Giá sách Sông Hương
Đại Thi Hào NGUYỄN DU
Giới thiệu Truyện Kiều
17:03 | 15/11/2013

LGT: Năm 1965, kỷ niệm 200 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du, bác  sĩ Nguyễn Khắc Viện đã “Giới thiệu Truyện Kiều” bằng tiếng Pháp; sau này  được tác giả Lưu Huy Khánh chuyển qua Việt ngữ. Qua sự giúp đỡ của gia  đình bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Sông Hương lược đăng bài viết chưa được  phổ biến rộng rãi này.

Giới thiệu Truyện Kiều
Bìa "Truyện Kiều" do Nguyễn Khắc Viện dịch qua tiếng Pháp - Ảnh: TL

NGUYỄN KHẮC VIỆN


Con thuyền chở nặng đang xuôi trên dòng sông lấp loáng ánh trăng trong. Xa xa bên đôi bờ, những làng quê ngủ yên sau lũy tre. Bỗng nhiên, giữa đêm khuya tĩnh mịch, một câu thơ ngân dài như nhịp theo mái chèo vỗ nước:

Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm,
                      liễu hờn kém xanh


Đấy là giọng ca của cô lái đò, ca ngợi sắc đẹp nàng Kiều, con người của những mối tình bất hạnh đã không ngớt làm cho chị em phụ nữ Việt Nam xúc động.

Mùa hái cau đang rộ. Dưới ánh đèn treo ở xà nhà, cả gia đình cùng ngồi róc vỏ cau, bổ ra từng miếng để sấy khô. Trời dần khuya, chuyện trò cũng vợi, chỉ còn nghe tiếng dao xào xạo trên những quả cau. Có người nào đó thốt lên: “Ông Châu! Ông kể chuyện đi!”. Ông Châu còn để cho mọi người nài nỉ, nhưng đã thấy hàng ria trên mép ve vẩy ra chiều khoan khoái, ông húng hắng lấy giọng ngâm nga, thu hút được cả nhà: “Thừa cơ, trúc chẻ ngói tan/ Binh uy từ đấy sấm ran trong ngoài/ Triều đình riêng một góc trời/ Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà/ Đòi phen gió táp mưa sa/Huyện thành đạp đổ, năm tòa cõi Nam

Ai cũng nhận ra đó là Từ Hải, vị chiến tướng hào hiệp, người yêu xứng đáng của nàng Kiều diễm lệ, người đã trăm trận nên công mà vẫn thành nạn nhân của một viên triều quan nham hiểm.

Bên hiên nhà, cùng vài cành hoa, vài chén -nước chè, mấy cụ lão nho thân tình chuyện vãn. Một cụ đứng lên:

- Được vinh dự ngồi cùng các bác, tôi vốn quen thô thiển, cũng liều chắp chảnh đôi vần, mong các bác vui lòng nghe cho: “Ai dư nước mắt khóc người đời xưa.../ Thế mà khách đa tình luống những sầu chung/ Giọt lệ Tầm dương chan chứa...” (Thơ Chu Mạnh Trinh).

Nhà nho đã ngâm, đã khóc cho nỗi bất hạnh của người đẹp Thúy Kiều. Mà có nhà nho Việt Nam nào lại không ít ra là một lần đã từng vịnh nhân vật này hay nhân vật khác trong tác phẩm ấy, hoặc đã tỏ niềm thương xót trước những nỗi nhục nhằn kia khác của nàng Kiều?

Truyện Kiều ở nước Việt Nam ngày xưa là như vậy. Những đám dân thường dẫu không biết chữ, cô gái chèo thuyền hay anh dân cày, đều thuộc lòng những đoạn Kiều dài. Nhà nho từng dùi mài kinh sử, nhà mĩ thuật khe khắt đến đâu, vẫn yêu thích Truyện Kiều, hình như tác phẩm cho họ cái hứng thú được nếm một thứ quả cấm.

Người thì ca ngợi nàng Kiều nhan sắc, thông cảm với những hoạn nạn, trân trọng những đức tính của nàng; kẻ lại đả kích nàng, cho nàng là vô hạnh.

Ngày nay, ở đất nước dân chủ cộng hòa, một xã hội mới đã ra đời, một nền văn học mới mẻ, phồn thịnh đưa đến cho những trai cày, cô lái đò nay đã biết xem sách, đọc vở, một món ăn tinh thần quý giá. Giữa mùa hoa nở rộ đó, Truyện Kiều vẫn được định vị, tiếp tục được ngâm nga, yêu thích và đem ra giảng dạy. Cả cách mạng và người cách mạng, chẳng ai đưa Kiều vào bảo tàng cổ vật. Trái lại, người ta có một cách nhìn mới đối với tác phẩm được xem như một trong những viên ngọc đẹp nhất trong di sản dân tộc. Ngay từ 1955, sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) đã hào hứng kỷ niệm 190 năm ngày sinh của tác giả Nguyễn Du. Vào dịp đó, báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) ngày 25/9/1955 đã viết: “Ngoài tính nhân đạo mạnh mẽ của nó, giá trị lớn lao của Truyện Kiều còn ở lời thơ tuyệt đẹp, ở tính dân tộc đậm đà, bay bổng về hình thức, sâu sắc về ý nghĩa”.

*

…Điều gì đã khiến Truyện Kiều được đông đảo quần chúng biết đến và đã giành được vị trí đặc biệt đến thế, trong nền văn học Việt Nam? “Thôn ca sơ học tang ma ngữ...” (Tiếng hát thôn dân dạy tôi cách nói của người trồng đay và trồng dâu). Nguyễn Du đã viết như thế trong một bài thơ. Đúng là ông đã sống nhiều năm ở thôn quê, gần gũi những người trồng lúa, trồng đay, trồng dâu. Ngôn ngữ Kiều khắc họa thanh thoát nhất truyền thống dân ca, mà giữ được nét uyển chuyển, tính hiện thực, sự phong phú về hình ảnh và màu sắc. Đâu phải ngẫu nhiên mà người dân ta, đàn ông cũng như đàn bà thuộc lòng nhiều đoạn Kiều dài. Và một số câu thơ Kiều cũng trở thành ca dao ngạn ngữ thông dụng.

Nhưng Kiều không phải là một tác phẩm dân gian. Nó là một tác phẩm văn chương lớn có thể xếp ngang tầm những kiệt tác của văn học thế giới, không cần ngần ngại.

Nguyễn Du đã thể nhập được những kinh truyện Trung Quốc và Việt Nam và đạt đến khả năng tổng hợp hài hòa giữa ngôn ngữ dân gian và văn chương kinh điển. Truyện Kiều đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong lịch sử tiếng Việt: nó góp phần cho tiếng Việt giàu thêm, uyển chuyển thêm, để đạt tới mức chính xác, súc tích một cách đặc sắc. Ai cũng biết vì sao, tác phẩm tồn tại đến ngày nay, thành mẫu mực cho các nhà thơ nhà văn bắt chước. Bởi lẽ, hiếm thấy một tác giả có được những gam âm, màu sắc dồi dào và đa dạng đến như thế.

Có phong cách lãng mạn, Nguyễn Du biết ca ngợi cái đẹp của một cảnh trí, diễn tả một cách kì diệu sự xúc động xé lòng xé ruột của một trái tim yêu đương, cùng những đau buồn, rầu rĩ, những thất vọng, những niềm vui chiến thắng, tóm lại là tất cả “những rung động trữ tình, những biến thái mộng mơ, những đột khởi của tâm thức” (chữ dùng của Baudelaire).

Có phong cách hiện thực, Nguyễn Du chỉ cần vài chữ, vài câu thơ là đã tóm thâu được nhân vật, thể hiện được một tính cách: một tên quan tham lam, một tên bịp gian giảo và láo xược, một mụ trùm lầu xanh, chúng đều bị vạch mặt không thương tiếc bằng một ngôn ngữ sắc cạnh, màu mè, gay gắt. Khá nhiều là những tên tuổi của một số nhân vật đã đi vào ngôn ngữ thông thường, trở thành những danh từ chung: một kẻ chuyên đi cám dỗ lường gạt phụ nữ được gọi là thằng Sở Khanh, cũng như trong tiếng Pháp, người ta gọi kẻ bủn xỉn là lão Hácpagông vậy.

*

…Người Việt Nam thích Truyện Kiều không như một truyền thuyết, một cổ tích. Không có chút gì là kì ảo, là mộng mơ trong tác phẩm này. Cái số mệnh thường được nhắc đến không hề mang bóng dáng của một thượng đế hoặc một thiên thần nào sẽ chỉ ngón tay thúc đẩy vào những thời kì quyết liệt. Đúng ra, phải xem số mệnh ấy như là một quy luật nhân quả luân hồi, mang bộ mặt nhân sinh, khiến người đọc phải phẫn nộ, xúc động, xót xa trước những thực tế được diễn tả, đến mức quên hẳn nó đi để dồn những giận dữ, yêu thương cảm phục vào những nhân vật sống thực đang chuyển mình trong một xã hội hiện thực. Trong Truyện Kiều, không chỉ có nhạc điệu của lời thơ, sắc màu của cảnh vật, sự phong phú của ngôn từ, khả dĩ làm rung động trái tim cô lái đò, ông lão nông ngày trước, hay gây xúc cảm cho một chiến sĩ cách mạng thời nay.

Là người sống vào cuối thế kỉ XVIII, thời kì nước Việt Nam có nhiều biến động cùng nhiều triển vọng lớn lao, Nguyễn Du đã thấm thía sâu sắc những khát vọng và đau khổ (...). Người con gái không được quyền lựa chọn người mình sẽ lấy làm chồng. Bố mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy. Là con gái, ở nhà phải “tại gia tòng phụ”. Làm vợ, phải “xuất giá tòng phu”. Khi chồng mất, phải “phu tử tòng tử”.

Tuân theo phép tắc chặt chẽ ấy của Nho giáo, hệ tư tưởng chính thống này bao thế kỉ được đưa ra giảng dạy, tạo nên cái khung đạo lí của xã hội phong kiến, cái khuôn cho mọi tư tưởng và hành động (...). Đằng sau những vẻ hào nhoáng của các buổi nghi lễ triều đình hay buổi đầu công vụ, còn là một bầy lũ đầu cơ buôn lậu, ma cô, bợm bãi, buôn người, những bàn tay sẵn sàng nhúng vào mọi việc ô uế. Người ta đã thấy xuất hiện sức mạnh toàn năng của đồng tiền. Bên cạnh tên bạo quan, tên lái buôn đã bước vào sân khấu! (…). Không một viên quan nào trong Truyện Kiều gây được thiện cảm. Mọi bất hạnh của nàng Kiều đều do lòng tham của tên quan đã không ngần ngại vì một ít tiền mà đẩy cả một gia đình vào tai họa…

…Và nàng Kiều là đây, con gái một gia đình tử tế, đang đêm, nhân lúc bố mẹ vắng nhà, đã giấu không cho ai biết, băng qua khu vườn, đến gặp người yêu. Với một xã hội Nho giáo từ bao thế kỷ đã quen với lời dạy của tôn sư: nam nữ thụ thụ bất thân, thì đây là một điều dễ gây bao tai tiếng! Và Nguyễn Du chẳng những đã không lên án đôi tình nhân dám yêu đương không được phép mẹ cha, mà còn dành hết trang này đến trang khác nồng nhiệt nhất trong tác phẩm để cho họ thổ lộ tâm tình, nói lời âu yếm. Tình yêu, sự tự do lựa chọn của nam nữ thanh niên mà hàng bao thế kỷ bị xã hội dè bỉu, thì nay được thấy ở Nguyễn Du, nhà thơ chân thực của mình…

…Bao lần chìm nổi, buộc phải nhiều phen bán mình, nàng Kiều đã yêu say đắm một lần thứ hai, khi gặp được một anh hùng xứng đáng với nàng… Nàng Kiều bị đẩy vào chốn lầu xanh bao lần, mà Nguyễn Du vẫn dành cho nàng đầy thiện cảm, đã cho nàng thổ lộ với người yêu chung thủy của mình rằng nàng vẫn trong trắng, mặc dầu phải chịu điều ô nhục; rằng tình yêu chung thủy phải được hiểu theo cái nghĩa nhân văn hơn là theo nhãn quan đạo đức giả. Cùng với việc ca ngợi mối tình rất mực đẹp đẽ của đôi trai gái tự do lựa chọn nhau, Nguyễn Du đã đòi lại những quyền lợi cho người phụ nữ. Trong những cơn chuyển giật của thế kỉ XVIII sắp tàn, tình yêu, các điều mới mẻ ấy, đã là một trong những khát vọng sâu xa mà đám đông quần chúng ít nhiều đã cảm nhận được. Là dấu ấn thời đại, tình yêu của đôi nam nữ tài sắc đã trở thành chủ đề trung tâm của nhiều tập truyện thơ. Một chủ nghĩa nhân văn mới đã rõ nét, chủ nghĩa nhân văn đó đã trở thành kẻ đứng lên tố cáo, khi tác giả dùng biện pháp hiện thực một cách cay độc để mô tả cái xã hội bạo tàn đã hủy hoại không thương tiếc mọi ước mơ trong trắng của một cô gái vào tuổi hoa niên và vùi dập cô xuống bùn đen. Nhà thơ lớn Nguyễn Du đã chuyển vào chủ nghĩa nhân văn ấy những tín hiệu khi dịu dàng, khi thống thiết, khắc sâu vào lòng hàng triệu người niềm khát khao hạnh phúc.

Như thế, ta hiểu được vì sao, với vẻ đẹp của ngôn ngữ, mà có đến bao nhiêu trang đoạn trong Kiều, đạt tới mức có được âm vang trong lòng dân Việt.

*

…Nhà nghệ sĩ cảm thông sâu sắc với nỗi khổ của nhân dân, tố giác mạnh mẽ, lên án hùng hồn, phỉ báng cay độc, nhưng nhà tư tưởng lại phải dằn vặt với những trầm tư không lối thoát về số phận con người. Đạo Khổng đã không thể giải thích được những đau khổ, bất công một cách thỏa đáng. Đành phải quay về với lí thuyết nghiệp báo của nhà Phật. Lí thuyết này cho rằng con người phải mang theo mình cả một kiếp sống động - tĩnh kéo dài, phải trả những món nợ tiền kiếp, và phải biết là những gì mình làm ở kiếp này sẽ có tác động đến kiếp sau. Bởi thế mà nàng Kiều tài đức vẹn toàn, cứ phải chịu những tai ương không dứt. Suốt cả câu chuyện đã diễn ra những mâu thuẫn xót xa giữa cái tình cảm thông của người nghệ sĩ có trái tim rung động trước những thực tế xã hội, nhân sinh, và cái ý suy tư héo hắt của nhà siêu hình bị ám ảnh bởi những khái niệm về nghiệp báo và định mệnh. Kết thúc là tạo nên một sự thỏa hiệp: trong cái vòng nhân sinh tai ác quẩn quanh, những năng động và thụ động kế tiếp nhau, tác giả đành tạo nên cái “tâm” để làm dịu đi cái nghiệt ngã bất nhân của định mệnh và nghiệp báo.

Cuối cùng là một triết lí về sự nhẫn nhục. Cô Kiều đã tìm cách vật lộn, nhưng phải chịu thua cuộc: ngay từ bước khởi đầu, cô đã ý thức được một cách sâu sắc về thân phận mỏng manh của mình, nên đã tiêu ma ý chí. Cô cảm thấy những tài hoa phú bẩm kia lại đè nặng lên mình và những mưu toan chống chọi không thể tiếp tục. Bị xã hội bất nhân chà đạp, cô đành tin tưởng một cách đơn giản rằng đó là cô phải trả nợ cho những mánh khóe, những ác tâm của bọn người đã lường gạt và phản bội cô. Với nàng Kiều cũng như với tất cả những (phận) đàn bà, xã hội phong kiến ngột ngạt đã chặn đứng không cho một hy vọng giải phóng nào. Cuộc đời bạo tàn luôn luôn biến chuyển, trở thành định mệnh và nghiệp báo, không có gì khắc phục.

Xác định sự bế tắc của Nguyễn Du, cũng là chỉ ra những hạn chế của ông. Những hạn chế này không chỉ ở phần nhân văn, phần mơ hồ về thực tế lịch sử, lúng túng vì những lí thuyết tôn giáo hoặc những quan niệm phong kiến, mà còn cả ở phần nghệ thuật. Đúng là Truyện Kiều đạt tới nhiều giá trị văn chương đa dạng và tuyệt mĩ, nhưng còn nhiều sợi tơ lòng mà Nguyễn Du chưa bật cho rung lên như ở nhiều tác giả khác. Sự bất bình của tác giả thường kết thúc bằng những lời ai oán, và lòng nhân hậu đối với các nhân vật đặc sắc thường cứ bị nhạt đi vì một thái độ nhẫn nhục khi tỏ khi mờ, không đạt đến độ mạnh, độ sâu như ở nhiều người khác. Những nét hào hùng của Từ Hải, chưa tới mức ngang tầm các nhân vật lịch sử của thời đại tác giả, như Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Huệ. Sẽ là quá lời, nếu khẳng định như một số người, rằng Truyện Kiều riêng nó đã tổng hợp được tất cả tâm hồn Việt Nam và mãi mãi là công trình tuyệt mĩ vô song của văn học Việt. Tác giả và tác phẩm đã đủ lớn lao để chúng ta yêu quý, chứ cần gì phải điểm tô bằng những lời sáo rỗng uổng công.

N.K.V
Người dịch: Lưu Huy Khánh
(SH297/11-13)




 

Các bài mới
Cõi Đạm Tiên (25/11/2013)