NGUYỄN THANH TÂM
những bàn chân
càng bước càng
lún sâu vào đất
(Giấc mơ Kapka - Trương Đăng Dung)
Nỗi bất lực trước những giới hạn của tồn tại đôi khi lại được hiện lên với vẻ tự tin đầy can đảm. Dù vậy, trong tình thế đối diện với không - thời gian, con người không thể khỏa lấp những ưu tư về sự sống, cái chết, nghĩa lý của tồn tại, hành trình thực hiện “phác đồ người” của mình (M. Heidegger). Con người buộc phải chấp nhận một thực tế rằng, giới hạn chính là bản chất của tồn tại, động lực của tồn tại, nguyên lý của sự sống, đồng thời là chứng nhân của hiện hữu. Ném mình vào dòng chảy của thời gian, của sự huỷ tạo không ngừng, con người luôn nỗ lực để kháng cự và qua đó, khẳng định tư cách hiện diện của mình. Những người càng nhạy cảm với đời sống lại càng ý thức rõ về giới hạn cũng như cố gắng mãnh liệt nhất để chiến thắng giới hạn - chúng ta đang nói về nhà văn, nghệ sĩ, những người tìm kiếm và sáng tạo cái đẹp. Với họ, nghệ thuật chính là đời sống, là hiện sinh, và như thế, nghệ thuật luôn luôn là trò rượt đuổi của những giới hạn.
Niềm tin về sự vĩnh hằng đã ra đi cùng những ông bụt, bà tiên, những thánh thần trong ký ức huyền thoại của nhân loại. Kỳ thực, ngay cả thái độ tin vào vô biên, tuyệt đích, tin vào vĩnh cửu không gì khác hơn là nỗi sợ hãi, hoang mang trước giới hạn, thậm chí là một thất bại khổng lồ trước giới hạn. Thế nên, trở lại với mặt đất, trở lại với cuộc đời thế sự, con người thấy mình là một hiện hữu đầy giới hạn. Văn chương Việt Nam sau 1975 cũng như thế, nghĩa là, một tình huống đối diện với thế sự, từ trong thế sự, do vậy, sáng tạo văn chương nghệ thuật được kể từ những giới hạn là một câu chuyện rất lớn của thời mà chúng ta đang sống. Câu chuyện này có thể được hình dung từ hai bình diện: chủ quan và khách quan. Những giới hạn khách quan tạo nên bối cảnh mà bất kỳ nhà văn nào cũng buộc phải chấp nhận. Giới hạn này hàm chứa các diễn biến của quốc gia, dân tộc, cộng đồng, thời đại, lịch sử, văn hóa, chính trị,… Giới hạn chủ quan thuộc về từng tác giả gắn với các điều kiện về sinh thành, học vấn, tư tưởng, tài năng,…
Ở bình diện khách quan, sự thiếu vắng tinh thần và cấu trúc của một xã hội dân sự có thể xem là giới hạn đầu tiên khiến cho văn học Việt Nam đương đại chưa thực sự tiếp cận với bản chất của nghệ thuật. Chức năng của nghệ thuật là chức năng thẩm mỹ, là cội nguồn để chi phối các chức năng khác. Tuy nhiên, những giới hạn của tư tưởng hệ đang tạo nên những giới hạn có tính chất ngoài văn chương, khiến cho nỗ lực để kháng cự, tương thích hay vượt qua đều ảnh hưởng không tốt hoặc trì hoãn sự phát triển của nghệ thuật. Những bài thơ không vần của Nguyễn Đình Thi, sáng tác của Nhân văn giai phẩm, thơ của Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, Dương Tường,… trước 1975 đã chìm vào im lặng để đến sau 1975, sau 1986 mới có thể hiện diện. Lịch sử nghệ thuật với những ngả nẻo quanh co, khúc mắc, khiến cho nền văn chương Việt Nam vốn đã luôn đi sau lại càng chậm chạp hơn. Và, có một thực tế, mặc dù chiến tranh đã kết thúc, xã hội quay về trạng thái thế sự, đất nước đã tiến hành đổi mới toàn diện, thế nhưng, nhiệm vụ chính trị đặt ra cho văn chương vẫn ít được thay đổi. Không phủ nhận những thành tựu của văn học Việt Nam từ sau 1975 có nguyên nhân từ chính cơ chế đổi mới, mở cửa, hội nhập, nói thẳng, nói thật được nêu lên từ Đại hội VI (1986), Nghị quyết 05 (ngày 28/11/1987), từ những ngày làm việc cởi mở của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ ở Hà Nội,… Bối cảnh toàn cầu hóa cùng những thành tựu công nghệ, khoa học, sự mở rộng khung tri thức,… khiến cho văn chương có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy vậy, hội nhập, mở cửa, đổi mới cũng đem đến những nguy cơ, tạo nên lý do cho cơ chế kiểm soát, chi phối văn nghệ tiếp tục được duy trì.
Giới hạn khách quan trong thực tiễn sáng tác của nhà văn còn đến từ lịch sử, quá khứ với sức ì và sự chi phối không hề nhỏ. Đã có nhà nghiên cứu bàn về “quá khứ đổ bóng” trong văn chương đương đại. Điều đó rất xác đáng. Theo tôi, văn chương Việt Nam đương đại đang được viết dưới bóng của những huyền thoại. Và, chính những huyền thoại này tạo nên giới hạn trong thực tiễn sáng tác. Về bản chất, huyền thoại là một diễn ngôn. Diễn ngôn đó nói lên cách mà người ta làm cho nó trở thành một ý hệ, một “chân lí”, một “quyền lực”, biến nó thành “tri thức”, thành giá trị của thời đại, của cộng đồng,… R.Barthes thực sự đã nhấn mạnh vào tính năng biểu của hệ thống ký hiệu khiến nó trở thành huyền thoại: “Huyền thoại cũng chỉ có thể có một nền tảng lịch sử, vì huyền thoại là một ngôn từ do lịch sử lựa chọn, nó không thể nảy sinh từ bản chất các sự vật”. Lịch sử lựa chọn là cách nói khác của một cơ chế hình thành “niềm tin” trong cộng đồng về một điều gì đó được cho là chân lí, giá trị, trở thành ý thức hệ. Chính ở chỗ này, điểm dừng của F. Saussure lại là điểm bắt đầu của R. Barthes. Toàn bộ cái sở biểu và năng biểu trong lí luận ngôn ngữ học cấu trúc của F. Saussure được R. Barthes chuyển hóa thành vế thứ nhất, thành cái biểu đạt, thành một ký hiệu cho một sinh mệnh mới hướng đến giá trị, ý nghĩa của nó trong ngữ cảnh. Sự “gia công” một diễn ngôn nào đó hướng đến những thông báo thích hợp là cách để một huyền thoại ra đời. Song hành với quá trình lựa chọn, kiến tạo huyền thoại là quá trình loại trừ làm nên trật tự của các diễn ngôn. Trật tự của các diễn ngôn thể hiện những giới hạn, những ràng buộc của các cá nhân - chủ thể trong hệ thống. Nhà văn trong xã hội Việt Nam đương đại, trong một tình thế bị động, hầu như đều phải chấp nhận sự chi phối của những huyền thoại này. Trong một hình dung cụ thể, từ phương diện thể loại, lục bát là một huyền thoại. Và, không nghi ngờ gì, sức ì của hình thức thể loại, cái trống rỗng của khuôn mẫu đã trở thành giới hạn của những ai dấn thân vào con đường sáng tạo. Không chỉ những hình thức có tính khuôn mẫu, truyền thống tự sự, trữ tình, những đề tài, chủ đề, cảm hứng, hình tượng,… có tính chất huyền thoại thực sự đã “đổ bóng”, cớm rợp lên không gian văn chương, nghệ thuật đương đại. Từ góc độ ký hiệu học văn hóa, những huyền thoại thực sự đã làm mất đi tính chất thế sự của văn hóa đương đại, kéo con người quay lại thời kỳ sơ khai, nguyên thủy. Nỗi lo âu trước khả năng “phạm cấm kỵ” là giới hạn không dễ vượt qua, khiến cho không gian văn hóa đương đại rất ít cái mới - vốn là bản chất của không gian “truyện kể”.
Những giới hạn khách quan còn đến từ “cộng đồng diễn giải” và các lực lượng trung gian tham gia vào chuỗi sản xuất - phát hành - tiêu thụ sản phẩm văn học. Những thành tố này tác động rất lớn đến đời sống, sinh mệnh của văn bản văn học, thế nên, nhà văn buộc phải chấp nhận cả những giới hạn của nó. Các vấn đề về tri thức, năng lực, tập quán, mỹ học của cộng đồng diễn giải, của công chúng văn học, trong hình dung của mỹ học tiếp nhận, là nhân tố tạo nên tác phẩm văn học, cấp cho văn bản đời sống của tác phẩm. Một dẫn chứng từ cộng đồng diễn giải Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh tại Mỹ với các vấn đề như: bản chất của con người, giới, lạc địa, không tưởng, người Mỹ, người Việt, gia đình, đất đai, tôn giáo,… đã mở rộng biên độ diễn giải tác phẩm, tạo nên đời sống phong phú, cấp thêm nhiều lớp nghĩa cho văn bản - tác phẩm. Nhà văn luôn mang sẵn trong mình những dự tưởng về người đọc - người đọc tiềm ẩn, do vậy, cộng đồng đọc nào, khả năng và giới hạn của họ ra sao, dù trong tưởng tượng, hàm ẩn, vẫn trở thành một nỗi thôi thúc, một động lực của sáng tạo. Có thể, người nào đó cho rằng, nhà văn chỉ có nhiệm vụ sáng tác, còn đọc, diễn giải là việc của công chúng văn học. Tuy nhiên, nhà văn cần phải tiên liệu được độc giả của mình để có những thực hành sáng tạo cho phù hợp - kể cả là việc viết cho độc giả của tương lai. Câu chuyện này thể hiện rõ nhất qua sáng tác văn học thiếu nhi, mà ấn phẩm Quà cho con (Nguyễn Huy Hoàng) là một “ca” khá cụ thể cho việc nhà văn không ý thức được đặc tính của cộng đồng đọc của mình. Ở đây, rõ ràng vấn đề phân loại người đọc, chân trời đón đợi, những khả năng của diễn giải,… chắc chắn không thể không xuất hiện trong “chiến lược phát ngôn” của nhà văn.
Sự tham gia của các lực lượng trung gian trong chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu thụ sách văn học, với những giới hạn của nó, chi phối đến công việc sáng tác của nhà văn. Rõ ràng, trong nền kinh tế thị trường, với mệnh lệnh tiêu dùng như hiện nay, sự trỗi dậy của các lực lượng trung gian, chi phối, lũng đoạn thị trường sách dẫn đến tình trạng “vàng thau lẫn lộn”. Nhà văn không thể không bị ảnh hưởng. Không ít người viết chạy theo lợi nhuận thương mại, chiều theo thị hiếu công chúng, cho ra đời những ấn phẩm kém chất lượng. Nhà văn phải tham gia vào chuỗi cung - cầu, phải đối diện với cơ chế cạnh tranh và các chiến lược tạo dựng của lực lượng trung gian, đặc biệt là truyền thông. Trong sự vận hành của hệ thống này, có khi, những giá trị nhất thời, giả tạo lại lên ngôi, những chân giá trị, những hạt ngọc quý báu lại rơi rớt và chìm khuất.
Những giới hạn khách quan vẫn đang tồn tại trong không gian văn học, văn hóa đương đại. Sự hiện diện của những giới hạn này, có thể xem là khó khăn, cũng có thể xem là một cơ hội. Bởi lẽ, chính từ những giới hạn này, chủ thể sáng tạo mới thể hiện được phẩm chất, năng lực và bản lĩnh của người cầm bút. Và sự thật, với những nhà văn tài năng, giới hạn khách quan có lẽ chỉ là một thứ xúc tác, động lực cho sáng tạo nghệ thuật. Ở đây, chúng tôi tán thành một phần quan điểm của nhà thơ Mai Văn Phấn khi ông cho rằng: “Thực ra không có giới hạn nào đối với một văn tài. Ta còn nhớ những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi tại nước Nga (Liên Xô cũ), một số tác giả lừng danh đã từng công bố tác phẩm của mình dưới dạng photocopy (Samizdat), như B. Pasternak, A. Solzhenitsyn, M. Bulgakov, O. Mandelshtam, I. Brodsky, A. Akhmatova… Họ đã sống và sáng tác vượt ra ngoài vòng cương tỏa của thể chế, đi xa hơn thói quen thẩm mỹ của đám đông... Hiện trạng văn học Việt Nam hiện nay cho thấy, ngoài những tác phẩm “trong luồng” và “ngoài luồng” (tạm gọi là Samizdat), tôi tin còn có những tác phẩm đã được nhà văn hoàn thành nhưng chưa công bố. Nhưng tôi đã nói, với một văn tài đích thực, việc anh ta chưa muốn/ dám công bố tác phẩm không phải là giới hạn”. Nhưng, cũng cần phải nhìn vấn đề một cách kỹ lưỡng hơn, dù là một thiên tài, anh ta cũng luôn bị chi phối, ràng buộc bởi các giới hạn. Có những giới hạn được nhìn thấy, được chỉ ra, và cả những giới hạn không nhìn thấy, không chỉ ra được. Dẫu sao, chúng ta cũng không phải là họ. Mỗi con người là một bản thể không lặp lại, do đó, giới hạn của thiên tài có lẽ cũng mang tính đặc biệt của nó mà người thường khó lòng thấu tỏ.
Những giới hạn chủ quan có lẽ là điều đáng phải bàn luận nhất trong thực tiễn sáng tác văn học ở Việt Nam. Sự sống của con người luôn luôn là hành trình vượt qua những giới hạn. Cái chết, không phải là giới hạn cuối cùng, nhưng là giới hạn được ý thức mãnh liệt nhất. Và, ngay ở đó, khi chúng ta đang nói về cái chết, nó có thể đã hiện diện cả khi thân xác vẫn còn đi đứng nói cười. Trong một tình thế khác, có khi xác thân đã lặng im, tàn hủy mà sự sống vẫn không ngừng cất tiếng. Bởi vậy, cái chết và sự sống trở thành những phạm trù có tính tượng trưng. Nhà văn Việt Nam, trong điều kiện đổi mới, hội nhập phải đối mặt với những giới hạn trong chính bản thân mình, đối diện với những giới hạn vừa rất thực tiễn, lại cũng rất siêu hình.
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Tại sao văn chương đương đại Việt Nam không có tác phẩm lớn? Đi trả lời cho câu hỏi này, người ta lý giải từ ba bình diện: Tâm, Tầm, Tài của người viết. Có thể nói, giới hạn về tinh thần, tư tưởng, tầm vóc và tài năng là những vấn đề có tính bản thể của văn chương Việt Nam đương đại. Người đọc luôn hoài nghi về giá trị nghệ thuật, tư tưởng của một tác phẩm, bởi lẽ, chủ thể sáng tạo ra những tác phẩm đó bị giới hạn trong những điều kiện chật hẹp của tư tưởng, tri thức, học vấn, vốn văn hóa, kinh nghiệm thẩm mỹ - hay như P. Bourdieu gọi là “vốn tượng trưng”. Hệ lụy từ giới hạn này làm xuất hiện hàng loạt tác phẩm yếu kém về chất lượng nghệ thuật, hời hợt, nông cạn về tư tưởng (nếu không muốn nói là không có tư tưởng). Trong một dự án làm việc, khi phải khảo sát các tập thơ được nộp lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, chúng tôi nhận thấy phải đến 90% tác phẩm có chất lượng tầm Câu lạc bộ. Điều này giúp chúng ta hiểu vì sao, hồi đầu thế kỷ XX, Hoài Thanh - Hoài Chân đọc một vạn bài thơ mà có ngót vạn bài là thơ dở. Không thể phủ nhận cái Tâm của người viết. Tuy nhiên, không phải lúc nào cái Tâm, Tầm, Tài cũng song hành hay tỉ lệ thuận với nhau. Những giới hạn luôn được giăng lên, chi phối, kiềm tỏa lẫn nhau, khiến cho thực hành sáng tạo là cuộc chiến không ngừng với những giới hạn trong chính chủ thể. Văn học Việt Nam từ sau 1975, với những tác giả như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Mạnh Tuấn, Dư Thị Hoàn, Dương Hướng, Tạ Duy Anh, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Bình Phương, Trương Đăng Dung gần hơn là Đặng Thân, Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh,… là những tên tuổi nỗ lực vượt qua giới hạn để sáng tạo nghệ thuật. Và sự thật là, ngay trong chính nỗ lực ấy, nhà văn vẫn không ngừng nhận ra những giới hạn ở phía trước. Bởi thế, Nguyễn Minh Châu tự lập tòa án lương tâm để phán xét con người, đọc lời ai điếu cho văn nghệ minh họa; Dư Thị Hoàn can đảm và cô độc từ bỏ đường lớn để bước vào Lối nhỏ; Tạ Duy Anh “bước qua lời nguyền”; Mai Văn Phấn liên tục “vong thân”; Nguyễn Bình Phương “từ chết sang trời biếc”; Nguyễn Quang Thiều “rời bỏ thành phố”; Nguyễn Lương Ngọc nung chảy, xé toang, đập mình ra để cấu trúc; Trương Đăng Dung đối thoại với tồn tại; Đặng Thân đẩy sự việc đến tận cùng, loại bỏ cấm kỵ ra khỏi sáng tác; Văn Cầm Hải “không ăn bóng một thời đã qua”; Vi Thùy Linh “một bản thể đầy mâu thuẫn”,… Đó chính là những động thái đối diện và vượt qua giới hạn. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều các ấn phẩm được gọi là văn học mà sự hiện diện của nó chẳng có nghĩa lý gì ngoài việc chứng minh sự thất bại, gục ngã của tác giả trước các giới hạn. Trong một trao đổi ngắn với nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, anh cho rằng, “thực tế cái rào cản cuối cùng của nhà văn Việt Nam vẫn là chúng ta thiếu một bản lĩnh, lòng dũng cảm và một đam mê, một tài năng đủ lớn để chấp nhận thua thiệt, khó khăn về đời sống để hết mình cho sáng tác, cho vấn đề, tư tưởng, sự kiện lịch sử có tầm vóc mà mình cần thể hiện. Nói chung, nhỏ bé, ít khát vọng lớn, tâm sự lớn, giá áo túi cơm... vẫn là giới hạn lớn nhất và cuối cùng mà các nhà văn chưa vượt qua được”.
Chúng ta có một giai đoạn đề cao hiện thực khách quan, xem hiện thực khách quan là chân lý (chân - chân - chân, thật - thật - thật). Mô hình này dẫn đến sáng tác văn chương theo xu hướng mô tả hiện thực, phản ánh luận. Có thể xem đây cũng là một giới hạn, một bước trượt của nghệ thuật. Khi giải phóng, đất nước tiến hành đổi mới, việc chủ thể phát hiện lại chính mình, khám phá bản thể có thể xem là quá trình phản ứng với mô hình phản ánh luận trước đó. Tuy nhiên, lại nảy sinh một giới hạn khác, đó là, nhà văn không thể thoát khỏi bản thể, ra ngoài bản thể để thực hiện quá trình khách quan hóa đối tượng. Đây lại là một bước trượt thứ hai. Một khi, chủ thể đang đồng nhất với thế giới bên trong ấy, nghĩa là anh chưa thoát ra để có thể có tâm thế khách quan nhìn về đối tượng. Do đó, hệ quả là những vấn đề của cá nhân, cá thể lại quá quẩn quanh, tù túng, không trở thành hình tượng, biểu tượng - khách thể nghệ thuật, và như thế, cũng khó lòng vươn đến những giá trị phổ quát của nhân loại.
Giới hạn chủ quan của người cầm bút còn đến từ nhiều ngã khác, gắn với công việc bếp núc, “lao động nhà văn”. Trong một hình dung ban đầu, có thể nhận thấy một số giới hạn khác cũng đang xuất hiện khá phổ biến trong thực tiễn sáng tác văn học Việt Nam đương đại. Người viết có thể do tâm lý chủ quan đã vin vào tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do sáng tạo để phớt lờ yêu cầu về luân lý, đạo đức nghề nghiệp, thẩm mỹ, trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ, trí thức, công dân. Một số thực hành sáng tạo cũng chỉ nên xem là biểu hiện của thái độ, phản ứng trước đời sống nghệ thuật và xã hội, thay vì phán xét nó từ chính phương diện mà nó đang đả phá, vượt qua.
Một giới hạn khác khá rõ có thể nhìn thấy trong thực tiễn sáng tạo văn học Việt Nam đương đại đó là ý thức tổ chức tác phẩm, cấu trúc thế giới nghệ thuật còn khá tùy tiện, có thể nhận thấy rõ nhất trong thơ. Các tập thơ thường chỉ là tập hợp của các bài rời, lẻ, ít có một mạch chung, một cấu trúc hệ thống để thể hiện tư tưởng, tinh thần của chủ thể sáng tạo. Điều này làm cho tầm vóc của nhà thơ, tập thơ rất hạn chế. Điều đáng buồn là những tập thơ kiểu này lại chiếm tỉ lệ rất lớn trong đời sống thơ ca đương đại. Có một điều cần phải làm rõ ở đây là, nhà văn, có rất ít người để ý, hiểu rõ bản chất của tác phẩm văn học. Nói như vậy có vẻ là vô lý, nhưng sự thật, nhìn vào nhiều sáng tác ở tầm “thường thường bậc trung”, thậm chí những tác phẩm tệ hại đang trôi nổi trên thị trường có thể khẳng định, tác giả không hiểu thế nào là tác phẩm văn học - sinh thể nghệ thuật. Có lẽ, họ nghĩ rằng, tự do sáng tác là tùy tiện viết gì cũng được. Dĩ nhiên, không có vùng cấm trong nghệ thuật, nhưng phải hiểu tác phẩm văn học là gì? Điều này đồng nghĩa với việc hiểu văn bản là gì? Và như thế, cốt lõi của vấn đề phải là hiểu ngôn ngữ là gì và ngôn ngữ nghệ thuật là gì? Có như thế, việc sáng tạo ngôn ngữ, sử dụng ngôn ngữ trong kiến tạo văn bản, tác phẩm, thế giới nghệ thuật mới có thể chạm đến những vấn đề cốt lõi của tồn tại và hiện hữu. Một khi hiểu bản chất của ngôn ngữ, của diễn ngôn, văn bản, cơ chế “tuyển chọn” hay “kết hợp”, tổ chức ngôn ngữ sẽ được kiểm duyệt một cách chặt chẽ hơn. Sáng tạo nghệ thuật trong ý thức về ngôn ngữ, thể loại, đặc trưng mỹ học, nghĩa và ý nghĩa của tác phẩm sẽ giúp nhà văn đối diện một cách chủ động với giới hạn, vượt qua giới hạn. Một khi, chúng ta buộc phải “thỏa thuận” rằng, ngôn ngữ đang tạo nên tất cả, hiểu bản chất của ngôn ngữ, thận trọng với việc sử dụng ngôn ngữ đang trở thành giới hạn mà có thể, đôi lúc nhà văn không lường trước được. Phải chăng, ngôn ngữ mới chính là chủ thể của sáng tạo, trong đó có việc sáng tạo ra nhà văn?
Câu chuyện về ngôn ngữ đồng thời cũng trở lại tố cáo giới hạn của nhà văn đương đại Việt Nam khi các tác giả không có khả năng sử dụng các ngôn ngữ khác. Vấn đề ở đây, không phải chỉ là việc đọc ngôn ngữ nước ngoài để tiếp cận đề tài, chủ đề của văn chương thế giới, mà với nghệ thuật ngôn từ, đó là câu chuyện của hình thức. Không tiếp cận được ngôn ngữ ngoại lai, bị ràng buộc, trì níu bởi những diễn ngôn truyền thống chính là giới hạn mà văn học Việt Nam đương đại phải đối mặt.
Giới hạn của sáng tác còn đến từ những nhận thức, quan niệm về giá trị. Trong không gian đổi mới, hội nhập, giá trị phổ quát, những quyền cơ bản của con người, những yêu cầu có tính tự nhiên của sự sống,… cần được ý thức như là tài sản chung của nhân loại. Cùng với việc thể hiện những sắc thái cụ thể, riêng biệt của cá nhân, dân tộc, vấn đề nhân loại phổ quát cũng cần được nhận diện. Có như vậy mới tránh bị sa vào chủ nghĩa cá nhân cực đoan hay những mưu cầu, định hướng có tính chất bảo thủ. Bên cạnh đó, ý thức về cái khác, cái riêng biệt cũng đang có những biểu hiện cho thấy giới hạn trong cộng đồng sáng tác Việt Nam đương đại. Cụ thể là việc đả phá, bài xích sự hiện diện của những cái khác, cái dị biệt, nghịch luận, khác hệ thống,… Đôi khi, việc bài xích này còn mạnh đến mức hủy diệt cái khác. Trong một thế giới hội nhập, việc nhìn nhận cái phổ quát và cái khác biệt có hiệu năng như một quy chiếu để thực hành sáng tạo nghệ thuật vươn tới các giá trị của con người. Ở đây, còn thấy một giới hạn nữa từ việc, văn học Việt Nam đương đại thiếu vắng hơi thở chung của nhân loại, những vấn đề phổ quát của loài người trong không gian toàn cầu hóa.
Thiên tài là người ý thức sâu sắc và mãnh liệt nhất về giới hạn. Nếu Nietzsche không đau buồn trước giới hạn của con người, hẳn ông đã không trầm tư về hoàng hôn của thần tượng, vạch ra đường đi của con người siêu nhân và ý chí cường lực. Nguyễn Du hẳn đã đau đớn trước “Những điều trông thấy,..” mà viết “Trăm năm trong cõi…”, Xuân Diệu thấy giới hạn của vạn vật trong thời gian, Huy Cận thấy con người bé nhỏ, hữu hạn trong không gian, Hàn Mặc Tử thấy đau thương, đày đọa là định mệnh, là giới hạn,… Văn học Việt Nam đương đại - một thực thể chưa hoàn thành, các giới hạn của nó, trên cả bình diện chủ quan và khách quan, cũng là những câu chuyện có tính tất yếu. Ý thức về giới hạn, đối mặt với giới hạn, vượt qua giới hạn là hành trình để đi đến những chân trời - những giới hạn rộng xa hơn:
Những bức tường, những bức tường, những bức tường
có mặt khắp nơi,
trong những lời vui đoàn tụ
trong những lời buồn chia tay,
những bức tường ta không xây
những bức tường không thể phá...
(Những bức tường - Trương Đăng Dung).
Hạc Thành, 12/6/2016
N.T.T
(TCSH329/07-2016)