LTS: Bài viết dưới đây, do tác giả Đỗ Long Vân viết bằng tiếng Pháp nhân Triển lãm tranh Đinh Cường tại Trung tâm Văn hóa Đức, Sài Gòn, 1967. Sông Hương xin giới thiệu bản dịch của dịch giả Bửu Ý. Đầu đề do Tòa soạn đặt.
ĐỖ LONG VÂN
Thời trước, đối với kẻ nào muốn diễn tả lòng mình trung thực mà cởi bỏ gông cùm những lề luật cũ, thật là cả một vấn đề. Ngày nay còn những lề luật nào phải cởi bỏ nữa? Tất cả đã hóa ra dễ dàng thái quá giữa cái thời buổi tàn khốc này, thời buổi mà lễ độ bắt con người tru theo loài lang sói, lời thô lỗ là phương tiện để đi tới, cơn điên có vẻ cao giá. Tranh Đinh Cường, giữa cái bát nháo hư phù ấy, hầu như khiến người kinh ngạc vì vẻ e dè của anh.
Không rực rỡ. Không lạc điệu. Một chất màu ủ và quánh, mà vẫn nhẹ nhàng, và reo ca như vàng kim. Một thứ dạ kim với bao nhiêu hào quang quay trở vào bên trong. Điều này thoạt tiên bắt chán, cuối cùng ta lại đem lòng yêu mến cái e ấp tri quyết ấy, nó có vẻ như không táo gan, nhưng không phải vì thế mà không khổ công chinh phục. Phương chi chỉ cần nhìn Cường làm việc và ta thấy cái đẹp đơn sơ và bóng láng quyến rũ chầm chậm ở tranh anh, không bao giờ Cường đạt được liền ngay lúc đầu, mà nó là kết thúc của nhiều dò dẫm dài hơi, nơi kết liên của ngẫu nhiên và một tiền định nào đó không hiểu. Tranh của anh luôn khởi đi từ trong ánh rực rỡ. Bắt đầu như một vỡ òa của hoa, và hầu như luôn luôn, trở thành đại dương đêm xanh đen, không phải cái đêm cổ tích đẫm máu ám ảnh ký ức bằng kỷ niệm, nhưng là tuổi trẻ của trần gian với hết thảy kho tàng vùi chôn choàng dậy hầu soi tỏ bằng ánh sáng mong manh cái đêm đầu tiên ấy, cũng có thể gọi luôn là buổi lê minh. Vì chưng, đã đến với ta kia, từ cùng thẳm địa cầu, từng đợt sóng, không gian hé mở trong một vỗ cánh ánh thép, những mảnh thủy tinh nhấp nháy, trong khi bên trên vực thẳm, bao thành phố rắp tâm phiêu dạt theo nhau…
Thiên hạ tha hồ phàn nàn tranh Cường không phải là phản ảnh của thời đại. Quả có thế, anh thích thú hiến thân cho trừu tượng. Song, trừu tượng ngày nay là gì, nếu chẳng phải là sự vắng bóng một cõi đời đổ nát trong lòng mình, và để khỏi rơi vào mê sảng, mỗi cá nhân phải dụng tâm chế biến sự vắng bóng kia thành quyền hạn của nó? Trước đây không lâu, người ta đã từng khơi quái vật dậy. Bây giờ chúng ủ rũ trong viện bảo tàng và duy còn lại sự vắng bóng, tinh diệu và vô diện, tư bề đe dọa con người cùng là xô xát con người vào cùng tận tâm can. Ôi! Những thời diễm phúc độ nào trong đó con người vẫn còn có những cái gì để hủy phá! Nay con người buộc lòng dựng nghiệp bằng hoang tàn, bằng đêm, bằng sa mạc. Khổ cho nó là thế, nhưng không gian phơi mở vô tận trước mắt cũng là điều may mắn tối đại mà con người có thể ước mơ. Chúng ta hãy bằng lòng Cường đã bắt lấy dịp may. Bởi cái táo bạo mà cuộc phiêu lưu kia kêu đòi, nó muôn phần nghiêm trọng hơn nhiều thứ điên cuồng xưa cũ của ta. Tuy nhiên, người nghệ sĩ làm ra táo bạo mà chi. Nó giống mọi người nào khác, truy tầm mò mẫm một hòa hợp chính xác giữa những chất liệu khác nhau mà cõi đời đề ra cho nó, và giữa lòng thiên nan vạn nan nơi nó đi tới, đáng ca ngợi thay, Cường đã theo một con đường tắt, dựng nên vài bóng đàn bà. Nghệ thuật của anh lãng xao phong cảnh cùng tĩnh vật và vụt đi từ trừu tượng đến khuôn mặt người với một lối tả chân trang trọng mà anh chiếu rạng bằng thơ. Ở nơi anh, không có mối bận tâm dày vò đường nét, nhưng bên trên lớp xanh nhạt của biển trừu tượng, hốt nhiên gờn gợn nét vẽ tươi non của một hình người khỏa thân. Không đường nét nổi bật. Không bợn xác thịt. Chỉ một hình vẽ không thôi, mà như thế, trong ý tính của nó, nó truyền cảm bằng cái nhẹ nhàng của hư tưởng. Thế nhưng từ hư tưởng, nó cũng có cái hùng vĩ lâu đài và hình đàn bà thẳng người cao lớn kia, dù đang còn hồn nhiên uyển chuyển, đột hiện, trong vẻ trong suốt tinh sương, trên biển lặng, vừa mới tách ra từ không gian vây bọc, tựa hồ khuôn mặt phi nhân tính của hy vọng. Có thể gọi đó là buổi Chào Đời của Vệ Nữ. Mà ngẫm cho cùng, không phải thế sao? Người đàn bà đã chào đời, tôi muốn nói con người, và giờ đây nó cần xây đắp chỗ nương thân. Nhà nghệ sĩ diễn tả thời đại mình làm gì. Nó dựng nên thời đại.
Bửu Ý (chuyển ngữ)
(SDB10/09-13)