LTS: Thơ Tân Hình Thức định hình hơn mười năm qua, được ghi nhận “xứng đáng là một trường phái” ... Với kỳ vọng của Tân Hình Thức sẽ đưa thơ Việt đến thật gần với đời sống, gia nhập những hoạt động chung của thế giới thi ca các ngôn ngữ khác, bởi thể thơ này có những đặc tính thuận lợi cho việc chuyển ngữ.
Tân Hình Thức trong nhiều năm với những nỗ lực lập ngôn, thực hành, quảng bá, cổ vũ sáng tác, xuất bản... đã hình thành một hướng mới cho thơ Việt.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về thơ Tân Hình Thức, Tạp chí Sông Hương dành nhiều trang trong số này để giới thiệu trường phái thơ Tân Hình Thức. Chuyên đề có sự tham gia của Khế Iêm, Văn Giá, A. Kotowske, Nhã Thuyên và các tác giả thơ Tân Hình Thức.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
SH
KHẾ IÊM
Phong cách tân chiết trung
Charles Jencks, lý thuyết gia hậu hiện đại về kiến trúc cho rằng, quá khứ không thật sự bị hủy diệt, vì hủy diệt sẽ dẫn tới im lặng. Kiến trúc hậu hiện đại dùng kỹ thuật hiện đại và những kiểu mẫu xưa, tạo một mã số đôi (double code) qua chủ nghĩa chiết trung (eclecticism), kết hợp hai phong cách khác nhau của hai thời kỳ khác nhau. Nhại lại, tối nghĩa, mâu thuẫn, nghịch lý, vì ngôi nhà còn là một ngôn ngữ, có thể được đọc như một cuốn sách, có tính hàm ý và ám chỉ. Kiến trúc hậu hiện đại không nói “cái này/ hoặc cái kia” (either/or) mà nói “cả hai/và” (both/and). Trong một tiểu luận “Cái đẹp là gì?” ông cho rằng, cái đẹp trở lại.(1) Nhưng là cái đẹp trái ngược giữa truyền thống và hiện đại, tạo bảng phân loại biến thiên (continuum) giữa quá khứ và hiện tại. Quá khứ như một nửa giấc mơ được nhớ lại.(2)
Vào những năm 2000, ở Bắc Mỹ, kiến trúc nhà ở thịnh hành một loại kiến trúc gọi là chủ nghĩa tân chiết trung (neo-eclecticism), mặt ngoài, thể hiện cái đẹp cổ điển, lấy mẫu mã từ kiến trúc những thế kỷ trước của Âu châu, Địa Trung Hải, Anh… Nhưng bên trong được thiết kế tiện nghi, sang trọng phù hợp với nếp sống hiện đại. Người ta gọi kiến trúc tân chiết trung như một loại kiến trúc hậu hiện đại lơi lỏng, một thứ chủ nghĩa kinh điển mới trong nghệ thuật và kiến trúc. Những nhà kiến trúc áp dụng hình học fractal (fractal geometry) và lý thuyết hỗn mang (chaos), tạo nên vẻ đẹp tự tương đồng (self-similar) - kiến trúc fractal (fractal architecture) - gãy khúc, không đều đặn, và những yếu tố trật tự (strange Attractor) của hiệu ứng cánh bướm vào những công trình kiến trúc. Điều này chứng tỏ, chủ nghĩa hậu hiện đại luôn luôn biến đổi, bởi nếu không kết hợp được với cái đẹp truyền thống, thích ứng với đời sống, thì cũng chỉ là thời kỳ quá độ của chủ nghĩa hiện đại.
Trở lại với thơ, Tân Hình Thức là cái tên gọi trời cho, vì thể thơ không vần thật sự mới lạ đối với thơ Việt. Dùng lại những thể thơ 5, 7, 8 và lục bát, tượng trưng cho truyền thống thơ Việt, thu nạp các yếu tố: tính truyện, ngôn ngữ đời thường, vắt dòng từ thơ truyền thống Anh, và kỹ thuật lặp lại từ thơ tự do Mỹ. Trừ tính truyện mà nền thơ nào cũng có, ba yếu tố còn lại hoàn toàn mới với thơ Việt, được coi như là những yếu tố hiện đại. Thể thơ truyền thống Việt bao lấy những yếu tố hiện đại, chẳng khác nào chủ nghĩa tân chiết trung của kiến trúc. Bài thơ vận hành theo hình thái của hiệu ứng cánh bướm: Ngôn ngữ tạo ra âm thanh, ý tưởng và hình ảnh, biểu tượng cho tính tự tương đồng trong hình học fractal và yếu tố trật tự trong lý thuyết hỗn mang. Kỹ thuật lặp lại làm chức năng phản hồi (feedback) và lặp lại (iteration) mang những âm thanh, ý tưởng và hình ảnh chuyển động. Và vắt dòng làm thành sự tuôn chảy liên tục của hệ thống động lực là bài thơ. Sự tác động ngầm của tất cả những yếu tố trên tạo ra ý nghĩa bài thơ. Khi nhà thơ Anh, Earl Surray giới thiệu thể thơ không vần vào thơ Anh, ông chỉ bỏ vần ở cuối dòng, còn luật tắc iambic (không nhấn, nhấn) vẫn giữ nguyên, nhà xuất bản đã gọi đó là thể thơ lạ. Nhưng bây giờ, thể thơ không vần Việt, vừa phức tạp vừa đơn giản, tổng hợp rất nhiều yếu tố khác nhau, từ Đông sang Tây, từ truyền thống đến hiện đại, để làm nên một thể thơ đặc biệt tân kỳ.
Trước kia, thơ Việt chỉ có những thể loại thơ vần, bây giờ có thêm thể loại thơ không vần, như một gạch nối với thơ tự do, làm cân bằng và tạo thêm sức mạnh cho thơ Việt. Thơ tự do cũng là loại thơ thoát ra khỏi luật vần truyền thống, nhưng không thể gọi là thể thơ không vần, vì không có một cấu trúc thể luật làm nền. Thật ra vần không phổ biến trong ngôn ngữ trọng âm như tiếng Anh và tiếng Đức. Ngay thơ cổ điển Hy Lạp và La tinh cũng không dùng vần. Vần xâm nhập vào thơ Âu châu vào cuối thời Trung cổ từ ngôn ngữ Ả Rập. Trước đó những ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Đức thường dùng sự trùng âm (alliteration) hay chữ đầu, trước hai hay nhiều chữ tiếp theo để thay thế vần. Như vậy sự lập lại những câu chữ của thơ không vần Việt cũng là điều tự nhiên. Còn ngôn ngữ thơ, từ thời cổ đại, là ngôn ngữ nói thông thường, với những từ cụ thể, dễ hiểu. Chẳng hạn tiếng Sanskrit, trong giao tiếp thường ngày có rất nhiều vần, matr và part (mẹ và cha), britra và mitra (anh em và bạn), thơ là ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ đời thường là thơ. Sau đó vì nhu cầu phát triển về tâm linh (tôn giáo), triết học, khoa học… những từ trừu tượng được tạo ra để diễn đạt, đáp ứng nhu cầu của lớp người đọc có học và trong giới cung đình. Từ trừu tượng càng ngày càng nhiều, được tiếp nhận qua lại từ ngôn ngữ này tới ngôn ngữ khác. Như tiếng Anh được vay mượn từ tiếng La tinh, tiếng Pháp… tiếng Việt với từ Hán Việt… Thơ tiếng Anh, cho tới thế kỷ 18, vẫn còn là những chữ thanh nhã, diễm lệ, chọn lọc, cho đến thời Lãng mạn (chấm dứt vào khoảng 1848, trước thời kỳ hiện đại), với Wordsworth, mới trở lại với ngôn ngữ thông thường. Thơ tân hình thức Việt sử dụng ngôn ngữ đời thường, ai cũng hiểu được, từ bình dân đến cao cấp, có tác dụng xóa bỏ mọi phân cách giữa nhiều tầng lớp xã hội nói cùng một ngôn ngữ, không những thế, còn đưa thơ tới người đọc từ những nền văn hóa và ngôn ngữ khác qua dịch thuật, bằng cách thay đổi phương pháp sáng tác, chuyển phong cách, nhạc tính và văn hóa một bài thơ từ ngôn ngữ này đến một ngôn ngữ khác.
Một bài thơ tân hình thức Việt, điều quan trọng vẫn là làm mất đi âm hưởng văn xuôi và tạo nên những nhịp điệu mới. Đối với thơ tân hình thức Mỹ, quay về với những thể thơ truyền thống, đã có sẵn cơ chế thể luật để tạo ra nhịp điệu, nên những nhà thơ không cần phải bận tâm nhiều về nhịp điệu. Trong khi những nhà thơ tân hình thức Việt phải tự tạo nhịp điệu cho thơ, tuy đòi hỏi nhiều ở tài năng, nhưng nhờ vậy không rơi vào sự đều đặn của thể luật, và mỗi nhà thơ có những phương cách riêng để tìm kiếm nhịp điệu cho thơ mình, thách đố tinh thần sáng tạo và thơ không bị nhàm chán. Tạo ra nhịp điệu mới, có nghĩa là làm phong phú nhạc tính trong thơ. Chúng ta phải ý thức về nhịp điệu mới tạo ra được nhịp điệu, và làm một điều đơn giản như sau: nghe nhạc, bất cứ loại nhạc nào chúng ta thích, từ Dân ca, Pop Music, Jazz, Rap Music, Hip Hop… Nếu có điều kiện, thưởng thức phong cách trình diễn của những ca sĩ như Fergie, Beyoncé, Rihanna, Timberlake… để kết hợp thêm với cả nhịp điệu hình ảnh. Chúng ta cũng có thể nghe đọc những bài thơ hay từ những ngôn ngữ khác, âm thanh vang lên trong ta, đó là nhạc tính của thơ. Al Rocheleau đề nghị, cứ nghe bản Nocturnes (Dạ Khúc) của Chopin 100 lần, trong thời gian hơn một tháng, nhạc tính trong thơ của nhà thơ sẽ cải thiện. Dòng thơ (line) trở nên linh động, thể luật trở nên uyển chuyển, chữ chọn sẽ hay hơn… Bản độc tấu piano có thể so sánh với cấu trúc thơ, mỗi nốt là một chữ, một hợp âm hay chuỗi hợp âm tương đương với một dòng hay câu thơ…
Nhắc tới ngôn ngữ và nhịp điệu là nhìn ngược về một chặng đường đã qua. Thơ tân hình thức như một trạm dừng chân, người lữ hành ghé qua vui chơi trong chốc lát, rồi lại quay về với cuộc hành trình thơ cũ của họ. Bởi đối với những nhà thơ lớn tuổi, ngôn ngữ trừu tượng, khó hiểu của những dòng thơ cũ đã trở thành nếp gấp, khó có thể từ bỏ để nắm bắt ngôn ngữ tự nhiên đời thường của thơ tân hình thức. Hơn nữa, tạo nhịp điệu mới và lấy thơ từ cuộc sống chung quanh không dễ, khi chúng ta đã quen thuộc với thế giới tưởng tượng và mộng ảo. Có khi là, chúng ta chưa đủ tự tin để buông bỏ những gì đã cũ, vẫn cùng một lúc sáng tác nhiều thể loại khác nhau, và như thế phong cách và ngôn ngữ trở nên lộn xộn. Đa số những nhà thơ đến với thơ tân hình thức một cách dễ dãi, viết một đoạn văn xuôi hoặc một bài thơ tự do rồi đếm chữ xuống dòng, để thành những dạng thơ 5, 7, 8 hay lục bát, chứ chưa có nỗ lực nào về ngôn ngữ và nhịp điệu. Những bài thơ như thế mau chóng rơi vào lãng quên vì nhàm chán. Thơ, đủ các thể loại, hằng hà sa số, nhưng kiếm một bài thơ hay nào có dễ, huống chi thơ tân hình thức lại là một thể thơ mới. Ôi, thơ sao mà khó vậy.
Một bài thơ tân hình thức Việt, sau khi đọc xong, những ý tưởng hình ảnh, qua qui trình phản hồi và lặp lại, chuyển động không ngừng trong tâm trí, bắt người đọc khi đọc xong phải đọc lại từ đầu, để lần theo câu chuyện và những ý tưởng còn ẩn sâu bên trong. Các loại hình nghệ thuật từ thơ, hội họa đến tiểu thuyết từ cổ đại đến trước thời hiện đại thuộc về truyền thống chủ về nghĩa. Chỉ khi xuất hiện thơ tự do, phá bỏ thể luật, nhịp điệu và tính truyện của thơ truyền thống, tạo ra những phong trào tiền phong, và cuối cùng, đỉnh cao là thơ ngôn ngữ Mỹ (L=A=N=G-U=A=G=E POETRY), thập niên 1980, quay về với bản thân của chính ngôn ngữ, đạt tới cùng độ của sự vô nghĩa. “Cuộc đời vốn dĩ vô nghĩa, nhưng để sống, người ta phải đi tìm ý nghĩa cho nó. Mỗi thời có một trang giấy trắng riêng lẻ để viết lên, ghi dấu sự tồn tại, không thể viết đè lên trang giấy đã viết của thời khác. Sự vô nghĩa chính là ý nghĩa được viết trên trang giấy của thời hiện đại.” Và rằng, “sự trái ngược giữa truyền thống và hiện đại chỉ là hai mặt của một đồng tiền, đi tìm kiếm cho tác phẩm hoặc đời sống một ý nghĩa hoặc cứ để nó vô nghĩa như là nó vô nghĩa”(3). Nhà văn, nhà phê bình Văn Giá cho rằng thơ tân hình thức Việt chủ về nghĩa, chứ không phải chủ về chữ như: “…những tìm kiếm cách tân thơ Việt mấy chục năm qua, có một chủ trương được khởi lên từ nhà thơ Trần Dần, và cùng với ông là một số nhà thơ khác, họ đã tiến hành sáng tạo một loại thơ chủ về chữ: “thơ dòng chữ” (Trần Dần), “bóng chữ” (Lê Đạt), “thi pháp âm bồi” (Dương Tường). Loại thơ này muốn đối lập với loại thơ chủ về nghĩa, bị các ông coi là thứ thơ theo kiểu truyền thống “Thi dĩ ngôn chí”(4).
Hồi phục quan điểm chủ về nghĩa của truyền thống, nhưng qua một hình hài khác hẳn là thể thơ không vần, thơ tân hình thức Việt thoát khỏi những định kiến, phân cách, ngay cả những phân cách mang tầm văn hóa. Bởi vì bất cứ khi nào có sự chuyển đổi của nền văn minh, đời sống xã hội thay đổi, văn học nghệ thuật luôn luôn phải thích ứng với tâm tư tình cảm của con người. Chắc hẳn là những thế hệ sinh sau năm 1980, đã quen thuộc với môi trường internet, đang có nhu cầu học hỏi và giao tiếp với thế giới rộng lớn bao quanh, mong muốn có sự thay đổi triệt để này để chuyên chở nội dung của thời đại họ. Chúng ta cần nhấn mạnh, các thể thơ chỉ là phương tiện để chuyên chở nội dung, và mỗi thế hệ có những nội dung của chính họ. Đôi khi nội dung của thế hệ này, thế hệ khác không hiểu nổi. Khoảng cách giữa các thế hệ càng cách xa khi những tiện nghi đời sống càng cao vì những phát minh mới. Nội dung của một thế hệ đã qua, thường chỉ còn như một giá trị dùng để tham khảo.
Thơ có vô số khả thể, và tự nó, đang có những thay đổi diện mạo, trở thành nhân tố tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa những chủng tộc, những sắc dân. Một lần nữa, thơ xoay mặt ra với thế giới bên ngoài, đóng vai trò nối kết giữa nội tâm và ngoại giới, giữa con người và con người, như nhà thơ Frederick Turner, qua Thơ Khác, ghi nhận, “Có lẽ ý tưởng xưa về nền ‘cộng hòa văn chương’ có thể nổi lên lần nữa trong thời đại nơi tất cả đều nhận ra tính nhân bản chung của chúng ta và tìm kiếm cho văn học nghệ thuật một nền tảng đúng hơn, vì sự đồng cảm hơn là hệ tư tưởng.”5 Thuật ngữ nền ‘cộng hòa văn chương’ thường dùng chỉ những cộng đồng trí thức cuối thế kỷ 17 và thế kỷ 18 ở Âu châu và Mỹ. Họ luân lưu những lá thư viết tay, trao đổi những bản văn hoặc những tập sách mỏng đã xuất bản, mở rộng sự nối kết, trải dài qua những biên giới quốc gia nhưng vẫn tôn trọng sự khác biệt ngôn ngữ và văn hóa.
Trong thời đại toàn cầu hóa, mối liên hệ về chính trị, kinh tế giữa các quốc gia tăng cao, sẽ kéo theo những tác động văn hóa, nhu cầu hiểu biết, cảm thông, giao tiếp giữa các nền văn hóa. Khả năng nối kết của thơ tân hình thức Việt quả là rộng lớn, nhưng chúng ta chưa nhìn thấy kết quả bao nhiêu. Điều đó tùy thuộc vào sự tham dự và thực hành của nhiều thế hệ. Mười năm của một dòng thơ, thật là quá ngắn, mới chỉ vừa đủ một dợm bước chân. Nhưng với tinh thần bình đẳng, ai cũng như ai của những nhà thơ đang thực tập dòng thơ này, không ngừng học hỏi, không ngại sai sót, hòa đồng với mọi tầng lớp xã hội, đưa cuộc sống bình thường vào thơ, làm cho thơ có thêm một chút hương vị, như vậy chẳng vui lắm sao.
K.I
(SH280/6-12)
..........................................
(1) “What is beauty” trong tạp chí Prospect (Prospect Magazine) số 66 tháng 8-2001. (Beauty is back).
(2) “It is almost like a haft-remembered dream”, from Jencks, Postmodernism: The New Classicism in Art and Architecture.
(3) Đọc Hội Họa, “Vũ điệu không vần”, Nxb Văn Học, 2011.
(4) “Về một nỗ lực làm mới thơ Việt”, Văn Giá.
(5) Email, Frederick Turner, “It is a splendid concept, and an important contribution to world literature. Perhaps the old idea of the “republic of letters” can rise again in an age where we are all recognizing our common humanity and finding literature and art a better basis for communion than ideology.