THANH TÙNG
Cô Tô biển hoang sơ, cát trắng mịn, nước trong vắt, có hải đăng, rừng nguyên sinh, đang là sự lựa chọn mới của giới trẻ các tỉnh phía bắc trong những ngày hè.
Từ Hà Nội về Bãi Cháy nghỉ một đêm, sáng hôm sau chúng tôi ngược Vân Đồn, xuống tàu ra huyện đảo Cô Tô. Tham gia đoàn công tác của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, ra huyện đảo Cô Tô tặng 1.000 bản sách. Tôi lấy ra từ tủ sách gia đình 100 cuốn; Tạp chí Sông Hương và Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế gửi theo 100 cuốn. Từ đất liền gửi tri thức ra đảo xa phía cực bắc của Tổ quốc có một mảng màu văn hóa Huế. Cùng chuyến tàu hôm ấy có hơn 50 thanh niên của Công ty Than Núi Béo ra Cô Tô du lịch và tổ chức lửa trại, giao lưu với thanh niên huyện đảo. Còn có vài nhóm từ Hà Nội “phượt” ra đảo. Đặc biệt có một đôi vợ chồng trẻ, cũng từ Hà Nội, đã chọn Cô Tô làm nơi chụp ảnh cưới. Một ý tưởng hay và khá bất ngờ. Đi cùng họ có khoảng một chục “phù rể phù dâu” và hai phó nháy chuyên nghiệp.
Sau 1 giờ 40 phút qua vịnh Bái Tử Long và lướt sóng biển khơi tàu cập cầu cảng Cô Tô. Điểm đến đầu tiên của Cô Tô là tượng đài Bác Hồ, sừng sững như một cột mốc chủ quyền, thiêng liêng trên biển đảo cực bắc của Tổ quốc. Khu vực tượng đài đang được mở rộng thành quảng trường và công viên văn hóa của huyện.
Chúng tôi được Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Cô Tô Nguyễn Đức Thành đích thân làm hướng dẫn viên. Anh cho xe chạy dọc ngang trên đảo gần hai giờ để khoe cơ sở hạ tầng, các công trình dân sinh, và khoe những bãi biển đẹp nhất, những tài nguyên thiên nhiên của đảo. Cũng không quên giới thiệu những dự án đang triển khai, những viễn cảnh tươi sáng của quần đảo tiền tiêu cực Đông Bắc. Thông tin nóng hổi nhất là huyện đã mua 10.000 cây đào giống từ Hữu Lũng - Lạng Sơn, về trồng, vừa trồng tập trung thành rừng, vừa trồng trong vườn nhà. Với niềm hy vọng Cô Tô không chỉ giàu mà còn phải đẹp. Cô Tô sẽ có thêm thương hiệu là đảo hoa đào trong vài năm tới. Cùng với đào là mẫu đơn, trinh nữ, cũng đã trồng thể nghiệm và sẽ được ứng dụng đại trà.
Anh Thành còn cho biết: Thư viện huyện nằm ở vị trí đẹp nhất của đảo. Huyện sẽ số hóa toàn bộ các tủ sách và cho lên mạng để nhân dân huyện đảo và du khách đều có thể đọc bất cứ lúc nào.
Thật bất ngờ và lý thú, Cô Tô là huyện đầu tiên được phủ sóng Internet và được sử dụng Wifi miễn phí trên toàn địa bàn, một điều kiện vô cùng quan trọng để mọi người dân và du khách cập nhập thông tin, nuôi dưỡng và nâng cao văn hóa đọc.
Rồi không chỉ có văn hóa đọc, văn hóa nghe nhìn đang chiếm thế thượng phong. 100% hộ dân huyện đảo có ti vi. Huyện kích cầu bằng chủ trương nhà nào có ti vi thì được tặng một đầu thu kỹ thuật số VTC-SD. Dù chạy dầu Diezen, giá thành cao, nhưng mỗi hộ gia đình được giảm 60% giá điện của 50 chữ đầu. Bên cạnh đó là những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: Hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng mới có năng suất cao; phát triển vùng cây dược liệu; đóng mới, cải hoán phương tiện khai thác, chế biến hải sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Trong bộn bề công việc có thể thấy phát triển kinh tế biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch là kinh tế mũi nhọn của huyện. Riêng du lịch mới khởi động từ năm 2011. Trên đảo mới có một nhà khách của UBND huyện và vài nhà nghỉ tư nhân nên Cô Tô đang tập trung phát triển du lịch homestay. Huyện hỗ trợ các hộ dân tham gia đón khách du lịch về nghỉ tại nhà và tham gia trải nghiệm cuộc sống cộng đồng. Mùa du lịch hè 2012 Cô Tô có các phương án chủ động đón khoảng 20 ngàn khách. Riêng Tỉnh Đoàn Quảng Ninh và huyện đảo Cô Tô tổ chức cho 5.000 thanh niên, học sinh, sinh viên ra thăm đảo theo chương trình “Hành trình vì biển đảo quê hương”. Ban Chỉ huy Quân sự huyện thì đang thể nghiệm tour Một ngày làm chiến sĩ. Các bạn trẻ ăn, ở, sinh hoạt trong doanh trại, tham gia tuần tra trên các bãi biển. Lượng khách ra Cô Tô đã tăng đột biến. Kết thúc mùa du lịch 2012, Cô Tô đón 35.000 lượt khách.
Nguyên là Bí thư Tỉnh Đoàn, về làm Bí thư kiêm Chủ tịch huyện, Nguyễn Đức Thành vẫn rất nhiệt huyết với phong trào thanh niên. Anh cho biết, huyện bố trí nguồn ngân sách bảo đảm cho Đoàn thanh niên hoạt động. Năm 2012 bố trí 2,5 tỷ đồng, trong đó 2 tỷ cho thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội.
Từ Hà Nội ra Cô Tô có xe khách chất lượng cao chạy liên tục hàng ngày từ bến Mỹ Đình, Lương Yên đi Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn. Tại Quảng Ninh có xe buýt hoạt động thường xuyên giúp khách từ các điểm trung chuyển về cảng Cái Rồng rất thuận tiện. Tàu từ cảng Cái Rồng ra Cô Tô ngày hai chuyến sáng, chiều. Trước đây đi tàu gỗ mất 3 - 4 giờ; nay có tàu cao tốc chỉ mất từ 1,5 đến 2 giờ, tùy theo thời tiết. Ngoài các doanh nghiệp vận tải, năm 2012 huyện Cô Tô đã đầu tư đóng thêm một chiếc tàu chở 150 khách, công suất lớn hơn, rút ngắn thời gian ra đảo chỉ còn khoảng 1 giờ.
T.T
(SH295/09-13)