NGƯỜI DÂN LÀ CHỦ THỂ
PHƯỚC VĨNH
Chương trình xây dựng nông thôn mới (CTXDNTM) ở Thừa Thiên Huế được triển khai từ năm 2010, đến nay đã có những thành tựu nhất định. Trao đổi với báo chí về triển khai CTXDNTM ở Thừa Thiên Huế, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: Cùng với CTXDNTM, nông nghiệp, nông thôn (NN, NT) TT Huế trong thời gian qua đã có những chuyển dịch rõ rệt. Mục tiêu của CT là xây dựng NT Thừa Thiên Huế có kết cấu hạ tầng kỹ thuật từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn NN với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển NT với quy hoạch đô thị; phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường sinh thái; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; xóa dần khoảng cách NT và thành thị; góp phần đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu cho biết: “Quan điểm của tỉnh đối với CTXDNTM là “Dân biết, dân bàn, dân hưởng lợi”. Người dân là chủ thể của CT, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Các nội dung về XDNTM đều phải có sự tham gia bàn bạc, thảo luận, đóng góp của người dân.
Những bước đầu khoáng đạt
Với sự đồng thuận của toàn xã hội, CTXDNTM ở Thừa Thiên Huế đã có những kết quả tốt đẹp. Toàn tỉnh có 152 phường, xã (47 phường và 105 xã). Có 38 xã miền núi vùng cao. Số xã quy hoạch xây dựng NTM là 92 xã. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có 30% (28/92xã), (cao hơn mức bình quân chung của cả nước 10%); đạt chuẩn về NTM. Trong đó 2 huyện Nam Đông và Quảng Điền huyện điểm và mỗi huyện, thị chọn 2 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM.
Căn cứ vào bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành rà soát, đánh giá theo 19 tiêu chí đến hết quý II năm 2012 đạt được kết quả như sau: Số xã đạt 15 tiêu chí: 2 xã, số xã đạt 12 - 14 tiêu chí: 5 xã, số xã đạt 10 - 11 tiêu chí: 15 xã, số xã đạt 08 - 09 tiêu chí: 41 xã, số xã đạt 05 - 07 tiêu chí: 29 xã.
Những nhóm tiêu chí mà tỉnh đạt kết quả tốt có thể nhắc đến sau đây. Nhóm 1, về Quy hoạch. Hiện tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xong 68/92 xã. Các xã còn lại đang thẩm định và hoàn thiện phê duyệt trong quý 3/2012. Chất lượng đồ án quy hoạch khá tốt, thực hiện đúng trình tự, dân chủ, công khai; các quy hoạch đều thông qua các cuộc họp thôn để dân biết tham gia đóng góp ý kiến.
Nhóm 2, hạ tầng kinh tế - xã hội. Tiêu chí 4 - Hệ thống điện lưới quốc gia: Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên 97,2%, sắp đạt so với tiêu chí là 98%. Hệ thống đường dây hạ thế tổng số có 1.615,43 km đạt yêu cầu kỹ thuật; song còn một số tuyến từ hạ thế ở khu vực miền núi cần phải nâng cấp mới đáp ứng nhu cầu cho sản xuất. Đánh giá theo bộ tiêu chí Quốc gia: 92/92 xã đạt. Tiêu chí 8 - Bưu điện: Đến nay, 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã; có 534 điểm dịch vụ Internet. Tổng thuê bao điện thoại đạt bình quân 115,9 máy/100 dân, tăng 42,3%; mật độ thuê bao internet 3,7 thuê bao/100 dân, tăng 42%. Tỷ lệ số xã có máy thu hình đạt 100%. 92/92 xã đạt. Tiêu chí 9 - Nhà ở dân cư NT: Tổng số có 163.005 nhà ở dân cư, trong đó có 157.383 nhà đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng (96,55%). Nhìn chung nhà ở dân cư NT được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, do thực hiện chính sách xóa nhà tạm, đồng thời thu nhập của người dân ngày càng khá, nên nhà cửa được cải thiện đáng kể. Đánh giá 28/92 xã đạt.
Nhóm 3, Kinh tế và tổ chức sản xuất. Tiêu chí 11 - Hộ nghèo: Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh năm 2006 là 18,42%, đến năm 2011 giảm xuống còn 9,48% (trong đó ở khu vực nông thôn tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,74% theo chuẩn mới). Tiêu chí 13 - Hình thức tổ chức sản xuất: HTX NN từng bước chuyển biến thích nghi với cơ chế quản lý mới, đáp ứng phần lớn các dịch vụ cơ bản trong sản xuất NN và hướng đến dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân ở NT. Có 161 HTX nông lâm ngư nghiệp, có tới 40% HTX đạt loại khá, làm ăn có hiệu quả. Toàn tỉnh có 478 trang trại (theo tiêu chí cũ). Một số doanh nghiệp đã có các hình thức liên kết sản xuất với nông dân gắn với thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm như đầu tư giống cho trồng rừng kinh tế, cao su, cà phê, hỗ trợ giống sắn,... có 19/92 xã đạt.
Nhóm 4, Văn hóa - xã hội - Môi trường. Tiêu chí 14 - Giáo dục: năm học 2009 - 2010 đội ngũ giáo viên ở khu vực nông thôn có 12.642 người trong đó: mầm non có 2.658 người, tiểu học với 5184 người, trung học cơ sở: 4.800 người, trình độ giáo viên đạt chuẩn cao (mầm non 97,37%; tiểu học: 99,20%; THCS 99,70%). Phổ cập giáo dục Trung học: Năm 2004 toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. Đánh giá: 71/92 xã đạt. Tiêu chí 15 - Y tế: Tỷ lệ người dân tham gia các BHYT: 63,62% cao hơn 2 lần so với tiêu chí Quốc gia. 100% trạm y tế đều có bác sĩ biên chế hoặc tăng cường để thực hiện công tác khám, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đánh giá: 84/92 xã đạt. Tiêu chí 16 - Văn hóa: Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nếp sống văn minh được phổ biến sâu rộng dưới nhiều hình thức. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có 1.135 làng, thôn, bản, được công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa đạt tỷ lệ 80,84%. Có 189.060 gia đình được công nhận gia đình văn hóa (tỷ lệ 87,1%); 38,3% số thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Đánh giá: 69/92 xã đạt.
Nhóm 5, Hệ thống chính trị. Tiêu chí 18 - Hệ thống tổ chức chính trị xã hội: Hệ thống chính quyền cấp xã được kiện toàn, cơ cấu đội ngũ cán bộ bố trí đủ chức năng nhiệm vụ. Có 2.292 người, bình quân 20,5 người/xã; Trong đó trình độ Đại học - Cao đẳng và Trung cấp chiếm tỷ lệ 77,23%; số còn lại chưa qua đào tạo nâng cao năng lực nghiệp vụ còn lớn. Đánh giá 47/92 xã đạt. Tiêu chí 19 - An ninh trật tự: Đánh giá: 91/92 xã đạt.
Sự đồng thuận của nhân dân và việc huy động nguồn lực
Một trong những kết quả quan trọng nhất là Phong trào XDNTM ở Thừa Thiên Huế hiện đang được người dân đồng tình ủng hộ. Người dân nhận thức được mình là chủ thể của CT, phát huy được vai trò “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”. Vì vậy, nhiều người tự nguyện hiến đất đai, cây cối để mở đường. Một số tuyến đường đầu tư mở rộng ở huyện Nam Đông, Quảng Điền, Hương Trà… người dân tự nguyện hiến đất giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, không đòi hỏi đền bù.
Về hiệu quả huy động nguồn lực cho CT. Từ năm 2009 đến nay, tuy chưa có nguồn lực đầu tư của nhà nước, nhưng các xã đã chủ động phát huy nội lực lựa chọn một số tiêu chí dễ thực hiện để hoàn thành được 1 đến 2 tiêu chí. Nhiều địa phương huy động người dân tham gia vào chỉnh trang, mở rộng đường làng ngõ xóm xanh, sạch đẹp, thoáng đãng. Năm 2010, tỉnh đã tổ chức lồng ghép nhiều chương trình đầu tư khu vực NN, NT. Tổng vốn đầu tư xây dựng khu vực NT: 113,249 tỷ đồng. Năm 2011, tổng vốn đầu tư xây dựng khu vực NT là 184,495 tỷ đồng. Năm 2012, tỉnh xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lồng ghép từ các nguồn vốn khác nhau, đặc biệt là nguồn ưu tiên cho các công trình phục vụ sản xuất nông lâm ngư nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM. Tổng vốn đầu tư xây dựng khu vực NT là 204,872 tỷ đồng. Dự kiến huy động người dân hiến đất, góp công lao động, tiền của xây dựng nhà cửa, chỉnh trang tường rào, đình làng, đường làng… khoảng 70 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các huyện chủ động lồng ghép và huy động nhiều nguồn lực vào thực hiện như: CT Trợ giá giống cho nông dân; giảm thủy lợi phí, CT MTQG giảm nghèo, CT Nước sinh hoạt vệ sinh và môi trường, CT Bãi ngang ven biển, CT 135… tạo nguồn lực tổng hợp thực hiện có hiệu quả.
Năm 2012 toàn tỉnh cũng khởi động triển khai một số nội dung khác của CTXDNTM, nhằm phấn đấu đến năm 2015 có 30% số xã đạt. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; xây dựng gia đình, thôn, làng, bản văn hóa.
Hiện toàn tỉnh đang tập trung chỉ đạo và đôn đốc 28 xã thực hiện đạt chuẩn XD NTM vào năm 2015 triển khai xây dựng các hạng mục công trình đã có thông báo vốn thực hiện hoàn thành trong năm 2012, tạo tiền đề để đầu tư thực hiện các công trình khác trong những năm kế tiếp, đảm bảo xây dựng NTM ở các xã hoàn thành đúng tiến độ.
Những kiến nghị từ cơ sở
Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới đã nảy sinh một số vấn đề bất cập, theo Ban chỉ đạo XD NTM tỉnh, cần có những điều chỉnh hợp lý. Thứ nhất, việc xây dựng NTM cần một số vốn lớn nhưng Ngân sách địa phương hạn hẹp, rất cần các Bộ, Ngành, Ban Chỉ đạo CT XDNTM Trung ương quan tâm hỗ trợ Ngân sách theo Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, cần điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp với tình hình thực tế, cụ thể: Chẳng hạn tiêu chí số 7 (Chợ nông thôn): Có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, bởi hiện nay các địa phương cho rằng mỗi xã phải có 1 chợ. Tiêu chí số 9 (nhà ở): không nên quy định đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng ban hành, chỉ quy định nhà ở không bị dột nát, có khả năng tránh được mưa bão. Tiêu chí số 10 (Thu nhập bình quân dầu người) bằng 1,4 lần so với bình quân chung của toàn tỉnh (khu vực nông thôn). Nên định lượng cụ thể cho từng vùng từng địa phương. Tiêu chí 12 (Cơ cấu lao động) tỷ lệ lao động trong lĩnh vưc nông nghiệp còn 35%, chưa thực tế nếu các địa phương thuần nông có nhu cầu lao động lớn sẽ không phù hợp, vì vậy cần tăng lên 45% - 50%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 35% (có chứng chỉ, bằng cấp), nên quy định thêm kể cả lao động tự học nghề ngoài xã hội có tay nghề vững.
Thứ ba, nên thông báo ấn định mức hỗ trợ giai đoạn 2011 - 2015 cho những xã đăng ký đạt chuẩn về NTM là bao nhiêu tỷ đồng, để các địa phương chủ động soát xét lựa chọn nội dung, công việc triển khai đạt chuẩn NTM.
Thứ tư, Chương trình xây dựng NTM là một CT tổng hợp, huy động các tổ chức chính trị - xã hội đều tham gia, vì vậy Trung ương nên lồng ghép nguồn lực của các CT khác vào Chương trình xây dựng NTM để tăng nguồn lực và hiệu quả.
Với những kinh nghiệm trong thực hiện thành công các chương trình kinh tế xã hội lớn trước đây như xóa đói giảm nghèo, định cư vạn đò, xóa nhà tạm...; CT XDNTM của Thừa Thiên Huế hy vọng sẽ sớm về đích, góp phần sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
P.V
(SĐB 9-12)