngược lại, dội hắt ngược từ văn bản ra.
Xuất phát từ một điểm giống, nhưng trước cả Nguyễn Văn Trung [khi ông Trung tiến hành bàn về phê bình hiện tượng luận kiểu Bachelard trong “Những quan niệm phê bình mới”, Nghiên cứu văn học (miền Nam), Số 7/1968, in lại, Lược khảo văn học (Tập 3)], Lê Tuyên đã tiếp thu, hơn thế vận dụng thành công nghiên cứu, phê bình văn học từ hiện tượng học của G.Bachelard. Có thể nói, không hẳn là quá lời, hơn tất cả, phê bình hiện tượng học văn học của Lê Tuyên là cánh chim đầu, âm thầm vì bay quá sớm, mà cao, nên vượt lên trên tất cả, đến mất dấu…! Lê Tuyên, từ những năm 60 thế kỷ trước, như vậy là rất sớm, ngay cả với các đồng nghiệp ở miền Nam, đã dịch chuyển thành công phê bình văn học vào hệ hình hiện đại lấy văn bản làm trung tâm, bằng phương pháp hiện tượng học. Rất triệt để, Lê Tuyên đã tiến hành hàng loạt những nghiên cứu về ca dao, các hiện tượng văn học Việt Nam trung đại như Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Tú Xương, Cung oán ngâm, Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, rồi hiện đại như Vũ Hoàng Chương (in lại Thể tánh của thi ca; USA, 2000; Tập san Dòng Việt, USA; Tạp chí Đại Học…). Lê Tuyên đã thử lửa, và thử lửa thành công với phê bình hiện tượng học văn học từ/qua các đối tượng văn học rất quen thuộc của dân tộc bằng phương pháp hiện đại. Lấy ví dụ công trình Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đầy (Văn nghệ tb, 1988, USA), mã làm việc của Lê Tuyên được hiểu như sau: toàn bộ tác phẩm Chinh phụ ngâm là hành động mơ về (hay ý hướng tính mơ về kiểu hiện tượng học) người chinh phu trong tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày - người chinh phụ. Từ đấy, Lê Tuyên cứ bám chặt vào tác phẩm mà diễn giải nội dung Chinh phụ ngâm từ các phạm trù lưu đày, cô đơn, lãng mạn của người chinh phụ. Cũng cần nói thêm rằng, tại miền Nam, còn hai khuynh hướng phê bình từ văn bản khác nữa là thi pháp học và cơ cấu (/cấu trúc) luận. Thi pháp học, xuất hiện rải rác ở nhiều cây bút miền Nam, hướng nghiên cứu thi pháp, sau 1986, sẽ lên đến đỉnh cao và đạt được nhiều thành tựu. Hướng còn lại, phê bình cơ cấu luận, trong đấy, Đỗ Long Vân, con rồng-trong-mây hiếm hoi này là gương mặt thực sự tiêu biểu và tài hoa]. Nền tảng tư tưởng hiện đại được phát triển tự do là nguyên nhân chính để phê bình văn học khối đô thị miền Nam nói chung và phê bình hiện tượng học đạt được nhiều thành tựu.
Đến 1986, khi đất nước đã đổi mới, những cái nhìn khác dần được chấp nhận trở lại, hiện tượng luận trong nghiên cứu văn học lại quay trở về, và lần này, cũng ngoằn nghèo nhiều ngả đường. Hiện tượng học một lần nữa lại tái sinh, “tung hoành” trong tư duy lý luận và phê bình văn học, với cái hình hài mới/khác: Mỹ học tiếp nhận. Bằng trách nhiệm trí thức, khát vọng và nỗ lực đổi mới khoa học văn học nước nhà, có nhiều nhà nghiên cứu đã đi đường, giới thiệu mỹ học tiếp nhận ở Việt Nam. Chúng ta có thể dẫn ra đây hàng loạt công trình nghiên cứu, giới thiệu về mỹ học tiếp nhận, phê bình hiện tượng học, lý luận và phê bình hiện sinh chủ nghĩa gần đây như: Phương Lựu, Mỹ học tiếp nhận, Giáo dục, 1997; Phương Lựu, Mười trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây đương đại, Giáo dục, 1999… Và các bài viết của nhiều tác giả khác như Nguyễn Văn Dân, Đỗ Lai Thuý, Trần Đình Sử… Cũng như nhiều công trình dịch thuật liên quan đến mỹ học tiếp nhận và hiện tượng học được công bố trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Nhưng hơn hết, Trương Đăng Dung mới thực sự là nhà lý luận có công trong việc đưa hiện tượng luận nghiên cứu sự hiểu [mỹ học tiếp nhận] vào nghiên cứu văn học tại Việt Nam (với hai công trình: Từ văn bản đến tác phẩm, KHXH, 1998; Tác phẩm văn học như là quá trình, KHXH, 2004; và các công trình dịch thuật nhiều nhà lý luận kinh điển của mỹ học tiếp nhận). Hoạt động trí thức của “những con chữ không đồng hành” Trương Đăng Dung đã được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận là “người chuyên tâm hơn cả” với vấn đề mỹ học tiếp nhận [Xem các bài viết về Trương Đăng Dung của Đỗ Lai Thúy trong Chân trời có người bay (VHTT, 2006), và Nguyễn Đăng Điệp (Sông Hương, 227/2008)].
Các công trình của Trương Đăng Dung, đã nghiên cứu, giới thiệu một cách có hệ thống mỹ học tiếp nhận trên thế giới vào Việt Nam. Ở các công trình của mình, nhất là Tác phẩm văn học như là quá trình, Trương Đăng Dung đã nhấn đi nhấn lại tầm quan trọng lớn lao của hiện tượng học với khoa học văn học hiện đại, hậu hiện đại. Trong đấy, các đại diện tiêu biểu của mỹ học tiếp nhận như Ingardent, W.Iser hay Jauss của trường phái Constance, và khác nữa, là hiện tượng luận thông diễn Heidegger và Gadamer, tất cả họ, những triết gia và lý thuyết gia học trò Husserl, những người đã có công phát triển hiện tượng học sang nhiều chân trời khác nhau, đã làm giãn nở tư duy khoa học văn học. Với khoa học văn học, từ nay, hữu thể văn bản đã là một cấu trúc tự trị, một thế giới tự thân trọn vẹn. Mệnh đề nổi tiếng của Husserl: trở về chính bản thân sự vật, đã được các nhà hiện tượng luận nghiên cứu văn học hiểu như là hành động quay trở lại chính bản thân sự vật/ văn bản. Văn bản thay vì phải/bị hiểu từ các văn cảnh ngoài nó như tiểu sử tác giả, hoàn cảnh xã hội… theo kiểu truyền thống tiền hiện đại, thì từ đây, sẽ không phải chịu đựng bất cứ sự ràng buộc nào từ những quyền lực giải thích bên ngoài. Văn bản từ quan điểm hiện tượng học, phải là vũ trụ đầu tiên và cuối cùng cho hoạt động diễn giải. Đọc văn bản không phải là đem kinh nghiệm đã có đi vào văn bản, ngược lại, kinh nghiệm về văn bản sẽ đến trong quá trình đọc. Hiện tượng học quan niệm, thế giới sự vật đã có rồi đó, nhưng nó không có nghĩa cho tôi, và vì thế nó xa lạ với tôi, nên với tôi nó không hiện hữu. Thế giới chỉ hiện hữu khi được ý thức của tôi hướng đến, hiểu nó, cấp cho nó một quy chế, hệ thống nghĩa, chỉ khi ấy, thế giới mới hiện hữu. Thế giới ấy là thế giới của tôi, cho tôi, là kinh nghiệm cá nhân tôi, nên là tương đối, cụ thể. Hiện tượng học bác bỏ cái thế giới phổ quát. Hữu thể văn bản, vì thế, cũng luôn tồn tại đấy, nhưng chúng không có nghĩa, hay đúng hơn, không có nghĩa gì cho tôi, xa lạ với hiện hữu tôi vì không được tôi biết đến. Văn bản chỉ có nghĩa khi được ý hướng đọc của tôi chiếu vào. Tôi đọc, nghĩa là tôi cấp nghĩa, kiến tạo nghĩa cho văn bản, văn bản khi ấy không xa lạ nữa, mà hiện hữu sống động trong tôi qua hành vi đọc. Thế là, từ đây, văn bản trở thành tác phẩm. Tác phẩm vì thế bao giờ cũng cụ thể, cá thể, gắn với hành vi đọc của tôi; và mỗi sự đọc khác nhau khi đi qua văn bản thì sẽ có những tác phẩm khác nhau. Mỹ học tiếp nhận, như thế, đã đặt lại từ bản thể luận các vấn đề của khoa học văn học.
Bên cạnh những giới thiệu, nghiên cứu mỹ học tiếp nhận, hiện tượng học sau 1975 cũng trở về thông qua việc xuất hiện nhiều bài nghiên cứu, giới thiệu trở lại hiện tượng luận ở miền Nam trước đây khách quan và khoa học [ví dụ tiêu biểu: Trần Văn Đoàn, Chương V: Hiện tượng học tại Việt Nam, trong Thông diễn học, nguồn: http://www.simonhoadalat.com. Xem bổ sung, Huỳnh Như Phương, Chủ nghĩa Hiện sinh ở Miền Nam Việt Nam 1954-1975 (trên bình diện lý thuyết), Nghiên cứu Văn học, số 9/2008…]. Thêm nữa, việc tái bản chính thức sách vở hiện tượng luận ở miền Nam của các giáo sư nổi tiếng như Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Trần Văn Toàn… và, với sự hậu thuẫn của Internet, các tư liệu hiện tượng luận miền Nam đã dần phổ biến trở lại. Những động lực đến từ nhiều phía đã cùng góp vào nhận thức luận chung về hiện tượng học trong khoa văn học. Ngoài ra, để đổi mới khoa học văn học Việt Nam vốn bị đóng băng trong một thời gian rất dài, các chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại đã được giới nghiên cứu nỗ lực cập nhật từ nhiều phía. Và người ta không thể thờ với các vấn đề hiện tượng học khi rất nhiều chủ nghĩa hiện và hậu hiện đại gắn cuống nhau vào hiện tượng học. Phạm trù ý hướng tính (intentionnalité) của hiện tượng học đã khiến Bachelard mắc nợ khi biến cải nó vào hành vi mơ về (rêver à). Giải cấu trúc của Derrida nợ Heidegger phạm trù hủy tạo (destruction). Phương pháp giảm trừ hiện tượng học khiến mọi nhà thông diễn học hiện đại mắc nợ khi muốn hiểu đúng tác phẩm, trong đó, thông diễn học Gadamer thì nợ trực tiếp Heidegger phạm trù vòng thông diễn (cercle herméneutique), hoàn cảnh thông diễn (situation herméneutique) và hành vi cắt nghĩa, diễn giải (explicitation). Tác phẩm mở Eco được gợi ý từ hành vi cấp nghĩa đến vô tận cho hữu thể văn bản. Các phạm trù hậu hiện đại như cảm quan về đời sống phi lý, nhục cảm, ngụy tạo… đều có dây mơ rễ má với hiện tượng học… Như vậy, hiện tượng luận được hiểu một cách gián tiếp từ các chủ nghĩa khác cũng là một lối về hiện tượng luận dù có vòng vèo năm đường, bảy lối.
Theo Trịnh Nữ - Văn nghệ Trẻ. Phiên bản điện tử: phongdiep.net