Giá sách Sông Hương
Kỷ niệm 30 năm TCSH (1983 - 2013)
Đứng về phía cái mới
16:01 | 19/06/2013


(Lê Minh Phong phỏng vấn các nhà lý luận, phê bình)

Lê Minh Phong: Trong diện tiếp xúc của mình, xin các anh cho một vài nhận định riêng về mảng lý luận, phê bình trên Sông Hương.

Đỗ Lai Thúy: Tạp chí Sông Hương, kể từ khi ra đời đến nay, bao giờ cũng có một vị trí toàn quốc. Bởi lẽ, vấn đề không phải ở không gian địa lý, mà ở không gian tư tưởng. Sông Hương, theo tôi, luôn biết cách lấn rộng không gian của mình, thậm chí chuyển đổi không gian. Mà lý luận, phê bình là một trong những khí cụ hữu hiệu để thực hành việc chuyển đổi không gian này.

Inrasara: Tôi thích kẻ mở đường, ở lĩnh vực nào, trong không gian rộng hay hẹp nào bất kì. Mở đường là dũng cảm khai phá mà không sợ thất bại. Không phải nhìn trước ngó sau. Tôi thích mảng lí luận phê bình trên Tạp chí Sông Hương, là thế. Không phải đi trước tất cả, mà ít nhất ở Việt Nam, khuôn định trong phạm vi tạp chí văn học. Về hậu hiện đại, tạp chí Sông Hương có chuyên đề “Dấu ấn hậu hiện đại” (số tháng 7/2011) trước cả tạp chí trung ương. Bởi mãi một năm sau, tạp chí Nhà văn (số tháng 6, 7 & 8/2012) mới vào cuộc, nhưng không tập trung. Về thơ Tân hình thức, tạp chí Sông Hương cũng đi trước với chuyên đề được thực hiện ở số tháng 6/2012. Vân vân…

Nguyễn Mạnh Tiến: Trong mắt tôi, lý luận phê bình trên Sông Hương luôn đáng chú ý, bởi mấy điểm:

Bên cạnh những nội dung quen thuộc Sông Hương luôn biết gắn bám vào các mối quan tâm về hiện và hậu hiện đại như nữ quyền luận, phân tâm học, cấu trúc luận, hiện tượng luận, nghiên cứu giới… trong cả phần dịch lý thuyết, văn học sử, lẫn thực hành phê bình.

Lực lượng viết và dịch trên Sông Hương có tín thế, có thẩm quyền về các chủ đề mà họ cất tiếng, như Đỗ Lai Thúy, Đặng Tiến, Trần Đình Sử, Inrasara, Khế Iêm, Nguyễn Tiến Văn… trẻ hơn, trong lứa tuổi tôi, thì có Đinh Hồng Phúc, Nguyễn Quang Huy, Đỗ Hải Ninh, Trần Thiện Khanh, Phan Tuấn Anh…

Như thế, có thể thấy ngay, lý luận phê bình trên Sông Hương có sự phân bổ và góp mặt khá đều của nhiều thế hệ cầm bút, tạo ra một không gian viết Sông Hương đa thanh, nhiều đợt sóng. Hơn thế, điều mà tôi cho là một dấu ấn hiếm ở Việt Nam mà Sông Hương đã làm được là sự kết nối rất tốt người cầm bút trong và ngoài nước; cái tình thế viết Việt Nam sớm muộn sẽ trở thành âm chủ trong không gian văn học Việt Nam thời toàn cầu hóa đã được Sông Hương chủ động dựng xây, và, dựng xây khá tốt. Sông Hương, do đó, đã tạo ra được một không gian lời có tính quốc tế về hoạt động phê bình và sáng tạo văn học nghệ thuật của người Việt đa quốc gia. Cùng với mạng không dây toàn cầu, Sông Hương đang cụ thể hóa một xu thế viết toàn cầu hóa đã là tất yếu với thế giới, và đang trên đường kiến tạo của Việt Nam.

Phan Tuấn Anh: Sông Hương mặc dù là một tạp chí văn học nghệ thuật địa phương, nhưng đã có sự cộng hưởng nghiên cứu từ nhiều học giả uy tín trong và ngoài nước, trên nhiều thế hệ nghiên cứu khác nhau, nên mảng lý luận phê bình rất đa dạng, có chiều sâu, nhiều khi còn vượt hơn mảng sáng tác văn học.

Trong nhiều năm qua, theo dõi khá sát tình hình lý luận phê bình trên Sông Hương, chúng tôi đánh giá đây là một tạp chí cấp tiến, có tính tiên phong trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu, tính cập nhật các trào lưu nghệ thuật mới như hậu hiện đại, nữ quyền, thơ tân hình thức… đã giúp Sông Hương hòa vào hơi thở đương đại của nền lý luận phê bình ở nước ta và thế giới.

Lê Minh Phong: Trong thời gian gần đây, Sông Hương đã tổ chức một số chuyên đề như Hậu hiện đại, Thơ tân hình thức, Một thoáng văn chương đương đại Việt Nam, đăng tải một số bài nghiên cứu về Văn học miền Nam trước 1975… Các anh đánh giá như thế nào về các chuyên đề đó?

Inrasara: Đó là điều đáng mong đợi. Tôi đánh giá rất cao các số chuyên đề đó. Dĩ nhiên không thể đòi hỏi một cái nhìn toàn cảnh, quán xuyến và chính xác phong trào văn học trên ở một kì chuyên đề trên một tạp chí văn học, nhất là về hậu hiện đại hay văn chương đương đại Việt Nam. Vẫn còn vài bất cập, thiếu khuyết và nhất là nhầm lẫn trong minh định chân tướng các trào lưu văn học, qua đó việc chọn thơ văn “minh họa” còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Ví dụ bài thơ hay truyện ngắn nào đó chưa “là” hậu hiện đại, nhưng vẫn được xếp vào sáng tác hậu hiện đại. Từ đó dễ gây ngộ nhận ở phía người đọc. Thế nào đi nữa, tôi vẫn ghi nhận và trân trọng tinh thần tiên phong của Ban Biên tập tạp chí.

Đỗ Lai Thúy: Một số vấn đề được đăng tải trên Sông Hương gần đây, tôi nghĩ, là rất cần thiết. Các chuyên đề Hậu hiện đại Thơ tân hình thức vừa giới thiệu lý thuyết vừa giới thiệu sáng tác. Người đọc có thể thấy, ngoài không gian quen thuộc còn có những không gian mới lạ, thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân. Trên con đường mà sớm muộn gì chúng ta cũng phải đi, thì càng chủ động bao nhiêu càng tốt. Bởi, có chủ động thì mới có cơ lựa chọn, mới có cơ đi ngang bằng với thế giới, còn nếu để bị kéo đi, thì bao giờ cũng đi sau thế giới, ít nhất bằng khoảng cách của sợi dây kéo. Còn các nghiên cứu về Văn học miền Nam trước 1975 thì giúp chúng ta trục vớt những giá trị văn chương bị chìm lấp. Hơn nữa, giúp chúng ta hình dung về văn học Việt Nam như một tổng thể của các thành phần, mà bỏ bất kỳ bộ phận nào cũng là tự làm nghèo mình.

Phan Tuấn Anh: Đó là một hướng đi cần thiết và tất yếu, nếu Sông Hương muốn tự khẳng định mình không-chỉ-là-một-tạp-chí-văn-học-nghệ- thuật-địa-phương. Với việc sở hữu mã ISSN, công tác tổ chức các số chuyên đề là một việc làm hết sức cần thiết, nó cho thấy tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức nghiên cứu, tính trọng tâm trong đặt ra và giải quyết vấn đề học thuật.

Những chủ đề Sông Hương đặt ra đều là các hệ lý thuyết mới, nên sự động vọng, dư luận và trao đổi là tất yếu. Chúng tôi mong muốn sắp đến, ít ra trên diễn đàn mạng, Sông Hương sẽ tổ chức các cuộc trao đổi, tọa đàm trực tiếp, mang tính đối thoại về các chủ đề mà tạp chí đã đề xướng.

Các số chuyên đề sắp tới Sông Hương sẽ thực hiện, theo chúng tôi cần đi sâu hơn nữa vào những vấn đề lý thuyết, tránh việc chỉ có hai, ba bài nghiên cứu thôi sẽ bỏ ngỏ mà chưa giải quyết rốt ráo được vấn đề trong chừng mực nhất định.

Nguyễn Mạnh Tiến: Theo tôi, tổ chức chuyên đề của Sông Hương là đáng khích lệ và rất cần duy trì, bởi:

Xây dựng và biết xây dựng chuyên đề là cần thiết và thể hiện được tính chuyên nghiệp của một tạp chí. Chuyên đề đảm bảo được sự tập trung cái nhìn, nhìn sâu, nhìn lâu, nhìn nhiều góc độ vào những vấn đề mà chuyên đề mang vác.

Các chuyên đề Sông Hương đặt ra là có nội dung, đảm bảo được tính chuyên môn để tiến hành chuyên đề. Cùng với nhiều chuyên đề được tiến hành trên các tạp chí khác, Sông Hương đã có đóng góp vào những cái nhìn có trọng điểm thông qua chuyên đề, giúp cho cả giới nghiên cứu và bạn đọc bước đầu có được những hình dung.

Tuy nhiên, chất lượng chuyên đề là điều mà Sông Hương cần phải cẩn trọng hơn nữa, bởi, thi thoảng, vẫn có một vài bài tỏ ra “yếu” hơn trong một chuyên đề có chất lượng. “Vấn nạn chuyên đề” này, nếu có thể nói hơi quá lên một chút như vậy, thực ra là mẫu số chung cho việc thực hiện các chuyên đề văn nghệ ở trên báo chí Việt Nam hiện nay, ý hướng thì đáng khích lệ, nhưng thực chất thì còn phải bàn, văn chất ở chỗ này đã không tương xứng.

Lê Minh Phong: Sông Hương đã, đang và luôn đứng về phía cái mới, là nơi để những người viết trẻ có thể đăng tải những thử nghiệm nghệ thuật của họ. Tất nhiên không phải bao giờ những nỗ lực cách tân đó cũng đứng trên một nền tảng lý thuyết vững chắc. Là một nhà lý luận, phê bình, các anh có thể cho biết vai trò của lý thuyết đối với thực tiễn sáng tạo văn học ngày nay?

Nguyễn Mạnh Tiến: Theo tôi, lý thuyết bao giờ cũng cần, cần một cách cấp bách cho hoạt động sáng tạo. Lý thuyết thì luôn trừu tượng, nhưng lý thuyết nào (hiện tượng luận, phân tâm học, giải cấu trúc, nữ quyền luận, hậu thuộc địa, tân lịch sử, trò chơi…) thì luôn cụ thể. Hiểu như thế, lý thuyết đã cấp giúp cho người sáng tạo một loạt những đồ hình suy tư về sự vật thế giới, gợi mở ra vô số các chân trời trong hoạt động trí não, nhất là trí não sáng tạo. Do đó, điều quan trọng cho hoạt động sáng tạo là thái độ ứng xử với lý thuyết. Sáng tạo khi khoác áo cao đạo, cao cao tại thượng, khinh khỉnh quay mặt với lý thuyết là sáng tạo tự làm khốn khó cho chính mình, nó nghèo hóa suy tưởng khi không biết đứng ghé vai các khổng lồ lý thuyết mà làm phong phú, mở thêm mãi các chân trời cho hoạt động sáng tạo. Từ đó, kiện toàn cho mình những thế giới mới, mang căn cước của hoạt động sáng tạo.

Việt Nam trong cấu trúc bề sâu văn hóa là xã hội nông nghiệp thô sơ, vì thế, trọng kinh nghiệm. Chủ nghĩa kinh nghiệm làng xã bành trướng ảnh hưởng lên mọi khía cạnh đời sống Việt Nam, mãi cho đến tận ngày nay, khi Việt Nam, về cơ bản, là một quốc gia tiền hiện đại với nhiều mặt còn rất lạc hậu xen ghép các yếu tố hiện và hậu hiện đại. Lão quyền, vì thế, lên ngôi trong mọi mặt đời sống, kể cả đời sống sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học. Nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học, vì thế, được/bị phân chia thành nhà văn trẻ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học trẻ nhằm phân biệt với các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học nguyên nghĩa, tức các bậc lão thành, già. Mà ở Việt Nam, trẻ thì bao giờ cũng trẻ người non dạ, cần được nâng đỡ, bồi dưỡng. Trong khi đó, ở Âu Mỹ, như với Kuhn, chỉ những nhà khoa học trẻ mới là những người có thể thay đổi các hệ hình nhận thức. Chủ nghĩa kinh nghiệm trong văn học, do đó, khúc xạ với mô hình phản ánh mác-xít, kêu gọi nhà văn cần thấu triệt, đi và viết, trải nghiệm cho đã cái thực tế đời sống, rồi hãy phản ánh lên trang sách là sẽ có sáng tạo để đời. Chủ nghĩa kinh nghiệm làng xã, đại diện cho một thời đoạn phát triển loài người trong những điều kiện lạc hậu, thông tin giới hạn, không gian nhỏ hẹp, ngày nay, đã trở thành gánh nặng trong một thế giới toàn cầu hóa rộng lớn và bùng nổ thông tin. Kinh lịch nhà văn ngày hôm nay, không hẳn đến từ kinh lịch của đời hắn, với vài chục năm tại thế, loay hoay trong cuộc đời chật. Kinh nghiệm nhà văn đến từ kinh lịch của sự đọc, nhất là đọc lý thuyết. Lý thuyết, vì thế, với tư cách là nhiều lối quan sát sâu sắc khác nhau về các kinh nghiệm thế giới sẽ giúp con người lấp đầy, hoặc ít ra, mở các con đường sạn đạo để vượt qua các hố thẳm rất thường gặp của lối quan sát kinh nghiệm luận cổ điển. Không có một vốn đọc, ngoài lý thuyết, còn phải biết mở rộng ra cả chính trị, lịch sử, văn hóa, dân tộc học… người sáng tạo của ngày hôm nay khó có thể trở nên “lớn”, “lớn” như lối nói cửa miệng lúc “chém gió” của người Việt, chỗ này, được hiểu như là đạt đến các bản chất trong vấn đề mà nhà sáng tạo nhắm đến trong tác phẩm. Ở đây, cần có một phụ chú nhỏ, lịch sử, văn hóa hay dân tộc học… ở Việt Nam, ngày nay, không chỉ có một, cái một quan phương, mà nhiều diễn ngôn, cái nhiều phức hợp. Cái quan trọng cho hoạt động đọc là cần nắm bắt được nhiều diễn ngôn, từ đó, mới có cho mình những kết luận tương thích thông qua tri thức phản tỉnh.

Đỗ Lai Thúy: Lý thuyết mới mang lại một cái nhìn thế giới mới và, sau đó, một cái nhìn nghệ thuật mới. Có điều, người sáng tác không nên vận dụng lý thuyết đó, mà trải nghiệm nó, tức cứ để nó ngấm vào mình, thay đổi chính con người mình, rồi sáng tác tự nhiên sẽ mới, như: vọt từ suối chỉ có thể là nước, từ tim chỉ có thể là máu (Lỗ Tấn). Lý thuyết có khi đi trước một bước để dẫn đạo, có khi đi sau một bước để chuẩn nhận một sáng tạo do trực giác đưa lại. Đó là vun gốc chứ không phải ghép cành. Mới ở cấp độ quan niệm chứ không phải thủ pháp.

Phan Tuấn Anh: Chúng ta đang sống trong một thời đại mà lý thuyết văn chương đôi khi còn phát triển nhanh và đạt nhiều thành tựu hơn chính thực tiễn sáng tạo, nhìn lại thế kỷ XX, chúng ta có thể thấy thực tiễn đó. Hơn nữa, dân trí ngày một lên cao, người ta đến với văn chương không đơn thuần để giải trí hay tìm kiếm cảm xúc nhất thời nữa, mà sự đòi hỏi chiều sâu tư tưởng, triết học ngày càng trở nên là mục đích chính yếu. Do đó, nhà văn đã đến lúc không thể tự đào mãi vốn năng khiếu cá nhân, sáng tác một cách tự phát dựa vào thiên tư mà bất chấp lý thuyết. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, nhiều nhà văn lớn trên thế giới đồng thời là những nhà lý thuyết văn học, giáo sư văn học: Sartre, Camus, U.Eco, Borges, O.Paz… Điều cuối cùng, chúng tôi vẫn xem thực tiễn sáng tạo văn học Việt Nam đương đại sở dĩ thiếu những tác phẩm có tầm vóc nhân loại, đủ sức “đem chuông đi đánh xứ người” là bởi lý thuyết văn học còn bị xem nhẹ, chưa thực sự động vọng vào quá trình viết của nhà văn.

Inrasara: Đại đa số nhà văn Việt Nam thường cho rằng sáng tác không cần đến lí thuyết mà vẫn hay! Đó là một nhầm lẫn lớn. Vô chiêu thắng hữu chiêu, hay: Lí thuyết thì xám xịt, còn cây đời luôn xanh tươi, ta ưa nói thế. Ta cũng thích trưng dẫn những phát ngôn tương tự của vài nhà văn lớn trên thế giới. Thế nhưng, ở ngoài kia - Paul Klee chẳng hạn - họ kiên trì học và tập tất cả mọi trường phái nghệ thuật, rồi quên đi tất cả, thành vô chiêu. Chứ vô chiêu không có nghĩa là chẳng có ngón võ nào trong túi. Có nền tảng lí thuyết không hẳn đã làm nên sáng tác hay, nhưng nó tránh cho người viết làm ra những tác phẩm dở. Viết bằng bản năng, cạn vốn - từ đó, bế tắc là điều khó tránh.

Hoàn cảnh đất nước Việt Nam, khi nền giáo dục Đại học [ở đó sinh viên bộ môn khoa học xã hội] vẫn còn xa lạ với các trào lưu nghệ thuật tiên tiến trên thế giới, nhà văn được trui luyện trong các phong trào nghệ thuật nào bất kì, là rất cần thiết. Phong trào nghệ thuật không làm nên giá trị, nhưng chính qua môi trường đó: học tập và tranh luận, nhà văn kinh nghiệm hơn về lí thuyết, từ đó ngoảnh lại các sáng tác của mình đầy ý thức. Để rồi, khi tách “đàn” để viết độc lập, họ sẽ vững bước trên con đường sáng tác chuyên nghiệp.

Lê Minh Phong: Trong bối cảnh nghệ thuật mới, theo các anh Sông Hương cần phải có những thay đổi gì để xứng đáng là một tạp chí tiên phong trong nghệ thuật?

Phan Tuấn Anh: Chúng tôi nghĩ sông Hương vẫn nên tiếp tục con đường đã khai phá và mở đường trước đó, tức tổ chức các số chuyên đề, đôi khi nhiều kỳ về một chuyên đề tập trung vào các hệ hình lý thuyết mới. Chấp nhận đăng những bài đối thoại, tranh luận nhau về chính chủ đề đó. Sông Hương cũng nên phát huy điều đã làm rất tốt thời gian qua, đó là bệ đỡ giới thiệu những cây bút nghiên cứu trẻ. Nếu sông Hương tụ hội được lực lượng nghiên cứu trẻ này, kết hợp với những nhà nghiên cứu thành danh kỳ cựu khác, tất yếu sẽ trở thành trung tâm học thuật cấp tiến đáng tin cậy.

Đỗ Lai Thúy: Cần phải tập hợp, xây dựng được một thế hệ người viết mới, không kể tuổi tác, có khả năng thay đổi hệ hình.

Inrasara: Tôi không có đề nghị “cần phải” chung chung, mà chỉ nhấn vào mảng chuyên đề về lí luận phê bình. Sông Hương đã tiên phong, ngày mai - cần tiên phong hơn nữa. Tại sao không là văn học Việt hải ngoại? Tại sao không là văn học mạng? Tại sao không trở lại với hậu hiện đại, nhiều kì hơn, sâu hơn, dám đưa ra những đánh giá dứt khoát hơn? Qua đó đánh bạt, hóa giải bao nhiêu ngộ nhận, dị nghị… vẫn còn tồn đọng trong sinh hoạt văn học hôm nay.

Nguyễn Mạnh Tiến: Một tạp chí tiên phong khi hội tụ được ở trong nó các ý tưởng tiên phong. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên chất lượng là một động thái hợp lý cho sự phát triển Sông Hương.

Duy trì và phát triển đội ngũ cộng tác viên ở nhiều không gian viết khác nhau, trong và ngoài nước như điều Sông Hương đã làm, và tôi mong tương lai còn làm tốt hơn nữa, cũng là cách tạo ra chất lượng ở chính sự đa dạng và đa diện.

Lê Minh Phong: Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của các anh.  

(SH292/06-13)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng