NHÃ THUYÊN
Hẳn nhiên, những nhà thơ thấu thị, những thi sĩ kiêu ngạo, những kẻ khổ hạnh mang khối u thơ ca trong mình; những con sói cô độc, những kẻ nhất quyết không chịu tin vào đám đông... có lí do riêng cho lựa chọn của mình, những lí do như là tiếng gọi của số phận để từ chối mọi phong trào, mọi trường phái, mọi cuộc cách mạng.
Để làm một cuộc cách mạng, sáng tạo cá nhân phải ít nhiều trở thành một tiếng gọi hay một tiếng vọng với thực hành tập thể, tiếng nói của một cá nhân trở thành tiếng nói của/cho một cộng đồng nào đó. Nhà thơ thậm chí phải hi sinh năng lượng và nhu cầu riêng tư cho sự xây dựng một công trình chung. Bởi thế, luôn có xung đột tiềm tàng trong bản thân mỗi ý hướng cách mạng thơ, hay mọi cuộc cách mạng, nghĩa là ý hướng về sự thay đổi, ít nhiều mang mầm nổi loạn, ít nhiều mang khát vọng giải phóng: không phải chỉ bởi nhu cầu tìm cái mới, niềm tin tìm thấy cái mới bao giờ cũng đi kèm nỗi thất vọng vì cái mới nhanh chóng cũ, hay vì “không thể mới thêm nữa” mà, tôi nghĩ, xung đột căng thẳng hơn nằm trong năng lượng và nhu cầu sáng tạo của mỗi cá nhân mâu thuẫn với thực hành mang tính tập thể. Nhưng tôi muốn hiểu lựa chọn là một cá nhân sáng tạo, không hơn, và lựa chọn là phần tử của một sáng tạo ít nhiều mang tính tập thể, là hai hướng đi khác nhau đến với thơ. Chỗ khác biệt rất rõ ràng: trong mọi trường phái thơ ca, không có gì thực sự là nhân tố cản trở sự giữ gìn và phát triển cá tính riêng - một cách lạc quan, điều gì có thể thực sự cản trở những cá tính sáng tạo mạnh mẽ? - nhưng các cá tính này không thể khăng khăng đi ngược chiều những bước chân đồng hành trên một con đường. Trong niềm tin sâu xa, tôi nghĩ thật khó để nói về sự thành công hay thất bại của những cá nhân thi sĩ, việc đánh giá thơ phần lớn thất bại và vô nghĩa, nhưng người ta vẫn phải đưa ra những nhìn nhận về các phong trào, các trường phái khi nó còn sống hay khi nó bị coi là đã chết cũng bởi nó luôn liên đới đến nhiều hơn một cá nhân. Những nhà thơ không chấp nhận đứng vào, thậm chí mạt sát và khinh thị mọi phong trào hẳn vẫn nhận được ít nhiều hữu ích - tôi tin rằng không có cái chết hữu thực, những tế bào, khí chất của một cơ thể, một sự sống trong vũ trụ tan loãng đâu đó, di chuyển sự sống sang một hình thức khác, một thế giới khác và nằm lại đâu đó trong thế giới của chúng ta. Thực tế, kinh nghiệm của tất cả các trào lưu hiện đại chủ nghĩa như Tượng Trưng, Siêu Thực, Dada..., chỉ kể một vài, đều có khả năng nhân giống các tế bào vương vãi của nó sau những sự sống được đo bằng năm tháng. Nguy cơ rủi ro bị chôn vùi trong sự lơ đãng vĩnh viễn của loài người xảy ra nhiều với các cá nhân hơn là các trường phái. Và để đưa ra một vài nhìn nhận công tâm nào đó về một trường phái bất kì, tôi nghĩ phải bỏ qua việc cân đo sự sáng tạo cá nhân, và khoan nghĩ tới việc truy tìm một “bản thể thơ” thực sự nào đó mãi mãi mù mịt gốc tích trong hành trình thơ ca nhân loại - bởi nhìn hút về điểm đích tuyệt mù này, tất cả chúng ta đều dễ nản lòng và mang cảm giác của kẻ bại trận.
Với ý nghĩ đó, tôi thấy mình cảm nhận được nhiều hơn về Tân Hình Thức, “nhóm thơ Việt đầu tiên xứng đáng là một trường phái”(1) với nỗ lực lập ngôn, thực hành, quảng bá, cổ vũ sáng tác, xuất bản trên tạp chí và sách in, dù thật khó, bởi tôi chưa từng nghĩ sẽ dành nhiều quan tâm tới nó. Chừng năm, sáu năm trước, tôi biết tới cụm từ thơ Tân Hình Thức Việt đầu tiên qua một tuyển tập song ngữ dày dặn, chắc nịch, đẹp đẽ in tại hải ngoại: Blank Verse – Thơ không vần (2006) do Khế Iêm biên tập, bản dịch của Đỗ Vinh, với ít tác giả quen hơn lạ. Đôi lúc nhìn cuốn sách, tôi vẫn có ý nghĩ lúc nào sẽ làm bài tập Tân Hình Thức, như một cách để đọc hiểu tốt hơn. Trong một bài trả lời phỏng vấn Talawas đầu thiên niên kỉ, khi Tân Hình Thức Việt vừa đi qua vạch xuất phát, thi sĩ Đinh Linh đã nhìn nó - cả trong sự đối sánh với Tân Hình Thức (neo-formal- ism) Mỹ - như một trào lưu ít nhiều bảo thủ bởi chủ trương trở về với vần luật truyền thống(2). Điều nghịch lý là khi nỗ lực tận dụng các ưu thế của truyền thống thơ luật, với những hình thức ít nhiều cố định, tên gọi Việt ngữ đèo bòng chữ “Tân” lại gây ra cảm giác xa lạ và mệt mỏi, bất kể hành trình đầy đam mê và không ít lạc quan của (những) người chủ trương, đặc biệt là Khế Iêm - nhìn vào nỗ lực của anh nhiều năm qua với Tân Hình Thức Việt, dẫu kẻ hoài nghi nhất có thể cũng ít nhiều cảm kích. Người ta thấy như thể nó mãi là một du khách, chưa kể đến sự lơ đãng vốn dĩ của người đọc với thơ ca nói chung. Và những gì tôi đang nghĩ, đang nói về trường phái này dường cũng chỉ như một kẻ bên ngoài vừa cảm kích vừa cố gắng tỉnh táo, nhìn một người bà con xa đã rời quê hương từ thuở nhỏ, khi trở về mang theo một món quà phương xa và với đầy thịnh tình, nỗ lực điều chỉnh nó với khẩu vị Việt.
Cái thêm vào của Tân Hình Thức là gì? Ngoài nỗ lực mượn bình Mỹ đựng rượu Việt, mượn một phong trào để khai sinh một thể thơ Việt với những kĩ thuật cơ bản đã đổi thay ít nhiều trên cơ sở ưu - nhược của ngôn ngữ đơn âm tiếng Việt so với các ngôn ngữ đa âm, ngoài việc sản xuất một loạt các thi phẩm cùng thể, cùng việc hình thành, cổ vũ nhiều người viết, cả những thi sĩ thành danh hay những người mới viết... Tôi có thể nhìn ra những căn nguyên sâu hơn của sự bền bỉ này: ý hướng chống sự quên lãng thơ ca trong một cộng đồng đọc phổ biến hơn và rộng rãi hơn là một nhóm co cụm những nhà thơ và các chuyên gia thơ (một ý hướng ít nhiều chia sẻ với hầu hết các quốc gia trên thế giới) và ý hướng mở một cánh cửa rộng rãi hơn với thơ Việt, đưa thơ Việt ngữ gia nhập những hoạt động chung của thơ ca các ngôn ngữ lớn như tiếng Anh, theo nghĩa nào đó, là nỗ lực đưa thơ Việt ngữ vượt ra khỏi biên giới quốc gia bằng một thể thơ với những đặc tính thuận lợi hơn cho việc chuyển ngữ. Một kẻ lạc quan không thể không nhìn thấy ở đó những cơ hội tốt và thuận lợi trong thời hội nhập này. Nhưng dưới hình ảnh một kẻ bi quan, tiểu luận này sẽ dành để đặt thêm những câu hỏi từ đó. Xin hiểu rằng, tôi đứng về phía những người cổ vũ mọi ý hướng sáng tạo thơ ca, mọi ý hướng tìm đường cho thơ ca và những câu hỏi của tôi, mong rằng có thể là những băn khoăn hữu ích.
Việc đưa thơ trở lại đời sống cộng đồng rộng rãi như đã từng trong quá khứ nhân loại có thực hiện được bằng việc tạo ra một thể thơ mới không? Nhiều thi sĩ, nhiều chuyên gia và phần đông bạn đọc phổ biến khẳng định nhu cầu cần thiết rằng thơ không thể cứ xa lạ, khó hiểu, thơ không thể cứ ở đâu đó khuất nẻo trong cuộc sống, mà dường như không thuộc về cuộc sống. Tiểu luận Can Poetry Matter? của Dana Gioia (xuất hiện lần đầu trên tạp chí Atlantic năm 1991, bản dịch Tiếng Việt của Nguyễn Thị Ngọc Nhung đã xuất bản trên Hợp Lưu) đã từng là một cú phản tỉnh với thơ Mỹ đương đại. Những người chủ trương Tân Hình Thức (phần nào kích thích bởi những phản tỉnh này?) hi vọng những kĩ thuật riêng của thể thơ này sẽ đưa thơ tới được số đông dễ dàng hơn. Tôi nghĩ, những yếu tố có thể dễ dàng gọi tên như vắt dòng, kĩ thuật lặp lại, tính truyện, ngôn ngữ đời thường chỉ là một trong những điều kiện cần cho sự hình thành một thể thơ. Mọi thủ pháp, ngay cả khi nâng lên thành thi pháp, thành kĩ năng hay nghệ thuật, không biện hộ được cho sự tồn tại riêng lẻ của từng bài thơ, không thể lí giải cho sự quan tâm hay thờ ơ của người đọc. Lặp, vắt dòng có khả năng là những yếu tố chủ yếu hay chủ yếu nhất trong việc tạo nhịp điệu và khắc phục áp lực bằng trắc trong ngôn ngữ tiếng Việt? Ngôn ngữ đời thường có thể làm bạn đọc gần với thơ ca hơn là những ngôn ngữ mang nặng tính tu từ, cố ý rối rắm, khó hiểu chăng? Nó có thể tạo nên một dạng “ca dao mới”? Tôi không chắc sự phân biệt ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ tu từ cần phải tạo thành đường ranh giới sâu của thơ ca. Tân Hình Thức có nhất thiết trói mình vào cái gọi là “ngôn ngữ đời thường” không? Tôi liệu có thể làm một bài Tân Hình Thức với nỗ lực tu từ, với hình ảnh chiều sâu theo một cách riêng biệt? Lịch sử không lặp lại trong vẻ nguyên dạng của nó: thành công/thất bại của thơ vần luật truyền thống trong việc chinh phục/làm thất vọng độc giả rộng rãi không cùng cấp độ với cái thành công/thất bại nếu có của thơ hôm nay. Hơn nữa, nếu việc bắc cầu với quá khứ là quan trọng, thì đâu là những thể thơ truyền thống của người Việt mà ta có thể tận dụng ưu thế ngôn ngữ riêng, tiết lộ cho ta một chút đặc sắc tâm lý Việt chứ không phải chỉ là cái khuôn về số chữ, số câu? Khi Khế Iêm băn khoăn về việc người sáng tác trẻ ở Việt Nam chưa chú ý tới Tân Hình Thức, chưa thấy Tân Hình Thức là hấp dẫn, tôi nghĩ một nguyên nhân, giữa những nguyên nhân khác, nằm ở chỗ họ chưa nghĩ tới những câu hỏi về chính Tân Hình Thức như một thể thơ cần được các nhà thơ quan tâm nghiên cứu kĩ lưỡng và thực hành một cách chuyên nghiệp. Trong tuyển thơ song ngữ, tôi đã được đọc không ít những bài hay, với khả năng làm điêu luyện những từ và chữ bình thường, những “cái bình thường” của đời sống, chỉ kể một vài cái tên như của Khế Iêm, hay của Nguyễn Đăng Thường, Bùi Chát, Giảng Anh Iên. Tiềm năng của mọi thể thơ vẫn còn đó để người sáng tác thể hiện mình, ngay cả lục bát. Trong những tiểu luận của họ, tôi hiểu ý các nhà Tân Hình Thức muốn mượn một thuật ngữ để giới thiệu vào thơ Việt một thể thơ mới, và do đó, mọi ý đồ so sánh Tân Hình Thức Mỹ và Việt sẽ thất bại ngay từ đầu. Nhưng chỗ khác nhau về mục đích này, tôi nghĩ, chính là chỗ dẫn tới con đường đi khác nhau: Tân Hình Thức Mỹ khi trở về với thơ luật để chống lại sức áp chế và có thể dẫn tới sự sinh thành dễ dãi của thơ tự do, thì thơ tự do đã ở đỉnh cao của nó. Tân Hình Thức Việt, không đi ra từ một nhu cầu thiết thân đòi cất tiếng của một thiểu số bị áp chế mà bắt đầu bằng một ý tưởng sáng tạo thiên về tính chất ứng dụng nên dường như mọi thứ rất sáng rõ ngay từ đầu. Tôi e rằng chính sự sáng rõ từ đầu đã khiến người viết không bức bách truy tìm nó.
Hi vọng vào một khả năng đưa thơ trở lại đời sống, đưa thơ đến gần bạn đọc, đưa thơ tới nhiều bạn đọc hơn ư? Tham vọng đẹp đẽ của chúng ta thật lớn. Nhưng cái gì có thể gọi là “gần” và “xa” đời sống trong thơ ca, cái gì là “ít” và “nhiều” bạn đọc? Cũng như số lượng các tập thơ in ra, số lượng các nhà thơ quả tình không đếm xuể, nhưng thực sự có rất ít, rất ít các nhà thơ, các tập thơ đáng đọc, số lượng người đọc thơ, người yêu thơ có thể không đếm hết, nhưng thực sự cũng có rất ít, rất ít những người đọc thơ. Một chút giật mình về niềm hi vọng này, không phải để đưa người đọc thơ, người làm thơ, người phê bình thơ tới chỗ thất vọng, hay thậm chí tuyệt vọng về thực tế thơ mất giá, hay thơ đơn giản chỉ còn là trò chơi của giới sáng tác và phê bình hiện nay. Tôi nghĩ ngược lại: hi vọng vào thơ bao giờ cũng là hi vọng vào một cái gì cao hơn khả năng với tới của người viết, người đọc trong hiện tại. Sự sống của thơ ca chưa bao giờ nằm ở sự hưởng ứng của số đông. Phải chăng các nhà thơ cần phải “hạ” cấp độ ngôn từ mà mình theo đuổi cho vừa vặn với thói quen thưởng thức của công chúng? Tôi không biết làm như thế, chẳng hạn, khiến thơ “bình dân hơn” là một cách thơ đối xử khiêm nhường hơn hay ngạo mạn hơn với những độc giả của nó. Hay phải chăng chúng ta nên chia ra những phạm vi hẹp hơn trong cụm từ “độc giả thơ ca”? Nhu cầu sáng tạo của một cá nhân tác giả, dù trong dáng vẻ đơn giản hơn hay phức tạp hơn, có lẽ bao giờ cũng mang một hàm ý thách thức sự tiếp nhận của công chúng đương thời, để trở nên khác biệt. Sự lớn mạnh của Pop Art là một cách làm nghệ thuật dễ đi hay khó đi về mặt thưởng thức? - Không chắc nó đã dễ thưởng thức hơn, nhưng nó khác biệt với triết lý riêng về thẩm mỹ. Sức hấp dẫn/kém hấp dẫn của Tân Hình Thức với bạn đọc Việt Nam cho đến nay, tôi tin, không phải vấn đề nó xa lạ hay người ta chưa dung nhận những cái khác của thi pháp Tân Hình Thức, mà có thể nằm ở chỗ sự khác biệt của nó chưa được đẩy lên thành một triết lý riêng về thẩm mỹ chăng? Tôi thiên về ý nghĩ, việc đưa thơ tới người đọc phổ biến hơn, thực chất không nằm ở cách thơ ca tự biến mình thành “dễ” hơn cho việc tiếp nhận ở dáng vẻ bề ngoài, mà ở cách đề xuất một cách làm nghệ thuật khác, và do đó đề xuất một cách thưởng thức khác ở công chúng. Sự thành công hay thất bại của nó trong việc thu hút hưởng ứng của công chúng là do mức độ tương thích của nó với công chúng mà nó hướng đến, hơn là nằm ở bản thân giá trị nghệ thuật mà nó theo đuổi. Có lẽ chỉ đôi khi “sự thành công thấy được” này trùng với giá trị nghệ thuật, phần nhiều là không. Tôi vẫn luôn nghĩ, dán nhãn “thành công/thất bại” với thơ ca, với văn chương nghệ thuật căn cứ trên việc phổ biến/không phổ biến nó là một cách dán nhãn ít nhiều mang tính trấn áp của số đông, của thói quen, và nhiều khi sẽ là hài hước.
Tôi không đi ngược lại ý hướng mở một cánh cửa rộng rãi hơn với thơ Việt, nỗ lực đưa thơ Việt ngữ vượt ra khỏi biên giới quốc gia, nhưng cũng muốn thêm vào một chút băn khoăn. Nhiều câu hỏi đã từng được đặt ra trong các tranh luận thơ đâu đó trên thế giới: thơ hôm nay phải “địa phương” hay “quốc tế”? Điều này tôi nghĩ thực sự liên quan nhiều đến thân phận của ngôn ngữ hơn là những so sánh về sự phát triển cá nhân. Thế giới đang phẳng đi và chúng ta, những kẻ bị phá vỡ biên giới địa lý, những kẻ không còn an ổn về gốc rễ ngay khi đứng trên một mảnh đất thân thuộc, ngay khi không ra khỏi vùng lãnh thổ của mình, bị đặt trước những lựa chọn. Không kể những quốc gia đa ngôn ngữ như Ấn Độ - sự lựa chọn tiếng Anh hay tiếng địa phương để viết là tất nhiên, ngay cả những nước khác cũng đứng trước những ngã ba lựa chọn này, như O.Paz đã từng nói về việc lựa chọn viết “quốc tế ” hay “bám rễ vào mặt đất” của các thi sĩ Mexico, lựa chọn thuộc về quốc tế hay thuộc về cộng đồng nhỏ của họ. Những loại hình tự sự hẳn nhiên có nhiều ưu thế chia sẻ giữa các ngôn ngữ khác nhau hơn là thơ ca. Nếu một thi sĩ nhất định tra vấn đến cùng những gì chỉ riêng ngôn ngữ mẹ đẻ của hắn ta sở hữu, tôi không tin vào khả năng thi sĩ đó, thơ ca của thi sĩ đó có thể trở nên “phổ biến”, đến được cộng đồng bạn đọc rộng rãi, bất kể hắn có được vị trí không phủ nhận ở bản xứ, bất kể hắn có những người dịch xuất sắc nhất trên thế giới. Nhưng đó có phải là một lựa chọn tồi? Nhu cầu vượt qua những ranh giới ngôn ngữ có nên đồng nhất với việc hướng tới trung tâm là ngôn ngữ tiếng Anh, đồng nghĩa với việc lấy Âu Mỹ làm trung tâm? Liên quan đến thân phận của ngôn ngữ, thơ ca lại càng phải băn khoăn nhiều hơn, đến từng chi tiết kĩ thuật mà nó sử dụng, từng khía cạnh tinh vi của một ngôn ngữ mà nó khai thác; cùng lúc nó phải băn khoăn về các chủ đề, về việc hướng tới cái bên ngoài hay cái bên trong, chia sẻ những nỗi lo âu thời cuộc, sự bùng phát của nhu cầu quan tâm tới những sự kiện chính trị ở phạm vi quốc gia, khu vực, thậm chí quốc tế, những băn khoăn trở lại về ý thức về trách nhiệm, sự dấn thân của thi ca... hay chú tâm vào nỗi lo âu về chính mỗi cá nhân nhỏ bé, nhu cầu tìm lại gốc và sự bất khả tìm lại gốc rễ của từng cá nhân... Rất nhiều những băn khoăn, những lựa chọn, nhưng cũng là những khả thể đa dạng của các hướng đi, như những khả thể của sự sống. Còn việc thơ có thể bước cùng nhịp với thơ ca các quốc gia khác, các khu vực khác, tôi không nghĩ đó là câu chuyện về sự “giống nhau” hay “trùng khớp” về bước đi; thậm chí, có thể là câu chuyện về sự khác biệt của những tìm tòi. Việc được dịch/ dịch được sang một ngôn ngữ khác, trở nên “quốc tế”, cũng là một chuyện có thể không liên quan trực tiếp tới sự sáng tạo thơ ca của một cá nhân, có thể cả một trường phái, một phong trào.
Điều gì đảm bảo thơ Việt có thể là một đóng góp với thế giới thơ ca ngoài biên giới? Có nên xoay đi xoay lại mãi câu hỏi rằng mọi nỗ lực cách tân của các nhà thơ Việt Nam hôm nay đều đã “đi sau” bên ngoài cả vạn dặm và chúng ta không có gì khác nữa? Trong khi không thể không ý thức về áp lực khủng khiếp của những con sóng lớn trên đại dương đó, tôi cũng muốn khước từ ám ảnh về những cuộc chạy rượt đuổi không cân sức của người làm thơ tiếng Việt. Có lẽ với thơ ca, chúng ta nên tin vào sự sống riêng của từng ngôn ngữ hơn là chờ đợi những động lực kinh tế xã hội văn hóa làm thay đổi triệt để ý thức thẩm mĩ cho thơ. Hơn nữa, phải chăng có một cái trục thẳng đứng của đổi mới và lịch sử thơ/ nghệ thuật có thể viết lại dễ dàng bằng lịch sử thay thế và phủ định lẫn nhau của các phong trào, các trường phái? Một phong trào, trường phái thơ ca, khởi phát trong lòng một quốc gia, một điều kiện xã hội, văn hóa, một khí quyển đặc trưng... có thể làm sản sinh những phong trào, trường phái thơ ca tương ứng ở các quốc gia khác không chia sẻ khí quyển văn hóa xã hội hay không? Tôi nghi ngờ mọi xác quyết, mọi tham vọng bá quyền: tuyên bố ý hướng này đã chết, trào lưu kia đã thất bại, thơ tiền phong mất vị trí, người đọc nản lòng với sự khó hiểu của thơ ca, và những tuyên bố đại loại vậy. Không có thái độ nào của con người ngạo mạn với sáng tạo hơn những thái độ khua chiêng đưa tin báo tử cho những sáng tạo khác mình. Trong một thời đại vắng trào lưu, sự phân rã có thể đẩy xa những người viết ở cùng một cộng đồng trong phân bố không gian địa lý, ngược lại có thể làm gần những tiếng nói ở khoảng cách xa xôi, những người viết không cùng ngôn ngữ. Không thể làm mới, vậy thì còn có thể làm thơ như thế nào? Cũng như tinh thần của Tân Hình Thức tìm lại những yếu tố căn bản nhất của ngôn ngữ, về nhịp điệu, về cách đến với công chúng, về sự chia sẻ với đời thường, người làm thơ có thể tự lần tìm lại những yếu tố cơ bản nhất của ngôn ngữ để làm thơ. Nguồn ảnh hưởng và sự học tập, một quá trình học tập liên tục luôn là quan trọng để không bao giờ thơ ca tự bó chặt nó trong những xác quyết rắn rỏi, và buồn cười. Thơ Việt Nam, văn học và nghệ thuật Việt Nam đang đứng trước những lằn ranh để vượt qua giai đoạn này và mở vào một giai đoạn khác. Nỗ lực đi tìm cái mới, nhìn nhận lại những cái mốc đã qua trong thơ như nhìn lại thơ tiền chiến, thơ tự do... không dẫn tới triệt tiêu và hủy diệt, mà có lẽ đáng kể hơn là dẫn tới ý thức về những giới hạn của thơ ca tiếng Việt trong một bối cảnh rộng hơn. Nỗ lực của một đời người có thể bị chìm lấp đi trong chính dòng chảy của nó. Những tác phẩm đỉnh cao của một cá nhân rồi cũng bị chính thời gian chìm lấp và có thể chẳng còn lại gì ngoài dấu ấn với chính cá nhân đó. Nhưng sự chần chừ của một thế hệ, của nhiều thế hệ liên tiếp nhau sẽ chỉ đặt bày thêm những cạm bẫy và những hố rác trên con đường vốn nhỏ, hẹp, và rủi ro của thơ ca. Trong cuộc đi tìm này, những cuộc đi tìm có tính chất trường phái cũng ngang bằng độ quan trọng với những cuộc đi tìm cá nhân, và những va đập giữa các tiếng nói khác nhau nên được hiểu như nhu cầu trình bày tiếng nói của mình một cách bình đẳng.
Ở cấp độ từng cá nhân, việc nhìn nhận toàn cầu hóa là xấu hay tốt, việc nhìn ra những cơ hội nhiều hơn hay thách thức nhiều hơn phụ thuộc vào mức độ nhận thức của từng người, và dường như phải cân nhắc hơn tới những bất ổn của quá trình này. Hạnh phúc của thơ ca khi nới lỏng được các đường biên địa lý và chia sẻ với những tâm hồn muôn phương là một thứ hạnh phúc bấp bênh: không gian chúng ta đang sống có thể rất gần và rất xa, rất chặt và rất lỏng, rất khép kín và rất mở rộng. Nhưng nó khiến mỗi chúng ta, người viết, kẻ đọc trong cộng đồng nhỏ bé của văn chương không được quyền yên ổn về chính mình, về những ý hướng thơ ca mà mình lựa chọn. Lựa chọn nào của mỗi kẻ đam mê thơ ca cũng là một lựa chọn ít nhiều ngây dại, thiếu tỉnh táo, vì nó không đem lại lợi lộc nào về vật chất hay danh vọng, thậm chí chỉ đem lại những hủy hoại. Nhưng mọi nỗ lực của từng tác giả, từng độc giả dường như chưa bao giờ đủ. Và cần nhất là những tiếng nói mang ý hướng khai phóng, nhưng không mang tham vọng bá quyền trong tiến trình hồi phục, và tự hồi phục sự sống của thơ ca nói chung. Thơ ca sẽ tự hạn chế chính nó khi không đủ rộng lượng để đón nhận mọi phong cách khả dĩ, không đủ mẫn cảm để tự tra hỏi chính thế mạnh của mình và khám phá những tiềm năng đa dạng của một/nhiều ngôn ngữ trong việc làm giàu chính nó. Thơ ca, bằng những cách thức riêng biệt, bất kể là những tiếng nói cá nhân hay các phong trào, xuất phát từ nhu cầu nội tại của nhà thơ, của người đọc thơ, điều thiết cốt nhất chính là nỗ lực chống lại sự cạn kiệt, của ngôn ngữ, của nội tâm, là nhu cầu đứng về những tiếng nói bé nhỏ, vô ý hay cố ý bị đẩy ra ngoài lề, dễ bị trấn áp, bất kể ở nơi nào. Trong hình dung tốt đẹp nhất, các ý hướng thơ khác nhau là vận động của một cấu trúc đa tâm, xoay quanh bản thể thơ. Nó chấp nhận hỗn độn, hỗn dung, xung khắc, va chạm, nó chấp nhận ồn ào hay im lặng, thành công hay thất bại, nhưng không tuyệt vọng. Và ở điểm vực ấy, có thể nghe thấy tiếng nói nhỏ bé nhưng mãnh liệt của thơ ca.
Tháng 4, 2012
N.T
(SH280/6-12)
......................................
1 - Talawas 20.9.2002 – Giới thiệu thơ Tân Hình Thức
2 - Đinh Linh - “Ngôn ngữ là một cái que trong bóng tối” - Nhà thơ Đinh Linh nói chuyện với Talawas, Phạm Thị Hoài thực hiện – Talawas 17.10.2002