Giá sách Sông Hương
Kỷ niệm 30 năm TCSH (1983 - 2013)
Cùng chung sức, chung lòng chắp cánh cho Sông Hương
15:35 | 19/06/2013

LTS: Góp phần để Sông Hương có “văn hiệu” trên diễn đàn văn học nghệ thuật cả nước cũng như đến với độc giả mọi miền phải kể đến vai trò của những nhà văn nhà thơ đại diện cho tạp chí. Chúng tôi xin được trích đăng một vài cảm nhận của họ nhân dịp kỷ niệm 30 năm Sông Hương ra số báo đầu tiên.

Nhà thơ Phan Trung Thành (Tp. HCM): Những người bạn thân thiết của Sông Hương

Giữa đô thị lớn nhất Việt Nam, nơi được cho là “kinh đô báo chí”, giữa bao sinh hoạt văn nghệ phong phú và nhiều cung bậc, vẫn lặng lẽ những người bạn theo dõi, tìm đọc từng số Sông Hương. Sau cuộc gặp mặt cộng tác viên khá “hoành tráng” tại Tp. Hồ Chí Minh, có thể nói công tác phát hành ở đây có thuận lợi, anh em gắn kết nhiều hơn. Mỗi đầu tháng nếu Sông Hương vô trễ thì điện thoại cứ réo liên tù tì, cũng lạ, sao có người trung thành với Sông Hương đến thế! Có một bác ở Bình Dương, tháng nào cũng ghé lấy 2 cuốn. Lần đầu bác đến Hội (62 Trần Quốc Thảo - nơi phát hành Sông Hương) trong cơn mưa tầm tã, chiếc xe đạp sũng nước với bao nhiêu là giỏ xách lớp mang lớp treo, mình cảm động quá, hỏi sao bác không mua ở Bình Dương, bác bảo “Nếu về trung tâm Bình Dương thì cũng ngang bằng quãng đường như thế, thôi thì ghé Sài Gòn chơi rồi lấy Huế coi luôn”. Hỏi tiếp: Sao bác không đặt dài kỳ để bưu điện chuyển tận nhà, bác bảo “Đi tìm tờ báo mình thích cũng như tìm người mình thương, có cái thú của sự đi tìm”!

Nhắc đến cuộc gặp mặt cộng tác viên, nhìn vào lực lượng cộng tác với Sông Hương, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc có một phát hiện đáng ngại: “Lực lượng trẻ còn ít quá, trống quá”. Tôi chú ý điều này và vài năm trở lại đây vẫn mong giới thiệu, làm nhịp cầu tốt nhất cho các cây bút trẻ đến với Sông Hương, tìm đến nơi này như là mảnh đất khai phá, mong Sông Hương xứng đáng là “bà mụ” cho tài năng văn học trẻ.

Khi nhận làm đại diện cho tạp chí (thay nhà văn Trần Hữu Lục) tôi đã thấy tiềm năng là lực lượng bạn đọc trong cộng đồng yêu Huế, các nhà nghiên cứu, anh em văn nghệ, bà con đồng hương xa quê tìm đọc một ấn phẩm mà “thương hiệu” đã tồn tại non phần ba thế kỷ gắn với những vận hạn lên thác xuống ghềnh của đời sống văn nghệ, văn hóa của đất nước.

“Méc” với “ngoài nớ” một chút như rứa, để cùng chung sức, chung lòng chắp cánh cho Sông Hương ngày một lan tỏa, vang xa…

 

Nhà thơ Nguyễn Man Kim (Daklak)

Ba mươi năm nhìn lại, Tạp chí Sông Hương đã có nhiều cố gắng vượt qua những thử thách, làm mới và khẳng định mình, tạo được vị trí nhất định trong lòng bạn đọc bốn phương. Riêng với người Huế xa xứ, Sông Hương còn là gạch nối tình cảm với quê nhà. Nên chăng, những số đặc biệt cần có số trang phản ánh đời sống, hình ảnh của cộng đồng Huế khắp nơi... Chúc Tạp chí Sông Hương ngày càng khởi sắc.

 

Nhà thơ Trần Ngọc Trác (Đà Lạt): Mong Sông Hương mãi mãi là tạp chí văn nghệ thân thiết

Vượt qua ranh giới của địa phương, Tạp chí Sông Hương đã đến với người đọc trong và ngoài nước.

Khi còn ở Huế, tôi đã đọc và lưu giữ Sông Hương cho đến bây giờ. Cảm giác hàng tháng cứ ra sạp báo tìm mua Sông Hương và được đọc những bài viết sắc sảo, những bài viết “có vấn đề” để biết thêm tình hình văn chương nghệ thuật, hiểu thêm thế thái nhân tình và có những cảm nhận riêng vẫn còn ấn tượng trong tôi. Đến Đà Lạt, Tạp chí Sông Hương vẫn nằm trang trọng trên giá sách của gia đình. Đó là một trong những tạp chí văn nghệ địa phương mà tôi quyết định lưu trữ. Và cách đây 5 năm, tôi “tự nguyện” làm “đại diện” cho tạp chí trên thành phố ngàn hoa thơ mộng quyến rũ này.

Mỗi tháng, khi nhận Tạp chí từ tòa soạn gởi vào, chúng tôi lại tụ tập ở quán cà phê Tigôn Đà Lạt. Có người vừa uống cà phê, vừa đọc tạp chí. Thông thường anh em có ý kiến ngay. Có người thì mấy hôm sau mới tranh luận, trao đổi lại. Một sinh hoạt văn nghệ mà ít nơi nào có được như thế. Người đọc vẫn chờ đợi tòa soạn cho đăng những bài viết có nội dung sâu sắc, những vấn đề nóng hổi mà xã hội đang quan tâm. Ngại nhất là phải đọc những bài viết khô khan, những vấn đề nhạy cảm mà người Huế xa xứ không muốn nhắc lại một cách đậm đặc trên tạp chí văn nghệ của Cố đô. Tạp chí văn nghệ hãy dành cho văn chương nghệ thuật, những vấn đề đổi mới trong văn nghệ và cần có những bút ký, phóng sự… như một thời Sông Hương đã làm. Người đọc vẫn mong đợi tòa soạn mạnh mẽ táo bạo hơn nữa trong việc cải tiến cả nội dung lẫn hình thức để Tạp chí Sông Hương mãi mãi là người bạn thân thiết của mọi người, mọi nhà.

 

Nhà thơ Lê Hưng Tiến (Bình Thuận): Vận dụng cái mới để phát triển

Hoạt động Văn học - Nghệ thuật (VHNT) là nhu cầu thỏa mãn của người sáng tạo không chỉ giải quyết vấn nạn về nhân sinh quan của con người mà còn quyết định cả sứ mệnh của con người đang hiện tồn trong từng thế giới quan nhất định. Dường như tính khu biệt của VHNT là cốt lõi của sự gắn kết cộng đồng thông qua bản sắc mỗi vùng - miền hoặc là phản ánh cái cốt lõi của bản sắc đó thông qua sự hội nhập và phát triển toàn cầu văn hóa thế giới. Hoạt động VHNT ở địa phương cần thiết phải khai thác triệt để cái vốn sẵn có của nó một cách tư duy sáng tạo tích cực từ các chuyên mảng học thuật, đồng thời hội tụ được những tinh hoa truyền thống dân tộc nhằm tiếp thu, tiếp biến các giá trị văn hóa thuần túy đích thực.

Để phản ánh được bản chất sự thật đi đôi với sự nhân rộng các giá trị nghệ thuật bên trong nó thành giải trung tâm ngoại vi của cả nước, thì có lẽ, Tạp chí Sông Hương là một trong số rất ít tạp chí tiên phong cho những đóng góp lớn lao cho hệ quả cách tân mạnh mẽ cũng như là sự quyết liệt trong tư duy đột phá cái mới. Phải nói thêm rằng, trong những năm qua, Tạp chí Sông Hương đã được đông đảo công chúng trong nước xem như là một tạp chí “địa phương” nhưng lại xứng tầm với “trung ương”. Thiết nghĩ, điều này hoàn toàn đúng với bản chất sự thật của toàn cảnh sự kiện cũng như là hiện tượng chung của đất nước đã có ảnh hưởng đến diện mạo, mà diện mạo đó được phản ánh từ những dư luận rất đáng quan tâm.

30 năm là cả một quá trình cống hiến lâu dài cho văn học nghệ thuật. Những thành quả đáng ghi nhận của Tạp chí Sông Hương không chỉ ở nhiều lĩnh vực, nhiều chuyên mảng hay nhiều chuyên luận mà nó còn là nơi gây ra nhiều sự chú ý về các tổ chức sự kiện văn hóa hoặc là sự tranh cãi gay gắt ở hệ hình mới của tư duy, đặc biệt là hiện tượng văn học nói chung, thơ ca và mảng lý luận - phê bình văn chương nói riêng, góp phần làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn học của đất nước trong thời gian vừa qua. Song hành với nó là việc tìm tòi nghiên cứu, khai thác, khám phá và bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa tinh thần của xứ sở, Tạp chí Sông Hương còn góp phần đổi mới, sáng tạo từ các giá trị đó, bắt kịp được hơi thở thời đại. Hơn nữa, không có nơi nào hoặc tạp chí nào trong nước dám mạnh dạn đương đầu với các vấn đề nhạy cảm và bức thiết nhất trong việc cách tân cái mới, và đưa cái mới trở thành các trào lưu, khuynh hướng của hệ hình mỹ học mới phù hợp với các xu hướng phát triển của thời đại đa phong cách hiện nay (có thể ghi nhận những đóng góp lớn cho các trào lưu Tân hình thức, Hậu hiện đại, Nghệ thuật trình diễn,…). Cái quan trọng nữa, chưa có tạp chí VHNT nào như Tạp chí Sông Hương lại được các cơ quan đại diện trong cả nước phát hành với số lượng khá, và tạp chí còn được đón nhận ở nước ngoài.

Hy vọng trong thời gian tới, Tạp chí Sông Hương sẽ đẩy mạnh tư tưởng hơn nữa; tinh tế và nhạy cảm hơn nữa; mạnh mẽ và táo bạo hơn nữa trong việc biên tập, đặc biệt là đối với thơ ca và mảng lý luận - phê bình văn học. Theo tôi, Sông Hương cần bám sát thực tiễn các sự kiện, hiện tượng văn học cả nước trong những năm qua; chú ý đến việc tổ chức các cuộc thi với chuyên đề thời đại có liên quan đến các trào lưu, khuynh hướng hiện nay; thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm hoặc tổ chức giao lưu, gặp gỡ những gương mặt điển hình có ảnh hưởng tới tạp chí; khuyến khích và hưởng ứng những sáng tác có sự cách tân đột phá, táo bạo.

Phải nói rằng 30 năm qua, Tạp chí Sông Hương xứng đáng là một tạp chí không những biết kế thừa những tinh hoa văn hóa truyền thống mà còn biết vận dụng cái mới để phát triển.

(SDB9/6-13)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng