Giá sách Sông Hương
Kỷ niệm 30 năm TCSH (1983 - 2013)
Sông Hương nhớ, Sông Hương chờ
14:27 | 20/06/2013

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Tháng 6/1983, Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên, mang tên dòng sông duyên dáng thả mình bên thành phố Huế thân yêu. Đó là niềm phấn khởi của những người làm công tác văn hóa, văn nghệ ở Bình Trị Thiên nói riêng và cả nước nói chung.

Sông Hương nhớ, Sông Hương chờ
Nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong bên cạnh Tạp chí Sông Hương lưu giữ trọn bộ suốt 30 năm qua

Sông Hương là chiếc cầu nối, bắt đầu cuộc gặp gỡ giữa những văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và bạn đọc. Vậy mà, mới đó đã là 30 năm, một sức trẻ như một con người đang lớn, trưởng thành và tràn đầy sức sống.

Tôi đến với Tạp chí Sông Hương khá muộn và lỡ một chuyến hồi tưởng trong dịp kỷ niệm Tạp chí Sông Hương tròn 20 tuổi. Giờ đây, tôi không để lỡ nữa mà phải nắm bắt lại và nhớ lại những kỷ niệm nhỏ nhoi của một tạp chí đã ăn sâu vào tôi không biết tự lúc nào?

Sông Hương là một Tạp chí mà tôi rất mến, rất quý và giờ đây tôi đã đủ bộ Sông Hương, nhìn số tạp chí tháng ngày cứ dày lên, đẹp hơn và có vị trí trang trọng trong tủ sách gia đình Thành Phiên của tôi đã làm cho nhiều bạn bè phải thèm thuồng.

Số là từ năm 1996, khi bước chân vào giảng đường đại học, tôi mới biết được Tạp chí Sông Hương tại Phòng Tư liệu Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học), tôi vẫn cứ nhớ mãi câu nói và cũng là lời dặn của quý thầy cô trong Khoa Ngữ văn rằng: “Các em là sinh viên Ngữ văn thì phải đọc nhiều sách và tạp chí liên quan đến văn học”. Và từ đó tôi quyết định chọn đọc Sông Hương và xem đó là người bạn đồng hành trên con đường sự nghiệp của tôi sau này.

Sự say mê đến với Tạp chí Sông Hương lúc đó của tôi có rất nhiều ấn tượng, bắt đầu từ tháng 10/1996 tôi mua Sông Hương đều đặn tại quầy báo Bưu điện trung tâm, cứ đến đầu tháng thì háo hức chờ đón Sông Hương. Thời đó, sinh viên chúng tôi mua tạp chí hằng tháng thì được bạn bè xem là thứ xa xỉ, vì sinh viên nghèo như nhau, đạp xe mỏi cả chân, ăn cơm phiếu hằng tuần, hằng tháng tại cư xá Đống Đa, may ra mới dư thừa được vài ngàn để sở hữu được cuốn tạp chí mình thích. Khi đã có tạp chí Sông Hương rồi, tôi liền truy tìm các số trước đó. Theo sự mách bảo của các bạn trong lớp, tôi đến ngay các quầy sách báo cũ trong các chợ Đông Ba, An Cựu lục tìm mua cho bằng được các số Sông Hương cũ.

Như một cơ duyên, ngày qua tháng lại, tôi đã có đủ được các số Sông Hương từ năm 1983 - 1996 và cho đến ngày nay. Lúc đó, có khi gặp đến 20 - 30 quyển tạp chí Sông Hương cũ, tiền thì không đủ, mỗi quyển Sông Hương cũ có giá 1000 đồng, số lượng nhiều thì phải cắm lại thẻ sinh viên hoặc chứng minh nhân dân cho chủ quầy để được ôm Sông Hương về.

Lớp Ngữ văn khóa XX (1996 - 2000) của tôi lúc đó có rất nhiều bạn mê Sông Hương và cũng có bạn trưởng thành cũng từ Sông Hương, như bạn Lê Duy Cường, người Thanh Hóa có truyện ngắn đăng trên Sông Hương số 3/1999. Cường đã đem Sông Hương về khoe với lớp, là niềm hãnh diện của cả lớp. Tiền nhuận bút, Lê Duy Cường đã đãi bạn bè một bữa kẹo ra trò, đúng là xa xỉ của tuổi sinh viên. Sau này bạn tôi cũng khá thành công trên con đường văn nghiệp, ắt đó cũng là cái duyên bắt nguồn từ Tạp chí Sông Hương.

Khi ra trường, đi xa làm ăn, ở tỉnh Bình Phước lúc ấy chưa có đại lí báo, tạp chí nào bán Sông Hương, tôi đành nhờ bố mẹ cứ đến những ngày đầu của tháng đi mua tạp chí rồi gửi vào cho tôi qua đường bưu điện. Nói thật khi ở xa quê, đọc được ấn phẩm của Huế mình thì thấy thấm thía và yêu Huế biết nhường nào. Đúng là Sông Hương nhớ, Sông Hương chờ, nhớ là nhớ Huế, nhớ bạn bè một thuở, nhớ tạp chí mình yêu thích, chờ là chờ đến ngày tạp chí phát hành mà đọc.

Công việc và gia đình khiến tôi phải di chuyển nhiều, mỗi lần di chuyển tôi đều ưu ái cho Sông Hương, tôi đóng thùng, gói gém cẩn thận để mang theo. Mỗi năm Sông Hương của tôi càng nhiều lên, lớn hơn, cao hơn và hay hơn, đẹp hơn. Nhìn bộ tạp chí Sông Hương vẹn toàn mà thích lắm, ngắm không thôi cũng thích huống hồ gì có thời gian rảnh rỗi mà ngồi đọc, nghiền ngẫm thì tuyệt làm sao.

Sau này về lại Huế công tác, Sông Hương của tôi giờ được thoải mái có một vị trí đẹp trang trọng trong tủ sách gia đình của tôi. Tôi cũng vinh dự khi được Sông Hương đăng đến 7 bài nghiên cứu về văn hóa dân gian dân tộc Tà ôi. Và tôi đã dành hết tình cảm của mình cho Sông Hương, luôn quan tâm theo dõi những bước thăng trầm của Sông Hương. Bên cạnh Tạp chí Sông Hương, tôi cũng còn lưu giữ những quyển sách của Tủ sách Sông Hương như Hương Giang cố sự, Bài thơ Thôn Vỹ hoặc Người Sông Hương rồi đến Sông Hương bộ mới.

Hôm nay, nhớ lại chuyện cũ, nếu không có niềm đam mê và cẩn thận thì tôi sẽ không có đủ bộ Sông Hương, sẽ không biết lấy gì mà kể ra đây những chuyện vui buồn khi cố tìm cho được những số Sông Hương đầu tiên.

Trong vòng xoáy của cơ chế thị trường, chúng ta vẫn thấy Sông Hương không những giữ vững tôn chỉ mục đích nghề nghiệp mà còn tiến xa hơn, từ hình thức đến nội dung đều đẹp, trang nhã và hay, đội ngũ cộng tác viên ngày càng nhiều chứng tỏ rằng Sông Hương đang có sức lan tỏa và sức hút không dễ gì mà các tạp chí văn nghệ ở những địa phương khác có được.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên, với tư cách là một độc giả trung thành, một cộng tác viên lâu năm, kính chúc Tạp chí Sông Hương ngày càng phát triển nhằm đáp ứng những mong mỏi và nhu cầu của bạn đọc.

T.N.KP
(SDB9/6-13)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng