Giá sách Sông Hương
10 năm ngày mất BỬU CHỈ
Bửu Chỉ và những bức tranh vẽ từ nhà tù: Công bố 9 bức tranh chưa từng phổ biến
10:49 | 17/12/2012

NGUYỄN DUY HIỀN

Trong một bài trả lời phỏng vấn trước ngày mất không lâu, Bửu Chỉ nói về quan niệm của mình khi sáng tạo nghệ thuật: “Nghệ thuật đứng về phía nước mắt. Nó phản ánh cái phần bóng tối của cuộc sống mà mọi người chưa thấy ra hoặc mỗi người nghĩ mỗi cách. Nghệ thuật là khát vọng hướng về chân, thiện, mỹ mà chẳng bao giờ đạt được cái cùng... Tác phẩm nghệ thuật chỉ nhằm đánh thức lương tâm, lương tri con người...”.

Bửu Chỉ và những bức tranh vẽ  từ nhà tù: Công bố 9 bức tranh chưa từng phổ biến
Một trong những bức tranh chưa từng phổ biến của cố họa sĩ Bửu Chỉ

Anh cũng tự chia hai mốc chính trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình: từ 1970 - 1974 và từ 1975 về sau. Với mốc từ 1970, Anh nói: “Đó là những năm tháng tôi đã sử dụng hội họa như một thứ ngôn ngữ thực sự. Thời điểm này, tranh của tôi là một sự bày tỏ mạnh mẽ, hướng ngoại, về những nhân sinh quan và quan niệm xã hội của tôi... Tranh của tôi lúc này vẽ bằng mực nho, bút lông, bút sắt”.

 

Từ năm hơn 20 tuổi, khi đang là sinh viên Luật khoa Huế, Bửu Chỉ đã được biết đến như một hoạ sĩ bút sắt nổi tiếng của phong trào đô thị miền Nam. Những bức tranh của anh đầy ấn tượng và xúc động, dứt khoát, không khoan nhượng. Khi bị bắt cùng đồng đội ngày 12/4/1972, anh đã bị đánh dập nát bàn tay phải cũng chỉ vì cái tội đã có những bức tranh chứa chan những khát khao và ý chí can cường của cả một dân tộc... Và cũng từ đấy anh tiếp tục bị bắt giam nhiều lần cho đến năm 1975, qua các nhà tù, Trung tâm thẩm vấn G4 Huế, An ninh quân đội ở Tàng Thơ lâu Huế, Biệt giam Thanh Bình và Trại giam Gia Long Đà Nẵng, Nhà tù Chí Hòa Sài Gòn, nhà tù Gò Công...
 

Thời gian ở nhà tù Chí Hòa, Bửu Chỉ ở chung phòng SVHS khu ED cùng các bạn chiến đấu trong phong trào đô thị miền Nam như Trương Văn Khuê, Lê Văn Nuôi, Lê Văn Nghĩa, Nguyễn Duy Thông, Lương Đình Mai, Lê Văn Thọ, Nguyễn Cam, Đinh Công Hảo, Đoàn Khắc Xuyên... Các bạn kể đây có lẽ là thời gian anh vẽ tranh sung mãn nhất, vẽ thật nhanh, cứ 10,15 phút là xong 1 bức. Tranh được bí mật chuyển ra ngoài và xuất hiện thách thức trên nhiều tờ báo trong nước và nước ngoài như Canada, Mỹ, Pháp, Tây Đức.

Theo lời kể của anh Lê Văn Nghĩa, nguyên là Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Sinh hoạt Dân chủ Học đường, nay là Thư ký báo Tuổi Trẻ Cười, (Nghĩa là bạn tù thân thiết của Chỉ trong thời gian ở Chí Hòa), anh cũng vẽ những bức tranh nhỏ để tặng bạn bè, và vẽ cho chính mình.

Và dưới đây là 9 bức tranh chưa từng được phổ biến trong một tập tranh khổ “siêu nhỏ” được vẽ bằng bút sắt và đóng thành tập giấy croquis. Giấy và màu do phu nhân của nhà thơ Hữu Đạo, Nguyễn Sĩ Hiền mua gửi vào nhà tù tặng Bửu Chỉ. Tựa đề tập tranh là “Thầm Kín”. Vài bức tranh trong tập này, thể hiện một vài người con gái trong chuyện tình của Bửu Chỉ mà anh đã kể cho Nghĩa nghe. Tháng 12/1974, khi bị đưa phân tán ra các nhà tù khác nhau. Bửu Chỉ, Đoàn Khắc Xuyên và Lê Văn Thọ đi Gò Công, Lê Văn Nghĩa và các anh khác đi Vĩnh Long. Chỉ đã tặng cho Lê Văn Nghĩa  tập tranh này, coi như một kỷ niệm vì lúc bấy giờ, không ai có thể biết bao giờ mới gặp lại nhau. Sau này khi gặp lại Nghĩa ở Huế, Bửu Chỉ dường như đã quên tập tranh nhỏ này, vì anh đã có vô số tác phẩm mới. Có lần Chỉ đã hỏi Nghĩa “hình như mi có giữ của tao một tập tranh khi vẽ trong tù”, Nghĩa chỉ cười cười mà không xác nhận và anh cũng... quên luôn, không thấy hỏi lại.

Do tập tranh đã cùng Lê Văn Nghĩa qua nhiều nhà tù khắc nghiệt nên hư hỏng nhiều, chỉ còn mấy tấm khá nguyên vẹn.

Anh Lê Văn Nghĩa vừa gửi lại theo yêu cầu của tôi. Xin được gửi đến bạn đọc để cùng xem nét bút một thời của con người tài hoa, quả cảm như một nén hương tưởng nhớ anh - họa sĩ Bửu Chỉ.

N.D.H
(SĐB 7/12-12)

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng