NGUYỄN THẾ
Sự kiện vua Chiêm là Chế Mân cắt hai châu Ô và Lý làm sính lễ để cưới nàng công chúa Huyền Trân của Đại Việt vào năm 1306 đã đánh dấu cho lịch sử bang giao hòa hiếu giữa Chiêm Thành và Đại Việt.
Người Chiêm trên vùng đất Châu Ô và Châu Lý vẫn tiếp tục sinh sống ở đó và được xem là đã “thay đổi quốc tịch” trở thành con dân Đại Việt. Hai nước đã đoàn kết và chung sống thanh bình trong một thời gian dài. Thế nhưng, khi Chế Mân mất, theo tục lệ, công chúa Huyền Trân phải bị hỏa thiêu theo chồng. Rất may, Trần Khắc Chung, một vị tướng của nhà Trần đã lập mưu cứu nàng khỏi chết và đưa trở về Đại Việt. Chính sự việc này đã tạo nên sự bất mãn của vương triều Chiêm Thành. Từ đó, quân Chiêm thường xuyên quấy rối biên giới và nhiều vùng đất của Đại Việt. Chỉ tính từ năm 1361 đến 1389, sách Khâm định Việt sử cương mục đã ghi nhận được 11 lần quân Chiêm tiến đánh Đại Việt theo đường biên. Trong đó 4 lần đánh chiếm Thăng Long, vua Trần phải mấy lần bỏ thành mà chạy, mặc sức cho quân Chiêm cướp bóc, tàn phá kinh đô. Trong một trận chiến kéo dài từ cuối năm 1389 đến đầu năm 1390 của quân Chiêm trên đất Đại Việt, được một hàng tướng của quân Chiêm là Ba Lậu Kê chỉ dẫn nên Trần Khát Chân đã tập trung cung nỏ bắn vào thuyền của chủ tướng Chiêm là Chế Bồng Nga. Chủ tướng chết, quân Chiêm phải rút về nước. Thế nhưng sau đó, biên giới Đại Việt liên tục bị quân Chiêm quấy nhiễu, buộc các vị vua thời Lê của Đại Việt phải mang quân tiến đánh Chiêm Thành.
Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An (1553), đã viết về một vị tướng dưới thời Lê bị trị tội chết do không vận chuyển lương thảo kịp thời khi quân Đại Việt tiến đánh Chiêm Thành. Nhưng sau đó nhà vua hối hận và xét lại công trạng, sắc cho dân chúng tôn thờ. Vị nhân thần này tỏ ra hiển linh nên được các làng xã ven biển Thừa Thiên Huế và nhiều vùng ở Trung bộ và cả miền Nam lập đền miếu thờ cúng trang trọng.
Thần tích vị thần này được Dương Văn An chép lại như sau:
“Thân họ Nguyễn tên Phục người xã Tùng Giang, huyện Gia Phúc, đời vua Lê Nhân Tông niên hiệu Thái Hòa, khoa Quý Dậu (1453), ông đậu đệ tam giáp tiến sĩ, làm quan Chuyển vận sứ, Hành khiển sứ đạo Thanh Hoa. Thuở vua Thánh Tông chưa làm vua thì ông dạy cho vua học, nên khi vua tức vị, ông được cất nhắc lên chức Hàn lâm Tham chưởng viện sự, 3 lần đi sứ triều Minh, về làm Đại lý tự khanh, lại kiêm chức Tri Binh chính viện tham nghị rồi làm Thân quân ty Cẩm y vệ Chỉ huy sứ ty Thiêm sự. Khi vua đi đánh Chiêm Thành, ông phụng mệnh làm Phi vận tướng quân Chuyển thâu đội Tán lý, khi đến cửa biển Tư Dung (nay là Tư Hiền) bị sóng to gió lớn trở ngại không đi được, chúng quân đều sợ tội xin đi, ông nói: Thà để một mình ta cam chịu 3 thước gươm, chớ ta không nỡ đem kho gạo lúa hữu hạn và nhân mạng vô tội vất bỏ một cách khinh dễ vào trong chỗ gió cuồng sóng lớn để chôn đầy bụng cá. Vì vậy mà phải đậu thuyền hoãn đợi nên việc chuyển lương bị trể nải. Vua nổi giận tống giam ông vào ngục, lại có bọn cung nhân, cận thần gièm pha, nên vua mới sai xử tử ông. Sau đó vua hối hận, xuống chiếu tha tội thì ông không còn nữa. Ông tuy mất nhưng rất hiển linh, nhân dân các nơi trong xứ đều lập đền miếu thờ ông. Niên hiệu Cảnh Thống (1498 - 1504) đời Lê Hiến Tông truy tặng “Văn Trung Chính Nghị”, triều Mạc phong thêm bốn chữ “Minh Đạo Hiển Ứng” (các vua triều Nguyễn về sau đều sắc phong gia tặng mỹ hiệu).
Nguyễn Phục có con trai tên Nguyễn Đạm làm Thừa Tuyên sứ Thuận Hóa ra công tìm kiếm thu nhặt hài cốt của ông đưa về cải táng. Trên đường về có đàn voi rừng khoảng trăm con lũ lượt kéo đến như đi hộ tống. Mọi người nhìn nhau thất sắc. Nhưng voi không hề có ý hại ai.
Lại có người đồng hương là bạn cũ sau này được làm nha lại trong huyện, tiện đường ghé thăm miếu thờ ông, mang bầu rượu nhỏ, khấn rằng: “Bạn cổ tri nay có chút lễ mọn, xin ngài nhận cho tấm lòng thành”. Lập tức ở phía sông có một con cá vượt nhảy lên, liền bắt lấy làm cỗ tế. Tri huyện sở tại đích thân làm văn bia ghi lại chuyện này...”.
Các làng xã vùng ven biển, đầm phá trong cả nước đều thờ cúng ông (từ Đà Nẵng trở ra thống kê được 72 đền thờ ông). Riêng đối với miền Trung (từ vùng Quảng Trị) trở vào Nam, không những các làng ven biển mà cả các vùng đồng bằng, bán sơn địa... đều thờ cúng ông. Vì tất cả đều xem ông là vị phúc thần đã từng phù hộ cho người đi biển và những lưu dân theo đường biển vào Nam lập nghiệp.
Ở làng Thế Chí Đông, xã Điền Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế có một ngôi miếu gọi là Miếu Tiến Sĩ. Theo dân làng cho biết, ngôi miếu này rất linh thiêng và được người dân thờ cúng từ lâu đời. Từ xưa đến nay, các sĩ tử trong làng mỗi khi đi thi đều đến thắp hương, dâng lễ để cầu sự đỗ đạt, hiển vinh. Khi nghiên cứu “tự điển” (điển lệ thờ cúng của làng), thấy có danh hiệu: “Tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung Tôn Thần gia tặng Hiển Văn Chiêu tiết Phương du Tuấn Vọng Quang Ý Dực bảo Trung hưng Trung đẳng Tôn Thần”. Sau khi đối chiếu với thần tích nêu trong sách Ô Châu cận lục, tôi xác định rằng đây chính là miếu thờ Tiến sĩ Nguyễn Phục, một vị tướng đã dám lấy cái chết để bảo vệ lương thảo của triều đình và tính mạng của đồng đội. Sự kiện ấy đã xảy ra nơi cửa biển Tư Hiền, Thừa Thiên Huế cách đây hơn 500 năm, song dấu ấn di tích về vị tướng này vẫn còn nhiều ở các làng xã thuộc Thừa Thiên Huế cho đến vùng Nam bộ xa xôi. Trước đây, hầu như các làng ở Thừa Thiên Huế có đền miếu thờ ông, nhưng trải qua thiên tai địch họa, các đền miếu phần lớn bị hư hỏng vì không có điều kiện tu bổ. Song trong các “lòng văn” (văn tế) của các làng đều có danh xưng của vị thần này. Chứng tỏ rằng cho đến nay, vị nhân thần có công với nước “Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục” vẫn được người dân Việt Nam tôn thờ.
Khi Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế lập dự án đầu tư trùng tu di tích đình làng Dương Nỗ, trong đó vẫn có hạng mục trùng tu miếu ngài “Phi Vận tướng quân’’. Lễ hội tại đền thờ của ngài ở cửa Tư Hiền, đầm Cầu Hai đang có ý kiến đề nghị phục dựng thành một lễ hội văn hóa đặc sắc của Thừa Thiên Huế.
Hiện nay, người dân làng Thế Chí Đông xã Điền Hải, huyện Phong Điền đang nỗ lực đóng góp để xây dựng lại khu đền miếu thờ Tướng quân Nguyễn Phục. Đây là một việc làm có ý nghĩa đạo lý, mang tính nhân văn đối với một vị nhân thần có công với đất nước, dân tộc. Việc cầu đảo ở miếu ngài Tiến sĩ đối với sĩ tử trong làng mỗi khi đi thi không mang màu sắc “mê tín” mà chính là thể hiện sự tôn kính đối với một bậc hiền tài đã hy sinh vì đất nước, một hoạt động văn hóa tâm linh của cộng đồng người dân nơi làng xã nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống vùng đất học Thế Chí Đông. Ngôi làng này là quê hương của danh nhân Cao Hữu Dực, một tướng lĩnh văn võ kiêm toàn từng trấn giữ cương giới Nam bộ dưới triều Nguyễn; nơi sản sinh nhiều nhân sĩ trí thức, nhà khoa học nổi tiếng như GS. Cao Huy Thuần, GS. TS. Cao Ngọc Thành...
N.T
(SH295/09-13)