MAI VĂN HOAN
Trong giao tiếp hàng ngày cũng như trong văn chương, nhiều người thường sử dụng cách nói ẩn dụ và tỉnh lược. Điều đó góp phần làm cho ngôn ngữ trở nên đa nghĩa, linh hoạt, biến hóa nhưng cũng gây không ít phiền hà, rắc rối vì đôi khi hiểu nhầm, hiểu sai chủ ý của người nói, người viết.
Truyện Kiều sở dĩ có một số câu, số đoạn từng gây tranh cãi một phần cũng do cách nói ẩn dụ hoặc tỉnh lược ấy. Đoàn Phú Tứ đã phát hiện không ít cách nói “thiếu minh xác” trong Truyện Kiều và nhà thơ đã dồn tâm sức đi tìm “chủ từ” cho những đoạn “thiếu minh xác” ấy. Phải chăng vì sự “thiếu minh xác” trong ngôn ngữ Truyện Kiều mà cụ Đào Duy Anh đã có sự nhầm lẫn khi phân tích đoạn Nguyễn Du diễn tả tâm trạng nàng Kiều trong thời gian chờ đợi Thúc Sinh?
Theo lời khuyên của Kiều, chàng Thúc trở về Vô Tích thú thực với Hoạn Thư việc lấy Kiều làm vợ lẽ. Suốt cả năm trời chờ đợi ở Lâm Tri, Kiều vô cùng hồi hộp, hoang mang, lo lắng:
Nàng từ chiếc bóng song the
Đường kia, nỗi nọ như chia mối sầu.
Bóng dâu đã xế ngang đầu
Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi?
Tóc thề đã chấm ngang vai
Nào lời non nước, nào lời sắt son?
Sắn bìm chút phận cỏn con
Khuông duyên biết có vuông tròn cho chăng?
Theo cụ Đào Duy Anh thì: “Sau khi Thúc Sinh về thăm quê, Thúy Kiều ở lại Lâm Tri một mình nàng cũng nhớ cha mẹ trước rồi mới nhớ đến tình nhân, vì bây giờ mối tình của nàng đối với Kim Trọng không có vẻ đau đớn như trước lúc mới ra đi nữa. Nhưng tình với Kim Trọng cũng khác hẳn tình đối với Thúc Sinh. Cho nên khi nhớ về Kim Trọng thì nghĩ lại lời thề ước mà khi nhớ về Thúc Sinh thì chỉ lo không biết cái duyên lẽ mọn của mình đối với chàng có được toàn vẹn hay không?” (Khảo luận về Kim Vân Kiều). Phải công nhận cụ Đào Duy Anh có những kiến giải hết sức sâu sắc về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Ngay ở đoạn văn trên, mới nghe qua ta thấy cụ phân tích khá hợp tình, hợp lí. Lâu nay tôi và không ít người quan tâm đến Truyện Kiều cũng nghĩ như cụ. Nhưng mới đây, đọc kỹ lại đoạn thơ này, tôi cảm thấy cách hiểu của cụ Đào có chỗ chưa thật ổn lắm, đặc biệt là bốn câu:
Bóng dâu đã xế ngang đầu
Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi?
Tóc thề đã chấm ngang vai
Nào lời non nước, nào lời sắt son?
Cụ Đào Duy Anh cho rằng hai câu đầu là Kiều đang nhớ và nghĩ về cha mẹ. Có lẽ do cách nói ẩn dụ “bóng dâu đã xế ngang đầu” đã khiến cụ suy luận như vậy? Chừng năm, sáu năm về trước, khi đang ở lầu xanh của mụ Tú Bà, Kiều cũng đã từng thổn thức: “Nhớ ơn chín chữ cao sâu/ Một ngày một ngả bóng dâu tà tà/ Dặm nghìn nước thẳm, non xa/ Nghĩ đâu thân phận con ra thế này”. Nguyễn Du dùng hình ảnh “bóng dâu tà tà” để nói về tuổi đời của cha mẹ nàng. “Bóng dâu tà tà” là khi mặt trời sắp lặn, là chặng cuối của đời người. Nói như dân gian: hai ông bà đã đến cái tuổi “gần đất, xa trời” rồi. “Nhớ ơn chín chữ cao sâu” và “nghĩ đâu thân phận con ra thế này” khẳng định rõ ràng “chủ từ” của “một ngày một ngả bóng dâu tà tà”. Còn việc xác định “chủ từ” cho “bóng dâu đã xế ngang đầu” khó khăn hơn nhiều, vì không hề có chi tiết nào phụ thêm để có thể bấu víu. Đây là cách nói “thiếu minh xác” cần phải giải mã. “Bóng dâu đã xế ngang đầu” khác với “một ngày một ngả bóng dâu tà tà”. “Bóng dâu đã xế ngang đầu” chỉ khoảng thời gian quá giờ Ngọ (hơn 12 giờ trưa), nghĩa là đã hơn một nửa đời người. Mà như thế thì không phù hợp với tuổi tác của cha mẹ nàng Kiều chút nào. Năm, sáu năm về trước (khi Kiều đang ở lầu xanh của mụ Tú Bà) họ đã về già, bây giờ chẳng lẽ ông bà trẻ lại? Thi hào Nguyễn Du không bao giờ làm chuyện ngược đời như vậy. Từ đó ta có thể suy ra: ở đây có thể là Kiều đang nghĩ về cuộc đời ngắn ngủi của chính mình. Sau bao nhiêu năm chìm nổi, lênh đênh, lưu lạc… lúc này Kiều tưởng như mình đã sống quá nửa cuộc đời. Bước qua tuổi 20 với những phụ nữ ngày xưa phần lớn đã êm ấm gia đình. Có người đã sinh hạ ba, bốn đứa con. Còn nàng thì vẫn chưa được yên thân: “biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi?”. Nàng hết sức lo lắng cho chính bản thân mình, nhất là khi đang phấp phỏng chờ đợi Thúc Sinh. Mặc dù đã phó thác đời mình cho chàng Thúc nhưng Kiều vẫn cảm thấy hết sức bấp bênh. Linh cảm về một tai họa sắp giáng xuống đời mình ập đến với Kiều ngay từ khi chia tay Thúc Sinh “vầng trăng ai xẻ làm đôi”. Và linh cảm đó ngày một lớn dần. Đặc biệt là vào thời điểm này - thời điểm mà hai người đã từng hò hẹn: “Chén mừng xin đợi ngày này năm sau”. Một năm sắp sửa trôi qua, Thúc Sinh vẫn biệt tăm, biệt tích. Làm sao mà Kiều không hoang mang, lo lắng được? “Biết đâu”, “biết đâu”, “nào lời”, “nào lời”, “biết có”… bao nhiêu câu hỏi giằng xé tâm can Kiều:
Tóc thề đã chấm ngang vai
Nào lời non nước, nào lời sắt son?
Hai câu thơ này, theo cụ Đào Duy Anh là hai câu Nguyễn Du tả Kiều đang nhớ và nghĩ về Kim Trọng. Các chi tiết “tóc thề”, “lời non nước”, “lời sắt son” đều liên quan đến mối tình sâu nặng giữa nàng Kiều và chàng Kim. Nghe ra thì cũng có lí. Nhưng do cách viết “thiếu minh xác” của tác giả Truyện Kiều nên chúng ta cần phải xem xét lại. Có thật hai câu thơ này là Kiều đang nghĩ về Kim Trọng không? Bởi các chi tiết “tóc thề”, “lời non nước”, “lời sắt son” cũng liên quan đến mối tình giữa Kiều và Thúc Sinh. Vậy trong trường hợp này đâu là “chủ từ” của “tóc thề”, “lời non nước”, “lời sắt son”? Thúc Sinh hay Kim Trọng? Riêng tôi, tôi nghiêng về Thúc Sinh.
“Tóc thề đã chấm ngang vai” là tóc thề với ai? Chả lẽ với chàng Kim? Thời Thúy Kiều cắt tóc ăn thề với chàng đã xa lắm rồi. Lúc đó nàng vừa mới mười bốn, mười lăm tuổi, đến nay nàng đã bước qua cái tuổi hai mươi với bao nhiêu chìm nổi, làm gì có chuyện mái tóc thề ấy còn chấm ngang vai nữa! Trong khi đó cái mái tóc thề “đã chấm ngang vai” này rất phù hợp với quãng thời gian gần một năm Kiều xa Thúc Sinh. Từ “đã” cho ta hiểu được sự sốt ruột của nàng. Vì hai người từng hẹn ước một năm sau sẽ gặp lại nhau. Càng gần đến ngày hò hẹn Kiều càng sốt ruột. Hình ảnh “tóc thề đã chấm ngang vai” vừa gợi nhớ lời thề ước, vừa biểu đạt thời gian chờ đợi, vừa diễn tả sự nôn nóng của Kiều. Lo lắng Thúc Sinh không giữ được lời hứa hẹn đã làm nàng bất an. Bởi vậy, Kiều cứ băn khoăn: “Nào lời non nước, nào lời sắt son?”. Thúc Sinh và Kiều cũng đã từng “chỉ non, thề biển nặng gieo đến lời”. Đều là “lời non nước”, “lời sắt son” cả nhưng xét cho cùng lời thề của Thúc Sinh vào thời điểm này mới thực sự quan trọng đối với Kiều. Nếu chàng Thúc giữ được lời thề, may ra nàng còn được hưởng những tháng ngày bình yên, hạnh phúc. Còn với chàng Kim, nàng chỉ lo Thúy Vân có chắp “mối tơ thừa” giúp mình hay không mà thôi. Nàng đâu còn giữ được lời thề với chàng Kim mà băn khoăn “nào lời non nước, nào lời sắt son” của chàng! Tất cả suy nghĩ của Kiều bây giờ là dồn vào Thúc Sinh. Càng nghĩ nàng càng hồi hộp, băn khoăn, lo lắng:
Sắn bìm chút phận cỏn con
Khuông duyên biết có vuông tròn cho chăng?
“Biết có vuông tròn” rất phù hợp với “biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi” ở những câu trên. Các điệp từ, điệp ngữ: “đã”, “nào lời”, “biết đâu”, “biết có” liên quan hết sức chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau, tất cả đều tập trung thể hiện tâm trạng suy đoán “đường kia, nỗi nọ” của nàng Kiều trong những tháng ngày chờ đợi Thúc Sinh. Nguyễn Du đã “nhập thân” vào nàng Kiều một cách hết sức tài tình. Lúc này bóng hình Thúc Kỳ Tâm hầu như choán hết tâm trí của nàng: “Đêm thu gió lọt song đào/ Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời” (“ba sao” là ba chấm cùng với nét cong của nửa vành trăng khuyết kết thành chữ Tâm). Vậy nàng Kiều còn lòng dạ nào để nghĩ đến người khác lúc này nữa?
Văn chương vốn đa nghĩa mà Nguyễn Du lại hay sử dụng cách nói “thiếu minh xác” nên hiểu cho thật đúng dụng ý sâu xa trong những câu thơ Kiều quả không đơn giản chút nào!
M.V.H
(SH297/11-13)