Giá sách Sông Hương
Văn chương Việt Nam đương đại
Văn học trẻ: lịch trình và những động hướng
10:51 | 08/02/2014

ĐOÀN ÁNH DƯƠNG

Văn học Việt Nam đầu thế kỷ XXI chứng kiến sự xuất hiện của một thế hệ những cây bút mới, trưởng thành từ một môi trường mới, nhiều gián cách với không gian của kháng chiến và kiến quốc thế kỷ XX, nơi mà ở đó, nhà văn trở thành người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Văn học trẻ: lịch trình và những động hướng
Minh họa: Nhím

Văn học trẻ từ đầu thế kỷ mới ít cất lên tiếng nói đại diện cho lý tưởng tập thể như thế mà chủ yếu khẳng định cái tôi cá thể của mình, từ nhu cầu xác lập căn cước cho mình. Việc ít phải chứng nghiệm các hậu quả chiến tranh và hòa nhập nhanh chóng vào quá trình toàn cầu hóa khiến cho những biểu hiện của văn học của giới trẻ Việt Nam ngày càng khác lạ với truyền thống văn học được kiến tạo bởi ông cha họ. Màu sắc giáo huấn, phúng gián nhường chỗ cho các sắc màu khác, được dệt bởi những nhận thức và trải nghiệm mới, khi văn học hiện diện như một sân chơi tinh thần mà luật chơi dân chủ của nó chấp nhận tất cả các ý hướng dấn thân, ngẫu hứng, phá phách,… của những cái tôi tự trị. Văn học cởi lớp áo đạo đức, tẩy não trạng lý trí, kìm lại những phấn khích ý chí, những đam mê thẩm mỹ, để trả văn chương về mặt bằng của những khám phá, thức nhận, giãi bày mang tính cá nhân về đời sống và tình người. Chính ở khởi điểm ấy, hai tính chất trái ngược của văn chương cùng được lựa chọn để làm nên những đổi thay về nghệ thuật: giải trí và tiền phong xác tín những kinh nghiệm mới của văn học.

Sự thành hình của văn học trẻ ban đầu chỉ là lẻ tẻ những tiếng nói tham góp vào đời sống văn học đang loay hoay tìm hướng chuyển sau những lỡ cỡ của văn học thời đổi mới và sự đổi mới văn học. Câu chuyện văn học nửa đầu những năm 90 của thế kỷ XX chắc sẽ còn là một dấu hỏi lớn cho những người đến sau, khi ngoái nhìn về những năm tháng nhiều lạ kỳ này, nơi văn học tìm được cảm hứng của cải cách kinh tế chính trị mấy năm trước để tự mình vươn lên, bất chấp sự ngáng trở trở lại của những chuyển đổi chưa kịp thành tựu. Sự trở lại của nếp tư duy cũ không phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự chững lại của văn học. Điều cơ bản làm cho văn học hậu đổi mới trở thành bế tắc là do chính sự bế tắc của những chủ thể làm nên nó. Một mặt, việc đổi mới ý trả văn học về đời sống tự trị của nó một cách cơ học, bằng việc hoán đổi giản đơn các chức năng giáo khoa của nó (theo thứ tự từ nhận thức - thẩm mỹ - giải trí thành giải trí - thẩm mỹ - nhận thức), khiến cho văn học rớt giá, vị thế trung tâm của nó trong hệ thống văn hóa; thêm vào đó lại bị cạnh tranh bởi các loại hình nghệ thuật khác, trong sự dần khởi sắc của hội họa, âm nhạc, và nhất là điện ảnh; trong khi những kinh nghiệm thẩm mỹ cũ xưa đã không đủ giúp nhà văn vươn tới những sáng tạo tinh thần mới mẻ. Mặt khác, tự nhà văn cũng làm một lộ trình hồi quy về quá khứ, trước những biểu hiện mang tính hai mặt của văn hóa đương đại từng bước “hòa nhập (nhưng không/) hòa tan” khi Việt Nam mở cửa ra với thế giới; mà rất thường khi là không đủ bản lĩnh để dội ngược trở lại, biến quá khứ thành lịch sử của cái đương thời, lấy căn bản văn hóa (truyền thống) phản kích vào cái tâm lý nhược tiểu (cố hữu), định vị phong hóa địa phương vào bản đồ quốc tế. Văn học nửa sau những năm 90 trở lại với nhịp điệu bình ổn của nó, ngay khi cơn chấn động đổi mới đột ngột vút lên rồi lắng lại, cho dù khoảnh khắc đổi mới đã kích hoạt một vài nhân tố tiềm tàng khả năng bung phá.

Văn học trẻ xuất hiện đúng vào lúc sự ngưng trệ này của văn học đã làm một số người quan tâm đến con đường quanh co của nó cảm thấy bí bách vì sự tù túng, lừng khừng, muốn bứt phá, hoặc giả, cổ vũ cho sự bứt phá. Những cây bút của thế hệ sinh sau 1975 khuấy động được gì không khí trễ nải ấy? Không gì nhiều. Nhưng manh mún có. Khoảng dăm năm đầu thế kỷ, từ sự quẫy đạp của Vi Thùy Linh ở bản lề của hai thế kỷ, ý niệm về “thơ trẻ” trỗi dậy, gây tranh cãi, và bất luận các ý kiến trái chiều thế nào, những cái tên như Nguyễn Quyến, Lãng Thanh, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Lê Mỹ Ý, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Thế Hoàng Linh, và sau một chút, nhóm Ngựa trời,… thực sự đã làm nên một sân thơ sôi động. Ở văn xuôi thì còn ít hơn nữa, cũng từ bản lề khép mở hai thế kỷ ấy, sau Đỗ Bích Thúy, những cái tên như Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Nguyên Phước, Nguyễn Ngọc Thuần, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Vĩnh Nguyên,… dần trở nên quen thuộc, để rồi đột ngột ồn ã với Đỗ Hoàng Diệu và Nguyễn Ngọc Tư. Thơ trẻ làm nên khởi đầu, nhưng văn xuôi mới thực sự là chỗ để văn học trẻ hưng khởi. Tranh luận về Đỗ Hoàng Diệu và Nguyễn Ngọc Tư thực sự đã kích hoạt được đời sống văn học trẻ. Nó nuôi dưỡng được cảm hứng tìm về với văn học, dẫu chưa thổi được vào đó cái cảm quan mới mẻ của những trải nghiệm nghệ thuật mới, mang rõ dấu ấn cá nhân và thế hệ.

Vai trò của Vi Thùy Linh, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư đối với văn học trẻ, trong tư cách những người khai phá có thành tựu, còn thể hiện ở chỗ sự hiện diện của họ giống như cú hích làm đà cho văn học trẻ tiến lên. Sự trỗi dậy cả một phong trào sáng tác văn học trẻ vào nửa sau thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này có thể tìm thấy nhiều ít ảnh xạ từ thành công của họ. Tất nhiên là cùng với sự xuất hiện có ý thức của các trung tâm, các phong trào văn học (như sự hồi sinh của trường Viết văn Nguyễn Du, các cuộc thi văn học có ảnh hưởng của các tờ Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Tài hoa trẻ, Tuổi trẻ,…). Nhịp cùng với những cây bút đã xuất hiện trước đó, hàng loạt cây bút mới xuất hiện. Có thể kể đến những Phan Việt, Dương Thụy, DiLi, Hoàng Anh Tú, Bình Nguyên Trang, Đỗ Doãn Phương, Đỗ Doãn Hoàng, Từ Nữ Triệu Vương, Niê Thanh Mai, Đỗ Tiến Thụy, Trần Thu Trang, Trang Hạ, Ngọc Cầm Dương, Nguyễn Thị Cẩm, Cấn Vân Khánh, Trương Anh Quốc, Nguyễn Xuân Thủy, Thụy Anh, Phạm Ngọc Lương, Lynh Barcadi, Khánh Phương, Nguyễn Quang Hưng, Uông Triều, Phạm Thanh Thúy, Võ Hạnh Thủy, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Thiên Ngân, Kiều Bích Hậu, Nguyễn Anh Vũ, Đoàn Văn Mật, Lữ Thị Mai, Mergie Phạm, Nguyễn Trương Quý, Nhã Thuyên, Lê Minh Phong, Hoàng Long,… Được sự hậu thuẫn của truyền thông, văn học trẻ lúc này trở nên ồn ào. Và cũng nhanh chóng hết hiệu ứng truyền thông như khi các sự kiện và hiện tượng phải thường xuyên thay đổi cho linh động những tờ báo tin tức hàng ngày. Văn học trẻ phân hóa và tan rã “phong trào” ngay ở giữa hồi đỉnh điểm ấy. Khi chưa kịp có những tiếng nói mới.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào trong phong trào văn học trẻ trong mươi năm vừa qua, từ chỗ dè dặt cất tiếng nói từ điểm nhìn mới góp vào đời sống bình lặng của văn học đến việc trực diện lên tiếng từ những nhận thức và trải nghiệm mới, trong tư cách cá nhân hay thế hệ mới, văn học trẻ cũng đã kịp phân hóa để với số lượng ít ỏi những cây bút còn nội lực sáng tác, hình thành những xu hướng viết khác nhau, cho những theo đuổi mục đích khác nhau từ hoạt động văn học. Hướng tới văn học đại chúng (popular literature) là một hướng đi được nhiều cây bút trẻ lựa chọn. Ở đấy, tính chất giải trí, giá trị thương mại, khả năng phổ cập đến đông đảo bạn đọc được đề cao. Tuy không rõ ràng, song việc bùng nổ xuất bản văn học mươi năm sau Đổi mới, nhất là ở dòng sách thị trường, được đương thời mệnh danh là thời sách “bung ra”, đã định hình một loại hình công chúng văn học, làm bà đỡ cho xu hướng văn học phổ thông đương thời và còn tác động đến cả sau này. Song đây là xu hướng thực sự chỉ được định hình từ đầu thế kỷ XXI và chủ yếu gắn với các cây bút trẻ. Nó ít nhiều bị nghi kỵ bởi các nhà văn, nhà nghiên cứu, thậm chí nhà quản lý văn hóa vốn quen với mỹ cảm văn học truyền thống, đo đếm tác phẩm bằng các giá trị chân- thiện-mỹ. Nguyên nhân nằm ở sự thiếu vắng các tri thức và kinh nghiệm để nhận thức loại hình văn học này. Tuy chưa có công nghệ “để làm nên một tác phẩm best-seller” để có được nhiều thành công, chưa có được những nghiên cứu nghiêm túc về loại hình này khiến việc diễn giải về nó bớt đi bất cập, nhưng ý hướng đại chúng hóa ở đây góp phần cần thiết vào việc dân chủ hóa đời sống văn học. Dòng văn học tinh hoa (classical literature), nơi lưu giữ đời sống tinh thần con người, theo đuổi những giá trị mỹ học điển phạm, ghi dấu những thể nghiệm nghệ thuật sâu sắc, vẫn được các cây bút trẻ theo đuổi, dù không đông đảo như ở loại hình văn học đại chúng. Cuối cùng, là xu hướng dấn thân mang màu sắc tiền phong, với ít cây bút theo đuổi hơn nữa. Song chính từ xu hướng thứ hai và thứ ba này, văn học trẻ mới tìm ra tương lai bị đánh mất.

Đ.A.D
(SH299/01-14)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trở về (16/01/2014)
Tâm Cảnh (25/01/2013)