BẠCH LÊ QUANG
Phong trần cõi Đạm là tiên
Thanh cao trời tặng giấc thiền tử sinh
Khóc Người chịu nhẫn, khóc mình?
Trăm năm còn một chữ tình gió mây.
(LHL)
Cõi Đạm Tiên là cõi người. Đến được cõi Đạm, Hồng Sơn Liệp Hộ mới xé toạc được chiếc mặt nạ mà mình đã đeo đẳng hơn mấy chục năm với giấc quan đái ngậm ngùi dâu bể. Lúc nầy, Cần Chánh điện đại học sĩ là cây cổ thụ Phong Tiêu trên Hồng Lĩnh sơn mây trắng, rủ bỏ nhân thân, đầu bạc, mộ phần, cỏ áy bóng tà, bệnh dạ dày, mười miệng ăn kêu đói ở phía Bắc Hoành Sơn mùa bão lũ, nỗi khiếp hãi những tên đao phủ mặt đỏ của Gia Long đời thứ mười hai. Lúc nầy, Nguyễn mình trần như nhộng, dưới ánh trăng sơ, mài máu thành mực mà tấu khúc đoạn trường.
Vỏn vẹn, theo gia phả họ Nguyễn Tiên Điền, cõi Đạm của Hồng Sơn Liệp Hộ chỉ có bốn người. Ba người là thực. Một người là ma. Một người là nam. Ba người là nữ. Thực hay ma, nam hay nữ nhưng nếu không có những người ấy, mãi mãi Nguyễn cũng chỉ là một nho sĩ rêu phong, một Cần Chánh điện đại học sĩ túi cơm, giá áo. Cõi Đạm với Nguyễn là tiếng thét dữ tợn của thiền sư Lâm Tế, là quả đấm vùi dập nhưng phiêu hốt trùng trùng của Chánh Thọ dành cho đệ tử Huệ Hạc trong một chiều mưa dầm tháng Chạp ở ngôi chùa hoang lạnh SuRuGia.
Cõi Đạm cứu Nguyễn.
Lúc sáu tuổi, Nguyễn chơi đánh đáo với bọn trẻ chăn trâu trong làng. Về nhà, Nguyễn được người vợ khác của cha là Nguyễn Thị Xuyến tắm rửa. Bà tinh thông tướng mạo. Thấy vai trái của Nguyễn có vòng tròn màu đỏ to bằng hạt đậu, bà bảo: Số ngươi quá lắm cũng chỉ làm quan như những người trong nhà nầy.
Nói đoạn, thở dài, nhìn xa,
Gặp cõi Đạm, vòng tròn ấy lặn sâu vào da thịt. Và không chỉ cứu Nguyễn. Cõi Đạm còn cứu cả nền văn hóa của dân tộc trong trận trận những chước quỷ mưu ma của lân bang luôn muốn bức tử nó.
Ấy vậy, cõi Đạm của Nguyễn mới được những người nhà quê ngân nga trong dân gian như một câu hò. Một đồng dao sấm truyền. Ngân rằng: Phong trần cõi Đạm là tiên.
1.
Một chiều mưa xứ Kinh năm 1805, Nguyễn mơ màng nơi trướng phủ, nhìn sông Hương ảo màu biên tái mà nhớ Quế Giang sầu. Bần thần nhìn sông, Nguyễn bảo tả hữu mài nghiên mực tàu thơm đem vào từ quê. Trên tấm giấy đục nhà họ Giãn, tóc bạc của Nguyễn rụng xuống giữa bơ phờ gió loạn. Có tiếng ca cất lên từ dạo sông về. Mưa thu trăng chín. Nấm mộ xanh ngày cũ. Án thư nghi ngút ngọn bạch lạp màu tang trắng. Nguyễn vừa viết, vừa khóc: “Hương Giang nhất phiến nguyệt/ Kim cổ hứa đa sầu./ Vãng sự bi thanh trũng/ Tân thu đáo bạc đầu”. Và ngâm, tiếng khoan tiếng nhặt. Tiếng đục tiếng trong: “Mảnh trăng Hương Giang tỏa/ Gợi mối sầu thiên thu/ Mộ xanh đau cố sự/ Chớm thu đã bạc đầu”.
Ngâm xong. Nguyễn nhìn người hầu tâm phúc họ Mã, cất tiếng hỏi mờ đục. Mã cũng bần thần như chủ nhân. Thưa, hay nhưng buồn. Nguyễn bỗng nhiên trừng mắt. Con mắt ứng vận phong tình. Ngươi theo ta lâu mà ngơ ngác như gái trinh. May lòng ngươi không như lang, như sói. Thơ hay phải buồn. Ta bản lai diện mục có vui bao giờ. Mười tuổi mất cha. Mười ba tuổi mất mẹ. Ăn nhờ ở đậu. Mười mấy miệng ăn. Mười năm ở Thái Bình như chó chui gầm chạn. Văn tự vô dụng. Đầu bạc rồi mà chỉ mãi lo chuyện cơm áo. Vua Gia Long có lần hỏi ta. Chức đó, sắc đó, áo mão cân đai đó, răng mặt cứ buồn thúi ruột thúi gan. Có can cớ chi thì nói. Ta bẫm không. Vua Gia Long lại bảo: Không thì đi tìm chốn huê tình mà chơi. Kinh của trẫm cũng nhiều thú vui thua chi Thăng Long của họ Lê, họ Trịnh. Ta chẳng dám trả lời.
Nghe sự của chủ nhân, Mã cúi đầu hiểu lòng chủ nhưng tâm nhất định không phục. Mấy năm theo hầu, tự tâm, họ Mã vẫn cho rằng, chủ nhân cũng chỉ là một nhà thơ xoàng. Buồn của Nguyễn, đau của Nguyễn như phên dậu quanh nhà, trăng đáy giếng. Cái này, bọn văn nhân bất chí theo thời, nói hay như chim hót. Bọn hủ nho chưa gặp hội phong vân ngồi tán nhảm nói mê như gái đẹp.
Gió chiều sông trở lạnh. Tâm Mã muốn chủ mở trận phong trần, trùng khơi sơn hải, trộn đớn đau với cõi người mà xô mây về núi, bẻ đầu ngọn bút, cứa thịt da mà nhỏ máu xuống trang giấy trắng. Mã muốn chủ nhân thấu tận huệ nhãn mà nhìn ra sáu cõi. Tấm lòng phá toang phên dậu mà nghĩ cả ngàn năm.
Mã nén lòng khuyên chủ nhân xuôi thuyền, ngược dòng Hương lên núi Thiên Thai. Ở đó, có một cổ tự hoang lạnh. Ở đó, cơ duyên gặp người. Một người. Người nam duy nhất của cõi Đạm.
Ma đưa lối, quỷ đưa đường, Cần Chánh điện đại học sĩ nghe lời khuyên của Mã.
Trăng từ độ ấy. Nở nụ cười hoa.
2.
Cảnh đẹp, người say. Con thuyền chòng chành, huyễn hoặc giữa đám lau sậy ven sông. Trong gió thoảng, xao xác tấu khúc vi lau thanh thoát cả bờ nguyệt lạnh. Chèo khuya, con sóng vỡ, hốt động cả ngàn cánh hạc bay về đậu giữa sông từ Bắc quốc xa mờ, tịch mịch cả một mái lầu Hoàng Hạc uy nghiêm chiều mây phủ. Ngồi chìm trên sông quạnh, Nguyễn vỗ mạn thuyền mà ca, ca rằng: “Cổ tự thu mai hoàng diệp lý/ Tiên triều tăng lão bạch vân trung/ Khả liên bạch phát cung thu dịch/ Bất dữ thiên sơn tương thủy chung”.
Tiếng vọng ca của Hồng Sơn Liệp hộ lúc nầy đã trở thành Nam Hải Điếu Đồ thấu tận cổ tự. Lời rằng: “Thu đến lá vàng che chùa cổ/ Sư già triều cũ xuyên mây trắng/ Xót thương đầu bạc còn lao khổ/ Chẳng với non xanh vẹn nghĩa tình…”.
Thiền sư người gầy như que củi. Da đen nhẻm. Tướng vận khan khắt. Đón Cần Chánh điện đại học sĩ mà mắt nhìn vào khoảng không trùng điệp núi. Hồi lâu, sư bảo: Xé bỏ vô minh, vén chân tướng, hình hài, vọng tưởng. Chữ rơi thành lá vàng. Đạp phên dậu thân xác mà đi.
Quán tưởng lời vị sư già nơi mái chùa hoang lạnh, nghe mưa lá xao xác cả cõi Thiền, Nguyễn giật mình. Cõi người lạnh. Mịch La đầy xác người. Biết là đi đâu? Sư bảo: Tìm người. Đáp: Đã tìm. Bảo: Chưa đủ. Đáp: Bao nhiêu là đủ? Bảo: Bao giờ thấy đủ là đủ. Lại hỏi: Người tìm là ai? Đáp: Hồng nhan mây trắng.
Nguyễn không hỏi nữa. Mồ hôi đêm chùa lạnh mà vả ra đầy áo. Chén trà khuya cạn vơi tối tháng chạp Thiên Thai có giọt nước mắt sầu bi của một thi nhân đang chợt thấu đến tận cùng nỗi cô đơn trần thế. Mưa lá vẫn đổ hồi từng trận…
Sư già bất đồ gõ cây thiền trượng được làm bằng loại cây hiếm Phong Tiêu ở núi Hồng Lĩnh lên tảng đá được đem về từ núi Nhạn. Sư nói với bóng mình. Ngữ ngôn âm trầm như một bài kệ. Nước mắt chung trà khuya hòa với nước mắt hồng nhan, người sẽ cởi được vận phong tình.
Nói đoạn, sư già núi Thiên Thai chìm vào sương mưa. Am mây đã khép. Cảnh ảo. Người ảo. Định mệnh ảo. Vòng tròn màu đỏ to bằng hạt đậu trên vai lặn vào da thịt.
Thi nhân rẽ lối vào cõi người. Cõi Đạm. Ở đó, máu bắt đầu thấm trào ngọn bút. Mắt bắt đầu vén màu mây đục của vô minh để thông suốt sáu cõi lụy phiền.
Từ đó, máu là máu thật.
Nam hải Điếu Đồ bây giờ là Tố Như tóc xõa, chân trần, không áo mão cân đai. Tố Như cúi lạy khoảng không với nỗi đau xé lòng, miệng lẩm bẩm như người động kinh.
Trời xanh ơi xin hãy cho con bút lực.
3.
Nẻo về. Thuyền như một bè lau. Gió sông vẫn hun hút. Lòng Tố Như động đậy trong những âm thanh yên tĩnh nhưng đầy sóng của thiền sư.
Trong khoảng khắc định mệnh, bè lau chở Tố Như trầm ổn đến bất động. Nó đưa chàng vào cõi Đạm hun hút hồng nhan.
Đó là một đêm trừ tịch năm 1783. Lúc nầy, hàn sĩ họ Nguyễn mới mười bảy tuổi. Cha mẹ mất sớm, Nguyễn phải ở với ông anh đầu cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản. Khản đỗ tiến sĩ được chúa Trịnh tin dùng nên làm đến chức Bồi Tụng trong phủ. Khản thích hát xướng, không lúc nào bỏ tiếng trúc, tiếng tơ. Ngày bố là tể tướng Nguyễn Nghiễm mất, ngày rỗi cũng sai con tấu đồ khúc. Ca kỹ trong nhà đông vô kể. Một ngày mưa gió ủ ê đất Bắc, thấy Nguyễn buồn, Khản sai mời người đẹp Trà Châu, vốn là một ca kỹ nức tiếng đất Thăng Long tấu khúc Phụng Cầu Hoàng tặng Nguyễn.
Rượu ngon, cung đàn ai oán, môi mắt mỹ nhân, máu nóng dồn lên ngực, Nguyễn chạm vào cõi Đạm.
Cài lại cúc áo cho Trà Châu, Nguyễn quỳ xuống hôn lên gót chân Thăng Long kiều diễm. Nguyễn hỏi nàng thân thế. Trà Châu cười mà mắt khóc y hệt mắt Kiều nơi bãi tha ma có mùa xuân phía trước. Thiếp chỉ là phong trần về từ cõi Đạm…
Nói đoạn. Trà Châu sửa sang xiêm áo, đốt chung trầm hương có ngọn khói xanh màu tóc rồi ôm đàn, tan vào thinh không với câu hát mộng triệu mà đứt đoạn. Hát rằng:
Mua vui
cũng được
một vài trống canh.
Bấy giờ, hàn sĩ họ Nguyễn vẫn còn ngơ ngác như người vừa tỉnh mộng. Mộng tài tử giai nhân… Trống canh điểm liên hồi. Nguyễn nhìn xuống gối mộng thêu hoa. Tóc mai mấy sợi Trà Châu với chiếc thoa màu ngọc bích.
Nguyễn tưởng nàng bỏ quên và không bao giờ nghĩ rằng, Trà Châu cố ý để lại cho Nguyễn.
Thoa ly tao đau như ruột cắt. Mãi hôm nay, ngẫm lời sư, Nguyễn mới thấu tâm ý hồng nhan.
Nàng muốn chàng dấn mình vào cõi Đạm.
4.
Tố Như lênh đênh trên cõi Đạm. Sông Hương điểm tiếng trống cầm canh. Trong tiếng trống cầm canh vọng thời gian lại có tiếng hát văng vẳng nơi đầu sông cuối bãi. Giọng buồn nghe như tiếng của hồng nhan xao xác: “Trong như tiếng hạc bay qua. Đục như tiếng suối mới sa nửa vời”. Bất đồ, giữa khoảng sông nước tĩnh lặng đến liêu trai, chàng nghe trên sông có tiếng sóng nước lùa trăng. Trong gió thoảng lại có tiếng Hồ Cầm thánh thót. Nghe kỹ, sóng đùa âm, tỏa buốt lạnh cõi người. Vận nỗi phong tình chảy máu từ phế phủ, Nguyễn đoán định người đàn bà là người đẹp, tinh thông ngũ âm, lòng nàng lại như cắt ruột, rung đau thương tinh huyết lên bốn dây, mười ba phím của Hồ Cầm.
Thể phách tan trong sóng nhạc, hồn Nguyễn nhập thuyền đối diện với nhân thân. Chàng nghe lời mình trong gió thoảng. Cõi Đạm lại diện kiến hồng nhan.
Đêm ấy, chàng trở về trướng phủ gấm hoa nhưng mình trần, tóc xõa. Nửa đêm về sáng, Nguyễn mơ thấy Đạm Tiên. Người cuối cùng của cõi Đạm. Đạm Tiên dáng mỏng cánh chuồn, mắt buồn như thu cả vạn chiều mưa trần thế. Thoảng trông, Đạm có nét giống người đẹp Trà Châu buổi trăng non xứ Bắc lại có nét đài trang tre trúc của mỹ nhân đêm Hương Giang.
Đạm nhìn Nguyễn, im lặng. Nàng đi như khói đến chỗ án thư. Nơi có ngọn bạch lạp bắt đầu lụi tàn. Ở đó, có một tập giấy trắng chưa một tuồng chữ.
Nàng lấy chiếc thoa của Trà Châu ngày cũ đâm vào năm đầu ngón tay nhỏ máu. Đạm một mình Hồ Cầm tấu khúc. Đó là cây Hồ Cầm bốn dây mười ba phím mà mỹ nhân đã bỏ lại cho Tố Như đêm tháng chạp năm 1805 trên sông Hương.
Tiếng đàn nhỏ máu xuống những trang giấy. Giấy hồng nhan.
Huế. Mùa bão. 2013
B.L.Q
(SH297/11-13)