Giá sách Sông Hương
10 năm ngày mất BỬU CHỈ
Họa sĩ Bửu Chỉ: triết gia của sắc màu
10:54 | 17/12/2012

LÊ HUỲNH LÂM

Khi triết gia Martin Heidegger (1889 - 1976) viết tác phẩm “Sein und zeit” (Hữu thể và thời gian) vào năm 1927, có thể ông không nghĩ rằng nửa thế kỷ sau ở xứ sở của miền nhiệt đới, vùng đất chiến tranh kéo dài tàn khốc nhất của địa cầu lại xuất hiện một họa sĩ tài danh, mà trong nhiều tác phẩm của ông nỗi ám ảnh về thời gian, sự bất lực của lý trí và nỗi cô đơn trước vô biên trở thành một tín hiệu gửi đến mọi người.

Họa sĩ Bửu Chỉ: triết gia của sắc màu
"Núi lửa" - Tranh Bửu Chỉ

Nếu Heidegger sử dụng các mẫu tự để mô tả suy nghiệm của mình, thì trong thành phố thơ mộng bậc nhất hành tinh này, Bửu Chỉ đã dùng màu sắc để diễn đạt cảm nghiệm sâu xa của mình về thời gian và thân phận con người.

Là một người học luật, dấn thân vào con đường đấu tranh cho tự do dân tộc trước 1975, hội họa với ông là một niềm đam mê cháy bỏng. Bửu Chỉ tự học hội họa, không qua bất kỳ trường lớp nào. Nhưng những người trong nghề nói rằng, kiến thức về hội họa trong Bửu Chỉ thuộc vào hàng bậc thầy, rất đáng nể phục. Sau nhiều cuộc triển lãm trong nước ông đã tham gia triển lãm ở Nga năm 1986, triển lãm ở Pháp năm 1988, triển lãm ở Hồng Kông năm 1994; và năm 1995 ông là một trong số 47 họa sĩ trên thế giới được Liên hiệp quốc mời tham gia triển lãm “Quyền hy vọng”. Chỉ có định mệnh mới xô đẩy một con người dấn thấn vào con đường nghệ thuật một cách trọn vẹn như vậy, để rồi ông khước từ sự đối đãi bên ngoài, những công việc vô bổ... Ông bày tỏ thái độ sống dứt khoát với những điều ngụy trá, trở về với niềm đam mê rực cháy, trở lại với định mệnh của trời đất, về bên khu vườn của giấc mơ để làm nên điều kỳ diệu của một nghệ sĩ.

"Tĩnh vật ly cà phê" - Bửu Chỉ

1. Sắc màu của nỗi buồn

Buồn như một thuộc tính của nghệ thuật, khi nhu cầu giải bày, chia sẻ những cảm nhận của người nghệ sĩ trước tác phẩm. Điều kiện để cấu thành một nỗi buồn là sự khát vọng, chỉ có khát vọng muốn vươn đến chân thiện mỹ, vươn đến một thế giới tốt đẹp hơn, mới tạo ra nỗi buồn mênh mông bên trong người nghệ sĩ. Nỗi buồn đã trở thành chất liệu sống, chất liệu sáng tạo của tác giả. Hay đúng hơn, tâm của người nghệ sĩ đã đồng cảm với tâm thức xã hội, họ đau cùng nỗi đau của cộng đồng,... chỉ có những tâm thức như vậy mới cho ra đời những tác phẩm vĩ đại.

Thật ra, trong các tác phẩm của Bửu Chỉ, ngoài nội dung dẫn dắt người xem về với thế giới nội tại của chính mình, thì màu sắc là yếu tố tiên quyết để làm nên một vóc dáng Bửu Chỉ. Đôi khi chỉ với tĩnh vật đông cứng trong không gian, nhưng những gì chất chứa đằng sau tách cà phê (Tĩnh vật ly cà phê) là một khoảng không hốt hoát, là cả một vùng không gian biến loạn, hay là cái động đang vần vũ quanh cái tĩnh. Đó là bản thể của vũ trụ được diễn đạt qua bàn tay tài hoa của Bửu Chỉ.

Nóng, tối là tông màu chủ đạo trong tranh Bửu Chỉ. Với sắc đỏ bã trầu, những góc tối u huyền, những mảng xám lạnh, khoảng xanh của ký ức, thấp thoáng màu lục già của khu vườn Vỹ Dạ..., khi tách biệt, khi quyện vào nhau tạo ra một khoảng trống hun hút đưa người xem rơi vào cảnh giới phi thời gian mà tác giả đã chứng nghiệm.

2. Văn hóa Đông - Tây

Yếu tố văn hóa không thể tách rời đời sống sáng tạo của người nghệ sĩ. Dù trong tác phẩm của Bửu Chỉ, diễn đạt sự suy tư của lý trí theo phong cách phương Tây, nhưng những điểm sáng và tối, mặt trăng và mặt trời như biểu tượng của âm dương thường xuất hiện trong tác phẩm của ông. Có thể nói rằng vũ trụ quan trong Bửu Chỉ mang âm hưởng của đạo học phương Đông, nhưng nhân sinh quan của tác giả lại chìm sâu trong lối suy diễn của triết học phương Tây, vì vậy chúng ta thường thấy tính âm dương xuất hiện bên cạnh những trăn trở đầy chất duy lý. Hay sự diễn đạt về trời, đất và người trong tác phẩm của Bửu Chỉ và sự ngạc nhiên của con người trước vũ trụ vô biên. Trong cái nhìn thâm trầm về cuộc đời, có những khoảng khắc ông đã vụt ngộ ra chân tánh (sắc sắc không không),  hoặc những phút giây trầm tư trong ánh đạo vàng của Phật giáo... Bên cạnh đó, những hình ảnh của một thời đang mất dần ở hiện tại đã được ông lưu lại trong tác phẩm mình, như cái cơi trầu, ông bình vôi... Những đường nét, không gian trong tranh của ông gợi lên chất siêu hình phóng khoáng.

"Đồng hồ" - Bửu Chỉ

3. Thời gian và thân phận

Những tác phẩm của hoạ sĩ Bửu Chỉ diễn đạt sự vô hạn của vũ trụ, sự nhỏ bé nhưng vĩ đại của con người trước thiên nhiên, sự thất bại của những ý niệm về thời gian. Thời gian là vấn đề siêu hình, thời gian trong tranh Bửu Chỉ được diễn đạt bởi những chiếc đồng hồ chỉ là thời gian tương đối trong thế giới đời thường của con người, đằng sau những chiếc đồng hồ đó là cả một khoảng hoang vắng đầy bí ẩn của vũ trụ. Mà con người như một cá thế mong manh giữa hư không.  Cô đơn là trạng thái thăng hoa của người nghệ sĩ, trong tâm thái cô đơn tác giả mới thể nhập vào thực tại tuyệt đối, Bức tranh Núi Lửa như muốn ngợi ca cái đẹp của con người cô đơn, con người muốn giải phóng chính mình thì phải chấp nhận mạo hiểm. Chúng ta muốn tự do thực thụ, muốn thấu thị, nhưng lại sống quá an toàn, cái gì cũng muốn có được, không chịu đánh đổi, chúng ta sợ cô độc, sợ mọi thứ có dấu hiệu gây phương hại đến chúng ta, vậy thì làm sao chúng ta có được điều mà nghệ thuật kỳ vọng.

Xem tranh của Bửu Chỉ, tôi liên tưởng đến gương mặt của triết gia Neitzsche, gương mặt của kẻ phi tập thể, chống hình thức hóa và xem trọng con người siêu nhân. Cũng như gã tiên tri Zarathustra trong con người của Nietzsche, những hình thể người nhỏ bé trong tranh Bửu Chỉ muốn vượt thoát những định chế của xã hội, chống lại những tiên ám của vũ trụ đã gắn chặt vào kiếp người.

Cũng không thể không nhắc đến loạt tranh bút sắt, mực tàu ông đã vẽ vào đầu thập niên 1970, loạt tranh này là vũ khí của một họa sĩ dấn thân, một nghệ sĩ phản kháng để đòi lại quyền tự quyết cho dân tộc, chống lại cái ác và sự phi lý của chiến tranh. Trong nhiều tác phẩm của người họa sĩ tai danh này thường dấy lên một nỗi khát vọng về sự an bình, tự do vượt qua mọi ràng buộc mà biểu tượng chính là con chim bồ câu trắng. Điều này cũng chính là ước muốn của dân tộc Việt Nam và cả loài người.

Có thể nói rằng, thế giới hội họa của Bửu Chỉ đã mở ra cho người xem một nẻo để trở về với đời sống bên trong của mỗi người, một hành trình để nhận ra bản ngã của chúng ta. Mỗi bức tranh, mỗi mảng màu, mỗi hình thể của họa sĩ là mỗi mật mã để mở cánh cửa đã được niêm yết bởi cuộc đời đầy rẫy những âu lo, sợ hãi, mưu toan... từ đó người thưởng ngoạn sẽ tự mình khám phá thế giới nội tại của chính mình, khám phá thế giới màu sắc mang một nỗi buồn sang trọng, hàm chứa những tư tưởng triết lý sâu sắc trong tác phẩm của họa  sĩ Bửu Chỉ.

L.H.L
(SĐB 7/12-12)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng