Giá sách Sông Hương
Kỷ niệm 30 năm TCSH (1983 - 2013)
Nhớ hoài chuyện phát hành
16:13 | 19/06/2013

VÕ QUÊ

Tin tạp chí văn nghệ tỉnh nhà được mang tên mới: Sông Hương là một nguồn vui lớn không chỉ trong giới văn nghệ sĩ chúng tôi, mà còn sớm lan tỏa trong mọi tầng lớp dân chúng của quê nhà yêu dấu trong thời điểm ấy (6/1983).

Nhớ hoài chuyện phát hành

Hình ảnh biểu tượng dòng sông Hương được cách điệu thành cánh chim phụng trên núi Ngự Bình do họa sĩ Bửu Chỉ thực hiện lần đầu tiên xuất hiện trên bìa Tạp chí Sông Hương số 1, đã tạo cho chúng tôi một ấn tượng tốt lành, với niềm tin Tạp chí Sông Hương rồi sẽ thiết thân hòa nhập vào cộng đồng Huế, với bạn đọc trong nước, hải ngoại… Với ước muốn tâm thành đó mà chúng tôi đã rất sung sướng, hân hoan khi được Tổng Biên tập giao nhiệm vụ phát hành Sông Hương số 1 bằng hình thức xe loa đi trên các nẻo đường thành phố Huế.

Với sự nghiêm túc, cẩn trọng, chúng tôi đã cố gắng chuẩn bị bản nội dung phát thanh làm sao cho có chất lượng tốt, vừa giới thiệu được sự có mặt một diễn đàn văn học nghệ thuật của Hội, vừa ra mắt công chúng Huế các bài vở, tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng, đề cao những giá trị văn hóa Huế, gìn giữ, tôn vinh đời sống tinh thần của một vùng đất giàu truyền thống, đẹp và thơ; trân trọng tiếp thu và phổ biến các tinh hoa văn học, văn hóa nhân loại… như trong “Thư Sông Hương” của số 1 đã gợi mở: “Mang tên dòng sông duyên dáng thả mình bên thành phố Huế - SÔNG HƯƠNG, những trang tạp chí này là dòng chảy của những cảm xúc tươi đẹp trên “khúc ruột miền Trung” đất nước. Từ nơi đây như truyền thống đã có, sẽ bắt đầu cuộc gặp gỡ giữa những văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu với bạn đọc cùng thời của họ. SÔNG HƯƠNG sẽ chuyển đến các bạn những sáng tác mới, những công trình nghiên cứu, phê bình, những cuộc mạn đàm về văn học, nghệ thuật và văn hoá, cùng trang văn học nước ngoài nằm trong tầm quan tâm của mỗi chúng ta.”

Nội dung đã được soạn thảo chu đáo, thiết thực, gần gũi với tất cả mọi đối tượng độc giả nhưng hình thức chuyển tải qua máy phóng thanh còn đòi hỏi những người thực hiện phải tập trung công sức nhiều hơn bằng cách luyện chất giọng tốt, đọc rõ lời, đọc truyền cảm để thu hút sự chú ý, quan tâm của công chúng trong thành phố Huế.

Thế là trong một buổi chiều tháng 6 năm 1983 trên các nẻo đường thành phố Huế, những âm thanh trang trọng gọi mời đã được cất lên từ chiếc xe loa phát hành Tạp chí Sông Hương số 1. Đáp lại lời giới thiệu mời gọi là tấm lòng độc giả Huế. Từng cánh tay đưa lên tiếp nhận đón mua Tạp chí Sông Hương số 1. Những trang báo mới được mở ra trìu ái với các bài viết về sông Hương về Huế: Sông Hương đã có tên ấy tự bao giờ? - Nguyễn Hữu Đính, Tôi sẽ trở lại thành phố này - Vĩnh Quyền, Món ăn Huế - Nguyễn Đắc Xuân, Huế trong “Chương trình nghiên cứu các đô thành lịch sử ở Châu Á” của UNeSCo - Lê Văn Hảo, Phiếm luận về tiếng Huế ngày xưa - Mặc Khách; về văn chương: Văn xuôi Bình Trị Thiên những năm gần đây - Lê Xuân Việt, Một vài suy nghĩ về thể ký - Hoàng Phủ Ngọc Tường… bên cạnh truyện ngắn Một chút màu xanh - Trần Thùy Mai cùng những bài thơ nồng đượm, đầy tình: Hát về Sông Hương - Xuân Hoàng, Lá rụng - Nguyễn Quang Hà, Bên tượng Mỵ Châu - Lâm Thị Mỹ Dạ, Đề ảnh - Vũ Quần Phương, Âm thanh mới nơi dòng sông cũ - Ngô Minh, Đêm trên cát - Thanh Thảo, Nước giếng - Hải Bằng… cùng những trang văn học nước ngoài chọn lọc: Kỷ niệm khốc liệt về ngôi làng Ka-tin - Alêchxăngdrơ Adamôvich, Câu chuyện về cánh sếu và bông sen, Bố - Vơ la-đi-mia Xô-rô-kin…

Và có lẽ điều đáng nhớ nhất của chúng tôi khi phát hành Tạp chí Sông Hương số 1 là việc đọc giới thiệu trước công chúng Huế toàn văn bài thơ “Không đề” của nhà thơ Thanh Hải với Lời tòa soạn “Đây là một trong những bài thơ của anh Thanh Hải trong những ngày cuối đời. Bài này chúng tôi chép trong sổ tay của chị Thanh Tâm, vợ anh. Bài thơ không có đầu đề”. Tình nghĩa phu thê trong cơn hoạn nạn ốm đau, hình ảnh người vợ hiền chịu khó, chịu thương cùng cơn bệnh hiểm nghèo của chồng trong bệnh viện mà nhà thơ Thanh Hải đưa vào bài thơ năm chữ, đã tạo nên nguồn cảm xúc, thương cảm chân thành trong công chúng Huế. Đã có những người nghẹn ngào, rưng rức nước mắt khi cầm trên tay Tạp chí Sông Hương số 1. Và chính Tạp chí Sông Hương số 1 được phát hành với lượng lớn cũng là nhờ có “Vô đề” của nhà thơ Thanh Hải. Tuyệt vời thay thi ca!

Kỷ niệm với Tạp chí Sông Hương số ra mắt đầu tiên trên thành phố Huế với chúng tôi là vậy. Độc đáo bởi phát hành bằng hình thức xe loa tạo cho chúng tôi cảm giác vui vui, hay hay là văn học nghệ thuật đang được hòa nhập vào dòng chảy của xe cộ phố phường thân thuộc; gần gũi, tâm thành, chan hòa biết mấy!

Chúng tôi hoan hỷ nói với nhau: 30 năm Sông Hương thật đẹp, thật sinh động và được công chúng trong ngoài nước mến yêu bởi từ số 1, Sông Hương đã biết “xuống đường”!

V.Q
(SDB9/6-13)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng