HẠ NGUYÊN
Thơ Tân hình thức (THT) Việt xuất hiện từ năm 2000 ở Mỹ, sau đó được một số nhà thơ ở Việt Nam tiếp tục phát triển.
Những bài thơ với câu chuyện rất đời thường, gần gũi và đặc biệt, với ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ lặp lại, câu thơ vắt dòng, sự đa dạng về vần điệu đã kích thích bạn yêu thơ trên thế giới tập trung đọc và hiểu những bài thơ.
Nhà thơ Frederick Turner khi tiếp xúc với thơ THT Việt đã phát biểu: “Tôi tin rằng Việt Nam có thể là nguồn cội của đổi mới và sức sống cho một phương Tây thường kiệt sức, mất tập trung và thời thượng. Thực tế là, những nhà thơ Việt Nam đã đón nhận những nguyên tắc của Tân hình thức. Và một nhận thức mới về vai trò cơ bản của âm nhạc và thể luật trong việc làm thơ, đối với tôi, đó là sự gợi nhớ sâu sắc và nguyên do của niềm vui”.
Thơ THT Việt và những phản hồi
Mạng internet toàn cầu đã khiến việc phổ biến thơ ngày càng dễ dàng hơn và các nhà làm thơ THT Việt đang tận dụng hết sức có hiệu quả. Trước đây, họ có trang web thotanhinhthuc.org, nay họ có thêm trang web thotanhinhthucviet.com.vn. Đồng thời, phiên bản PDF trình bày như một tờ báo do nhà thơ Khế Iêm chủ trương cũng đưa thơ THT Việt song ngữ Việt - Anh (sau đây gọi là báo Song Ngữ) đến với bạn thơ trên toàn thế giới. Nếu có thể gọi đó là một hình thức báo chí, thì đây là lần đầu tiên có một tờ báo văn nghệ song ngữ của người Việt ngay tại Mỹ. Tờ báo Poetry Journal In Print, “phát hành” qua email và trang mạng internet, được gửi khoảng 300 email tới những tạp chí văn học, tạp chí thơ của Mỹ, Anh, Canada, Úc, và khoảng 3500 nhà thơ Mỹ. Từ đó, những nhà thơ Mỹ, đã biết có một dòng thơ Tân hình thức Việt.
Các nhà thơ Mỹ đã có những phản hồi hết sức thú vị khi tiếp cận với những trang thơ Tân hình thức Việt bản PDF song ngữ Việt - Anh. Dưới đây xin trích một số ý kiến:
* Nhà thơ Robert Okaji: “Tôi có dịp đọc tờ báo của bạn và phát hiện nó vô cùng thích thú. Thơ xuất sắc, và đặc biệt nhờ thế mà tôi được thưởng thức những bài thơ Việt dịch ra. (I’ve had an opportunity to read your journal, and found it quite enjoyable. The poetry was excellent, and I particularly enjoyed seeing Vietnamese poems in translation, as otherwise I would not know them).
* Nhà thơ Susan A. Katz: “Những khoảnh khắc đẹp đẽ trong những bài thơ tôi đã đọc. Đặc biệt tôi bị hấp dẫn bởi những thi ảnh. Chúc may mắn cho tờ báo của bạn. (Some beautiful moments in the poems I read. I was particularly drawn to the imagery. Wishing you much good luck with your new Poetry Journal).
* Nhà thơ Camille Norton, giáo sư Anh ngữ, phân khoa Anh ngữ, Đại học Pacific: “Cám ơn nhiều đã gửi báo tới tôi. Thật thú vị. Tôi sẽ chuyển cho bạn tôi, Vinh, và tới đồng nghiệp của tôi, Zhou Xiaojing. (Thank you so much for sending the to me. It’s just lovely. I am passing it on to my friend, Vinh, and to my colleague Zhou Xiaojing. (Camille Norton, Ph.D., Professor of English, Department of English, University of the Pacific).
* Nhà thơ Mark Osaki: “Rất ấn tượng. Chào mừng sứ mệnh của bạn. Tôi đã từng ở Việt Nam nhiều năm, phục vụ như một viên chức trẻ. Tôi rất kính trọng văn hóa và con người Việt.” (Very impressive. I salute your mission. I’ve been to Vietnam many years ago as a young foreign service officer. I very much respect Vietnamese culture and its people).
* Dịch giả và nhà nghiên cứu John Balaban: “Tôi mới đọc thoáng qua và rất tò mò về ý tưởng của bạn về Tân hình thức. Tôi sẽ đọc kỹ sau, bây giờ tôi download xuống. Tôi bị mê hoặc bởi những bài thơ 6 chữ, 5 chữ, và đã nhắc tôi nhớ tới ca dao.” (I read through it quickly, curious about your ideas on a new formalism. I will read it more carefully later, now that I have it downloaded. I was fascinated by the rigor of the Vietnamese poems and their frequent resort to 6-syllable or 5-syllable lines and was reminded of ca dao).
Tân hình thức Việt lôi cuốn người đọc ngoại quốc
Trong thời đại thơ ít người đọc, ngay cả thơ sáng tác, tại sao Thơ THT Việt lại được quan tâm đặc biệt như vậy? Có lẽ, đây là thời điểm của những giá trị đa văn hóa, và với những xung đột về chủng tộc, tôn giáo xảy ra khắp nơi trên thế giới, văn học đang là một phương tiện hàng đầu để tìm hiểu văn hóa của mọi sắc dân, trong đó thơ là một bộ môn tiên phong. Nhưng thơ dịch lại rất ít có cơ hội thành công, vì phụ thuộc quá nhiều vào ngôn ngữ. Thơ THT Việt rút tỉa và giải quyết tình trạng đó bằng cách, thay đổi cách sáng tác để khi dịch ra, người đọc đọc như một bài thơ sáng tác. Vì thế tác động của thơ THT Việt mạnh và vượt trội.
- Thơ THT Việt có hình thức là những thể thơ Việt và có nhịp điệu.
- Có ý tưởng liền lạc và đặc sắc bởi những khác biệt văn hóa.
- Văn chương cần văn phong tự nhiên của ngôn ngữ nó dịch ra. Nguyên tắc dịch thuật và ngữ học, đòi hỏi người dịch từ tiếng Việt qua tiếng Anh, phải là người mà ngôn ngữ tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ.
Đến đây, chúng ta cần đề cập tới vấn đề song ngữ trong dịch thuật. Những nghiên cứu của trường đại học Havard khẳng định rằng, khả năng sáng tạo, tư duy và tính linh hoạt của tâm trí được phát triển từ 3 đến 4 tuổi. Và rằng 50% khả năng học hỏi được phát triển vào lúc 4 tuổi, chỉ có 30% vào lúc 8 tuổi. Vì vậy ngôn ngữ thứ hai (second language) được khuyến khích học vào lúc 3 tuổi. Nhưng trong vấn đề dịch thuật, đặc biệt là thơ, đòi hỏi người dịch phải am hiểu ngôn ngữ thứ hai ở một cấp độ cao hơn. Thơ THT Việt chủ trương vấn đề song ngữ và tìm kiếm người đọc Mỹ, nên ngay từ tuyển tập đầu tiên Thơ Không Vần (Blank Verse) đã phải tìm người dịch theo đúng tiêu chuẩn, với phái nam, người dịch phải đến Mỹ khoảng 7 tuổi, và với phái nữ, ở độ tuổi dưới 10. Vì nếu quá 10 tuổi, ngôn ngữ tiếng Anh không còn đủ sự tự nhiên để chuyển dịch, và nếu dưới 7 tuổi, khả năng am hiểu tiếng Việt lại quá yếu để nắm bắt ngôn ngữ của thơ. Và dĩ nhiên, họ đều là những người làm thơ tiếng Anh. Nhưng để lôi cuốn được người đọc Mỹ, người dịch chưa đủ, còn phải theo đúng nguyên tắc in ấn và báo chí, cần những người biên tập, cả Việt và Mỹ, để bảo đảm giá trị trước khi đưa ra ngoài công chúng.
Nhà thơ Khế Iêm đọc thơ tại buổi đọc thơ song ngữ Anh Việt, tại quận Cam, California ngày 20 tháng 11/2016 do nhà thơ Dana Gioia tổ chức |
Sinh hoạt mới của thơ THT Việt
- Nhà xuất bản Cross-Cultural Communications (Truyền thông Giao lưu Văn hóa) nhờ báo Song Ngữ chuyển dịch bài thơ của nhà thơ Mỹ Stanley Kunitz, “The Layers”, từ tiếng Anh qua tiếng Việt, trong dự án dịch ra 100 ngôn ngữ khác nhau. Anh Phạm Kiều Tùng đã dịch bài thơ.
- Cũng qua trung gian của nhà xuất bản này, với những liên hệ toàn cầu về thơ, báo Song Ngữ, ngoài những sáng tác của những nhà thơ Mỹ gửi tới, nếu muốn, có thể mở rộng ra toàn thế giới, như những nhà thơ ở Hàn Quốc, Ý, Bangali, xứ Welsh... và các nước khác nữa. Đã có một số nhà thơ từ Parkistan, Ý... gửi tới, nhưng vì không đủ nhân sự, nên tờ báo chỉ có thể giới hạn ở những nước nói tiếng Anh.
- Nhà thơ Khế Iêm vừa hoàn tất tiểu luận “Thơ và không thơ”, đề cập đến việc ứng dụng kết quả nghiên cứu não bộ vào hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật.
Những sự kiện mang tính toàn cầu
Hoa kỳ có 50 tiểu bang, nhưng những tạp chí dịch thuật văn học lại có tới khoảng 60 tờ báo, đa số từ những trường đại học. Người dịch đòi hỏi phải có bằng cao học (Master degree) về dịch thuật, ngoài việc thông thạo 2 ngôn ngữ, còn phải tốt nghiệp một lớp sáng tác. Thơ dịch thường chỉ đăng phần tiếng Anh, mục đích để nghiên cứu những nền văn học khác. Cũng như Cơ quan Nghiên cứu Á châu (Association for Asian Studies), nghiên cứu về mọi đề tài từ văn hóa, chính trị, kinh tế các nước ở Á châu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc xuống đến các nước phía Nam.
Văn học Việt Nam ở nước ngoài từng có tờ báo giấy tiếng Anh, Wordbridge (Cầu Chữ), tạp chí văn học và văn học dịch thuật, và trên online, The Writer Post (www.thewriterpost.net), cả hai được thành lập từ năm 1999, do nhà văn N. Sao Mai sáng lập và chủ biên.
Hiện nay có 18 nước chấp nhận những sáng tác bằng ngôn ngữ tiếng Anh, hoặc được dịch ra tiếng Anh, gửi đến từ mọi nơi trên thế giới: Argentina, Papua New Guinea, Canada, South Africa, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Singapore, New Zealand, Nigeria, Thái Lan, Úc, Hà lan, St Vincent and the Grenadines, Pakistan, Nhật Bản, Botswana, Ireland), Mỹ...
Những tạp chí song ngữ, thơ và văn học, tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, có thể kể: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Pháp, Phần Lan... các ngôn ngữ Anh-Latino, Anh-Bengali...
Trong môi trường thế giới phẳng hiện nay, báo Song Ngữ Thơ THT Việt đang hội nhập vào được với sinh hoạt mới lạ và phong phú này, đưa một phần thơ Việt làm quen với những dòng văn học mang tầm quốc tế khác.
Thơ THT Việt chưa khai thác hết khả năng sáng tạo vì chưa có sự hội tụ để thế hệ trẻ hơn tham gia sáng tác. Nếu Thơ THT Việt có được các tác giả từ 20 tới 40 tuổi tham gia, thì sau này họ sẽ nối kết được với những nhà thơ Mỹ thế hệ “làn sóng thứ hai” thơ Tân hình thức Mỹ. Thơ Việt lúc đó sẽ có tiếng nói chính thức ở ngoài biên giới. Hiện nay chúng ta đã đặt được cơ sở cho sự hiểu biết đó rồi.
H.N
(SHSDB26/09-2017)